Khai Dân Trí |
Tác Giả: Ls. Lê Công Ðịnh | |||
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 04:36 | |||
Luật sư Lê Công Định - Phó Chủ nhiệm Luật sư Đoàn, người chấp bút bản Tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa. Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine đã có buổi nói chuyện ngắn, nhưng lý thú, vào chiều ngày 20/9/2006 tại Sài Gòn về quan hệ Việt-Mỹ. Ông đã có một số nhận xét đáng chú ý về nạn tham nhũng nghiêm trọng và sự thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Sau bài phát biểu là phần hỏi đáp theo thông lệ. Thính giả hôm ấy, ngoài báo giới, phần đông là giới trí thức ở những lĩnh vực khác nhau, một số có tên tuổi trong xã hội. Người thông thái không đến từ câu trả lời mà từ câu hỏi. Nghe nội dung và cách hỏi người ta có thể nhận biết được người hỏi ở thang bậc nào của chỉ số trí tuệ, và thậm chí, văn hóa. Tất cả những câu hỏi hôm ấy, đáng buồn thay, không thể hiện được tầm vóc của “trí tuệ Việt” mà thiên hạ đang cổ súy. Dù vậy, nhận định vui hay buồn về “trí tuệ Việt” không phải là chủ đề của bài viết này. Buổi nói chuyện ngắn về đề tài ngoại giao của ông Đại sứ Mỹ chiều hôm ấy khiến người ta ưu tư về một đề tài khác không kém phần quan trọng, đó là giáo dục. Trong số những người đặt câu hỏi hôm ấy, đáng chú ý có một vị xưng danh là “chuyên gia kinh tế”. Vị này hỏi rằng Việt Nam nên theo đuổi chính sách phát triển kinh tế nào khi mà nền kinh tế tự do luôn mang đến nhiều bất ổn xã hội và rối loạn chính trị, với bằng chứng là ở Thái Lan ngày 19/9/2006 đã xảy ra đảo chính quân sự! Thính giả hôm ấy quả thật kinh ngạc trước lối tư duy như vậy. Ai cũng biết cuộc chính biến vừa qua ở Thái Lan không những không mang đến bất ổn xã hội mà còn giúp giải quyết tình trạng rối loạn chính trị đang đi đến cực điểm do nạn tham nhũng bất trị của Chính phủ Thaksin Shinawatra gây ra, chứ không phải xuất phát từ chính sách kinh tế tự do của ông cựu Thủ tướng này. Mặt khác, trên thực tế, hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào giữa chính sách kinh tế tự do với đảo chính quân sự, bất ổn xã hội và rối loạn chính trị. Có thể kể ra nhiều bằng chứng hiển nhiên ngược lại với nhận định nông cạn ấy. Rõ ràng những suy nghĩ kiểu như trên là điều thường thấy trong một nền giáo dục ít quan tâm đến việc trang bị cho cá nhân những kiến thức khả dụng và kỹ năng phân tích độc lập. Niềm tin của vị “chuyên gia” đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những “định đề”, đặc biệt trong lĩnh vực sử học, đã gắn chặt vào đầu óc các thế hệ sinh viên Việt Nam sau khi họ được nhào nắn khéo léo trong khuôn khổ nền giáo dục hiện tại. Ai cũng tưởng lời thuyết giảng trên giảng đường là chân lý bất biến, không cần chứng minh, kể cả những người hay hoài nghi và tin rằng mình khá tự chủ. Nhìn vào hệ thống giáo dục từ trước đến nay có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc đề cao suy nghĩ cá nhân và phương pháp nghiên cứu độc lập hoàn toàn thiếu vắng tại các trường trung học và giảng đường đại học. Mục tiêu giáo dục chỉ nhằm nhồi nhét kiến thức đủ để đối tượng của nền giáo dục trở thành những chiếc đinh ốc chỉ biết nhảy múa theo nhịp điệu vận hành của cỗ máy nhà nước và xã hội đã được hoạch định sẵn chương trình hoạt động theo “cơ chế”. Học sinh và sinh viên thì lười biếng tìm hiểu nguồn gốc và cơ sở của các kiến thức và thông tin được “mớm” cho mình, vì bậc cha chú và thầy cô không khuyến khích thói quen tranh luận, đối thoại, và thậm chí từ chối thừa nhận dấu ấn cá nhân trong nhân sinh quan. Giới nghiên cứu học thuật thì lờ đi hoặc ít quan tâm đến việc chú giải chi tiết nguồn gốc thông tin mà mình viện dẫn trong các công trình và luận án khoa học, vì có vẻ khắp nơi người ta mặc nhiên ăn cắp ý tưởng của người khác mà không cảm thấy ngần ngại hay xấu hổ. Mặt khác, chưa bao giờ ở xã hội Việt Nam lại có nhiều tiến sĩ như vậy. Một thời dân chúng nhạo báng quan chức không được học hành tử tế, nhưng giờ đây, như để tránh ánh mắt miệt thị của dân chúng, vị quan to nào cũng rủng rỉnh một mảnh bằng tiến sĩ hoặc chí ít là thạc sĩ. Nạn mua bán bằng cấp do tâm lý chuộng nhãn hiệu trí tuệ bề ngoài hơn thực học báo hiệu thực trạng suy đồi không tránh khỏi của nền giáo dục cùng hệ lụy của nó là suy đồi đạo đức. Bà Trần Thị Lệ Mẹ của LS Lê Thị Công Nhân. Cải cách giáo dục tại Việt Nam xem ra là một vấn đề nan giải, không chỉ đơn thuần được giải quyết bằng cách trả lương cao cho giới giáo chức hoặc tăng cường kiểm soát quy trình soạn thảo nội dung sách giáo khoa. Thật ra, tương lai hệ thống đào tạo nhân tài cho quốc gia tùy thuộc vào việc khi nào nhà nước chấm dứt sự can thiệp nghiệt ngã vào nội dung giảng dạy ở bậc trung học và đào tạo ở bậc đại học. Giáo dục là một lĩnh vực chuyên môn cần được dành quyền tự trị một cách tối đa. Chỉ người tiêu dùng, tức phụ huynh trả tiền cho con em đi học và chính người đi học, có quyền thẩm định chất lượng sản phẩm giáo dục của các cơ sở đào tạo. Không cần quá lo ngại tình trạng lừa đảo thường thấy trong hoạt động đào tạo vì luật pháp và xã hội đã có đủ những công cụ cần thiết để xử lý. Dân trí chỉ có thể được “khai hóa” khi người dân được cung cấp kiến thức và thông tin đa chiều để tự mình thẩm định và tiếp nhận nội dung của kiến thức và thông tin ấy. Trường lớp, một công cụ của giáo dục, chỉ thủ giữ vai trò hướng dẫn và cung cấp phương pháp tư duy và phân tích cho đối tượng của nền giáo dục. Người dân, khi tranh luận, thậm chí thách thức, những kiến thức và thông tin sai lệch sẽ không gặp rắc rối về phương diện pháp lý với nhà cầm quyền, hay tối thiểu cũng nhận được sự bảo đảm và bảo vệ của luật pháp. Chỉ như vậy thì nền giáo dục mới hoàn thành được trọng trách “khai dân trí” của mình.
|