Home Đời Sống Tài Liệu Cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học Nga trên đèo Dyatlov

Cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học Nga trên đèo Dyatlov PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Hòa (theo Historia)   
Thứ Ba, 09 Tháng 6 Năm 2009 00:59

 Igor Dyatlov - Chỉ huy nhóm thám hiểm. 
Cho đến nay, nguyên nhân cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học người Nga tại dãy núi Ural của Nga vào tháng 2/1969 vẫn chưa được làm sáng tỏ, cho dù đã có nhiều cuộc điều tra không chỉ của cảnh sát, của các nhà khoa học mà còn của cả các phương tiện thông tin đại chúng. 
 

Vào tháng 1/1969, một nhóm 10 nhà khoa học làm việc tại Viện Bách khoa Ural, nay là Đại học Kỹ thuật quốc gia Ural, quyết định thực hiện một cuộc thử nghiệm về tác động của độ cao và thời tiết khắc nghiệt đối với cơ thể người bằng cách tổ chức leo lên ngọn núi Kholat Syakhl (dân địa phương gọi là núi “Tử thần”) có độ cao 1.895m, nằm về phía bắc của dãy Ural. Ural là dãy núi có chiều dài 2.500km kéo dài từ thảo nguyên của nước Cộng hòa Kazakhstan đến tận vùng bờ biển Bắc Cực ở phía tây nước Nga. 

Khởi hành từ thành phố Sverdlovsk vào ngày 23/1/1969, nhóm thám hiểm do kỹ sư Igor Dyatlov phụ trách, đến thành phố Ivdel vào ngày 25/1. Tại đây, cả nhóm tiếp tục di chuyển bằng xe tải đến thị trấn Vizhai là điểm dân cư cuối cùng gần sát chân dãy Ural.  

Đến ngày 27/1, một thành viên trong nhóm tên Yuri Yudin bị bệnh nên buộc phải quay về lại thành phố Sverdlovsk. Đến ngày 31/1, nhóm thám hiểm đến dưới chân ngọn Kholat để chuẩn bị cho cuộc chinh phục ngọn núi này. Tại đây, họ chặt cây làm một kho dự trữ thực phẩm và dụng cụ để sử dụng khi quay trở lại.

 Sáng ngày 1/2, nhóm thám hiểm bắt đầu thực hiện việc leo núi. Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ cố leo đến một ngọn núi ở độ cao 565m ngay trong ngày và cắm trại qua đêm tại đây. Tuy nhiên, do gặp bão tuyết nên họ bị mất phương hướng và đi lạc đến một đèo nằm ở phía bên kia sườn của ngọn Kholat. Và khi biết bị nhầm, nhóm trưởng Dyatlov ra lệnh cho cả nhóm hạ trại qua đêm tại đây.

 Theo dự kiến, nhóm thám hiểm chỉ mất có ba ngày để leo lên đỉnh ngọn Kholat, sau khi thực hiện một số thử nghiệm, họ sẽ xuống núi về lại thị trấn Vizhai. Tại đây, Dyatlov sẽ có nhiệm vụ  đánh điện báo tin cho Viện Bách khoa Ural biết tình hình. Nhưng mãi đến ngày 15/2 vẫn không thấy Dyatlov liên lạc nên Viện Bách khoa Ural quyết định cử một nhóm cứu hộ đến nơi để xem xét tình hình. Đến ngày 20/2 thì cả cảnh sát và quân đội cũng được huy động tham gia vào việc tìm kiếm.

 
Những căn lều bị phá nát tại địa điểm hạ trại của nhóm thám hiểm trên đèo Dyatlov.

Đến ngày 26/2, những người cứu hộ đã đến được địa điểm hạ trại của nhóm thám hiểm và phát hiện các căn lều đã bị phá nát nhưng không tìm thấy bất cứ một ai trừ dấu vết của chân người. Lần theo những dấu vết này, những người cứu hộ tìm thấy cách nơi hạ trại gần 500m thi thể của 2 nạn nhân, trên người chỉ mặc quần áo lót. Danh tính hai nạn nhân được xác định là Georgy Krivonishenko và Yuri Doroshenko.  

Mở rộng cuộc tìm kiếm, những người cứu hộ thìm thấy thêm 3 thi thể khác nằm cách nơi hạ trại 300, 400 và 630m. Danh tính ba nạn nhân được xác định là nhóm trưởng Igor Dyatlov, Zinaida Kolmogorova và Rustem Slobodin. Phải mất thêm 2 tháng nữa thì xác của 4 nhà thám hiểm còn lại mới được tìm thấy vào ngày 4/5, nằm sâu dưới 4m tuyết tại một cái hố cách nơi họ hạ trại chừng 1,5km.

Ngay sau khi tìm thấy 5 thi thể đầu tiên, một cuộc điều tra quy mô liền được tiến hành. Giám định pháp y cho biết cả 5 nạn nhân không bị bất cứ chấn thương nào, có thể họ bị chết vì thân nhiệt xuống thấp đột ngột.

 Một trong số các nạn nhân bị một chấn thương nhỏ ở đầu nhưng đó không phải là một vết thương gây tử vong. Tuy nhiên giám định pháp y của 4 thi thể được tìm thấy vào tháng 5 lại làm thay đổi sự nhìn nhận của các nhà điều tra. 3 trong số 4 nạn nhân bị nhiều chấn thương nặng. Thi thể của Nicolas Thibeaux-Brignollel bị chấn thương nặng ở vùng đầu, còn thi thể của Ludmila Dubinina và Alexander Zolotarev bị nhiều chấn thương ở ngực.

 Theo giám định, cả 4 nạn nhân đều bị một lực rất lớn, tương đương trọng lượng của một chiếc xe tải, va đập vào. Một trong 4 nạn nhân còn bị đứt cả lưỡi. Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là các nạn nhân đã bị giết hại bởi thổ dân người Hansi vốn sinh sống từ lâu trên dãy Ural khi những người thám hiểm vô tình xâm phạm vào lãnh địa của thổ dân. Tuy nhiên, giả thuyết này sau đó bị bác bỏ vì không tìm thấy bất cứ dấu vết chứng minh thổ dân Hansi đã có mặt tại hiện trường.

  
Bia tưởng niệm 9 nạn nhân.
Đến tháng 8/1969, các cuộc điều tra của cảnh sát đã dẫn chứng những điểm sau:

- Có tất cả 6 thành viên của nhóm thám hiểm chết do thân nhiệt giảm đột ngột, 3 thành viên còn lại chết do bị chấn thương nặng.

- Không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào chứng minh có người lạ xuất hiện tại hiện trường hay khu vực xung  quanh.

- Tất cả lều của nhóm thám hiểm đều bị phá hỏng.

- Tất cả các nạn nhân đều chết sau bữa ăn tối từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ.

- Dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy tất cả 9 nạn nhân đều bỏ chạy ra khỏi lều và sau đó lần lượt tử vong tại nhiều địa điểm khác nhau.

- Chấn thương gây ra cho 3 nạn nhân được tìm thấy vào tháng 5 là do một lực rất mạnh gây ra.

- Áo quần của các nạn nhân đều bị nhiễm phóng xạ. 

Từ các dẫn chứng này mà cảnh sát đưa ra kết luận nguyên nhân gây tử vong cho nhóm thám hiểm là do "một lực rất mạnh khó hiểu" gây ra. Kết luận này tuy là cơ sở để cảnh sát khép lại cuộc điều tra nhưng các nhà khoa học vẫn không bỏ cuộc, các phương tiện truyền thông cũng tiến hành các cuộc điều tra độc lập. Mặc dù vậy, tất cả các hồ sơ liên quan đến cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học Nga vẫn không được công khai. 

Vào thập niên 90, thế kỷ XX, cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học trên đèo Dyatlov (để tưởng nhớ các nạn nhân, chính quyền địa phương đã lấy tên của Igor Dyatlov, người chỉ huy cuộc thám hiểm, đặt tên cho đèo là nơi mà vụ tai nạn xảy ra) mới được công khai từng phần khi Liên Xô sụp đổ. Từ các hồ sơ này mà người ta mới biết thêm rằng da của các nạn nhân sau một thời gian đều chuyển sang màu cam, còn tóc thì chuyển thành màu xám.  

Riêng mức độ nhiễm xạ tại đèo Dyatlov tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn là rất cao nhưng các nhà điều tra không biết nguồn phóng xạ phát ra từ đâu. Ngoài ra, một ghi nhận được báo cáo của một nhóm leo núi cách đó 60km cho biết họ thấy xuất hiện một vật lạ chói lòa ánh sáng màu cam trên ngọn Kholat vào đúng thời điểm xảy ra tai nạn của 9 nhà thám hiểm người Nga.

 Trước đó, hiện tượng tương tự từng xảy ra vào tháng 1 và tháng 2/1969 tại vùng Ivdel. Một tài liệu khác còn ghi nhận báo cáo của một số nhân chứng về sự xuất hiện của nhiều tiếng động lạ, như tiếng va đập của kim loại với nhau trên ngọn Kholat vào thời đểm xảy ra vụ tai nạn.

 Từ những tài liệu mới được tiết lộ này mà các cuộc điều tra độc lập đã được các nhà khoa học, các phương tiện thông tin tiến hành từ năm 2000 đến nay với nhiều giả thuyết được đưa ra như đây có thể là một vụ tai nạn chết người do tuyết lở hay có thể đây là một cuộc tấn công của một vật thể bay lạ đến từ bên ngoài trái đất... Cho đến nay, vụ tai nạn này vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử