Văn Hóa Ứng Xử Của Pháp Và Việt nam (Qua Ngữ Liệu Tục Ngữ Và Ca Dao) |
Tác Giả: Phạm Thị Anh Nga | |||
Thứ Năm, 28 Tháng 5 Năm 2009 07:20 | |||
Khi nghiên cứu và phân loại các nền văn hoá và văn hoá ứng xử, các nhà nghiên cứu đã phân chia các xã hội thành những xã hội thiên về gần gũi hay xa cách, thiên về bình đẳng hay thứ bậc... Một khía cạnh khác của quan hệ giữa người và người cũng được quan tâm tìm hiểu, đó là mối quan hệ liên ứng hay xung đột, cho phép phân định các xã hội tuỳ theo xu hướng của xã hội đó thiên về quan hệ liên ứng (éthos consensuel) hay quan hệ xung đột (éthos confrontationnel) . Trong bài viết này chúng tôi thử tìm hiểu xem tục ngữ ca dao (TNCD) của Pháp và Việt Nam thể hiện thiên hướng của văn hoá mình như thế nào trên trục đối lập liên ứng - xung đột (consensus - conflit) này. Đối lập giữa quan hệ liên ứng và quan hệ xung đột Tất nhiên, trong mọi xã hội, phải có một mức độ tương đồng tối thiểu giữa những người tương tác, thì giao tiếp mới có thể diễn ra. Nhưng tương đồng đến mức nào là hợp lý, thì tuỳ từng cộng đồng văn hoá mà mức độ ấy biến đổi rõ rệt [C. Kerbrat-Orecchioni 1994 : tr. 83-84]. Đối với các nền văn hoá thiên về quan hệ liên ứng, tha giác (empathie) có giá trị tuyệt đối, và con người luôn tìm cách hoà hợp với kẻ khác và tránh xung đột bằng mọi cách có thể. Họ có xu hướng tăng đến mức tối đa các điểm giống nhau và giảm đến mức tối thiểu những điểm khác biệt. Ở mức độ lý tưởng nhất, con người luôn nhất trí, thậm chí tiến đến mức tự đồng hoá với nhau. Những biểu hiện thường thấy là : các từ đệm trong nói năng, nụ cười, việc tránh nói "không", việc che dấu sự bất đồng, cách nói gián tiếp, lòng vòng. Theo C. Kerbrat-Orecchioni, người Nhật là một thí dụ điển hình cho xu hướng này. Thử xem xét thói quen ứng xử của người Việt Nam thể hiện qua TNCD, ta thấy quả thật người Việt Nam chúng ta đánh giá rất cao sự hoà hợp trong giao tiếp, ngợi ca sự hoà thuận ấm êm, và chê cười, lên án sự đối đầu, xung đột: "Trong ấm, ngoài êm"; "Cơm lành canh ngọt"; "Một sự nhịn bằng chín sự lành"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn"; "Nhất sự thuận, vạn sự lành"; "Trên kính dưới nhường"; "Tứ hải giai huynh đệ" (Bốn bể đều là anh em); "Đầu chày nói có, cuối chày nói không"; "Kẻ nói đơn, người nói kép"; "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; "Bênh con, lon xon mắng người"; "Vì trẻ con, mất lòng người lớn". Sự hoà thuận ấm êm đó có được chính là do nỗ lực và thiện chí của con người, bởi thực tế và con người thường phức tạp và đa dạng: "Bá nhân, bá khẩu"; "Chồng bát còn có khi xô"; "Bát dĩa còn có khi chạm nhau". Kinh nghiệm về nghệ thuật ứng xử sao cho thuận thảo cũng đã được đúc kết và lưu truyền trong dân gian: "Râu tôm nấu với ruột bầu - Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon"; "Chị em trên kính dưới nhường - Là nhà có phúc mọi đường yên vui"; "Đưa nhau ra trước cửa quan - Bên ngoài là lý bên trong là tình"; "Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình"; "Tranh quyền cướp nước gì đây - Coi nhau như bát nước đầy là hơn"; "Đất chẳng chịu trời, trời phải chịu đất". Có khi kinh nghiệm chỉ nhắc đến sự cố gắng của "người dưới" (vợ, con dâu) so với "bề trên" (chồng, mẹ chồng): "Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê"; "Từ khi em về làm dâu, Thì anh dặn bảo trước sau một lời: Mẹ già dữ lắm em ơi! Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha. Nhịn cho nên cửa nên nhà, Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.". Cũng có thể nói, trong số những biện pháp được vận dụng để giữ không khí đồng thuận, có nỗ lực tăng cường những điểm giống nhau và giảm thiểu những điểm khác biệt: "Đi với bụt mặc áo cà sa - Đi với ma mặc áo giấy"; "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"; "Lòng vả cũng như lòng sung". Trường hợp không đồng nhất ý kiến hoặc một bên tỏ ra nóng nảy, thì người kia cần có thái độ dung hoà, không bày tỏ ý kiến chống đối một cách trực tiếp mà sử dụng những biện pháp giảm nhẹ hay gián tiếp: "Lạt mềm buộc chặt"; "Già néo đứt dây"; "Chồng giận thì vợ làm lành - Miệng cười chúm chím rằng anh giận gì"; "Cơm sôi cả lửa thì trào". So với những nền văn hoá thiên về quan hệ liên ứng, các nền văn hoá thiên về quan hệ xung đột tỏ ra chịu đựng tốt hơn, thậm chí khoan dung hơn, đối với những giao tiếp có tính xung đột. Điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng mỗi cá nhân đều có nhu cầu và quyền tự khẳng định, và khi cần thiết thì có thể đối đầu với người khác. Biểu hiện cho xu hướng này có thể là: cách nói thẳng, trực tiếp, và có thể xung đột trong phạm vi những mối quan hệ thân thuộc. Con người thuộc các nền văn hoá này yêu thích sự bất đồng : đối với họ, giao tiếp không nhằm mục đích huớng đến sự nhất trí, và tình trạng bất đồng được duy trì một cách có hệ thống và thường được ưa chuộng. Theo C. Kerbrat-Orecchioni, văn hoá Pháp thuộc về loại văn hoá thứ hai này. Đối với họ, sự đồng tình, nhất trí bị đánh giá là quá mềm yếu, quá "nhũn". Đối thoại dễ dàng chuyển thành tranh luận, người ta phát biểu với tư cách là "cái tôi" một cách rõ rệt, và với những ý kiến chống đối, trái ngược nhau. Không những người Pháp thiên về quan hệ xung đột, mà họ còn cảm thấy vui thú khi tham dự vào những cuộc đối đầu như thế. Quả thật, đối với người Pháp, trong cuộc sống nói chung tình trạng hoà bình chỉ là tạm thời, và sự xung đột, đối đầu mới là vĩnh cửu: "Les hommes ne vivraient pas longtemps en société, s'ils n'étaient dupes les uns des autres" (Con người sẽ không sống lâu trong xã hội, nếu họ không bị lừa bịp lẫn nhau); "En politique comme en amour, il n'y a point de traités de paix, ce ne sont que des trêves" (Về mặt chính trị cũng như trong tình yêu, không có hiệp ước hoà bình, mà chỉ có đình chiến). Ứng xử được đề cao trong giao tiếp và nói năng là thái độ thẳng thắn: "Il faut qu'une porte soit ouverte ou fermée" (Một cánh cửa phải hoặc mở hoặc đóng = Không được nửa chừng). Thái độ thẳng thắn đó vẫn có giới hạn, bởi vì không phải bao giờ cũng nên nói và nói hết sự thật: "Il n'est permis d'affirmer qu'en géométrie" (Chỉ trong lĩnh vực hình học mới được phép khẳng định); "La dissimulation est un effort de la raison, bien loin d'être un vice de la nature" (Giả vờ là một nỗ lực của lý trí, còn xa mới là tật xấu của tự nhiên); "Le plus sage se tait" (Kẻ khôn ngoan nhất thì im lặng). Nhưng xu hướng thống trị vẫn là thái độ thiên về xung đột, xem xung đột là điều hợp quy luật, không tránh được, đương nhiên phải có giữa người và người: "Deux gloutons ne s'accordent pas à une même assiette" (Hai con chồn thông không thể nhất trí với nhau trong cùng một đĩa); "Deux chiens à un os ne s'accordent" (Hai con chó không thể nhất trí với nhau về một khúc xương); "Il n'y a deux crabes mâles dans un même trou" (Trong cùng một lỗ không (thể) có hai con cua đực = Hai tính cách mạnh không thể hợp tác trong cùng một công việc); "Il vaut mieux être marteau qu'enclume" (Làm búa tốt hơn là làm đê: Tấn công tốt hơn là bị tấn công); "Le monde est un vaste temple dédié à la Discorde" (Voltaire) (Thế giới là một ngôi đến bao la cung hiến cho Sự Bất hoà); "On ne peut ménager la chèvre et le chou" (Không thể đối xử khéo léo với cả cừu lẫn cải bắp = Không thể làm mọi người hài lòng). Mỗi cá nhân đều có quyền có (và nên có) những ý kiến riêng của bản thân: "Chacun voit avec ses lunettes" (Mỗi người nhìn thấy qua đôi kính của mình = Mỗi người nghĩ theo một cách riêng); "Des goûts et des couleurs, on n'en discute pas" (Không thể tranh luận về khẩu vị và màu sắc = Mỗi người đều có những ý thích, sự chọn lựa riêng, khác với những người khác); "Autant de têtes autant d'avis" (Bao nhiêu cái đầu, bấy nhiêu ý kiến). Đặc biệt, người Pháp thực sự tìm thấy thú vui trong việc đối đầu, tranh luận, mà mục tiêu cuối cùng không phải là đi đến chỗ thống nhất ý kiến: "Le plaisir des disputes, c'est se faire la paix" (Thú vui của sự cãi cọ là khi làm lành với nhau); "Contredire, c'est souvent frapper à la porte pour savoir s'il y a quelqu'un à la maison" (Nói ngược lại thường là gõ vào cánh cửa để biết trong nhà có ai không); "Qui ne nourrit pas le chat nourrit le rat" (Kẻ nào không nuôi mèo tức là nuôi chuột); "De la discussion jaillit la lumière" (Ánh sáng loé lên từ tranh luận = Những ý tưởng mới, hay chân lý, được nẩy sinh từ sự đối đầu của những ý kiến khác nhau hay trái ngược nhau); "Fort est qui abat, plus fort est qui se relève" (Kẻ tấn công là kẻ mạnh, kẻ nhổm dậy còn mạnh hơn); "Toute discussion porte profit" (Mọi cuộc tranh luận đều có lợi); "La discussion réveille l'objection et tout finit dans le doute" (Tranh luận khơi dậy lý lẽ phản bác, và tất cả kết thúc trong nghi ngờ); "Le but de la discussion ne doit pas être la victoire, mais l'amélioration" (Tranh luận không được nhắm đến mục đích là chiến thắng, mà là cải thiện). Những biện pháp giải quyết xung đột Ứng xử đối với những xung đột trong giao tiếp đặt ra cho mỗi nền văn hoá một số vấn đề sau: (1) Thứ nhất, có những phương thức nào để tránh xung đột, hay để giải quyết xung đột khi nó đã nổ ra ? Tất cả các cộng đồng người đều xây dựng những trình tự có tính nghi thức để giải quyết xung đột, cả những xung đột cá nhân lẫn những xung đột thiết chế, bởi vì mọi xung đột đều tạo nguy cơ không những cho những cá nhân trực tiếp xung đột, mà cho cả toàn xã hội. Do đó xã hội có trách nhiệm đối với xung đột đó, "xử lý" nó ở phạm vi công cộng, bằng cách nào đó loại trừ tai hoạ đang có nguy cơ làm bại hoại toàn xã hội, chẳng hạn bằng cách cử những người trung gian làm nhiệm vụ giảng hoà. (2) Một vấn đề khác liên quan đến xung đột là những mối quan hệ giữa xung đột và ngôn ngữ cợt đùa. Những mối quan hệ này được quan niệm rất khác nhau từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác. Nói đùa có thể ở nơi này được chấp nhận, thậm chí khuyến khích, nhưng ở nơi khác lại bị cấm đoán. Cũng có những nền văn hoá chấp nhận những lời cợt đùa trong phạm vi quan hệ thân thuộc. Như đã trình bày ở trên, trong văn hoá ứng xử của người Việt Nam, xu hướng nói chung là hết sức gìn giữ sự hoà thuận và tránh đến mức tối đa mọi khả năng gây xung đột, bằng những phương cách được vận dụng để gìn giữ mối quan hệ liên ứng, mà nhân dân Việt Nam đã đúc kết trong TNCD của mình. Ở đây, nhiệm vụ còn lại của chúng ta là xem xét những biện pháp giải quyết xung đột riêng về phía người Pháp. Với xu hướng yêu thích đối đầu, thậm chí tìm thấy sự vui thú trong xung đột như thế, người Pháp có những biện pháp nào để giải quyết xung đột và tránh những hậu quả đáng tiếc cho cá nhân và toàn xã hội? Trước tiên, một số tục ngữ Pháp có đề cập đến những nguyên nhân có thể gây xung đột, dù đó không phải là những nguyên nhân duy nhất: "De mauvais contrat, longue dispute" (Giao kèo kém thì cãi cọ lâu); "Deux coqs vivaient en paix; survint une poule..." (Hai chú gà trống đang sống yên lành; bỗng xuất hiện một ả gà mái...); "La dernière goutte d'eau est celle qui fait déborder le vase" (Giọt nuớc cuối cùng chính là giọt làm tràn bình nuớc = Khi con người bị dồn nén quá mức, chỉ một việc nhỏ không quan trọng cũng có thể tạo sự thay đổi đột ngột). Cũng có thể kể ra đây một câu châm ngôn của Corneille, nhà viết kịch Pháp thế kỷ XVII: "Jamais un envieux ne pardonne un mérite" (Không bao giờ kẻ đố kỵ lại tha thứ cho một công trạng). Tục ngữ Pháp cũng cho thấy, để tránh gây ra xung đột, đối với người Pháp phải tuyệt đối không làm tổn thương hay xâm phạm tài sản của người khác: "Il ne faut pas clocher devant les boiteux" (Chớ đi khập khiễng trước mặt người què); "L'on ne doit pas mettre la faux en autrui blé" (Chớ cho lưỡi liềm vào vạt lúa người = không được xâm phạm vào của cải của kẻ khác). Ngoài ra, thái độ khôn ngoan là không chấp nhặt trước những lời lẽ không xứng đáng, không xen vào những xung đột của những người khác, và đặc biệt là cần tránh những xung đột có thể gây tác hại cho quyền lợi riêng: "À paroles lourdes, oreilles sourdes." (Với lời nặng nề, thì tai cứ điếc); "À coup de langue, écu d'oreille" (Lưỡi tấn công, tai làm khiên đỡ = Nên bỏ ngoài tai những lời xấu); "À sotte demande, il ne faut point de réponse" (Với những đòi hỏi ngu ngốc thì chớ trả lời); "Il ne faut pas mettre le doigt entre l'arbre et l'écorce" (= Chớ đặt ngón tay vào giữa thân cây và vỏ cây = Không được can thiệp vào những cuộc cãi vã của thiên hạ); "Entre l'enclume et le marteau, il ne faut pas mettre le doigt." (Chớ đặt tay vào giữa đe và búa); "Qui veut vivre à Rome ne doit pas se quereller avec le Pape" (Kẻ nào muốn sống ở La Mã thì không được gây chuyện với Giáo hoàng). Với những người đã trót sai lầm nhưng có thiện chí nhận lỗi và sửa chữa, thì cần có thái độ bao dung độ lượng tha thứ: "Dieu ne veut pas la mort du pécheur" (Trích trong Kinh thánh: Chúa không muốn kẻ có tội phải chết); "Faute avouée est à moitié pardonnée" (Tội lỗi đã thú thì được tha thứ phân nửa); "À tout pécheur miséricorde" (Cần khoan dung với mọi kẻ có tội); "N'ayez d'intolérance que vis-à-vis de l'intolérance" (Chỉ nên không khoan dung đối với tính cố chấp). Cũng có khi xung đột dẫn đến những tình huống xấu không thể nào cứu vãn được: "La raison qui s'emporte a le sort de l'erreur" (Lý lẽ nổi nóng có cùng số phận với sai lầm); "Le vin répandu ne sera pas recueilli" (Rượu đã đổ tràn sẽ không thu lại được). Cuối cùng, một số kinh nghiệm trong ứng xử và biện pháp dập tắt xung đột đã được đúc kết trong tục ngữ Pháp là: "Un sourire vaut mieux qu'une indignation" (Một nụ cười đáng giá hơn một sự phẫn nộ); "Il ne faut pas irriter les frelons" (Không được kích thích ong bầu, ý nói người đang cáu giận); "Petite pluie abat grand vent" (Mưa nhỏ làm tan gió lớn = Đôi khi chỉ cần một điều nhỏ cũng ngăn được cuộc cãi cọ); "Petit homme abat grand chêne - Et douce parole grande iei (colère)" (Con người nhỏ bé đốn hạ cây sồi lớn, và lời nói ngọt ngào làm tan biến cơn giận dữ); "Le meilleur remède des injures c'est de les maîtriser" (Liều thuốc tốt nhất để chữa những lời lăng nhục là làm chủ chúng) ; "Il ne faut pas jeter de l'huile sur le feu" (Chớ quăng dầu vào lửa); "Mieux vaut ployer que rompre" (Uốn cong hơn bẻ gãy); "Trop tirer rompt la corde" (Già néo đứt dây). Về mối quan hệ giữa xung đột và sự đùa cợt, chế giễu, nhân dân Pháp cũng có nhiều câu tục ngữ, có câu có nguồn gốc từ tiếng La-tinh (chẳng hạn hai câu đầu trong số những câu sau), nhưng phần lớn là tục ngữ của chính người Pháp: "Mieux vaut perdre l'occasion d'un bon mot qu'un ami" (Mất dịp nói một từ hay hơn là mất bạn); "Une plaisanterie ne doit jamais être prise au sérieux" (Không bao giờ được coi một sự đùa cợt là chuyện thật); "Au plaisanter, on connaît l'homme" (Qua đùa cợt người ta biết người); "La raillerie est l'épreuve de l'amour-propre" (Chế nhạo là thử thách lòng tự ái); "Le ridicule déshonore plus que le déshonneur" (Nực cười khiến người ta nhục nhã hơn cả nỗi nhục); "La comédie corrige les mœurs en riant" (Hài kịch sửa chữa tập tục bằng cái cười). Cũng có thể kể ra đây hai câu châm ngôn của La Bruyère liên quan đến sự tinh tế của việc nói đùa và cười nhạo: "Il ne faut jamais hasarder la plaisanterie qu'avec des gens polis, ou qui ont de l'esprit" (Không bao giờ được thử đùa cợt ngoaị trừ với những người lịch sự, hoặc trí tuệ); "La moquerie est de toutes les injures celle qui se pardonne le moins" (Trong tất cả các hình thức lăng nhục, chế nhạo là hình thức ít được tha thứ nhất). Như thế, vốn tục ngữ Pháp mà chúng tôi thu nhặt được không đề cập đến việc chỉ được phép sử dụng tính hài hước trong giao tiếp và nói năng với những mối quan hệ thân tình. Ngược lại, tục ngữ Pháp đặc biệt nhấn mạnh về những nguy cơ xung đột và những tổn thất mà sự đùa cợt có thể gây ra, và phạm vi cho phép được sử dụng sự cợt đùa lại liên quan đến đối tượng giao tiếp: đó phải là những người "lịch thiệp", "trí tuệ". Đây cũng là một đặc trưng trong giao tiếp và nói năng của người Pháp: sự hài hước, hóm hỉnh. Chẳng hạn từ câu tục ngữ rất nghiêm túc này: "Les grands esprits se rencontrent" (Tư tưởng lớn gặp nhau), người Pháp đã sáng tạo ra câu tục ngữ sau, với một ý nghĩa vô cùng hóm hỉnh và cợt đùa, nhưng cũng thật đúng đắn: "Les grands esprits se rencontrent ... sur le chemin de l'imbécillité" (Tư tưởng lớn gặp nhau ... trên con đường ngu xuẩn). Thay lời kết Về quan hệ liên ứng hay xung đột, văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam có sự đối lập khá rõ rệt: một bên là văn hoá Việt Nam "dĩ hoà vi quý" và một bên là văn hoá Pháp lấy sự đối đầu làm niềm vui. Những độ chênh đó có thể gây ngộ nhận, thậm chí mâu thuẫn, trong tình huống giao tiếp liên văn hoá, nếu mỗi bên chỉ nhận định những gì xảy ra theo nhãn quan của mình và tin là mình đúng. Tuy nhiên ở đây đối chiếu văn hoá ứng xử không phải là (và cũng không thể là) tìm hiểu xem nền văn hoá nào là "lịch sự hơn", càng không thể đi đến kết quả xếp theo thứ bậc cao thấp trên "thang giá trị của các nền văn hoá" ( ! ). Có một chân lý đã được các nhà nghiên cứu liên văn hoá xác định: văn hoá này không thể cao hơn hay thấp hơn văn hóa kia, mà giữa chúng chỉ có thể có sự khác nhau. Do mỗi nền văn hoá có những điểm chung, giống các nền văn hoá khác, đồng thời cũng có những nét đặc thù tạo nên bản sắc, ta không thể đứng từ một góc độ chủ quan (của dân tộc mình) để đánh giá và phê phán một nền văn hoá khác, bởi vô hình trung sẽ rơi vào căn bệnh đã bị các nhà dân tộc học cực lực lên án, là luôn lấy dân tộc mình làm trung tâm (ethnocentrisme) . Kerbrat-Orecchioni C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.
|