Người máy bên Nhật : từ người máy cứu thương đến người máy “model” |
Tác Giả: Trang Nguyễn | |||
Thứ Hai, 25 Tháng 5 Năm 2009 00:05 | |||
Quý vị đọc hai chữ “người mẫu” là đọc đúng rồi đấy. Không do viết nhầm hay đánh máy sai. Ðúng là cái kiểu người mẫu như ta vẫn thấy đi ưỡn ẹo trên sân khấu khi biểu diễn thời trang. Chỉ có điều là cái vụ này còn mới mẻ cho nên người máy trong vai người mẫu chưa có uốn éo ưỡn ẹo được như người thật, nhưng rồi việc đó với thời gian người ta sẽ tính sau. Nhưng trước hết, ta hãy nói về chuyện người máy cứu thương cái đã. Ðề tài này tưởng cũng hợp thời và hấp dẫn, bởi mới vừa hơn một tuần trước đây, trên mặt báo Người Việt này đã có tin một người máy bên Thụy Ðiển đả thương người ta, bẻ gãy bốn cái “ba sườn” của một công nhân. Tất nhiên là trong vụ đó thì các luật sư cỡ tài ba nhất của Thụy Ðiển hay “Thụy” gì đi nữa thì cũng đành bó tay, chứ chả có thể xui nguyên dục bị gì ai để mà kiện cái anh người máy. Ngược lại, nếu như người máy có lăn đùng ra đấy mà ngưng hoạt động, tức coi như “chết” thì chủ hãng cũng khỏi phải lo lắng về cái khoản bảo hiểm y tế hay bồi thường nhân mạng gì cả. Bởi thế mà từ chuyện người máy đả thương người ta vào tuần rồi qua đến người máy cứu thương của tuần này thì xem ra là “có hậu” hơn! Tuần này, tạp chí “Popular Science Magazine” có một bài về người máy cứu thương với cái tựa nguyên văn như sau: “Chỉ việc bấm vào cái nút có chữ ‘Cứu’, kèm theo hàng tiểu đề: ‘Ðể đối phó với tình trạng có tàn phá, đổ nát, người ta chế ra người máy có nhiệm vụ tìm và cứu tại một nước Nhật vốn có thói mê sảng với người máy’. Năm chữ cuối vừa rồi là dịch từ ba chữ tiếng Anh ‘Robot-Crazy Japan!’” Nước Nhật, theo số liệu mới nhất, có 128 triệu dân. Mà cả cái nước gồm 4 hòn đảo chính với gần 3,000 hòn đảo nhỏ đó thì khó có thể gọi là “đất rộng người thưa”. Ðất đã hẹp, người lại đông như thế mà tại sao người Nhật họ khoái phát minh ra hết loại người máy này đến loại người máy khác để làm việc này việc nọ thay cho người thật thì kể cũng lạ! Thế nhưng riêng cái anh người máy mới ra đời này, khi gặp cảnh nhà cháy hay động đất mà nhân viên cứu hỏa, cứu thương này kia không xông vào được để cứu người ta ra thì mức độ hữu dụng của đương sự không còn ai có thể hồ nghi hay tranh cãi gì nữa! Anh người máy này là do chính phe cứu hỏa sáng chế ra chứ không còn ai khác vào đấy. Anh ta được gắn nơi “người” một dây “cáp” dài 328 “feet”, và được trang bị thêm với một lô máy “cameras” có thể sử dụng trong bóng tối, một cái “megaphone” để tiếp vận được âm thanh của người bị nạn ở trong ngôi nhà đang bốc lửa hoặc dưới hầm nhà mà nhân viên cứu hỏa không dám xuống vì sợ hầm sập bất tử. Người máy này còn được trang bị với những “sensors” loại siêu âm để có thể phát hiện ra các nạn nhân bị chôn vùi ở đâu đó mà chỉ có thể phát ra những tiếng động rất kẽ, từ hơi thở thoi thóp cho đến nhưng co giựt rất khẽ của cơ bắp trên thân thể. Người máy được trang bị bằng hai hệ thống móc rất êm ái để có thể móc nạn nhân, kéo lên một cái cáng với hình thù như một tấm ván trơn để từ đó người máy có thể lôi ra bên ngoài với điều kiện là địa hình, thế đất cho phép lôi được ra ngoài. Ðến đó thì xem như mọi việc đã tạm có câu giải đáp cho trường hợp người không vào được giữa lòng một căn nhà đang bùng cháy, thế nhưng nếu như bên trong không phải chỉ một người đang bị kẹt mà là ba bốn người một lúc thì làm sao? Cho đến giờ này thì loại người máy này chỉ có thể tiếp cứu theo kiểu một-cứu-một. Người máy trong vai “người mẫu” Bây giờ mới đến chuyện người máy trong vai “người mẫu” - “model”! Bí danh của “cô nàng” này là HRP-4C, và “cô” vừa xuất hiện trong một buổi biểu diễn thời trang vừa mới đây ở Tokyo. “Cô” cân nặng 95 “pounds”, cao hơn 5 “feet” một chút. Trong cơ thể của “cô em” chỉ có 30 động cơ để cùng phối hợp lại giúp “cô” đi đi lại lại. Và hôm biểu diễn thời trang nêu trên thì cô lừng lững bước đi khá ồn ào vì tiếng các cơ phận kêu lóc cóc lách cách trong “người” trên sân khấu. Các nhà thiết kế ra “cô em” đã làm thế nào cho “cô em” có khổ người trông như một thiếu nữ Nhật cỡ hai chục cái xuân xanh. Chỉ có điều là thân hình bên ngoài vì phải đi theo các bộ phận cơ giới bên trong cho nên chưa được mượt mà, thuôn thả như người thật. Và kiểu áo quần “cô em” mặc trên người thì trông chẳng khác gì một nhân vật nữ trong loại phim “Star Trek” của Mỹ. Các nhà sáng chế ra “người mẫu” này, thuộc “Viện Nghiên Cứu Quốc Gia (Nhật Bản ) về Khoa Học và Kỹ Thuật Công Nghiệp Cao Cấp” cho biết rằng còn phải ít ra 20 năm nữa thì loại “cô em” người máy này mới đi đứng tự nhiên, yểu điệu như người thật. Còn phải bổ sung thêm tám động cơ nhỏ nơi mặt nữa để cô kiểu-mẫu-máy tương lai có thể biểu hiện một số “phản ứng” trên gương mặt. Nghe đâu là nếu như có ai đấy thích loại người mẫu này nhưng không muốn tiêu pha nhiều thì với 200 Mỹ kim người đó có thể có một người mẫu như thế nhưng không quần không áo; chỉ có cái khung “sườn” bên trong với hệ thống “programming” để cho “cô em” vẫn đi được. Muốn cho người-mẫu-máy trong trường hợp đó đỡ “trống trải” thì thiết tưởng ai mua “cô em” về cũng có thể choàng lên người “cô em” một cái “xà-rông” kiểu như trang phục của phụ nữ Ấn Ðộ theo cổ truyền chẳng hạn. Ðẹp chán!
|