Triệu Tử Dương tiết lộ những gì? |
Tác Giả: Saigon Echo | |||
Thứ Hai, 18 Tháng 5 Năm 2009 03:11 | |||
Cuốn 'Người tù của nhà nước' ra mắt 19/05 nói nhiều đến vụ Thiên An Môn mà người Trung Quốc gọi là 'Lục Tứ'.
Cuốn sách soạn lại 30 giờ ghi âm của cố Tổng bí thư và Thủ tướng Triệu Tử Dương (1919-2005) ra mắt tới đây tại Hong Kong và trên thế giới mô tả ba điểm tối quan trọng. Thứ nhất là các chi tiết trong cung đình Trung Nam Hải thời điểm dẫn tới vụ thảm sát Thiên An Môn 4/06/1989. Thứ nhì, ông Triệu Tử Dương nêu ra các đánh giá về Đặng Tiểu Bình mà ông gọi là 'đại sư phụ' nhưng các bình luận ở châu Âu và châu Mỹ gợi ý cách gọi đúng ra phải là 'bố già mafia'. Thứ ba, vị cựu thủ tướng bị tù tại gia cho đến chết không chỉ xác nhận quan điểm cải tổ kinh tế của mình và còn cho biết sự chuyển biến nội tâm về hướng dân chủ của chính ông sau Thiên An Môn. Về sự kiện 'Lục Tứ' Các trích đoạn ghi âm đã được đăng trước ngày cuốn 'Người tù của nhà nước' (Quốc gia đích tù phạm) ra mắt 19/05 này nói nhiều đến vụ Thiên An Môn mà người Trung Quốc gọi là 'Lục Tứ' (ngày 4 tháng 6). Cần nhắc rằng các nhà xuất bản tiếng Trung ở Hong Kong chọn ngày 19/05 cũng có ý nghĩa. Vào đêm ngày 3 tháng 6, khi tôi cùng gia đình ngồi trong vườn hoa cạnh nhà thì nghe thấy tiếng súng. Bi kịch làm chấn động thế giới đã xảy ra, không làm sao ngăn lại được nữa Băng ghi âm Triệu Tử Dương Ngày đó năm 1989, Thủ tướng Triệu Tử Dương, với người bí thư Ôn Gia Bảo đã bước vào đám đông sinh viên tại Thiên An Môn, kêu gọi họ về nhà. Bức hình ông Triệu Tử Dương cầm loa, mặt nhòa nước mắt, nói với các sinh viên như con cháu của mình, rằng họ có cuộc sống còn dài, đừng hy sinh vô ích, đã đi vào lịch sử. Bởi lúc đó, ông đã biết rằng quyết định thiết quân luật và việc điều động quân đội vào Bắc Kinh coi như là sự đã rồi. Ban lãnh đạo đảng và chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Lý Bằng và được Đặng Tiểu Bình 'ban phước' đã chọn giải pháp dùng xe tăng và tiểu liên để chấm dứt phong trào sinh viên Thiên An Môn. Ông Triệu Tử Dương kể lại họ đã lợi dụng ông vắng mặt ba ngày đi thăm Bắc Triều Tiên để làm chuyện đó. Ông coi quyết định không thông qua bỏ phiếu đó là phạm luật và luôn khẳng định sinh viên Thiên An Môn không muốn lật đổ chế độ. Là người duy nhất trong Bộ Chính trị phản đối lại chủ trương dùng vũ lực giải tán sinh viên, ông đã cảnh báo về 'vế nhơ' mà hệ thống chính trị Trung Quốc sẽ phải đối mặt trên thế giới nếu họ làm như vậy. 'Bố già Đặng' Nhưng theo ông Triệu, quá trình dẫn đến vụ Thiên An Môn cũng là hệ quả của cơ chế quyền lực Trung Nam Hải khi đó. Ông Đặng Tiểu Bình, khi ấy đã trên 80, không làm gì để điều hành đất nước. Trái lại, như một đại sư phụ, ông ta chỉ ngồi nhà nghe các phe phái đến trình bày những đề nghị cho giải pháp này khác, và lo việc phân xử xung khắc các phe. Vụ Thiên An Môn xảy ra, theo Triệu Tử Dương, chủ yếu là do ông Đặng khi ấy thiên về ý kiến của phe bê-tông mà Lý Bằng đứng đầu. Các tài liệu khác có vẻ ủng hộ cách đánh giá này của ông Triệu vì ngay cả trong Quân Giải phóng khi đó cũng không có sự đồng thuận về kế hoạch dùng lính bắn dân. ̀Cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương (1919-2005) Bộ Chính trị đã phải điều quân đoàn 27 và 28 chủ yếu là lính tỉnh xa, không biết về thực tế ở Bắc Kinh, vào 'tiêu diệt bọn phản cách mạng'. Tiết lộ của ông Triệu về vai trò của Đặng Tiểu Bình cũng giải thích được phần nào hình dạng nền chính trị Trung Quốc sau khi Đặng qua đời. Đó là nỗ lực cân bằng các phe phái tác động đến hướng đi, kể cả ngoại giao của Trung Quốc trong khi thiếu một bố già có quyền quyết định tối hậu. Nhưng ông Triệu cũng tự nhận chính ông mới là kiến trúc sư của cải cách kinh tế chứ không phải Đặng Tiểu Bình. Các tài liệu bên ngoài và sau này phần nào ủng hộ ý kiến đó dù người ta có thể cho rằng ông tự khen. Cải cách kinh tế giới hạn ở Tứ Xuyên hồi thập niên 1970 khi ông Triệu làm lãnh đạo tỉnh đã là mô hình cho cả Trung Quốc sau này. Tương lai Trung Quốc Nhưng điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên là ông Triệu Tử Dương đã xác nhận một sự chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ trong thời gian bị giam tại gia. Khi xảy ra vụ Thiên An Môn, ông vẫn còn tin rằng hệ thống cộng sản ở Trung Quốc còn cải tổ được và sinh viên chỉ nêu ra các 'tiêu cực'. Trên thực tế, các sinh viên Thiên An Môn đa phần cũng chỉ mong cải cách dân chủ kiểu xã hội chủ nghĩa sao cho dễ thở hơn chứ không có ý phản loạn. Nhưng về sau này, chính Triệu Tử Dương lại còn đi xa hơn các yêu sách của sinh viên năm 1989. Ông hoàn toàn đứng về quan điểm cho rằng Trung Quốc cần chế độ dân chủ đại nghị như Phương Tây. Bác bỏ chủ nghĩa cộng sản, Triệu Tử Dương cảnh báo nếu không cải tổ, Trung Quốc sẽ thành một quốc gia do sự liên kết bè phái giữa đảng cộng sản, các nhóm quyền lợi kinh tế và một số trí thức thượng lưu làm chủ. Theo ông, họ không chỉ lũng đoạn nền chính trị mà sẽ luôn đặt quyền lợi của tập đoàn lên trên số phận của dân tộc Trung Hoa. Nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, nó không chỉ phải áp dụng nền kinh tế thị trường, mà nhất định phải áp dụng một nền dân chủ đại nghị cho hệ thống chính trị. Nếu không, dân tộc đó sẽ không thể nào có được một nền kinh tế thị trường lành mạnh, và cũng sẽ không thể trở thành một xã hội hiện đại với nhà nước pháp quyền. Trái lại, nó sẽ rơi vào cảnh của nhiều nước đang phát triển, gồm cả Trung Hoa: quyền lực bị thương mại hóa, tham nhũng lan tràn, một xã hội phân rẽ giữ người giàu và dân nghèo Hồi ức ghi lại của Triệu Tử Dương Sức mạnh một bi kịch Vào ngày 17 tháng Giêng 2005, báo đài Trung Quốc chỉ đưa dòng tin ngắn 'Đồng chí Triệu Tử Dương tạ thế'. Nhưng khi đó, ông đã không còn là đồng chí của họ nữa. Cuộc đấu tranh Thiên An Môn làm ông Triệu bất ngờ nhưng phần nào thuyết phục ông về mục tiêu vì một Chủ nghĩa Xã hội Trung Hoa có bộ mặt người. Đó cũng là ước muốn (xem ra khá ngây thơ) cũng lãnh đạo Tiệp Alexander Dubcek trong Mùa Xuân Praha 1968 hay của Michail Gorbachov vào thời điểm ông sang thăm Trung Quốc không lâu trước Thiên An Môn. Nay, như các bình luận về cuốn sách của ông Triệu, cả thế giới đang phải đối mặt với một 'Trung Quốc tư bản có bộ mặt cộng sản'. Nhưng câu chuyện về số phận của Triệu Tử Dương cũng khơi dậy niềm tin vào sức mạnh của nhân cách, trí tuệ và sự thật. Để có được cuốn sách, ông Bào Đồng, bí thư cũ của Triệu Tử Dương đã lập mưu đánh lừa an ninh Trung Quốc trong nhiều năm để thu âm với ông. Họ chọn lúc đi dạo cùng, hoặc trong nhà chỉ những khi an ninh vắng đi vài chục phút để thu lời kể của ông Triệu vào một máy ghi âm nhỏ. Ông Bào Đồng, người bị tù sáu năm, đã chuyển qua con trai ông các đoạn băng và tư liệu ra hải ngoại để soạn thành sách. Công phu không khác gì trong truyện cổ Trung Hoa chứng tỏ quyết tâm vượt qua số phận của ông Triệu và những người cùng chí hướng và cho thấy họ tin rằng Trung Quốc sẽ còn muốn lắng nghe. Thông điệp vài năm sau khi ông qua đời đưa Triệu Tử Dương lên thành một trong những nhân cách lớn của Trung Quốc. Theo trang BBC tiếng Trung, Triệu Tử Dương và những người góp phần đưa ra cuốn sách muốn các nhà lãnh đạo hiện nay phải suy ngẫm và có phản ứng tư tưởng (phản tư) trước cảnh báo ông gửi từ cõi vĩnh hằng.
|