|
Khung cảnh bãi thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc.
|
Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, hai đời Tổng thống Mỹ là Kennedy và Johnson đều đã nỗ lực ngăn cản Trung Quốc trở thành quốc gia hạt nhân. Và ý đồ đó cũng đã được hiện thực hóa với những kế hoạch quân sự chi tiết...
Sau thập niên 90 của thế kỷ XX, Mỹ đã giải mật một lượng lớn hồ sơ về chính sách ngoại giao của nước này. Sau khi được chỉnh lý, biên tập, một phần của những tài liệu này đã được công bố trên trang web của Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, cuốn “Những tài liệu mới giải mật liên quan đến chính sách của Chính phủ Mỹ đối với chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc” được lựa chọn trong giai đoạn 1961-1965 của tác giả David Wolf cũng hé mở những thông tin mới được tiết lộ xung quanh vấn đề này. Từ cuối thập niên 50, Mỹ đã bắt đầu theo dõi kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 1/1961, Tổng thống Kennedy đã giao cho Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ điều phối hoạt động nghiên cứu về mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với cục diện khu vực Đông Nam Á. Năm 1961, Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay do thám U-2 xâm nhập sâu vào lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực từ Lan Châu đến Bao Đầu và tiến hành chụp ảnh gián điệp. Tháng 12/1961, Mỹ thu được bức ảnh vệ tinh đầu tiên về khu thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc ở vùng sa mạc La Bố Bạc thuộc Tân Cương. Tháng 8/1963, Mỹ đã nhận định rằng nhà máy sản xuất nguyên liệu hạt nhân của Trung Quốc nằm ở Lan Châu. Khi đó các quan chức Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của nước Mỹ. Trước tiên là trực tiếp đe dọa quân Mỹ đóng tại khu vực Đông Nam Á, tiếp theo đó là uy hiếp những nước đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á và một số quốc gia ở khu vực này như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia do tâm lý lo sợ nên có khả năng cũng sẽ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Điều Mỹ nghĩ đến trước tiên là sử dụng phương thức phi vũ lực để phá hủy kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc. Mỹ dự kiến thông qua việc ký kết “Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân” với Liên Xô để khiến Liên Xô gây áp lực buộc Trung Quốc dừng kế hoạch hạt nhân. Ngày 25/7/1963, đại biểu 3 nước Mỹ, Anh và Liên Xô đã ký tại Moskva “Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên tầng khí quyển, trong không gian và dưới nước” trong đó nội dung quan trọng nhất là hai điều: một là những nước ký tham gia hiệp ước này không tiến hành thử nghiệm hạt nhân thuộc phạm vi cấm của điều ước; hai là không thả lỏng các nước khác tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Ngày 31/7, phía Trung Quốc bày tỏ ý kiến phản đối điều ước này. Thái độ này của Trung Quốc đã khiến Mỹ thất bại trong ý định phá hủy kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc theo phương thức phi vũ lực. Một quan chức cao cấp thời Kennedy tiết lộ rằng, Nhà Trắng đã từng nghĩ đến giải pháp sử dụng vũ khí hạt nhân đánh đòn phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Ngoài ra có thông tin cho rằng trong thời gian thăm Mỹ tháng 9/1963, nhà lãnh đạo Đài Loan là Tưởng Giới Thạch đã từng thảo luận chi tiết với Mỹ về khả năng sử dụng lực lượng nhảy dù tấn công phá hủy các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên khi đó, những ý kiến phản đối hành động quân sự tấn công Trung Quốc ngày càng nhiều. Giới quân sự Mỹ cũng cho rằng, dù Trung Quốc có được kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử cũng không đáng lo ngại quá mức. Tướng Taylor đã phát biểu trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông không tin Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh hạt nhân. Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát tháng 11/1963, Phó tổng thống Lyndon Johnson kế nhiệm. Ông này tiếp tục xem xét về tính cần thiết và khả thi của hành động tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 12/1963, Ủy ban liên tịch tham mưu trưởng Mỹ đã hoàn thành một bản kế hoạch hành động tấn công từ trên không vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 4/1964, căn cứ theo yêu cầu của Ban hoạch định chính sách thuộc Quốc hội Mỹ, Robert Johnson - chuyên gia của Ủy ban Kế hoạch - Chính sách Quốc hội Mỹ đã đưa ra 4 khả năng lựa chọn: một là Mỹ đơn độc tiến hành tấn công từ trên không nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc; hai là không quân của Quốc dân đảng tiến hành không kích; ba là thuê gián điệp ở Trung Quốc tiến hành phá hoại trên mặt đất; Cuối cùng là thả dù quân đội Quốc dân đảng xuống mục tiêu các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc để tấn công phá hoại. Ngày 15/9/1964, Tổng thống Johnson đã triệu tập một hội nghị để thảo luận cách đối phó với vụ thử hạt nhân mà Trung Quốc sắp tiến hành. Những người tham gia hội nghị này đã bác bỏ kế hoạch nước Mỹ đơn độc tấn công quân sự phủ đầu nhằm vào Trung Quốc nhưng vẫn muốn lôi kéo Liên Xô hợp tác trong một hành động với mục đích tương tự. Tổng thống Johnson cũng ủng hộ ý kiến này. Ngày 16/10/1964, Trung Quốc đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên và trở thành quốc gia hạt nhân thứ 5 trên thế giới. Trong bài phát biểu hôm đó, Tổng thống Mỹ Johnson đã tìm cách làm giảm tối thiểu tác động của sự kiện này.
Theo Tổng thống Johnson thì vụ thử hạt nhân của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của Mỹ, Mỹ và các nước phương Tây nhìn nhận vụ nổ thử nghiệm này chỉ mang ý nghĩa hạn chế và không cần lo lắng nguy cơ sẽ lập tức dẫn đến chiến tranh
|