Home Đời Sống Tài Liệu Lâm Bưu đã bức hại La Thụy Khanh như thế nào?

Lâm Bưu đã bức hại La Thụy Khanh như thế nào? PDF Print E-mail
Tác Giả: Quang Hải   
Thứ Sáu, 27 Tháng 3 Năm 2009 13:31

 

 

Sau năm 1964, do mâu thuẫn với La Thụy Khanh trong một số vấn đề lớn nên Lâm Bưu đã chuyển dần sang căm ghét và thù hằn với La Thụy Khanh. Lâm Bưu lộ rõ thái độ bất mãn đối với La Thụy Khanh bắt đầu từ Hội thao Võ thuật toàn quân năm 1964...

La Thụy Khanh sinh ngày 31/5/1906 tại huyện Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên và tham gia phong trào học sinh yêu nước từ năm 1924. Năm 1928, La Thụy Khanh gia nhập đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) tại Thượng Hải.

Trong cuộc Vạn lý Trường chinh, La Thụy Khanh đã đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng lực lượng tiên phong của Hồng quân. Sau khi Nhà nước TQ được thành lập, La Thụy Khanh đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật.

Năm 1955, La Thụy Khanh được phong quân hàm Đại tướng và tháng 4/1955, được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Quốc vụ viện. Tháng 9/1955, La Thụy Khanh được bổ nhiệm Tổng thư ký Quân ủy trung ương kiêm Tổng tham mưu trưởng và Phó bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó còn kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp quốc phòng.

Lâm Bưu và La Thụy Khanh đã từng có quan hệ cấp trên cấp dưới trong một thời gian dài. Khi Lâm Bưu là Quân đoàn trưởng Quân đoàn Hồng quân số 4 thì La Thụy Khanh là Chính ủy Sư đoàn số 11. Lâm Bưu làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn Hồng quân số 1 thì La Thụy Khanh là Cục trưởng Cục Cảnh vệ quân đoàn này.

Sau khi chuyển về Thiểm Tây, Lâm Bưu là Hiệu trưởng Đại học Hồng quân thì La Thụy Khanh là Trưởng ban Giáo vụ. Sau Hội nghị Lư Sơn năm 1950, Lâm Bưu đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế cho Bành Đức Hoài. Nguyên Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành do bị liệt vào “Tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài” nên đã bị miễn chức. Sau khi Lâm Bưu đề xuất ý kiến với Trung ương Đảng, La Thụy Khanh được điều chuyển từ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an sang làm Tổng tham mưu trưởng.

Ban đầu mối quan hệ công việc giữa Lâm Bưu và La Thụy Khanh tương đối thuận lợi nhưng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn nhỏ từ năm 1961. Sau năm 1964, do mâu thuẫn với La Thụy Khanh trong một số vấn đề lớn nên Lâm Bưu đã chuyển dần sang căm ghét và thù hằn với La Thụy Khanh.

Mùa thu năm 1965, Lâm Bưu đã nói với Đào Chú (Phó thủ tướng Quốc vụ viện) rằng: “Kể từ năm 1962, La Thụy Khanh đã dần bắt đầu xa cách, kìm hãm với tôi và đến năm 1965, họ La đã chính thức đối đầu với tôi”.

Lâm Bưu lộ rõ thái độ bất mãn đối với La Thụy Khanh bắt đầu từ Hội thao Võ thuật toàn quân năm 1964. Nhằm đẩy mạnh công tác huấn luyện bộ đội, mùa xuân năm 1964, Quân ủy trung ương quyết định tổ chức hoạt động hội thao võ thuật toàn quân. Trong vòng 3 tháng từ tháng 6 đến 8/1964, đã có 13 ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc 18 quân khu tham gia các hoạt động hội thao.

Trong hai ngày 15 và 16/6/1964, các lãnh đạo Nhà nước TQ gồm Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Đặng Tiểu Bình đã kiểm duyệt hội thao võ thuật của lực lượng quân đội Bắc Kinh và Tế Nam.

Mao Trạch Đông đánh giá rất cao hoạt động hội thao võ thuật này và chỉ thị phải phổ cập những kinh nghiệm đúc kết được trong huấn luyện cho toàn quân. Tuy nhiên, quan điểm này lại khác với suy nghĩ của Lâm Bưu.

Ngay từ năm 1960, Lâm Bưu đã đưa ra quan điểm 4 trọng tâm cần lưu ý nhất với huấn luyện quân đội: đó là nhân tố con người, công tác chính trị, công tác tư tưởng và tư tưởng sống. Vì vậy hoạt động hội thao võ thuật toàn quân đã thể hiện sự không nhất trí với quan điểm của Lâm Bưu nên Lâm Bưu luôn thể hiện thái độ yên lặng và bàng quan với hoạt động này.

Tuy nhiên, Lâm Bưu cũng không bỏ qua và đã cho Diệp Quần đi điều tra ở một số đơn vị quân đội. Khi phát hiện thấy ở một số đơn vị, hoạt động huấn luyện võ thuật chỉ mang tính hình thức chủ nghĩa, Lâm Bưu đã mượn đó để chỉ trích hoạt động hội thao võ thuật toàn quân chỉ là quan điểm quân sự thuần túy và xung đột với vấn đề chính trị.

Tháng 11/1964, trong hội nghị công tác tổ chức toàn quân, Lâm Bưu đã đưa ra quan điểm yêu cầu Đảng ủy quân sự các cấp cần đặt công tác chính trị vào vị trí trọng tâm. Với áp lực của Lâm Bưu, hoạt động hội thao võ thuật của toàn quân đã phải hủy bỏ. La Thụy Khanh lại không đồng ý với ý kiến phê bình này của Lâm Bưu mà cho rằng công tác huấn luyện quân sự năm 1964 đã có những kết quả tốt nhất kể từ khi thành lập nước.

La Thụy Khanh nhiều lần đưa ra ý kiến rằng: “Nếu chỉ đơn thuần làm tốt công tác chính trị còn những việc khác đều không tốt thì đó chỉ là kiểu chính trị rỗng tuếch. Nếu công tác huấn luyện bộ đội không tốt thì chỉ làm lãng phí và thậm chí mất nước nếu có chiến tranh”.

La Thụy Khanh (người chống gậy) sau khi được khôi phục danh dự.

Cũng chính vì mâu thuẫn này mà Lâm Bưu cho rằng La Thụy Khanh có ý đồ khác và nảy sinh ý định đánh đổ La Thụy Khanh. Tháng 5/1964, khi Mao Trạch Đông đưa ra vấn đề bồi dưỡng lớp lãnh đạo kế cận và yêu cầu mỗi người lãnh đạo đều phải chuẩn bị cho mình một người kế nhiệm đồng thời phải bồi dưỡng thế hệ tiếp sau nữa.

La Thụy Khanh đã có báo cáo với Lâm Bưu về vấn đề thay thế cán bộ lãnh đạo đã cao tuổi và trong đó có ý rằng, những cán bộ cao tuổi nên chủ động nhường quyền lãnh đạo cho người trẻ hơn. Lâm Bưu vốn đa nghi nên ngay lập tức nghĩ rằng ý kiến đó của La Thụy Khanh là nhằm ám chỉ ông ta nên rút lui. Vì vậy Lâm Bưu càng thêm quyết tâm loại bỏ La Thụy Khanh ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của TQ.

Để thực hiện mục đích này, Lâm Bưu đã chỉ thị cho một số tay chân như Lý Tác Bằng chuẩn bị tài liệu để vu cáo La Thụy Khanh và đồng thời cho Diệp Quần (vợ Lâm Bưu) báo cáo riêng với Mao Trạch Đông.

Ngày 30/11/1965, Diệp Quần đã xin gặp Mao Trạch Đông tại Hàng Châu và báo cáo về La Thụy Khanh. Trong buổi nói chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ này, Diệp Quần đã nói với Mao Trạch Đông rằng: “La Thụy Khanh nắm quyền lớn về quân đội và công an nên nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất lớn. Chủ nghĩa cá nhân của La Thụy Khanh đã phát triển thành dã tâm lớn với mục tiêu là chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng của Lâm Bưu và tiếp sau đó là những vị trí cao hơn”.

Những lời vu cáo của Lâm Bưu và Diệp Quần đã có tác dụng. Ngày 8 đến 16/12, Mao Trạch Đông đã tổ chức Hội nghị mở rộng thường vụ Bộ chính trị trung ương tại Thượng Hải. Hội nghị chia thành 3 tổ do Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình là tổ trưởng và họ đã nghe Diệp Quần trình bày trong tổng cộng gần 10 giờ đồng hồ.

Trong buổi trình bày trước tổ lãnh đạo trung ương do Chu Ân Lai chỉ đạo, Diệp Quần trình bày rằng, Địch Nguyệt Anh vợ của Lưu Á Lầu (Phó bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã chuyển đến cho Diệp Quần 4 ý kiến của La Thụy Khanh như sau: Thứ nhất, sớm muộn thì ai cũng đến lúc phải rời khỏi vũ đài chính trị và Lâm Bưu cũng vậy; thứ hai, Diệp Quần nên quan tâm đến tình hình sức khỏe của Lâm Bưu và khuyên Lâm Bưu nên quan tâm nhiều hơn vào những công việc của trung ương; thứ ba, những công việc quân sự nên giao cho La Thụy Khanh phụ trách; thứ tư, nếu những việc đó diễn ra thuận lợi, La Thụy Khanh sẽ không quên công lao của Diệp Quần.

Ngoài ra, Diệp Quần còn kể không ít chuyện nhằm chứng minh rằng, La Thụy Khanh đã có hành động chèn ép Lâm Bưu trong công tác lãnh đạo và yêu cầu Lâm Bưu nhường vị trí lãnh đạo.

La Thụy Khanh hoàn toàn không biết gì về việc trung ương mở hội nghị liên quan đến việc phê bình mình và khi đó ông đang đi thị sát tại các đơn vị quân đội ở Tô Châu. Mặc dù mục đích của hội nghị là nghe tố cáo và phê bình La Thụy Khanh nhưng ông không hề có cơ hội phản biện hay thanh minh.

Kết thúc hội nghị, La Thụy Khanh bị kết luận 3 tội: thứ nhất là phản đối Lâm Bưu, làm ảnh hưởng đến công tác chính trị trong quân đội và can thiệp vào công tác của Đảng. Lâm Bưu cũng tuyên bố: cách hết các chức vụ của La Thụy Khanh.

Tháng 3/1966, Hội nghị trung ương họp dưới sự chủ trì của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh tiến hành phê bình đấu tranh công khai đối với La Thụy Khanh với phát ngôn: “Đập tan âm mưu phản Đảng của La Thụy Khanh, giương cao ngọn cờ tư tưởng của Chủ tịch Mao Trạch Đông”.

Hành động tiếp theo của Lâm Bưu và Diệp Quần là lựa chọn một số tay chân thân tín ở các đơn vị quân đội và thiết lập chức vụ liên lạc viên cho phép những người này có thể liên lạc trực tiếp với Lâm Bưu mà không cần qua con đường tổ chức Đảng và hành chính thông thường. Lâm Bưu và Diệp Quần đã xúi giục họ tố cáo La Thụy Khanh. Những tài liệu tố cáo này được thêm thắt và xuyên tạc rồi do Diệp Quần mang đến trình bày với Mao Trạch Đông tại Hàng Châu vào ngày 18/11/1965.

Ngày 4/5/1966, Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị họp tại Bắc Kinh quyết định đình chỉ chức vụ của Bành Chân, La Thụy Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn và thành lập tổ thẩm tra kỹ càng những sai lầm phản Đảng của họ. Sau đó, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương ĐSC TQ ngày 16/5 đã thông qua nội dung văn kiện nổi tiếng do Mao Trạch Đông khởi thảo với nhan đề “Thông cáo 16/5”.

Thông cáo này đã xác định phương châm chỉ đạo cho “Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản” và quyết định về nhân sự của Tổ cách mạng văn hóa trung ương do Trần Bá Đạt làm Tổ trưởng, Khang Sinh làm cố vấn và các tổ phó là Giang Thanh, Vương Nhiệm Trọng, Lưu Chí Hiền và Trương Xuân Kiều.

Cùng với La Thụy Khanh còn có Bành Chân, Lục Định Nhất và Dương Thượng Côn bị Lâm Bưu gán ghép chung vào một “tập đoàn có ý đồ phản Đảng, cướp chính quyền”. Sau Hội nghị trung ương tháng 6/1966, La Thụy Khanh bị quản thúc tại nhà. Trong tình cảnh bị Lâm Bưu vu cáo, bức hại mà không có cơ hội được thanh minh, La Thụy Khanh đã rất uất ức và quyết định dùng chính tính mạng của mình để biểu lộ sự trong sạch và thị uy với Lâm Bưu.

Ngày 18/3, La Thụy Khanh đã nhảy lầu tự sát nhưng được cứu sống. Việc nhảy lầu tự tử đã dẫn đến hậu quả ông bị gãy nhiều xương sườn và dập nát xương hai chân và có nguy cơ bị tàn phế suốt đời.

Khi biết tin La Thụy Khanh tự tử, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân xử lý những việc liên quan đến cấp cứu, điều trị và bảo đảm an toàn cho La Thụy Khanh. Bên ngoài khu nhà ở của La Thụy Khanh được canh gác nghiêm ngặt và một xe cứu thương của Bệnh viện Bắc Kinh đã bí mật đến đón La Thụy Khanh tại nhà riêng. Những chuyên gia về xương hàng đầu của Bắc Kinh đã được triệu tập để khám, hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cho La Thụy Khanh.

Khi đó mặc dù Chu Ân Lai đã chỉ thị cho Bệnh viện Bắc Kinh và Tổng y viện quân đội phải tuyệt đối giữ bí mật và tìm mọi biện pháp bảo vệ La Thụy Khanh nhưng đã không kịp. Trong những năm tháng cách mạng văn hóa, nếu là những chuyện do Lâm Bưu và “Bè lũ bốn tên” trực tiếp nhúng tay vào thì bệnh viện cũng không thể bảo vệ được La Thụy Khanh và tuyệt đối không thể giữ được bí mật. Vì vậy phái tạo phản đã tiếp tục hành hạ La Thụy Khanh bằng cách đặt ông vào một chiếc rọ tre và khênh đi khắp nơi để tổ chức đấu tố, phê bình.

Sau sự kiện 13/9/1971, số phận của La Thụy Khanh đã có chuyển biến tốt hơn. Ngày 20/11/1973, Mao Trạch Đông ra chỉ thị hủy bỏ chế độ giám sát đối với La Thụy Khanh. Khi  nhận được danh sách những cán bộ cấp cao cần được xét lại do Thủ tướng Chu Ân Lai đưa lên trong đó có La Thụy Khanh, Mao Trạch Đông đã nói rằng: “Tôi nghe Lâm Bưu và đuổi La Thụy Khanh. Tôi thiếu thận trọng, hấp tấp nghe lời xúc xiểm của ông ta. Vì thế hôm nay tôi buộc phải tự phê bình bản thân”.

Sau khi cách mạng văn hóa kết thúc, La Thụy Khanh đã được bình phản và khôi phục danh dự. Sau đó ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 và Bí thư Quân ủy trung ương. Tháng 7/1978, La Thụy Khanh được đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh và mất tại đó ngày 3/8/1978 do bệnh tim