F-35 của Mỹ đe dọa hệ thống phòng không S-300 của Nga |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||
Thứ Bảy, 21 Tháng 3 Năm 2009 06:48 | |||
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cho biết vừa thiết kế phi cơ tiêm kích tàng hình F-35 mới để tiêu diệt các hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga. Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Lockheed Martin phụ trách chương trình chế tạo F-35 Tom Burbage cho biết, với việc tiếp nhận các phi cơ tiêm kích F-35 mới, Israel sẽ không còn lo ngại việc đối phó với các hệ thống S-300 ở Iran và Syria nữa. Quá trình mô phỏng trên máy tính đã chứng minh rằng F-35 có thể đánh bại S-300. Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ phi cơ tàng hình vượt bậc, với chiều dài 15,37 m, sải cánh 10,65m. chiều cao 5,28 m, diện tích bề mặt cánh 42,7m², trọng lượng không tải 12.000kg và trọng lượng có tải là 20.100 kg. Tốc độ lớn nhất của F35 là 1,8 Mach (1.930 km một giờ), tầm bay tối đa 2.200km và bán kính chiến đấu là 1.100 km. Động cơ ban đầu của F35 là Pratt & Whitney F135, lực đẩy 128 kN, lực đẩy khi có đốt sau là 191 kN. Ngoài ra, tập đoàn Lockheed Martin còn đang phát triển động cơ thế hệ sau, là động cơ General Electric/Rolls- Royce F136 có đốt sau, lực đẩy trên 178 kN. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 pháo GAU-12/U 25 mm, gắn trong thân F-35A với 180 quả đạn hoặc gắn bên ngoài cánh. Phiên bản F-35B và F-35C được trang bị 220 quả đạn. Bằng cách đánh đổi tính năng dễ phát hiện hơn bằng radar, F35 được trang bị hỏa tiễn, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân phi cơ, tối đa có 4 hỏa tiễn đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 hỏa tiễn đối không và 2 hỏa tiễn đối đất. Tối đa có tất cả 4 đơn vị vũ khí cho mỗi khoang gồm: hỏa tiễn chống chiến xa Brimstone, Cluster Munitions (WCMD) và High Speed Anti-Radiation Missiles (HARM). Hỏa tiễn đối không MBDA Meteor đang được cải biến để lắp vừa bên trong và có thể trang bị cho F-35. Vũ khí đối không có thể mang (cả trong và ngoài thân) gồm 12 hỏa tiễn AIM-120 và 2 hỏa tiễn AIM-9; hoặc 6 bom 900kg, 2 hỏa tiễn AIM-120 và 2 hỏa tiễn AIM-9. Trong khi đó, hệ thống S-300 của Nga (NATO gọi là SA -10 Grumble, SA-12 Giant/Gladiator, SA-20 Gargoyle) được xem là một trong những hệ thống hỏa tiễn phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tầm xa này có thể phòng thủ trước phi cơ, hỏa tiễn hành trình và đạn đạo. Radar của hệ thống S-300 có thể theo dõi 100 mục tiêu và tiêu diệt 12 mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách 200km và độ cao 27km so với mực nước biển. Tuy thông tin Nga sẽ bán các hệ thống S-300 cho Iran đến nay chưa được kiểm chứng, nhưng nếu đạt được, thoả thuận này sẽ làm thay đổi cục diện ở Trung Đông. Có nhiều lý do để Iran trang bị hệ thống S-300 của Nga. Trước hết, Tehran có thể đe doạ quân đội Mỹ và đồng minh ở Afghanistan và Iraq, nếu khai triển các hệ thống này dọc biên giới Iran. Thứ hai, các hệ thống này sẽ tăng cường sự phòng thủ cho các lò phản ứng nguyên tử ở Bushehr mà Nga đã xây dựng. Cuối cùng, Tehran cũng có thể sử dụng các hệ thống S-300 để bảo vệ Nhà máy làm giàu urani Natanz. Một nước Iran sở hữu vũ khí nguyên tử có thể làm nổ ra một cuộc chay đua vũ khí trang trong khu vực, bởi Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ả rập Xê út sẽ không đứng yên một chỗ khi Tehran xây dựng kho vũ khí nguyên tử. Với hệ thống S-300, Iran có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel, nếu Israel không được trang bị các phi cơ F-35 mới hoặc không thực hiện một đòn tấn công phủ đầu vào các hệ thống S-300 trước khi chúng hoàn toàn đi vào hoạt động. Các chuyên viên dự đoán rằng, nếu được chuyển giao, Iran sẽ phải mất 1 năm để lắp đặt và vận hành các hệ thống S-300, trong khi giới kỹ nghệ quốc phòng dự đoán, F-35 khó có thể được trang bị cho Israel trước giai đoạn 2011 - 2013.
F-35 là thế hệ máy bay tiêm kích tàng hình mới
Các thông số kỹ thuật của F-35C, một trong ba phiên bản của F-35
Hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga
|