Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ |
Tác Giả: Vietsciences- Phạm Văn Tuấn | ||||||||||||||||
Thứ Sáu, 27 Tháng 2 Năm 2009 21:09 | ||||||||||||||||
Vào năm 2000, Thư Viện Quốc Hội (The Library of Congress) hưởng tròn 200 tuổi. Thư viện này là cơ sở văn hóa quốc gia lâu đời nhất của Hoa Kỳ, là nơi lưu trữ kiến thức rộng lớn nhất trên thế giới và là biểu hiện của sự kết nối thiết yếu giữa kiến thức và nền dân chủ. Nhà sáng lập ra Thư Viện Quốc Hội là ông Thomas Jefferson. Các sách thuộc thư viện riêng của ông Jefferson cùng với sự quan tâm rộng lớn về nhiều bộ môn học thuật, cùng với lý tưởng dân chủ của ông, đã là nền móng cho bản chất và các hoạt động của Thư viện Quốc Hội. Ông Thomas Jefferson đã tin tưởng rằng một chính quyền tự quản lệ thuộc vào các
Thư Viện Quốc Hội chiếm 3 tòa kiến trúc trên đồi Capitol, gần Quốc Hội của Thủ Đô Hoa Kỳ. Tòa nhà Jefferson mở cửa vào năm 1897, là một dấu tích của nền văn hóa, văn minh của Hoa Kỳ. Tòa nhà John Adams bằng đá hoa trắng, được khánh thành vào năm 1939, là kiến trúc thứ hai rồi vào năm 1980, hoàn thành tòa nhà James Madison, một công trình xây dựng rộng lớn nhất. Ba kiến trúc này có diện tích mặt bằng tổng cộng là 29 mẫu (hectares). Mỗi năm có vào khoảng 2 triệu nhà khảo cứu, học giả và du khách tới thăm hoặc tìm kiếm tài liệu tại Thư Viện Quốc Hội, và còn có hàng triệu người khác ở xa xử dụng các dịch vụ mà thư viện này cung cấp. Ngay từ khởi đầu, Thư Viện Quốc Hội được thành lập để phục vụ cho Quốc Hội Hoa Kỳ, tức là ngành lập pháp của chính quyền. Vào ngày 24 tháng 4 năm 1800, Tổng Thống John Adams đã phê chuẩn một quyết định dành 5,000 mỹ kim để mua “các quyển sách có thể cần thiết cho Quốc Hội” và khi đó Thủ Đô Hoa Kỳ được dọn từ thành phố Philadelphia về thành phố Washington, là một địa điểm mới, đang được xây dựng. Các cuốn sách đầu tiên được đặt mua từ London đã tới nơi vào năm 1801 và được cất giữ tại Điện Capitol. Bộ sưu tập đầu tiên của Thư Viện gồm 740 cuốn và 3 bản đồ. Tới ngày 26-1-1802, Tổng Thống Thomas Jefferson đã phê chuẩn đạo luật đầu tiên xác định các vai trò và chức năng của Thư Viện Quốc Hội, đã ấn định chức vụ của vị quản thủ thư viện và cho Quốc Hội, qua ủy Ban Liên Hợp về Thư Viện (Joint Committee on the Library) thẩm quyền xác định ngân quỹ, các quy luật và luật lệ. Như vậy ngay từ khởi đầu, Thư Viện Quốc Hội đã là một thư viện của ngành lập pháp với vị quản thủ do Tổng Thống bổ nhiệm, và Tổng Thống, Phó Tổng Thống có quyền mượn các sách từ thư viện này. Tổng Thống Thomas Jefferson là môt nhân vật tin tưởng mãnh liệt rằng sức mạnh của trí tuệ có thể tạo nên một xã hội dân chủ và tự do. Là một nhân vật không thể sống mà thiếu sách, ông Thomas Jefferson rất quan tâm tới các bộ sách của Thư Viện Quốc Hội và trong nhiệm kỳ từ năm 1801 tới năm 1809, chính Tổng Thống Thomas Jefferson đã từng đề nghị mua các sách cho thư viện và đã bổ nhiệm 2 vị quản thủ thư viện. Năm 1814, quân đội Anh đã đánh chiếm Thủ Đô Washington, đốt cháy Điện Capitol kể cả 3,000 cuốn sách của Thư Viện Quốc Hội. Vì lý do này, ông Jefferson khi đó đã hồi hưu, đề nghị bán lại thư viện riêng của mình cho Quốc Hội Hoa Kỳ để bắt đầu lại Thư Viện Quốc Hội. Vào thời bấy giờ, thư viện của cựu Tổng Thống Jefferson có các sách quý nhất với số lượng nhiều nhất. Quốc Hội Hoa Kỳ đã chi ra 23,940 mỹ kim để mua lại 6,487 cuốn sách vào năm 1815. Số sách mà cựu Tổng Thống Jefferson bán lại cho Quốc Hội Hoa Kỳ không những lớn gấp hai lần những sách đã bị thiêu hủy vì chiến tranh mà còn thuộc về các phạm vi học thuật vượt ra ngoài những bộ môn luật pháp, kinh tế và lịch sử mà thư viện lập pháp đó đã từng chủ trương. Ông Thomas Jefferson là một nhân vật có tầm hiểu biết bách khoa nên thư viện riêng của ông đã sưu tầm các tác phẩm về nghệ thuật, kiến trúc, văn chương, khoa học, địa dư, ngoài ra còn các sách viết bằng các ngoại ngữ La Tinh, Hy Lạp, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và một bộ sách gồm 3 quyển viết về thống kê bằng tiếng Nga. Sở dĩ ông Thomas Jefferson quan tâm về nhiều ngoại ngữ vì ông tin tưởng rằng để có thể quản trị đất nước theo tinh thần dân chủ, ngành lập pháp rất cần tới nhiều tư tưởng và thông tin về mọi môn học, viết bằng nhiều ngoại ngữ. Ông Thomas Jefferson đã từng nói : “không có môn học nào mà một thành viên của Quốc Hội sẽ không có dịp cần tới”. Việc Thư Viện Quốc Hội mua lại thư viện riêng của cựu Tổng Thống Thomas Jefferson đã là căn bản cho việc bành trướng các chức năng của thư viện. Quan niệm toàn diện, lòng tin tưởng vào sức mạnh của kiến thức, vào sự liên hệ trực tiếp giữa kiến thức và nền dân chủ của ông Thomas Jefferson đã là nền móng triết học của Thư Viện Quốc Hội, chỉ hướng cho thư viện trong việc sưu tập các sách vở và tài liệu cũng như thực hiện các dịch vụ. Ngoài ra, vào thời kỳ bấy giờ, nhiều người Mỹ đã nhận thức được sự lệ thuộc văn hóa của Hoa Kỳ vào nước Anh và châu Âu nên đã lo ngại và muốn thiết lập nên các truyền thống và định chế riêng cho vùng Bắc Mỹ. Bài xã luận phổ biến vào ngày 15-7-1815 trên tờ nhật báo “Thông tin quốc gia” (National Intelligencer) đã viết : “mọi quốc gia văn minh của châu Âu đều có các thư viện quốc gia. Tại quốc gia có trình độ thông minh phổ biến như Hoa Kỳ thì Thư Viện Quốc Hội phải trở nên một kho lưu trữ lớn lao nền văn chương của thế giới”. Trong 3 thập niên kể từ 1802, Thư Viện Quốc Hội đã phục vụ cho cả ngành Tư Pháp và các cơ quan khác của chính quyền. Tới năm 1832, một phân khoa Luật (law department) của thư viện được chấp thuận với số tiền dành riêng để mua các sách Luật học, đặt dưới sự chỉ huy của vị chánh án tối cao.
Trong các thập niên 1830 và 1840, Thư Viện Quốc Hội bắt đầu phân phối các tài liệu công (public documents) cho các cơ quan trên khắp đất nước Hoa Kỳ và trao đổi sách báo và tài liệu với các cơ quan nước ngoài để có các thông tin dùng cho chính phủ Mỹ. Thập niên 1850 là thời kỳ bất lợi cho Thư Viện Quốc Hội. Sự phân chia Nam-Bắc đã làm yếu đi mọi cơ sở của quốc gia và vào năm 1851, trận hỏa hoạn tai hại nhất trong lịch sử của thư viện đã đốt cháy 2 phần 3 tổng số 55,000 cuốn sách, gồm cả các sách của Thư Viện Jefferson. Nhưng rồi Quốc Hội Hoa Kỳ đã đáp ứng vào năm 1852 một cách nhanh chóng và rộng lượng bằng cách cấp cho Thư Viện Quốc Hội 168,700 Mỹ kim để tu sửa các căn phòng trong Điện Capitol và mua lại các sách đã bị thiệt hại. Nhưng vào thời kỳ này, chính sách bảo thủ do vị quản thủ thư viện là ông John Silva Meehan và Thượng Nghị Sĩ James A. Pearce thuộc tiểu bang Maryland đã giới hạn các hoạt động bành trướng của Thư Viện Quốc Hội.. Vào năm 1857, một quyết định của Quốc Hội đã chuyển trách nhiệm phân phối tài liệu công cho Bộ Nội Vụ và giao trách nhiệm trao đổi sách báo và tài liệu ngoại quốc cho Bộ Ngoại Giao. Ngoài ra, kể từ năm 1859, mọi hoạt động tác quyền đều phải tập trung về Cơ Quan Đăng Kiểm Sáng Chế (the Patent Office), có nghĩa là Thư Viện Quốc Hội và Viện Smithsonian không còn nhận được nạp bản xin tác quyền của các sách in và tập sách mỏng, một việc làm thuộc Thư Viện này kể từ năm 1846. Khi ông Abraham Lincoln lên làm Tổng Thống năm 1861, ông đã thay thế vị quản thủ thư viện cũ Meehan bằng ông John G. Stephenson, một bác sĩ gốc tiểu bang Indiana. Nhiệm kỳ 4 năm tại Thư viện Quốc Hội của ông Stephenson không có gì đặc biệt và Thư Viện Quốc Hội vào thời kỳ này chỉ có 7 nhân viên với 80,000 cuốn sách. Thế nhưng tinh thần Jefferson về phát triển văn hóa đã được vị quản thủ thư viện kế tiếp thực hiện, đó là ông Ainsworth Rand Spofford, trước kia đã từng là
Ngay sau khi cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ chấm dứt, xã hội Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi với sự bành trướng của chính quyền liên bang. Ông Spofford đã lợi dụng thời điểm thuận lợi về chính trị và văn hóa này để phát triển Thư Viện Quốc Hội. Ông luôn luôn tin tưởng rằng Thư Viện Quốc Hội phải là một thư viện quốc gia và ông đã thuyết phục được ủy Ban Liên Hợp về Thư Viện (the Joint Committee on the Library) và các vị nghị viên Quốc Hội, chấp thuận 6 nghị định mang tính lập pháp: (1) một ngân khoản phát triển thư viện trong Điện Capitol được chấp thuận vào đầu năm 1865, (2) tu chính án về tác quyền (the copyright amendment) của năm 1865 đã xác định các nạp bản phải gửi tới Thư Viện Quốc Hội, (3) văn khố (deposit) của Viện Smithsonian gồm rất nhiều tài liệu khoa học phải được chuyển qua Thư Viện Quốc Hội vào năm 1866, (4) Thư Viện Quốc Hội đã bỏ ra số tiền 100,000 mỹ kim để mua lại thư viện tư của nhà sử học và lưu trữ văn khố Peter Force (archivist), nhờ đó thiết lập nên nền móng của công cuộc sưu tầm về châu Mỹ (Americana) và các sưu tập cổ bản (incunabula collections) , (5) nghị định trao đổi tài liệu quốc tế đã cho phép Thư Viện Quốc Hội sưu tập các tài liệu công ngoại quốc, (6) đạo luật về tác quyền năm 1870 (the copyright act of 1870) đã cho Thư Viện Quốc Hội quyền nhận đăng ký tác quyền và mọi hoạt động lưu trữ văn khố. Tại Hoa Kỳ, tác quyền được chấp thuận từ năm 1790 nhưng sự bảo vệ tác quyền chỉ được thi hành nghiêm chỉnh kể từ năm 1846 khi Viện Smithsonian và Thư Viện Quốc Hội có được đặc quyền này. Thư Viện Quốc Hội do đó đã nhận được một ấn bản để lưu trữ từ năm 1846 tới năm 1859, rồi nhờ ông Spofford, mọi công tác đăng ký và lưu trữ văn khố đều tập trung về Thư Viện Quốc Hội, không còn thuộc chức năng của Cơ Quan Đăng Kiểm Sáng Chế (the Patent Office) và các tòa án địa phương. Sau đó, đạo luật 1870 đã cho phép Thư Viện Quốc Hội tiếp tục phát triển các bộ sưu tập về châu Mỹ và quy định rằng Thư Viện này nhận 2 nạp bản để đăng kiểm về các loại sách dày, sách mỏng, bản đồ, bản in (print), hình chụp, bản nhạc. Sau đó vào năm 1891, đạo luật quốc tế về tác quyền (the international copyright law of 1891) càng làm cho Thư Viện Quốc Hội thêm quyền lực. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ vào năm 1876, tại Hoa Kỳ chỉ có 2 thư viện lớn nhất là Thư Viện Quốc Hội và Thư Viện Công Lập Boston (the Boston Public Library), có vào khoảng 300,000 cuốn sách. Tới năm 1897, Thư Viện Quốc Hội đã dọn qua một tòa nhà mới nhờ đó đứng đầu về số lượng sách và các đơn vị thư tịch khác. Thư Viện này đã có số sách lên tới 840,000 cuốn với 40 phần trăm nhờ vào công tác nạp bản, còn về các bản đồ, bản nhạc, đồ họa (graphic arts), 90 phần trăm tài liệu do việc nạp lưu trữ. Thư Viện Quốc Hội còn có bộ sưu tập Nhiếp Aûnh do Mathew Brady thực hiện cùng với toán nhiếp ảnh gia của ông suốt trong thời kỳ Nội Chiến. Trong các năm từ 1865 tới 1897, công tác nạp bản đã không những là nguồn cung cấp các sách in và tài liệu cho Thư Viện Quốc Hội mà còn ảnh hưởng đến việc xây dựng các tòa nhà lưu trữ. Năm 1871, ông Spofford trong bản báo cáo hàng năm, đã đề cập tới một tòa nhà lớn biệt lập khác. Ông đã vận động rất nhiềù chính khách và các nhân vật có thế lực : thượng nghị sĩ, dân biểu, các nhà lãnh đạo văn hóa, các nhà báo và ngay cả Tổng Thống. Hai vị thượng nghị sĩ và cũng là bạn thân của ông Spofford là các ông Justin S. Morrill, thuộc tiểu bang Vermont và Daniel W. Voorhees, thuộc tiểu bang Inidana, đã hết lòng yểm trợ ông Spofford. Tháng 3 năm 1879, ông Morrill đã đọc một bài diễn văn, cổ động cho quan niệm về thư viện quốc gia của ông Spofford và đề cập tới sự cần thiết của một tòa nhà thật lớn. Thượng nghị sĩ Voorhees, chủ tịch của Ủy Ban Liên Hợp về Thư Viện (the Joint Committee on the Library) còn mô tả niềm tin của Tổng Thống Thomas Jefferson về giá trị tinh thần rất cần thiết của các sách vở và các hoạt động trí tuệ : “Kiến thức là sức mạnh, sức mạnh để duy trì một chính quyền tự do và để bảo vệ Tự Do theo Hiến Pháp”. Nhờ công sức của các ông Morrill, Voorhees và Spofford, một tòa dinh thư mới được khởi công xây cất năm 1889 và mở cửa cho dân chúng xử dụng vào năm 1897, đó là Tòa Nhà Thomas Jefferson, một đài kỷ niệm quốc gia có kiến trúc theo kiểu Phục Hưng Ý với Phòng Đọc Sách Chính ở trung tâm, với các trang trí rực rỡ tại khắp nơi, là biểu tượng của tính phổ cập về kiến thức. Ông Spofford còn bắt đầu một truyền thống của thư viện, đó là mở rộng công tác phục vụ dân chúng. Từ năm 1865, ông đã tăng thêm giờ hoạt động nhờ đó Thư Viện Quốc Hội đã mở cửa vào mọi ngày trong suốt năm. Ông còn cổ võ cho việc phục vụ thư viện vào ban đêm nhưng không được Quốc Hội chấp thuận, cho tới năm 1898. Năm 1870, ông Spofford khởi đầu chính sách cho mượn các sách đọc nếu người đọc sách chịu đặt cọc một số tiền và phương cách này được duy trì tới năm 1894. Có vài sự việc mà ông Spofford đã không tiên liệu, là Thư Viện Quốc Hội sẽ trở nên trung tâm của mạng lưới các thư viện của Hoa Kỳ và là tụ điểm, cung cấp cho các thư viện khác các dịch vụ về tổng kê (cataloging) và thư tịch (bibliographic) . Năm 1896, trước khi dọn qua địa điểm mới, Ủy Ban Liên Hợp Thư Viện (the Joint Library Committee) đã nghe điều trần về các tình trạng và cách tổ chức lại Thư Viện Quốc Hội. Cuộc điều trần này đã cung cấp cho Quốc Hội từng chi tiết về lịch sử và các chức năng hiện tại của Thư Viện Quốc Hội cùng các nhiệm vụ mới mà Thư Viện này sẽ thực hiện khi có cơ sở mới. Lúc bấy giờ, Tổng Hội Thư Viện Hoa Kỳ (the American Library Association) đã cử đi họp 6 vị, gồm cả các ông Herbert Putnam thuộc Thư Viện Công Lập Boston và về sau là nhà quản thủ Thư Viện Quốc Hội, và ông Melvil Dewey thuộc Thư Viện New York. Các nghị viên Quốc Hội đã nghe 2 ông Putnam và Dewey trình bày rằng dịch vụ có tầm vóc quốc gia của Thư Viện Quốc Hội cần phải được bành trướng. Ông Dewey nhận định rằng Thư Viện Quốc Hội phải là một trung tâm mang tầm vóc quốc gia thực sự, là trung tâm để các thư viện rải rác trên đất nước Hoa Kỳ hướng về, xin chỉ dẫn, giúp đỡ và đây là cách tiết kiệm nhất và hữu hiệu nhất. Cuộc điều trần về thư viện năm 1896 đã ảnh hưởng lớn lao tới việc tổ chức lại Thư Viện Quốc Hội. Do Đạo Luật Ngân Khoản Hành Pháp (the Legislative Appropriations Act) được chấp thuận vào ngày 19-2-1897 và có hiệu lực từ ngày 1-7-1897, Thư Viện Quốc Hội có từ 42 người được tăng lên 108 nhân viên, và các đơn vị quản trị mới được thiết lập tại các phòng đọc sách cũng như tại các phân khoa ấn loát, bản đồ và biểu đồ, tổng kê, tác quyền, thủ bản (manuscript) , âm nhạc và ấn phẩm định kỳ (periodicals) . Trách nhiệm điều hành các công tác quan trọng của Thư Viện Quốc Hội, theo đúng các quy luật và luật lệ về thư viện, đã khiến cho chức vụ của vị quản thủ Thư Viện Quốc Hội phải được chỉ định do Tổng Thống và được Quốc Hội phê chuẩn. Năm 1897, Tổng Thống William McKinley đã chỉ định một vị quản thủ thư viện mới, để lo dọn thư viện qua Tòa Nhà Thomas Jefferson và lo việc tổ chức, sắp xếp lại.
Vì vậy, ông John Russell Young đã nhậm chức từ ngày 1-7-1897 cho tới khi ông qua đời vào tháng 1 năm 1899. Nguyên là nhà báo và nhà ngoại giao, ông Young là một quản trị gia khéo léo, đã bành trướng tầm hoạt động của Thư Viện Quốc Hội, mở rộng các bộ sưu tập của thư viện. Tháng 2 năm 1898, ông Young đã gửi tới các tòa đại sứ và lãnh sự Hoa Kỳ trên khắp thế giới, lời yêu cầu họ cung cấp cho “thư viện quốc gia” các nhật báo, tạp chí, tập sách, tài liệu của các quốc gia khác nhau, cùng “tất cả những gì đóng góp vào kiến thức của nhân loại”, nhờ thế vào cuối năm 1898, đã có nhiều sách báo và tài liệu gửi về từ 11 tòa đại sứ và 7 tòa tổng lãnh sự. Ông John Russell Young còn sáng suốt bổ nhiệm các ông Thorvald Solberg, nhân viên đăng kiểm đầu tiên về tác quyền và các ông J.C.M.Hanson và Charles Martel, các tổng kê viên, các vị này bắt đầu một công tác mới là xếp loại các bộ sưu tập mà trong gần một thế kỷ, đã theo hệ thống phân loại của cựu Tổng Thống Thomas Jefferson. Là một nhân vật không có đầu óc đảng phái, ông John Russell Young đã thành công trong việc đưa Thư Viện Quốc Hội ra khỏi thế giới chính trị của nước Mỹ. Và việc làm nổi tiếng nhất của ông Young là khánh thành dịch vụ thư viện dành cho người mù và người tàn tật. Vào tháng 11 năm 1897, Thư Viện Quốc Hội bắt đầu một chương trình đọc sách tại “khu dành cho người khiếm thị” cùng với phần thư viện riêng dành cho những người thiệt thòi này, rồi tới năm 1913, Quốc Hội Hoa Kỳ đã điều hành nhà in các ấn bản chữ nổi. Người kế nghiệp ông Young là ông Herbert Putnam, được Tổng Thống William McKinley bổ nhiệm vào mùa xuân năm 1899. Trong suốt 40 năm trường, ông
Từ thập niên 1870, các trường chuyên nghiệp và đại học tại Hoa Kỳ đã phát triển, cung cấp nhiều trình độ học vấn cao cấp, đồng thời đã xuất hiện các hiệp hội chuyên môn. Chính quyền liên bang từ thời kỳ này phải yểm trợ các hoạt động về giáo dục, khoa học, nghiên cứu, cho nên năm 1900 là năm bắt đầu của thời đại các thư viện cỡ lớn, với các giá sách khổng lồ, các phương pháp tổng kê và phân loại theo khoa hoc cùng với nhóm chuyên viên toàn thời gian. Vào cuối năm 1901, Thư Viện Quốc Hội là thư viện đầu tiên của Hoa Kỳ có một triệu cuốn sách cùng với các bộ sưu tập giá trị, đã trở nên thư viện dẫn đầu các thư viện Mỹ. Ong Putnam cũng cho thiết lập vào năm 1901 hệ thống lưu hành sách giữa các thư viện (the inter-library loan system), và các phiếu thư mục được in sẵn (printed catalog cards) bắt đầu được Thư Viện Quốc Hội bán ra và phân phối. Kể từ nay, các sách không còn bị giữ trong phạm vi thư viện nữa, mà còn được gửi ra bên ngoài để mọi người xử dụng. Để biện hộ cho công việc này, vị quản thủ Thư Viện Quốc Hội đã nói: “một cuốn sách được xử dụng, là đã làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó, còn hơn là một cuốn sách chỉ được để dành vì sẽ dùng trong tương lai”. Các việc làm của ông Putnam đã khuyến khích sự cộng tác giưã các học giả và các thư viện, thiết lập nên các tiêu chuẩn thư tịch (bibliographic standards), giúp công vào các hoạt động trí tuệ tại Hoa Kỳ, làm “dân chủ hóa” kiến thức trên bình diện quốc gia và quốc tế và nhờ đó, đã khiến cho Thư Viện Quốc Hội có một địa vị lãnh đạo trong các viện nghiên cứu của thế giới. Các tài liệu hữu ích của Hoa Kỳ dùng vào nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, được ông Putnam làm phát triển qua cách cung cấp các văn bản gốc. Năm 1903, ông Putnam đã đề nghị với Tổng Thống Theodore Roosevelt, nguyên là một người bạn và cũng là một vị yểm trợ cho Thư Viện Quốc Hội, ban hành một sắc lệnh di chuyển từ Văn Khố của Bộ Ngoại Giao nhiều tư liệu của các vị lập quốc Hoa Kỳ, kể cả của các cựu tổng thống George Washington, Thomas Jefferson và James Madison, qua phân bộ thủ bản (manuscript division) của Thư Viện Quốc Hội. Từ năm 1904, thư viện này cũng bắt đầu phổ biến các bản văn lịch sử quan trọng, chẳng hạn như các Tập San của Quốc Hội Lục Địa (the Journals of the Continental Congress) và ông Putnam cho rằng vai trò của thư viện là bảo vệ các nguồn tài liệu gốc của lịch sử. Theo đúng chủ trương của ông Thomas Jefferson là không một bộ môn học thuật nào ở bên ngoài sự quan tâm của Quốc Hội hay dân chúng Hoa Kỳ, ông Putnam còn đặc biệt nhìn xa trông rộng trong việc thu lượm các tài liệu nghiên cứu về các quốc gia và các nền văn hóa khác. Ông đã không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không mua sắm các bộ tài liệu cần thiết cho việc khảo cứu quan trọng về sau. Năm 1906, bộ sách nổi danh gồm 8,000 cuốn về văn chương Nga của ông G.V.Yudin ở Siberia đã được mua cho Thư Viện Quốc Hội và ông Putnam còn cử một nhân viên qua nước Nga để trông coi việc đóng thùng và chuyên chở. Tới năm 1908, bộ sưu tập Schatz về nhạc kịch thuở ban đầu (opera librettos) được mua từ nước Đức. Ngoài ra còn bộ Hebraica và các sách quý của Trung Hoa, Nhật Bản... Để yểm trợ cho ngành Lập Pháp, Sở Dịch Vụ Tham Khảo Lập Pháp (the Legislative Reference Service) được thành lập vào năm 1914 như là một đơn vị hành chính riêng biệt của Thư viện Quốc Hội, bởi vì vào giai đoạn này, nhiều nhà trí thức đã vận động việc dùng các thông tin một cách khoa học để giải quyết nhiều vấn đề. Trong bản điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ vào năm 1913, ông Putnam đã trình bày về chức năng của Sở Dịch Vụ Tham Khảo là chọn lựa ra trong số 2 triệu cuốn sách mỏng và dày, các tài liệu mà Quốc Hội có thể cần tới. Nói một cách khác, Thư Viện Quốc Hội sẽ cung cấp cho Quốc Hội một dịch vụ về khảo cứu với các đề tài như hệ thống ngân quỹ quốc gia, các đóng góp quỹ tranh cử, chính quyền Phi Luật Tân, trợ cấp của liên bang trong việc làm đường lộ, vấn đề di dân, vấn đề hàng hải thương thuyền ... Ông Herbert Putnam còn hướng Thư Viện Quốc Hội về các định hướng khác. Nhờ các vận dộng của ông, đạo luật về Uûy Ban Ngân Khoản Uûy Tặng năm 1925 (the Trust Fund Board of 1925) được ban hành, cho phép Thư Viện Quốc Hội nhận vào các quà tặng và di sản từ các tư nhân, tạo nên một vai trò văn hóa mới của Thư Viện. Khởi đầu, một tư nhân là bà Elizabeth Sprague Coolidge đề nghị ủy tặng cho Thư Viện Quốc Hội một món tiền lớn để làm phát triển kiến thức và trình độ thưởng thức âm nhạc. Bà Coolidge cũng tặng tiền để thiết lập nên một sảnh đường hòa nhạc (concert hall) bên trong tòa nhà của Thư Viện Quốc Hội, trợ cấp cho các công trình mới về âm nhạc và trả thù lao trọng hậu cho vị trưởng khoa âm nhạc của Thư Viện.
Cũng nhờ có Ngân Quỹ Uûy Tặng (the Trust Fund), Thư Viện Quốc Hội có thể lập nên cơ sở cho các học giả và các nhà tham vấn về thơ phú. Ông Putnam còn cẩn thận xác định cách xử dụng ngân khoản để bổ túc, mà không thay thế số tiền từ chính quyền dành cho Thư Viện. Ông Putnam đã tiên liệu vai trò văn hóa và giáo dục của Thư Viện và lập nên một bộ phận riêng, thuộc tư nhân để yểm trợ cho Thư Viện. Do lòng mong muốn Thư Viện Quốc Hội trở thành chiếc nôi của nền dân chủ theo lý tưởng của ông Thomas Jefferson, năm 1921, ông Putnam còn ra lệnh cho 2 văn bản quý giá nhất của Hoa Kỳ là “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” và “Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ” chuyển về lưu giữ và trưng bày tại Đại Sảnh (Great Hall) của Thư Viện. Trong buổi lễ chuyển giao này, có tham dự Tổng Thống Calvin Coolidge và các nhân vật cao cấp khác. Thư Viện Quốc Hội đã bảo quản 2 tài liệu lịch sử đó cho tới năm 1952 mới chuyển lại cho Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia (the National Archives), tuy nhiên vẫn còn sở hữu bản nháp viết tay “Tuyên Ngôn Độc Lập” của ông Thomas Jefferson. Nhà sử học James Truslow Adams trong cuốn sách “Thiên Anh Hùng Ca của Hoa Kỳ” (the Epic of America) xuất bản năm 1931, đã biết rằng Thư Viện Quốc Hội là một biểu tượng của nền dân chủ, đã được tạo lập do người dân và hoạt động vì người dân. Trong 40 năm giữ trọng trách quản thủ thư viện, ông Putnam đã làm phát triển các bộ sưu tập cùng các dịch vụ thư viện khiến cho các tòa nhà đọc sách và chứa sách cần tới thêm diện tích. Nghị định cho phép mua thêm đất đai để xây dựng nên một kiến trúc mới được chấp thuận năm 1928 và Tòa Nhà John Adams được khởi công vào năm 1930, nhưng vì các năm suy thoái kinh tế, công trình xây cất bị đình hõan và chỉ hoàn thành vào năm 1938 rồi năm sau, 1939, mới mở cửa tiếp đón dân chúng.
Người kế nghiệp ông Putnam là nhà văn kiêm nhà thơ Archibald MacLeish, được Tổng Thống Franklin Roosevelt bổ nhiệm năm 1939. Ông MacLeish đã làm quản thủ thư viện cho tới cuối năm 1944, khi ông trở nên Thứ Trưởng Ngoại Giao. Là một nhân vật biện hộ cho việc tham dự của Hoa Kỳ vào Thế Chiến II, ông MacLeish đã dùng văn phòng Thư Viện Quốc Hội để nói về nền dân chủ, hô hào các nhà trí thức phải bảo vệ nền văn hóa Mỹ trước sự đe dọa của chế độ độc tài. Ông MacLeish là vị quản thủ nổi rõ nhất trong lịch sử của thư viện này. Ông MacLeish cũng yêu cầu nghệ sĩ Ezra Winter trang hoàng 4 bức tường của Phòng Đọc Sách Jefferson theo các chủ đề là Tự Do, Lao Động, Giáo Dục, “thế hệ đang sống” và chính quyền Dân Chủ. Tại “phần kiến trúc dân chủ” (the democracy alcove) của Phòng Đọc Sách chính, các nhà khảo cứu thấy có trưng bày các văn bản cổ điển của truyền thống Mỹ, gồm Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Bản Hiến Pháp, Các Luận Văn Liên Bang và các bài viết của nhiều chính khách Hoa Kỳ. Năm 1943, Thư Viện Quốc Hội tổ chức lễ tưởng niệm 200 năm sinh của ông Thomas Jefferson. Một thư mục chú giải liệt kê các sách của thư viện riêng của ông Jefferson đã được nhà thư tịch học E.Millicent Sowerby biên soạn và phổ biến bằng 5 cuốn, xuất bản từ năm 1952 tới năm 1959, đồng thời Thư Viện Quốc Hội cũng bắt đầu thực hiện vi phim (microfilming) bộ sưu tập các văn bản của ông Thomas Jefferson. Vị quản thủ thư viện MacLeish còn tổ chức lại cách quản trị hành chánh, một việc làm hữu hiệu trong 3 thập niên, thiết lập các liên lạc giữa các văn sĩ và học giả Mỹ, tạo nên ngành tham vấn về thơ phú (consultantship in poetry) và các chương trình học bổng cho các học giả trẻ. Thư Viện Quốc Hội vào lúc này đã xác định chủ trương “sưu tập mọi hồ sơ được ghi chép của các tổ chức và nhân vật nào có các công trình mà nhân dân Hoa Kỳ quan tâm tới nhất”. Do ông MacLeish từ chức vào năm 1944 nên năm sau, Tổng Thống Harry Truman đã bổ nhiệm vị phụ tá quản thủ là ông Luther H. Evans, một nhà khoa học chính trị.
Trong các đóng góp của ông Evans vào Thư Viện Quôc Hội còn có kế hoạch thư viện quốc tế và cộng tác văn hóa quốc tế. Năm 1945, cùng với giám đốc thu mua Verner W. Clapp, ông Evans tổ chức Đoàn Công Tác Thư Viện Quốc Hội tại châu Au (the Library of Congress Mission in Europe) để tìm mua các sách báo xuất bản tại châu Âu cho Thư Viện Quốc Hội và các thư viện khác, và từ đây ra đời các hợp đồng mua sách tự động (automatic book purchase agreements) cùng các giao ước trao đổi các tài liệu chính thức. Năm 1945, khi Liên Hợp Quốc bàn thảo tại San Francisco, Thư Viện Quốc Hội cũng lập nên tại thành phố đó một thư viện tham khảo để giúp đỡ các vị tham dự hội nghị. Năm 1947, Đoàn Công Tác Thư Viện Quốc Hội tại Nhật Bản đã giúp đỡ nước này thiết lập nên Thư Viện Quốc Hội Nhật (the National Diet Library). Ngoài ra ông Evans còn chủ trương hoàn trả nhiều thủ bản quan trọng về các quốc gia gốc.
Người kế nghiệp ông Luther H. Evans là vị giám đốc Thư Viện Công Lập của thành phố Cleveland, ông L.Quincy Mumford, được Tổng Thống Dwight D.Eisenhower bổ nhiệm năm 1954. Ông Mumford khởi đầu kế hoạch xây dựng Tòa Nhà James Madison năm 1957 và làm phát triển thư viện trên các bình diện quốc gia và quốc tế. Năm 1958, do đạo luật Trợ Giúp và Phát Triển Mậu Dịch Nông Nghiệp năm 1954 (the Agriculture Trade Development and Assistance Act of 1954), Quốc Hội Hoa Kỳ đã cho phép Thư Viện dùng tiền của chính phủ Mỹ tại nước ngoài để mua các sách báo, nhờ đó các trung tâm thu mua được đặt đầu tiên tại 2 thành phố New Delhi và Cairo. Đạo luật giáo dục cao cấp được Tổng Thống Lyndon B.Johnson phê chuẩn năm 1965, đã giúp cho Thư Viện Quốc Hội có được các tài liệu giá trị xuất bản trên khắp thế giới, lập nên các thông tin tổng kê (cataloging information) dùng cho mọi tài liệu, và cố gắng mới của Thư Viện Quốc Hội là chương trình quốc gia thu mua và tổng kê NPAC (the National Program for Acquisitions and Cataloging). Văn phòng NPAC đầu tiên được mở của tại thành phố London năm 1966 rồi từ đó, Thư Viện Quốc Hội đã có 6 văn phòng hải ngoại, liên lạc với các nhà sách lớn và các thư viện trên toàn thế giới. Do việc thiết lập tổng kê cho một số lượng khổng lồ các sách báo, cần phải có các tiêu chuẩn thư tịch (bibliographic standards) nên vào giữa thập niên 1960, Thư Viện Quốc Hội đã tạo ra được một hình thức đọc các dữ kiện bằng máy, gọi là hệ thống MARC ( Machine Readable Cataloging = đọc tổng kê bằng máy). Cấu trúc về khuôn thức MARC đã trở nên một tiêu chuẩn quốc gia chính thức vào năm 1971 và một tiêu chuẩn quốc tế vào năm 1973. Năm 1967, Thư Viện Quốc Hội còn khởi đầu một công trình nghiên cứu kỹ thuật, bảo quản sách báo in trên loại giấy có acít. Ngày nay, Sở Bảo Dụng (Preservation Office) của Thư Viện Quốc Hội đang thực hiện công trình nghiên cứu lớn lao nhất về cách bảo quản các tài liệu quý giá. Kể từ năm 1901, Thư Viện Quốc Hội đã giữ vai trò lãnh đạo trong cộng đồng thư viện Hoa Kỳ, ngoài công việc yểm trợ các nhu cầu tham khảo và nghiên cứu của ngành Lập Pháp Mỹ. Cả hai chức năng vừa đóng góp cho Lập Pháp, vừa mang tính quốc gia của Thư Viện Quốc Hội đã bị tranh luận vào thời kỳ nhậm chức của ông Mumford, và vị quản thủ thư viện này đã bảo vệ mạnh mẽ vị trí của Thư Viện Quốc Hội trong ngành Lập Pháp. Đạo luật Tái Tổ Chức Lập Pháp năm 1970 (the Legislative Reorganization Act of 1970) đã đổi tên Sở Dịch Vụ Tham Khảo Lập Pháp (the Legislative Reference Service) thành Sở Dịch Vụ nghiên Cứu thuộc Quốc Hội (the Congressional Research Service), làm bành trướng các chức năng của cơ quan này, chú trọng vào việc nghiên cứu và phân tích các chính sách, phục vụ các cá nhân nghị viên Quốc Hội cũng như các ủy ban thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ.
Người kế nghiệp ông Daniel J. Boorstin là nhà sử học James H. Billington, được Tổng Thống Ronald Reagan bổ nhiệm và đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14-9-1987, trở thành vị quản thủ thư viện thứ 13. Ông Billington bắt đầu ngay việc thành lập Ủy Bản Quản Trị và Kế Hoạch MAP (the Management and Planning Committee) với các diễn đàn địa phương thuộc 9 thành phố. Kết quả là Thư Viện Quốc Hội đã chia xẻ các nguồn tài liệu trong khắp đất nước, thiết lập nhiều dự án liên quan tới các kỹ thuật mới để nới rộng cách truy cập (accesss) trực tiếp từ các thư viện khác và từ các cơ sở giáo dục. Dự án truy cập tại tuyến (on-line access) dẫn từ Thư Viện Quốc Hội tới các thư viện thuộc 50 tiểu bang đã được bắt đầu năm 1991. Ông Billington còn thiết lập nên Sở Giáo Dục đầu tiên (the first Educational Office) của Thư Viện Quốc Hội để tăng cường các chương trình văn hóa, và các chương trình quảng bá dịch vụ thư viện đã dẫn tới việc thành lập Sở Phát Triển (the Development Office) vào năm 1988. Năm 1990, Hội Đồng James Madison được thành lập. Đây là một ủy ban yểm trợ thuộc khu vực tư, gồm các thương gia và quản trị gia uy tín. Ông Billington cũng vận động cho ngân quỹ của Thư Viện Quốc Hội được tăng 12 phần trăm và thư viện này cũng giúp đỡ các thư viện của các nước mới dân chủ thuộc khối Đông Âu. Trong báo cáo về tài khóa năm 1993, ông Billington đã trình bày rằng Thư Viện Quốc Hội đang trở nên một chất xúc tác quan trọng cho các nhu cầu về giáo dục, cạnh tranh và sáng tạo của quốc gia. Cuộc thảo luận cũng đề cập tới thời đại thông tin và nhu cầu dùng kỹ thuật điện tử mới. Theo ông Billington, kỹ thuật mới này đã giúp cho Thư Viện Quốc Hội có thể cung cấp kiến thức dễ dàng cho mọi người dân Hoa Kỳ qua các trường học, đại học, thư viện và các tổ chức nghiên cứu tư nhân, và Thư Viện Quốc Hội đang cố gắng trở thành một “Đại Học Quốc Gia Điện Tử mới lạ” (a new Electronic National University). Bài đọc thêm: 1. Thomas Jefferson
|