Chủ Nghĩa Lập Thể và Picasso |
Tác Giả: Trà My | |||
Thứ Sáu, 27 Tháng 2 Năm 2009 08:47 | |||
Chủ nghĩa Lập Thể xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 như là một cách mạng hội họa và kiến trúc Âu Châu mà sau đó còn ảnh hưởng đến cả âm nhạc và văn chương. Các thi sĩ có liên hệ với Chủ nghĩa Lập Thể là Guillaume Apollinaire, Blaise Cendrars, Jean Cocteau, Max Jacob, André Salmon và Pierre Reverdi, còn trong kiến trúc là Frank Lloyd Wright. Phát kiến ra Chủ nghĩa Lập Thể là sự hợp tác giữa hai họa sĩ Pablo Picasso và Georges Braque từ năm 1908 đến 1912, nhưng nói đến Chủ Nghĩa Lập Thể thì người ta thường nghĩ đến Picasso trước nhất. Vẽ làm sao cho giống hiện thực bên ngoài không còn là điều quan trọng nữa kể từ khi người họa sĩ hy sinh tất cả để tìm chân lý, cho một thiên nhiên ở tầm mức cao hơn do anh ta giả định chứ không phô bày ra trần trụià Và sau cùng, kể từ khi khoa giải phẫu cơ thể học không còn có ở trong nghệ thuật nữa, Picasso đã tái phát minh ra khoa này bằng sự thám sát của riêng ông, với cánh tay thuần thục và có phương pháp của một nhà đại giải phẫu. Những năm từ 1906 đến 1908 có tính cách quan trọng đối với nghệ thuật của thế kỷ 20 cũng như những năm đầu của thập niên 1880 đối với sự hình thành của trường phái Hậu Ấn Tượng. Trong cả hai trường hợp, sự vận hành của phong cách diễn tả là đi từ tự do trong màu sắc đến một cấu trúc tạo hình vững vàng hơn. Vào năm 1906 khi Matisse vẽ bức “Le bonheur de vivre” (Lạc thú của đời sống), chủ nghĩa Dã Thú (Fauvism) đã bị thay thế, khuynh hướng mới được bổ sung bởi các cuộc triển lãm của Cézanne liên tục trong ba năm 1905, 1906, 1907. Năm 1907 những thư từ của Cézanne liên lạc với họa sĩ Emile Bernard được xuất bản, trong đó lời khuyên “hãy nhìn thiên nhiên như những hình khối: hình trụ, hình cầu, hình nónà” được dùng làm tiền đề cho các họa sĩ Lập Thể. Hiển nhiên là Picasso đã được nhìn thấy bức vẽ “Le bonheur de vivre” của Matisse khi nó được treo trong phòng bà Gertrude Stein ở đường Fleurus trong mùa thu và mùa đông 1906 bởi ông thường xuyên đến thăm gia đình bảo trợ cho hội họa mới này. Kể từ đầu năm 1907 Picasso bắt đầu bắt tay vào bố cục lớn nhan đề “Les Demoiselles d’Avignon” (Các thiếu nữ vùng Avignon” để đọ với bức họa ấy của Matisse. Picasso sinh năm 1881 tại Malaga ven bờ biển Ðịa Trung Hải của nước Tây Ban Nha. Gia đình ông dời đến Barcelona vào năm 1896 nơi cha ông, José Ruiz, làm nhà giáo dạy môn nghệ thuật tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật (theo phong tục Tây Ban Nha, Picasso được quyền chọn lựa giữa họ của cha và họ của mẹ, ông đã lấy họ bên ngoại). Barcelona là trung tâm sống động của giới trí thức, Picasso đã sớm chứng tỏ thiên tài của mình và bị lôi cuốn đến thủ đô nghệ thuật của thế giới là Paris trong nhiều thời gian dài, từ 1900 đến 1904, để rồi ở luôn tại đó từ năm 1904. Lúc mới đến Paris ông vẽ phố xá, quán cà phê bằng nhát cọ mạnh bạo có khuynh hướng thảm kịch như tranh Lautrec, và mang cái không khí nghệ thuật hồi cuối thế kỷ 19. Kể từ cuối năm 1901, Picasso dùng toàn một gam màu xanh như những tranh trong tiệm giặt ủi của Degas hay bầu trời Provence của Cézanne để vẽ giới người cùng khổ ở Paris mà đáng chú ý nhất là bức “Vieux guitariste aveugle” (1903). Ðây là thời kỳ Picasso tự thử thách qua nhiều kinh nghiệm và ảnh hưởng, khám phá ra tính chất giản dị trong nghệ thuật của Gauguin, hai màu xanh da trời và vàng đất của ông gợi đến cái tổng hợp màu bí ẩn của Gauguin ở những bức cuối cùng, nhưng Picasso hấp thụ rất nhiều nguồn ảnh hưởng để nhập vào một phong cách lớn riêng và sử dụng chúng để diễn tả nỗi khốn cùng của con người trong một đô thị lớn của thời mới. Kề từ năm 1905 bảng màu của Picasso tươi sáng lên bằng những sắc hồng. Ông bắt đầu vẽ những người làm xiếc, các anh hề một cách phóng khoáng, duyên dáng nhưng cũng đầy cảm xúc tinh tế. Những khuôn mặt nửa buồn bã nửa hùng tráng của những người Gypsy lang thang này có lẽ là những tạo hình đầy tính thi ca nhất trong nghệ thuật của thời đại mới. Sau này, trong suốt sự nghiệp của mình, Picasso vẫn chứng tỏ ông có mối cảm tình đặc biệt với tính cách trữ tình đầy u hoài của những anh hề, ngay cả trong những sáng tác trừu tượng hơn. Hai năm 1905, 1906 trong tranh Picasso ta thấy những khuôn mặt như từ điêu khắc duyên dáng của văn minh Hy Lạp, hay từ những bích họa của thành Pompei. Những màu hồng, màu đỏ đất và màu vàng đất tập trung lại được sắc ấm áp của những bức tường cổ La Mã và cái không khí văn hóa cổ điển của vùng Ðịa Trung Hải. Sự bộc phát của phong cách được mệnh danh là “nguyên thủy” dẫn đến sự thay đổi sâu xa trong trong nghệ thuật của Picasso bắt đầu vào năm 1906 trong kỳ nghỉ hè ở Gosol, một thị trấn nhỏ bên dãy núi Pyrénées, phần thuộc Tây Ban Nha. Năm đó anh chàng nghệ sĩ sớm trưởng thành Picasso mới có 25 tuổi, đã vẽ được hơn hai trăm bức sơn dầu và nhiều bản vẽ khác nữa, thành quả này có thể làm vừa lòng bất cứ một người nào khác. Nhưng cũng giống như Matisse, Picasso có khuynh hướng vươn tới sự đơn giản để đạt được một giải pháp mới có nhiều tính nghệ thuật hơn. Trong hai năm 1906, 1907 ông vẽ những bộ mặt góc cạnh có cái nhìn nguyên thủy bằng màu dầy khiến sơn nổi hẳn lên như phù điêu, đánh dấu giai đoạn này là bức “Portrait de Gertrude Stein”, vẽ suốt 80 buổi không hài lòng, bỏ mặc rồi bất thình lình chỉ trong một buổi hoàn tất trong phong cách mới. Chủ nghĩa Lập Thể (Cubism) được khởi đầu năm 1907 với bức “Les Demoiselles d’Avignon” của Picasso. Rất nhiều phác thảo của tranh này cho thấy tiến trình để đạt đến một cấu trúc trừu tượng hóa. Thoạt tiên, tranh hiển nhiên lấy cảm hứng từ những bức vẽ người đi tắm của Cézanne hay những bức lớn của Matisse, nhưng Picasso để nhân vật chen chúc hơn trong không gian hẹp, gần gũi hơn với tinh thần cấu trúc của Cézanne và lại vững chắc hơn Matisse. Mặt khác màu sắc đầy biểu cảm của Picasso lại giả tạo hơn (xa thiên nhiên hơn), nó không diễn tả những tương quan tự nhiên trong không gian. Picasso đã chịu ảnh hưởng điêu khắc châu Phi, các mặt nạ phẳng dẹt ở xứ Congo và Côte D’Ivoire (Bờ Biển Ngà) trong sáng tác, nhất là ở hai bộ mặt bên phải. Thời kỳ “nguyên thủy” (còn gọi là thời kỳ Da Ðen) của Picasso còn được phối hợp với ảnh hưởng từ Cézanne và cố gắng của Picasso nhằm cấu trúc được những bố cục từ những mảng màu phẳng dẹt. Trong hai năm 1908-1909 màu sắc của ông trở nên sẫm hơn, nhiều cộng hưởng hơn gồm nâu đỏ, hồng xỉn, màu vải kaki và xám sắt. Với hình thể như điêu khắc, mặt sơn như tác phẩm của thợ nề, Picasso tìm cách tóm lược như một loại tốc ký của thị giác những mảnh rời có góc cạnh mà thi sĩ Apollinaire gọi là “giải tích” (analytical) . Chủ nghĩa Lập Thể hình thành từ đó. Họa sĩ Braque cũng thích thú đi theo những kinh nghiệm của Picasso và cùng ông khám phá phong cách mới. Phong cảnh, tĩnh vật và những mặt người đều được giản lược thành những sắp xếp hầu như trừu tượng. Ðã có nhiều sự phân tích rút ra giữa chủ nghĩa Lập Thể và khoa học hiện đại, giữa nhiều cái nhìn “đồng thời” (hay còn gọi là “sự chuyển dịch chỗ nhìn”) của Picasso và Braque trước thiên nhiên với thời và không gian vật lý. “Rõ ràng chủ nghĩa Lập Thể chỉ là sự triển khai xa hơn cách tiếp cận với thiên nhiên bằng cấu trúc của Cézanne và sự chối từ của ông ta với quy luật phối cảnh viễn cận thời Phục Hưng, nhưng chủ nghĩa Lập Thể có những ý định thay đổi cơ bản hơn”. Cézanne đã xoáy vặn hình thể và cho thấy ông đứng ở nhiều điểm nhìn sự vật hơn là từ một chỗ cố định, nhưng Cézanne vẫn còn giữ cái không gian của thiên nhiên. Trái lại, Picasso và Braque rất ít quan tâm đến việc nắm bắt những tương quan giữa hình thể hoặc ít lưu ý đến cảnh quan vĩ đại của thiên nhiên. “Hai người chuyển dịch trọng tâm của tranh, nghệ phẩm của họ không phải là sự nối dài, mở rộng ra của thiên nhiên mà thuần túy là sự sắp xếp các hình khối vốn chỉ có ý nghĩa trong tự thân của nó. Ðiều này có nghĩa là hội họa phải có cái hiện thực đầy cảm xúc, có thể sờ mó được và tự tại để giải thoát và làm bay bổng lên những hình khối có tính trừu tượng của nó”. Có rất ít ấn tượng về thiên nhiên ngoại tại hay tính cách mô tả trong sáng tác của Picasso và Braque nhưng đó là cảm xúc về một thực tại cụ thể có tính chất vật lý về “sự vật được vẽ” (nên chú ý rằng từ ngữ “cụ thể” sau này sẽ được các họa sĩ trừu tượng Mondrian Kadinsky và Arp dùng để tả nghệ thuật không có đối vật của họ, bởi sự vật đã chuyển thành sự vật được vẽ “painting object”). Trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa Lập Thể Giải Tích, Picasso và Braque giới hạn bảng pha màu chỉ gồm ít màu xám, hồng xỉn, nâu da thuộc và trắng, như thể đang điều hành một phòng thí nghiệm về hình thể, muốn giới hạn các yếu tố có thể thay đổi để dễ dàng kiểm soát hơn những thí nghiệm của họ. Mô-típ vẽ được gợi ý như những tín hiệu hay biểu tượng chứ không giống như các chủ đề của nền hội họa truyền thống. Nhìn lại tiến trình của lịch sử hội họa trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Lập Thể là công trình độc đáo duy nhất được hoàn tất, tự đóng lại và đáng lưu ý nhất. Nó tượng trưng cho cao điểm của lý tính và sự thông minh trong nghệ thuật. Các họa sĩ Lập Thể đã tìm được một ngôn ngữ biểu trưng và hình thể rất ít liên quan đến việc mô phỏng hay tái tạo thiên nhiên như hội họa trước đó. Họ đã thiết lập được bộ ngữ vựng của những dấu hiệu và mật mã được xử dụng làm những thay thế có tính tạo hình cho cái bề mặt bên ngoài của sự vật, giải thoát chúng bằng cách chủ yếu tập trung vào giá trị thẩm mỹ. Tác phẩm của họ đầy lý tưởng và là những cuộc phiêu lưu của trí tuệ. Chủ nghĩa Lập Thể được biết đến tại Phòng Triển Lãm Các Họa Sĩ Ðộc Lập năm 1908, trong đó Braque treo một bức tranh phong cảnh theo thủ pháp mới. Sau đó thi sĩ Guillaume Apollinaire dùng từ Lập Thể để gọi tên cho phong trào, và từ năm 1910 đến 1912 một số họa sĩ trẻ đã theo phong cách này: Jean Metzinger, Fernand Léger, Juan Gris, Francis Picabia, Jacques Villon, Marcel Duchamp, Robert Delaunay. Từ những ý định và phát kiến tiên khởi của chủ nghĩa Lập Thể, nhiều hình thức biến hóa đa dạng nữa trong hội họa cũng xuất hiện, Picasso và Braque ngày càng cho thấy rõ hơn các hiện thực có tính vật chất của sự vật trong hội họa. Họ làm mạnh mẽ mối tương quan với ngoại giới, cho thấy tiếp xúc va chạm này có tính vật chất và nghệ thuật của họ nảy sinh từ tính cách trừu tượng trong hình thể của nó. Vậy mà bỗng dưng, vào khoảng 1915 Picasso lại đảo ngược hẳn thủ pháp của ông để vẽ lại một cách tinh vi, cổ điển như trước.
|