Khi xe không nổ máy |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Thứ Hai, 09 Tháng 2 Năm 2009 21:23 | |||
Là người ngồi sau tay lái chắc ai cũng từng trải qua ít nhiều giây phút khổ sở khi tra chìa khóa vào ổ máy mà xe cứ nằm trơ, không chịu nổ máy& Phạm Ðình cũng từng gặp nhiều câu hỏi với đủ mọi triệu chứng của các bạn gửi đến tham vấn. Có lẽ phải là thợ máy siêu đẳng, lại có “thần giao cách cảm” - để nghe và nhìn thấy máy từ cách xa nghìn trùng - mới dám chẩn bệnh trong những trường hợp đó. Anh chàng thợ máy của chúng ta dù có chuyên cần nghiên cứu cách mấy cũng không dám ngạo mạn làm cái chuyện chẩn đoán... vô tuyến như vậy, nên đành phụ lòng các bạn đã tham vấn. Hôm nay, xin được nêu ra ít nguyên nhân tổng quát về vấn nạn “xe không nổ máy”. Những nguyên nhân này, nếu được quan tâm đúng mức, cũng có thể giúp chúng ta giải quyết đa số trường hợp “bạn ta” ăn vạ giữa lúc ta đang cần đến “bạn” nhiều nhất. I. Yếu tố cần thiết để máy nổ Trước khi giải quyết vấn đề tại sao máy không chịu “work”, chúng ta phải xem những yếu tố nào được coi là cần thiết cho máy nổ, phải không bạn? Ðó là 5 yếu tố sau đây: 1. Ðiện (battery): Lốc máy cần phải được “turn over”, nghĩa là trục máy phải xoay với một tốc độ nào đó, không cần nhanh quá (bởi vì xe chưa chạy), nhưng cũng không thể chậm quá. Muốn vậy, thì mô tơ khởi động (starter motor) phải nhận được đủ điện chuyền vào từ bình điện (battery). 2. Nhiên liệu (fuel): Tức là hỗn hợp xăng và khí trời phải được hòa trộn đúng tỷ lệ, và được cung cấp kịp thời vào lòng xi lanh. 3. Tia lửa (spark): Sau khi nhiên liệu được nạp vào trong xi lanh, lập tức phải có một tia lửa mạnh xẹt vào để kích hoạt hiện tượng cháy nổ. Tia lửa này phát nguyên từ bu-gi. 4. Thời điểm phù hợp (proper timing): 3 động tác trên đây tuy không xảy ra đồng thời, nhưng theo nhau rất nhanh và rất sít sao. Nghĩa là, ngay khi xoay chìa trong ổ máy, làm một động tác đơn giản là “đề máy”, thì lập tức chúng ta khởi động một chuỗi thao tác sau đây: Bình điện kích hoạt mô tơ, mô tơ làm chuyển trục máy, trục máy mở cổng (valve) cho xăng và khí trời tràn vào lòng xi lanh, rồi kịp thời đóng lại để đưa piston xuống nén cho nhiên liệu “đặc” vừa đủ, kịp thời tiếp nhận một tia lửa xẹt vào để đốt khối nhiên liệu nén ấy. Ðấy là lúc chúng ta nghe một tiếng “sình”, tiếp theo là một tiếng “xịch” và cứ thế sình sịch liên tiếp, cho đến khi máy nổ giòn. Ngồi trong phòng máy, tra chìa khóa vào ổ, xoay một vòng là hầu như ngay lập tức chúng ta nghe tiếng máy nổ. Không ngờ, giữa những “sát na” thời gian ấy đã diễn biến một tiến trình phức tạp như vậy. Nếu từng thao tác không xảy ra đúng vào thời điểm dành cho mình, thì mọi sự sẽ trật “rơ”, sẽ “huốc” và sẽ không có tiến trình cháy nổ. 5. Ðộ nén (compression): Trên đây, chúng ta vừa nói đến độ nén, tức là khi piston giống như cái chày từ trên nện xuống để nén cho nhiên liệu đặc lại trong lòng xi lanh, thì độ nén đó phải đưa áp suất lên tới 120-170 psi trước khi tia lửa xẹt vào. Nếu nhiên liệu chưa được nén đúng mức, vẫn còn dưới 70-80 psi chẳng hạn, mà tia lửa điện đã tới, thì hiện tượng cháy nổ cũng không xảy ra. Vậy khi chúng ta đã sẵn sàng vọt đi, mà xe không chịu nổ máy là vì sao? Lý do không có gì bí hiểm: Ít nhất là thiếu một trong các yếu tố trên đây: Battery không chịu phát điện? Mô tơ khởi động yếu? Hỗn hợp xăng không đúng tỷ lệ? Valve khép mở không kịp? Tia lửa đưa vào lòng xi lanh không đủ mạnh? Nhiên liệu nén chưa tới?... Trả lời được các câu hỏi này thật không dễ dàng. Vẫn biết nguyên nhân phải nằm trong số đó, nhưng thực là cái mớ bòng bong, không phải chỉ trong 5, 10 phút vội vàng mà tìm ra được. Nhiều khi thợ chuyên môn với đầy đủ máy móc chẩn đoán mà còn phải vò đầu bứt tai. Rất may, thưa bạn, trong đa số trường hợp, nguyên nhân lại rất đơn giản và dễ chữa: Bình điện yếu, hoặc hoàn toàn không có điện! Những trường hợp bạn ta ăn vạ do những nguyên nhân còn lại tương đối ít xảy ra. Dĩ nhiên, với điều kiện chúng ta là người biết săn sóc và bảo trì bạn đúng mức! II. Ðặt vấn đề: Những câu hỏi cần trả lời Cụ thể, nếu xe không nổ máy trong một buổi sáng sớm vội vàng đi làm, hay trong một buổi chiều mơ với người yêu ngồi cạnh đang chuẩn bị đi dự đại nhạc hội, thì bạn phải phải làm gì? Trước tiên, xem bình điện có OK không? Lúc rời xe chiều hôm qua, có để đèn sáng rồi đi thẳng vô nhà không? Còn đủ nhớt trong máy không? Ðủ xăng trong bình không? Hay là, bình xăng còn quá ít nhiên liệu? Áp suất nhớt xuống quá thấp? Ðó là những điểm cơ bản về - điện, xăng, nhớt - chúng ta có thể kiểm soát ngay được, mà không cần bẩn tay tra xét gì nhiều. Chỉ xin nói thêm một chút về bình điện: Bình điện yếu hoặc “chết” hẳn là một trong những nguyên nhân của đa số trường hợp xe không chịu nổ máy. Rất nhiều khi chúng ta quên không chịu tắt đèn và các máy móc trên xe. Ðể đèn qua đêm, thì đương nhiên bình điện... đi đoong. Nhưng không phải chỉ có những ngọn đèn ở mũi xe mới tiêu hao điện. Xe còn có nhiều thứ máy móc khác, như đèn trên mui, radio, máy hát, và máy truyền hình... Tất cả đều xài điện tích lũy từ trong battery cả. Khi đề máy mà bạn chỉ nghe một tiếng k-lích khô khan, điều đó có thể do bình chết (battery), không còn điện để khởi động mô tơ (starter motor). Nếu muốn thử lại, xem nguyên nhân có thực sự do bình hay không, chúng ta có thể làm như sau: xoay chìa khóa ổ máy (ignition) chỉ vừa đủ để mở điện, xem Radio có hát không? Nếu vẫn hát thì điện còn, nhưng không có nghĩa là đủ mạnh để đề máy. Thử bật cần gạt nước (windshield wipers) trên kính chắn gió trước mặt xem: Nếu cần gạt di chuyển quá yếu, thì nguyên nhân đích thị là do bình. Nếu bình còn mới, ta chỉ việc “câu” điện với một xe khác để đề máy là đủ, bình sẽ tiếp thu điện và sau đó tự làm việc. Nhưng nếu bình đã cũ sau 2, hoặc 3 năm sử dụng, nên đi mua một cái bình mới là “tiện việc sổ sách” nhất. Nhiều khi bình cũ giở chứng bất tử chẳng vì nguyên do nào cả, mới chiều hôm qua còn work, sáng nay đã lăn đùng ra... “die”. Nếu những yếu tố trên đây - điện, xăng, nhớt - xét thấy đã OK mà máy vẫn không nổ, thì xin tự vấn những câu này. Chúng tôi xin nêu các câu hỏi ra trước, rồi sẽ tuần tự phân tích trong từng trường hợp: - Có thể xoay chìa trong ổ máy (ignition) được không? - Ðèn “security” - một trong những thứ đèn báo trên táp lô trước mắt tài xế - Có nháng lên khi bạn xoay chìa khóa về vị trí ON hay không? - Khi xoay chìa về vị trí ON, đèn “Check Engine” có nổi lên không? - Khi xoay chìa để đề máy, có nghe tiếng sình sịch nào không? - Có cảm thấy trục máy xoay không? Quá chậm? hay quá nhanh? - Nhìn xa hơn một chút, chúng ta nên tự tra vấn thêm: Gần đây Có lái xe qua vũng lầy, vũng nước nào không? Có rửa phòng máy không? Hoặc gần đây, có mang xe đi sửa chữa gì không?... Chúng ta sẽ thảo luận tiếp các vấn đề này trong bài lần sau.
|