Kim Cương Nhân Tạo, Mối Nguy cho Kim Cương Thiên Nhiên ? |
Tác Giả: Ulrich Boser | |||
Chúa Nhật, 08 Tháng 2 Năm 2009 11:57 | |||
(Bài này có nguyên tựa là ‘Diamonds on Demand’ được đăng trong Smithsonian magazine, số tháng sáu 2008.) Triệu Phong lược dịch Ngồi trong một quán bán thức ăn nhanh (fast food restaurant) nằm ở khu ngoại ô Boston, địa điểm nơi nào tôi không thể nói ra được vì đã ký kết thỏa thuận với công ty Apollo Diamond là sẽ không tiết lộ bất cứ một chi tiết nào. Tôi đang chờ họ đến đón vào thăm viếng nơi sản xuất kim cương nhân tạo. Apollo bí mật như một cơ quan tình báo thời Sô Viết, địa chỉ của họ không hề được công bố công khai. Họ không muốn tiết lộ để tôi tự tìm đường lái xe đến; thay vì vậy họ cử một nữ nhân viên đến đón tôi với một chiếc xe sang trọng mà tôi cũng không được phép nói ra đây là xe gì, và dĩ nhiên là tôi cũng không được phép tiết lộ cô ta đã đưa tôi đi theo lộ trình nào. Khi đến nơi, chủ tịch điều hành công ty là Bryan Linares liền giới thiệu: “Đây là mỏ kim cương ảo. Nếu ở bên Phi Châu thì chúng tôi có hàng rào kẽm gai, trạm gát lẫn lính canh, tiếc rằng đây là Massachusettes, chúng tôi không thể làm vậy được.” Ban giám đốc Apollo Diamond hết sức quan ngại cho sự an ninh an toàn của công ty, họ sợ bị trộm cướp, sợ gián điệp kinh tế. Bryan kể lại rằng trong một lần dự hội nghị về kim cương cách đây vài năm, khi anh vừa từ khách sạn nơi tổ chức hội nghị bước ra thì có một người mà anh biết rõ nhưng không chịu tiết lộ danh tánh bước theo phía sau và nhắn rằng có một người thuộc một công ty sản xuất hột xoàn thiên nhiên muốn tặng anh một viên kẹo đồng vào đầu. Bryan nói: “Nghĩ lại lúc ấy tôi cảm thấy thật kinh hoàng.” Cha của Bryan là ông Robert Linares vốn cùng với một cộng sự viên mà về sau trở thành người đồng sáng lập công ty Apollo, đã phát minh ra kỹ thuật cấy trồng kim cương. Ông đích thân đưa tôi đi vào một trong những phòng sản xuất. Dọc theo hành lang dài có bốn buồng áp suất lớn mà mỗi cái lớn bằng một tủ lạnh lớn, trong đó đầy dẫy những ống nghiệm cùng các mặt số đồng hồ. Đó đây các kiểm nghiệm viên mặc áo choàng lăng xăng đi tới đi lui, tôi ghé mắt ngó vào ô cửa nhỏ của một khoang máy. Một đám mây xanh lục phủ lấp phần trên; bên dưới là mười sáu chiếc đĩa lớn bằng hạt nút, mỗi đĩa ánh lên một thứ ánh sáng màu hồng đục. Ông Robert hỏi: “Trông chẳng giống gì phải không? Coi vậy chứ vài tuần nữa chúng sẽ thành những viên hột xoàn nửa cà rá.” Năm 1796, hóa học gia Smithson Tennan khám phá ra rằng kim cương cấu tạo từ carbon. Mãi đến thập niên 50 các khoa học gia mới bắt đầu thử chế tạo kim cương bằng cách tôi luyện từ than chì graphite ở nhiệt độ 2.550 độ F dưới áp suất 55.000 lần cao hơn áp suất không khí. Kết quả họ chỉ đạt được thứ đá nho nhỏ không tinh khiết. Những thành phẩm này chỉ khá hữu dụng vào những ứng dụng trong kỹ nghệ như chế tạo những lưỡi khoan dùng trong nha khoa và để làm lưỡi cưa sắt. Sang đến thập niên gần đây, những tay biết chịu khó miệt mài tìm kiếm như Linares mới toàn hảo hóa được một tiến trình hóa học, gây trồng nên thứ hột xoàn lớn và thuần khiết không thua gì những viên kim cương tuyệt hão nhất lấy lên từ trong lòng đất. Tiến trình mang tên CVD (Chemical Vapor Deposition) đưa một đám mây khí carbon tác dụng lên trên những hạt giống kim cương nằm trong một phòng chân không được nung lên đến hơn 1.800 độ F. Kim cương từ đó mọc lên bên trên hạt giống dưới dạng carbon kết tinh. Hồi khởi sự làm việc cho Bell Labs ở Murray Hill, New Jersey vào năm 1958, ông Robert Linares đã đi bước tiên phong trong việc khảo cứu tinh thể tổng hợp. Kế đó ông thành lập Spectrum Technologies, một công ty chuyên về chất bán dẫn (semiconductor) rồi ông bán công ty này đi và lấy nguồn tiền đó tập trung vào việc nghiên cứu về kim cương. Năm 1966, sau gần một thập niên làm việc trong garare của nhà ông ở Boston nơi ông thiết lập những dụng cụ mà ông không tiết lộ - ông khám phá ra được trị số chính xác của hỗn hợp khí và nhiệt độ để có thể tạo được những hột xoàn lớn dưới dạng một tinh thể duy nhất, cái thứ hột mà người ta đem cắt gọt thành những viên bảo thạch. Ông Robert nói: “Lúc ấy tôi thật xúc động như đang đứng nhìn xuống một mỏ kim cương.” Để có một sự thẩm định vô tư về phẩm chất của những thứ đá quí nhân tạo này, tôi thỉnh cầu Bryan Linaires cho phép tôi mượn về một viên. Ngày hôm sau tôi đặt viên đá 0,38 cà rá trước mặt Virgil Ghita, chủ tiệm nữ trang uy tín Ghita’s ở phố chính của Boston. Ông ta dùng cây nhíp nhỏ kẹp viên đá, nâng lên trước mắt phải và nhìn qua chiếc kính lúp của thợ vàng. Từ từ ông ta xoay viên đá ngược phía ánh nắng nghiêng của buổi chiều rồi buộc miệng: “Đúng là một viên đá đẹp, màu sắc thật tuyệt vời. Tôi không thấy khuyết điểm nào cả. Do đâu mà ông có vậy?” Tôi đáp, “Nó được sản xuất từ một phòng thí nghiệm ở cách đây khoảng 20 dặm.” Ông ta hạ chiếc kính lúp xuống, đưa mắt nhìn tôi một chốc, rồi lại nhíu mày coi kỷ lại viên đá. Cuối cùng ông thở dài nói: “Thật tình mà nói không ai có thể cho rằng đây là hột xoàn nhân tạo.” Hơn một tỉ năm trước, ở độ sâu 200 dặm dưới lòng đất, hỗn hợp của một sức nóng khủng khiếp cùng với áp suất cực cao đã tôi luyện nên những hạt kim cương mà người ta khai thác ngày nay. Những đá quí này theo phún xuất của những trận núi lửa phun thời xa xưa được đưa lên gần bề mặt trái đất. Sau mỗi trận phun nham thạch như thế núi lửa để lại một hình trụ bằng đá có hình dáng tựa củ cà rốt gọi là kimberlite, trong ruột của nó nạm đầy kim cương, ngọc hồng lựu cùng vô số các thứ đá quí khác. Một kimberlite có niên đại trẻ nhất được biết có tuổi là 47 triệu năm. Kim cương được khai thác từ mọi nơi trên quả đất, từ phía bắc của vòng địa cực cho đến vùng chí tuyến của miền tây Úc Châu. Đa số các mỏ kim cương khởi nguồn từ một hố sâu và rộng; nếu trụ kimberlite có chứa nhiều kim cương, thợ mỏ sẽ đào những đường hầm sâu chừng 1 cây số hoặc hơn thế nữa. Ở những vùng nơi trước đây từng có con sông chảy qua, người ta chỉ việc gạn lấy kim cương từ sạn sỏi. Kim cương rời thường nằm lộ giữa mặt đất ở miền Trung tây Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 19; chúng do băng hà đưa đến và tích tụ ở đấy. Các nhà địa chất tin rằng kim cương mới vẫn tiếp tục được hình thành trong lớp vỏ trái đất nhưng ở quá sâu các tay thợ mỏ không thể với tới được. ‘Kim cương’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ ‘adamas’ có nghĩa là vô song. Người Ấn đã từng khai thác kim cương từ hơn 2000 năm trước, và người La Mã thuộc thế kỷ thứ nhất đã biết dùng đá quí này để khắc những đồ trang sức đá chạm. Dần dà qua các thời đại, kim cương được lưu truyền là vật huyền bí tượng trưng cho quyền uy và phú quí. Vào thế kỷ thứ 16, viên kim cương 109 cà rá có tên Koh-I-Noor tìm được ở mỏ Kollur, miền nam Ấn, được coi như là vật quí báu nhất của toàn bán lục địa Ấn Độ. Bấy giờ người ta truyền tụng rằng ai sở hữu nó thì sở hữu cả địa cầu. Một văn sĩ thời ấy nhận định: “Nó cực kỳ quí giá đến nổi một người chuyên định giá hột xoàn có tiếng lượng định nó có giá trị bằng nửa số tiêu dùng của toàn cầu trong một ngày.” Nước Anh chiếm được viên đá năm 1849 khi hai xứ Lahore và Punjab trở thành thành viên của Đế quốc Anh; viên kim cương này nay đang nằm ở Tháp Luân Đôn, là viên hột xoàn chính nằm ngay giữa cái vương miện làm riêng cho Nữ Hoàng Elizabeth vào năm 1937. Kim cương vốn dĩ là carbon thuần khiết được tinh thể hóa tựa như thỏi kẹo chẳng qua là đường ở dạng tinh thể hóa - một mảng gồm các nguyên tử hoặc phân tử được sắp xếp theo thứ tự. Một hình thức khác của carbon thuần khiết là graphite nhưng ở đây các nguyên tử dính kết với nhau thành lớp chứ không kết tụ thành tinh thể; bởi thế carbon bị rời rả dễ dàng, ví dụ đầu bút chì. Nhờ sự kết dính bền vững của các nguyên tử, kim cương mang đặc tính vật lý ngoại lệ. Dĩ nhiên kim cương là chất liệu siêu cứng và không gây phản ứng hóa học với các chất khác. Hơn nữa, kim cương hoàn toàn trong suốt không ngăn trở ánh sáng thuộc mọi độ dài sóng, vừa là chất cản điện tuyệt vời vừa là chất bán dẫn tốt, đồng thời nó có khả năng giữ điện tích. Nhờ những đặc tính cá biệt, kim cương có nhiều tiềm năng quan trọng trong lãnh vực kỹ thuật không kém gì thép và silicon trong ngành điện tử và điện toán. Hiện kim cương đã được áp dụng vào việc chế tạo loa (tính chất cứng rắn của nó mang lại loại loa cao tần tức tweeter phẩm chất cao), trong ngành thẩm mỹ về da được dùng làm exfoliants (hạt kim cương cực nhỏ sử dụng làm dao mổ rất bén), và trong ngành kỹ nghệ cắt đá như cắt đá hoa cương và cẩm thạch, kim cương được dùng để chế tạo những lưởi cắt loại thượng hạng (kim cương có thể cắt bất cứ chất liệu nào). Nhờ giá thành rẻ và mức cung ứng dồi dào, các kỹ sư hy vọng với kim cương, nhiều thứ có thể thực hiện như từ những tia laser có cường độ cao cho đến các mạng cung cấp điện. Họ tiên liệu những máy computer tương lai sẽ hết sức mỏng, điện thoại cầm tay chỉ lớn bằng mặt đồng hồ đeo tay và những máy thâu kỹ thuật số nhỏ gọn vừa lòng bàn tay nhưng có khà năng thâu được hằng ngàn cuốn phim. Tại U.S. Naval Research Lab (cơ sở khảo cứu và thí nghiệm thuộc hải quân Hoa Kỳ) nơi được canh phòng nghiêm ngặt và nằm ngay phía nam tòa nhà quốc hội Mỹ, James Butler, một hóa học gia và là người đứng đầu chương trình CVD, anh mang trên ngón út một chiếc nhẩn vàng đính một viên hột xoàn nhân tạo lấp lánh các ánh sáng trắng, xanh lục và đỏ. Anh nói: “Kỹ thuật ngày nay tân tiến đến độ người ta có thể cấy được loại kim cương toàn hảo hơn kim cương chúng ta tìm thấy trong thiên nhiên.” Butler kéo từ hộc bàn lấy ra một hộp sắt đầy ắp hột xoàn, trong ấy có một số viên bé tí, vuông vắn màu vàng nhạt, những viên khác hình tròn cùng những đĩa nhỏ trong suốt. Anh cầm lên một phiến wafer mỏng lớn bằng cái đĩa đựng tách trà và nói: “Miếng này là kim cương ròng. Nó có thể được dùng trong những ứng dụng như làm cửa sổ cho phi thuyền con thoi.” Giới quân sự cũng quan tâm đến kim cương nhân tạo dùng trong tia sáng laser, áo giáp, một số ứng dụng khác mà ông Butler không chịu tiết lộ. Vì kim cương không phản ứng hóa học với các chất khác, các khoa học gia tin rằng nó có thể được dùng để chế những máy dò vũ khí hóa học, theo đó máy có một điện cực kim cương rất nhỏ mang sẳn những phân tử thụ cảm có khả năng nhận biết những mầm bệnh đặc biệt như bệnh thán thư (anthrax); khi bộ phận thụ cảm tiếp xúc mầm bệnh, một tín hiệu báo động liền được phát ra. Cùng hợp tác với hóa học gia Robert Hamers thuộc trường University of Wisconsin, Butler thí nghiệm thành công một máy cảm ứng dò được yếu tố di truyền DNA hoặc chất protein. Viên kim cương nhân tạo lớn nhất được chế tạo có kích thước 0,7 in x 0,2 in x 0,2 in, tức 15 cà rá. Russell Hemley, giám đốc Phòng thí nghiệm Địa vật lý thuộc Viện Carnegie (Carnegie Institute’s Geophysical Lab) khởi sự cấy trồng kim cương bằng tiến trình CVD từ năm 1995. Ông lấy từ trong túi quần ka-ki ra một viên có hình chữ nhật, quả thật viên hột xoàn này khó mà phân biệt được với những viên thật bán ở hệ thống tiệm kim hoàn Tiffany lừng danh. Henley cùng các khoa học gia khác thử nghiệm với cả kim cương thiên nhiên lẫn nhân tạo để có thể hiểu được các chất liệu biến đổi thế nào dưới áp suất quá lớn như áp suất ở trung tâm quả đất. Henly thử nghiệm bằng cách ép vật liệu đủ các loại với sức ép kinh hồn giữa một giàn đe mà hai đầu đe đều làm bằng kim cương. Vài năm gần đây, Henley tạo được một thứ kim cương rắn nhất. Thoạt đầu ông cấy trồng từ trong phòng thí nghiệm, kế đó ông mang đặt vào trong lò có áp suất lẫn nhiệt độ cực kỳ cao khiến thay đổi cấu trúc nguyên tử của kim cương. Viên đá quí này trở nên cứng đến độ nó làm vở máy đo độ cứng dù rằng bộ phận máy cũng được làm từ kim cương. Với giàn đe bằng kim cương cực rắn, Henley gia tăng áp suất lên chất liệu được thử nghiệm từ 4 triệu đến 5 triệu lần lớn hơn áp suất không khí ở mực nước biển. Ông giải thích: “Dưới điều kiện cực đại, các chất liệu có tác động khác nhau. Áp suất khiến mọi chất liệu bị thay đổi trạng thái. Chất khí trở thành chất siêu dẫn (dẫn điện cực kỳ tốt), các chất liệu trở thành chất liệu mới có đặc tính cực rắn. Nói chung ở điều kiện cực đại, ta làm thay đổi được tính chất của các nguyên tố.” Henley khám phá ra rằng dưới áp suất cao, khí hydro hợp nhất với các tinh thể của sắt. Ông ta tin rằng hydro có thể là một thành tố của lõi trái đất mà xưa nay vốn được tin phần lớn gồm sắt và kền. Do vậy Henley nghiên cứu chất liệu gồm hydro và sắt để hiểu thêm về nhiệt độ cùng thành phần cấu tạo ở trung tâm của hành tinh chúng ta. Trong một khám phá bất ngờ khác, Hemley nhận thấy hai loại vi khuẩn thường gặp gồm E. Coli, loại vi sinh vật sống trong đường ruột, có thể sinh tồn dưới áp suất cực cao. Ông cùng các cộng sự viên thử cho chúng vào trong nước rồi đem đặt ở giàn đe bằng kim cương. Dung dịch nước trở thành đậm đặc dưới dạng đông đá, cuối cùng chừng 1% số vi khuẩn vẫn còn sống sót. Henley kết luận rằng cuộc khảo cứu minh chứng rằng sự sống có khả năng hiện hữu trên các hành tinh trong thái dương hệ của chúng ta, điển hình là dưới lớp băng đá của các vệ tinh của Jupiter (Mộc Tinh). Henley nói tiếp: “Ở dưới đại dương của các vệ tinh như Europa có thể nào có sự sống chăng? Điều đó tôi chưa biết chắc nhưng chúng ta ai cũng muốn xem thử ra sao.” Henley hy vọng trong tương lai không xa ông sẽ phá được thành tích mình đã thực hiện được trước đây để chế tạo được viên kim cương lớn hơn. Ai đã sản xuất được thứ kim cương đa tinh thể lớn nhất thì chưa rõ nhưng một công ty có tên Element Six đã làm được những kim cương lá (wafer) lớn đến 8 inches bề rộng. Viên kim cương lớn nhất thế giới con người đào được là viên Cullian nặng đến 3000 cà rá, tức khoảng 1,3 cân Anh trước khi được đẻo gọt. Viên cương lớn nhất vũ trụ được biết đến nay có kích thước của một tiểu hành tinh nằm trong chòm sao Centaurus, cách chúng ta đến 50 năm ánh sáng. Cách đây vài năm các nhà thiên văn thuộc Harvard-Smithsonian Center khám phá được viên đá quí hùng vĩ đó, họ tin rằng trước đây viên kim cương lớn 2500 dặm từng là lõi của một ngôi sao. Sơ sơ nó nặng 10 tỉ ngàn tỉ ngàn tỉ cà rá. Các nhà thiên văn đặt cho nó tên là Lucy phỏng theo tên bài hát ‘Lucy in the Sky with Diamonds’ của ban nhạc The Beatles. Kim cương thiên nhiên không hiếm quí là bao, riêng năm 2006, khắp thế giới sản xuất được hơn 75.000 cân Anh. Sở dĩ kim cương quí giá là do chúng ta ai cũng cho là nó quí. Kim cương có biểu tượng địa chất tương đương với một bó hồng thanh nhã, đầy sức quyến rũ nhưng nói cho cùng chỉ tầm thường vậy thôi. Ngày nay người ta tôn sùng nó, công trạng ấy bắt nguồn từ De Beers, công ty sản xuất kim cương lớn nhất thế giới ở Nam Phi. Trước thập niên 40 ít ai dùng kim cương làm lễ vật đính hôn. Thế rồi De Beers tung ra chiến dịch tiếp thị với ý tưởng rằng kim cương là vật siêu việt minh chứng cho tình yêu và tình cảm yêu thương. Khẩu hiệu “Kim cương là bất diệt” lần đầu tiên đưọc tung ra vào năm 1948 và được coi như là một trong những chiến dịch quảng cáo thành công nhất trong mọi thời. Bằng sự kiểm soát mức cung cầu gần như toàn hảo, De Beers hầu như nắm trọn thị trường hột xoàn trong nhiều thập niên, cẩn thận tích trữ để giữ giá và thu nhiều lợi nhuận. Trong khi công ty này mất phần nào quyền năng vào tay các đối thủ như Canada và Úc châu trong vài năm qua, họ vẫn còn thống trị chừng 2/3 thế giới về mặt hàng kim cương thô. Các nhà gây trồng kim cương lấy làm tự hào về sự thách thức đối với De Beers cũng như nền kỹ nghệ kim cương thiên nhiên nói chung. Khẩu hiệu của công ty Apollo là “Kim cương cho tất cả mọi người.” Dẫu sao thì hột xoàn không màu của công ty cũng đồng giá với kim cương thiên nhiên, trong khi những viên đá màu hồng, xanh, champagne, mocha và nâu thì giá lẻ 15% rẻ hơn loại thiên nhiên vì trong thiên nhiên những thứ này rất hiếm và mắc hơn kim cương trắng nhiều. Đồng thời giới tiêu thụ sẳn sàng tiếp nhận kim cương nhân tạo loại thượng hạng. Cũng như mọi mỏ lộ thiên, mỏ kim cương gây xoáy mòn lòng đất, ô nhiễm nước, hủy hoại hệ sinh thái của thú hoang. Trầm trọng hơn nữa, các lãnh chúa Phi châu dùng trữ lượng kim cương để mua vũ khí và nuôi dưỡng phiến quân như đã được bi kịch hóa trong cuốn phim Blood Diamond trình chiếu vào năm 2006. Nam tài tử Terrence Howard mang một cái kẹp ve áo bằng kim cương nhân tạo của hảng Apollo tuyên bố với báo chí: “Sản xuất kim cương kiểu này không hại đến ai.” Có chừng nửa tá những công ty khác bắt đầu chế tạo kim cương phẩm chất cao nhưng không theo tiến trình CVD mà theo phương pháp rập khuôn gần như theo lối kim cương được tạo ra trong thiên nhiên. Căn bản là tiến trình này được cải tiến nhiều từ phương pháp mà các nhà khoa học thời thập niên 50 đã áp dụng – đòi hỏi một nhiệt độ cao hơn 2000 độ F và áp suất 50 lần lớn hơn áp suất trên bề mặt trái đất. Các máy với kích thước lớn hơn chiếc máy giặt cho ra được những viên đá quí nặng trên 6 cà rá. Những viên kim cương có tên HPHT này viết tắt từ chữ high pressure high temperature (áp suất cao nhiệt độ cao) hàm chứa nhiều khí nitơ hơn kim cương CVD; chính chất nitơ khiến cho kim cương có được màu hổ phách. Tiến trình này không những mang lại nhiều phúc lợi hơn CVD mà giá thành còn rẻ hơn nhiều. Trong khi mỗi viên kim cương thiên nhiên thông thường loại 1 cà rá, có màu hổ phách giá thành là 20,000 đô thì một viên nhân tạo do công ty Gemesis ở Florida sản xuất bán ra chỉ khoảng 6000 thôi. Trên thực tế thì chẳng công ty nào, kể cả Gemesis, muốn bán kim cương ra với giá quá bèo e rằng thị trường hột xoàn sẽ trở nên suy sụp. Các chuyên viên về đá quí tuy hằng ngày ra sức chế tạo thêm dụng cụ dò tìm mới nhưng cũng khó lòng phân biệt được kim cương thiên nhiên với nhân tạo. (Duy chỉ loại kim cương giả như cubic zirconia là dễ phân biệt mà thôi.) Công ty De Beers có tung ra hai loại máy dò được đặc tính hóa học và cấu trúc của hai loại kim cương giả và thật mà đôi khi có sự khác biệt giữa hai loại đá quí này, nhưng nói chung thì cả hai máy không phải khi nào cũng nói trúng. Có một cách khác để phân biệt viên đá có phải là do nhân tạo hay không là làm lạnh nó trong môi trường khí nitơ ở thể lỏng rồi bắn lên nó một tia laser và khảo sát xem ánh sáng đi qua như thế nào. Nhưng thiết bị này thì tốn kém vô cùng và mất rất nhiều giờ để thực hiện tiến trình ấy. Kim cương do hai công ty lớn nhất là Apollo và Gemesis chế tạo được đánh dấu với một phù hiệu khắc lên bằng tia laser có thể nhìn thấy qua kính lúp của thợ vàng. Năm rồi, viện nghiên cứu về đá quí của Hoa Kỳ (Gemological Institute of America) bắt đầu phân hạng kim cương nhân tạo theo tiêu chuẩn 4 C (carat, cut, color and clarity) thường dành để đánh giá kim cương thiên nhiên là bao nhiêu cà rá, đường cắt, màu và nước trong. Dựa theo đó họ cấp một giấy chứng nhận cho mỗi viên đá nhân tạo. Các công ty khai thác kim cương thiên nhiên liền phản đối ngay với lập luận rằng những thứ đá lấp lánh rực rỡ ấy không phải là kim cương thật. Các quảng cáo cùng những trang trên mạng của De Beers khăng khăng khẳng định rằng kim cương phải là kim cương tự nhiên, không qua tiến trình chế tạo trong phòng thí nghiệm và có tuổi thọ hằng triệu năm. Nữ phát ngôn viên của công ty là Lynette Gould phát biểu: “Kim cương là vật hiếm quí đặc biệt, có giá trị thừa kế mà kim cương tổng hợp do nhà máy sản xuất không thể có được. Khi muốn đánh dấu một sự liên kết long trọng giữa hai người, người ta chọn kim cương thật, không ai chọn thứ đá được chế tạo trong ba ngày.” (Nên nhớ De Beers có phần hùn với Element Six, công ty sản xuất kim cương lá tức wafers.) Ủy ban cảnh giác của giới kim hoàn có tên tắt là JVC (Jewelers Vigilance Committee), một tổ chức mậu dịch, đã đi cửa sau (lobby) với Ủy ban Mậu dịch Liên bang (Federal Trade Committee) cố ngăn đừng để cho các nhà chế tạo kim cương được dùng chữ “cultured” (được nuôi gầy một cách nhân tạo) cho các thứ đá của họ, một từ mà xưa nay được dùng cho ngọc trai. (Dân kinh doanh kim cương mỏ thì gọi kim cương nhân tạo là thứ đá “tổng hợp” tức “synthetic.”) Ủy ban JVC năm 2006 có đệ trình lên FTC một bản thỉnh nguyện khiếu nại rằng giới tiêu thụ tỏ ra rất bối rối bởi danh xưng dùng gọi những thứ đá nhân tạo. Ngay từ đầu khi khảo cứu với tiến trình CVD từ hơn 20 năm về trước, Robert Linares đã hy vọng rằng kim cương sẽ trở nên tương lai của ngành điện tử. Trọng tâm của mọi thiết bị chạy điện là một chất bán dẫn, một chất chỉ cho dòng điện đi qua theo một số điều kiện nhất định. Trong suốt 50 năm qua, các thiết bị hầu như đều được làm từ silicon, một chất tựa như kim loại lấy ra từ cát. Tuy nhiên silicon có hai mặt bất lợi quan trọng đó là dễ vở và dễ trở nên quá nóng. Ngược lại, kim cương chai lì hơn, không bị xụm ở nhiệt độ cao, các điện tử của chúng có thể tải một dòng điện thật dễ dàng. Hiện thời trở ngại lớn nhất trong việc thay thể kim cương cho silicon là tiền. Silicon là một trong những chất liệu có sẳn tràn đầy trên quả đất và hạ tầng cơ sở để sản xuất những phiến silicon thì đã được thiết lập ở khắp nơi từ lâu. Công ty Apollo dùng nguồn lợi kiếm được từ đá quí nhân tạo để hổ trợ cho việc đầu tư vào kỹ nghệ điện tử vốn 250 tỉ Mỹ kim của mình. Công ty cộng tác là ai Bryant Linaires không chịu tiết lộ, mặt hàng họ sản xuất là gì anh ta cũng không muốn nói ra luôn. Nhưng Bryan cho biết Apollo đang khởi sự bán ra những lá kim cương loại có bề ngang 1 inch, anh ta nói: “Chúng tôi tiên liệu rằng với những lá kim cương sơ khởi này, thân chủ của chúng tôi có thể dùng vào việc khảo cứu và phát triển cho sự khai triển mặt hàng của họ.” Trước khi giả từ Apollo, hai ông Robert và Bryan Linares đưa tôi vào xem một nhà kho. Bên trong trống trơn ngoại trừ những dây cáp lớn chạy chằng chịt dưới sàn. Họ cho biết rằng rồi đây phòng này sẽ lấp đầy bằng 30 máy chế tạo kim cương, thành phẩm như thế sẽ gấp đôi hiện nay. Đây sẽ là nhà máy sản xuất kim cương đầu tiên trên thế giới. Bryan kết luận: “Hồi xưa có thời kỳ đồ đồng và đồ thép. Kế đến sẽ có thời kỳ đồ kim cương.”
|