Từ cổ thành Teotithuacan, Mexico hướng về Hoàng Thành Thăng Long |
Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm | |||
Chúa Nhật, 08 Tháng 2 Năm 2009 11:29 | |||
Mới đây, tháng 12-2008, trên đường đi du khảo một số di tích của nền văn hoá Maya, cổ 1200 năm của Mexico, tôi chợt nhớ tới Hoàng Thành Thăng Long, vì Hoàng Thành cũng cổ 1000 năm và chắc chắn cũng là một chứng tích văn hóa quí báu của dân tộc. Năm ngoái, cùng với việc khám phá Hoàng Thành Thăng Long, là cuộc lên tiếng ầm ĩ phản đối dự định san lấp di tích cổ quí báu đó để dành đất cho một đồ án kiến trúc mới. Trong số những người lên tiếng có nhiều nhân vật có uy tín trong giới văn hoá cũng như Đảng và chính quyền, như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng dường như chính quyền không lưu tâm tới những tiếng nói phản biện đó. Đã từng đi tìm hiểu khá nhiều di chỉ khảo cổ trên thế giới, ngoại trừ Châu Phi, tôi cảm thấy đau lòng và ngỡ ngàng trước quyết định như vậy của chính quyền. Tôi không hiểu nổi suy nghĩ của những người dám đưa ra quyết định sẽ san lấp khu di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long, và lại dám đưa ra quyết định đó trong khi chưa có một khai quật và nghiên cứu nào, trong khi những chứng tích về văn hoá Việt Nam, so với hầu hết các nước khác trên thế giới, rất là nghèo nàn. Chúng ta luôn luôn có thái độ cường điệu với “4000 năm văn hiến”, nhưng không có gì thêm để chứng minh ngoài một trống đồng Đông Sơn! Thế mà với di tích Hoàng Thành Thăng Long vừa mới được phát hiện thì đã được dự trù cho san lấp vĩnh viễn. Nếu những người có thẩm quyền đưa ra những quyết định như vậy có dịp tham quan một vài công tác khai quật và phục hồi di chỉ khảo cổ trên thế giới, có lẽ họ sẽ có tầm hiểu biết khác và sẽ đưa ra những quyết định ngược lại. Ví dụ nếu các vị đó được chứng kiến công việc khai quật và phục hồi khu vực tổ hợp đền đài Đế Thiên Đế Thích của Cambốt, khu vực Roman Forum ở Rome, khu vực đền đài cổ tại Hy Lạp… họ sẽ thấy gía trị vô vàn của một di chỉ khảo cổ đối với việc tìm hiểu và duy trì văn hóa dân tộc, họ cũng sẽ hiểu rằng du khách tới viếng thăm một đất nước chủ yếu là thăm những di chỉ khảo cổ của đất nước đó chứ không phải những kiến trúc mới, những thắng cảnh hay những món ăn (những thứ sau chỉ là phụ), đồng thời họ cũng sẽ hiểu được rằng việc khai quật, nghiên cứu và phục hồi một di chỉ khảo cổ quan trọng phải mất rất nhiều thời gian. Các kế hoạch phục hồi khu Roman Forum ở Rome và nhiều di chỉ khảo cổ ở Trung Mỹ đã kéo dài trên dưới 100 năm rồi mà vẫn còn đang tiếp diễn không có ngày kết thúc trong tương lai gần. Tương tự, công tác khai quật và nghiên cứu khu di chỉ khảo cổ Hoàng Thành cũng sẽ phải mất nhiều chục năm, có khi cả trăm năm. Không có nước nào trên thế giới huỷ bỏ một khu di chỉ khảo cổ trọng tâm của nền văn hóa dân tộc. Hành động như vậy bị thế giới lên án là dã man, mọi rợ. Cách đây mấy năm, chính quyền Taliban tại Afghanistan chống lại mọi lời kêu gọi của thế giới, cương quyết đặt chất nổ phá xập hai bức tượng phật cổ ngàn năm, đã bị thế giới lên án như thế nào chắc nhiều người còn nhớ. Trên thế giới người ta rất trân trọng những di tích văn hóa cổ. Cũng như tại nhiều quốc gia tôi đã đi qua, tại Mexico và Guatemala, tôi đã chứng kiến những sự trân trọng đó và những cẩn trọng trong công tác khai quật, nghiên cứu và phục hồi các di chỉ văn hoá cổ. Đó là những công tác đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 và vẫn tiếp tục. Trong khi đó, du khách trên khắp thế giới và người dân trong nước vẫn tiếp tục được tới tìm hiểu và chiêm ngưỡng nét đẹp của nền văn hoá cổ của họ. Người dân của họ thấy rất hãnh diện về những di tích đó. Tôi muốn lược thuật một trong các di chỉ khảo cổ nổi tiếng thế giới của Mexico, cổ thành Teotihuacan, để quí vị cùng thưởng thức và suy ngẫm. Teotihuacan là một thành phố đã biến mất (a lost city) có một di chỉ khảo cổ cùng tên. Teotihuacan có nghĩa là nơi sinh của các thần linh (birthplace of the gods). Theo cuốn Lost Cities from the ancient world (Những thành phố đã bị biến mất trong thế giới cổ xưa) của nhà xuất bản Barnes & Noble, ấn bản 2006 (ISBN 13: 978-0-7607-8377-1), tại Châu Mỹ chỉ có 7 thành phố cổ đã biến mất mà thôi, và tôi đã viếng thăm 4 cái. Trong 4 cái đó có cổ thành Teotihuacan này. Vào lúc thịnh thời thành phố này chiếm tới 83 km2. Thành phố này đã hoàn toàn bị biến mất, chỉ còn lại khu quần thể di tích cổ Teotihuacan (archaeological site). Di chỉ cổ này nằm trong vùng có tên Vùng Trũng Mexico (Basin of Mexico), cách thủ đô Mexico City 40 Km về hướng đông bắc. Quần thể di tích cổ này có ba cái kim tự tháp trong đó hai cái nằm trong số những kim tự tháp lớn nhất thế giới, được xây dựng vào khoảng trên dưới hai ngàn năm. Ngoài ra, di chỉ khảo cổ này còn nổi tiếng với di tích của một quần thể gia cư lớn (large residential complexes) và đặc biệt có “Đường Âm Phủ” (street of the dead) trông tương tự như National Mall ở thủ đô Washington D.C.. Theo tài liệu, tại quần thể kiến trúc này còn có mấy bức họa đầy mầu sắc trên tường (murals) được bảo quản tốt. Tôi rất tiếc là lần vừa qua vì thời gian eo hẹp tôi chưa tìm hiểu hết khu di tích cổ mà chỉ mới leo lên Kim Tự Tháp Mặt Trời, Kim Tự Tháp Mặt Trăng và đi bộ một đoạn ngắn trên Đường Âm Phủ. Đặc biệt tôi chưa được thấy các bức hoạ trên tường ở đây, mặc dù tôi đã được thấy và chụp hình nhiều bức hoạ trên tường tương tự ở các di tích cổ khác trong vùng. Tuy nhiên tôi tự hẹn sẽ trở lại di tích cổ này vì nó nằm gần thủ đô của Mexico, một thành phố tôi cần trở lại nghiên cứu tiếp. Theo tài liệu thì cổ thành này đạt tới đỉnh cao của thịnh vượng trong khoảng thời gian từ năm 150 tới 450 sau công nguyên. Đó là thời ảnh hưởng văn hoá của cổ thành lan rộng xuống nhiều vùng thuộc Trung Mỹ. Trung Mỹ (Mesoamerica) bao gồm các quốc gia phía nam của Mexico kéo dài tới Panama. Vào thời cực thịnh, cư dân của Teotihuacan có thể hơn 150,000 người, và có thể tới 250,000 người và Teotihuacan có thể là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Lịch sử ban đầu của Teotihuacan hoàn toàn huyền bí (mysterious) và nguồn gốc của những người xây dựng cổ thành này cũng không ai biết rõ. Còn nhiều tranh cãi. Trong nhiều năm các nhà khảo cổ tin rằng cổ thành này được xây dựng bởi người Toltec. Tuy nhiên, nền văn minh Toltec phát triển sau nền văn minh Teotihuacan hàng mấy thế kỷ nên giả thuyết này hoàn toàn nhầm lẫn. Thế nhưng người hướng dẫn du lịch vẫn giới thiệu với tôi đây là nền văn minh Toltec. Nền văn hoá và kiến trúc của cổ thành Teotihuacan chịu ảnh hưởng của nền văn minh Olmec, một sắc dân được coi như cha đẻ (mother civilization) của nền văn minh Trung Mỹ (Mesoamerica). Hiện nay người ta còn thấy bằng chứng của sự hiện diện của dân Teotihuacano, nếu không phải hoàn toàn là một sự kiểm soát chính trị hay kinh tế, ở vô số địa điểm trong vùng Veracruz (Mexico) và vùng Maya (Mexico, Guatemala và Honduras). Di chỉ khảo cổ Teotihuacan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987 và hiện nay là một trong các di chỉ khảo cổ tại Mexico được viếng thăm nhiều nhất. Kiến trúc đầu tiên tại cổ thành này có niên đại khoảng 200 năm trước công nguyên và kim tự tháp lớn nhất ở đây là kim tự tháp mặt trời (Pyramid of the Sun), được hoàn tất khoảng 100 năm sau công nguyên. Điều đáng chú ý ở đây là khác với các cổ thành khác, cổ thành này không có pháo đài và kiến trúc quân sự (fortifications and military structures.) [Ghi chú của tác giả: Tại hầu hết các cổ thành ở Âu châu, người ta thường thấy có pháo đài hay cơ sở quân sự để bảo vệ cổ thành.]. Tuy nhiên, trong khu di chỉ cổ có một kiến trúc lớn, được người Tây Ban Nha cho rằng đó là trại lính (citadel). Một số tài liệu khác cho rằng đó là sự lầm lẫn của người Tây Ban Nha vì họ thấy khu vực đó có tường bao quanh. Tài liệu trên internet cho thấy nhiều đặc tính của việc xây dựng và vị trí kiến trúc trong cổ thành Teotihuacan này rất tương tự như ở các kim tự tháp Ai Cập, trong khi các học giả đều xác nhận không có sự giao tiếp nào giữa hai nền văn minh này. Những khám phá mới đây cho thấy dường như văn hoá Teotihuacan không khác nhiều với các nền văn hóa sau nó như Toltec và Aztec. Người ta tin rằng có thể bởi sự xâm chiếm nhiều trung tâm văn hoá Maya trong đó có cả vùng Tikal và khu vực Peten ở miền bắc Guatemala mà văn hóa Teotihuacan đã có ảnh hưởng quan trọng tới các nền văn hóa này. Theo tài liệu trên internet, thành phố Teotihuacan trước kia là một trung tâm kỹ nghệ, sản xuất nhiều bình xứ, nữ trang và sản phẩm tiểu công nghệ. Nhưng cũng theo tài liệu thì không còn di vật nào thuộc loại kể trên tồn tại. Nhưng mà những ghi chú trên kiến trúc(inscriptions) tại các cổ thành Maya sau đó cho thấy các nhà quí tộc (nobility) của Teotihuacan đã đi tới và có lẽ đã chinh phục các nhà lãnh đạo địa phương ở xa mãi tận nước Honduras. Một ví dụ rõ ràng là ghi chú Maya đề cập tới một nhân vật (các nhà nghiên cứu đặt tên là Spearthrower Owl) đã cai trị thành phố Teotihuacan trong hơn 60 năm và đã cử những thân thuộc của ông ta tới cai trị những thành phố như Tikal và Uaxactun ở Guatemala. Tôn giáo của Teotihuacan cũng tương tự tôn giáo của các nền văn hoá khác trong vùng Trung Mỹ. Họ thờ nhiều vị thần giống nhau trong đó có Thần Rắn (Feathered Serpent/ the Aztecs' Quetzalcoatl) và thần Mưa (the Aztecs' Tlaloc.) Teotihuacan trước kia là một trung tâm tôn giáo và có thể các tu sĩ đã nắm nhiều quyền lực chính trị. Cũng như các nền văn hóa khác tại Trung Mỹ, văn hoá Teotihuacan thực hành nghi lễ dùng người sống làm vật tế thần (human sacrifice). Người ta tìm thấy những xác người và thú vật trong lúc khai quật các kim tự tháp tại cổ thành Teotihuacan. Người ta tin rằng khi xây cất các kim tự tháp này, người Teotihuacan đã thực hiện nghi thức tế thần như vậy để cầu phúc cho kiến trúc mới. Các nạn nhân bị dùng tế thần có thể là các tù binh. Một số bị chặt tay chân, có số bị moi tim, có số bị đánh vào đầu. Thậm chí có số bị chôn sống. Các thú vật được coi là thiêng liêng và là biểu tượng của quyền năng huyền bí (mythical powers) hay quyền năng chính trị, cũng bị chôn sống, nhưng bị nhốt trong chuồng: đó là những con báo (cougars), chó sói(a wolf), đại bàng (eagles), chim ưng (a falcon), chim cú (an owl), và ngay cả những con rắn độc. Nghi thức tế thần này cũng được thấy tại mấy nền văn hóa khác ở Trung Mỹ mà dấu tích là vị trí tế thần tại Kim Tự Tháp Chichen Itza mà tôi đã tới thăm. Ngay giữa di chỉ cổ Teotihuacan là Đường Âm Phủ (Avenue of the Dead). Đây là một kiến trúc cổ khiến tôi kinh ngạc vì khi đứng trên đỉnh kim tự tháp Mặt Trăng, nhìn dọc theo Đường Âm Phủ thẳng tắp và dài vời vời, tôi thấy Đường Âm Phủ giống hệt Quảng Trường vĩ đại ở Thủ Đô Washington D.C. (National Mall) nhưng với chiều dài dài hơn. Thế mới lạ! (Đường Âm Phủ dài 1 ¼ mile [2 km] trong khi National Mall dài có 1.2 mile tính từ thềm Quốc Hội tới Washington Monument [1km8]). Người ta cho rằng thực tế Đường Âm Phủ dài tới 4 miles (6 km), nhưng mới chỉ khai quật và phục hồi được có 1 ¼ mile thôi. Đường Âm Phủ có chiều rộng hẹp hơn Quảng Trường ở Thủ Đô Hoa Kỳ, nhưng cũng rộng tới 40 mét (131 feet). Hai đầu Đường Âm Phủ là hai kiến trúc quan trọng: Một đầu đường là Kim Tự Tháp Mặt Trăng, đầu kia là Trại lính và đền thờ thần rắn (Temple of the Feathered Serpent.) Dọc hai bên Đường Âm Phủ là các kiến trúc quan trọng, các đền thờ, trong đó có Kim Tự Tháp Mặt Trời. Tương tự, tại Quảng Trường National Mall, một đầu là toà nhà Quốc Hội, đầu kia là kiến trúc lưu niệm Tổng Thống Washington (Washington Monument), xung quanh cũng là những toà buildings khổng lồ, lộng lẫy mà đa số là các Viện bảo tàng quan trọng. Quảng Trường Washington D.C. được xây sau Teotihuacan 1800 năm. Người thiết kế Quảng Trường Washington D.C. chắc chắn chưa được thấy Đường Âm Phủ của Teotihuacan, vì lúc đó cổ thành Teotihuacan chưa được phát hiện. Như vậy chỉ có thể giải thích là trí lớn gặp nhau. Ngày nay Teotihuacan là một trong những di tích cổ được chú ý nhiều nhất tại Mexico. Di tích cổ thành Teotihuacan cho thấy khả năng cao của người Teotihuacan cách nay khoảng hai ngàn năm trong việc kiến thiết đô thị. Nguyên nhân suy tàn của nền văn hóa Teotihuacan. Cũng như nhiều nền văn hoá đã suy tàn khác trên thế giới, sự suy tàn của nền văn hóa Teotihuacan chỉ được các nhà nghiên cứu đời sau lý giải bằng những giả thuyết. Ở đây, có những giả thuyết cho rằng sự tiêu vong của nền văn hóa Teotihuacan có thể là do xâm lăng từ bên ngoài, có thể là do nổi loạn từ bên trong, và có lý thuyết cho rằng có thể là do hạn hán đưa tới dân chúng đói và bỏ đi. Mặc dù văn minh như vậy, nhưng chỉ sau 1500 năm, ngày nay ngoài những di tích cổ người ta không biết gì về những thông tin liên quan tới nền văn hóa đó nữa. Người ta không biết cổ thành này có phải là trung tâm của một đế quốc hay không. Đồng thời người ta cũng không còn biết cư dân của nền văn minh đó thuộc sắc tộc nào (ethnicity). Thường người ta cho rằng tiểu quốc (state) Teotihuacan đa sắc tộc. Ngay cả cái tên gốc của thành phố đó người ta cũng không biết. Cái tên Teotihuacan chỉ được dân chúng trong nền văn minh Aztec sau đó mấy thế kỷ đặt ra sau khi thành phố Teotihuacan suy tàn. Ngày nay không còn tài liệu trực tiếp (tranh tường (murals), ghi chú (inscription), văn bản…) trình bày nội dung nền văn hóa Teotihuacan. Hầu hết những điều tài liệu nói về nền văn hóa Teotihuacan được giới nghiên cứu lấy từ các bức họa trên tường (murals) ở các kiến trúc Maya (là nền văn hoá sau văn hóa Teotihuacan) hay từ những văn bản (ghi chú bằng loại chữ tượng hình hay tượng thanh=hieroglyphic inscriptions) từ nền văn hoá Maya, thuật lại những gặp gỡ với các nhà chinh phục người Teotihuacan. Việc khai quật, nghiên cứu và phục hồi di chỉ cổ Teotihuacan. Công việc khai quật, nghiên cứu, và phục hồi di chỉ văn hóa cổ này đáng để chính quyền Việt Nam học hỏi. Công việc đó được thực hiện một cách rất bền bỉ và cẩn trọng. Tài liệu cho biết, tại Teotihuacan, nhiều việc khai quật nhỏ được thực hiện từ thế kỷ 19. Vào năm 1905, các kế hoạch khai quật và phục hồi lớn được khởi sự. Kim Tự Tháp Mặt Trời được phục hồi để kỷ niệm 100 năm độc lập Mexico vào năm 1910. Các cuộc khai quật khu vực Trại Lính (Ciudadela) được thực hiện vào thập niên 1920. Các khu vực khác được khai quật vào thập niên 1940 và 1950. Kế hoạch khai quật và phục hồi rộng lớn đầu tiên tại di tích cổ này được thực hiện vào khoảng 1960-65. Kế hoạch này tập trung vào việc giải tỏa Đường Âm Phủ (Street of the Dead), củng cố lại các kiến trúc dọc theo con đường đó và khai quật Lâu Đài Quetzalpapalotl (Palace of Quetzalpapalotl.) Một kế hoạch khai quật và phục hồi quan trọng khác được thực hiện năm 1980-82 tại Kim Tự Tháp Feathered Serpent và tổ hợp kiến trúc xung quanh Đường Âm Phủ. Mới đây nhất, một loạt các khai quật tại Kim Tự Tháp Mặt Trăng cho thấy nhiều bằng chứng về các sinh hoạt văn hoá của thời Teotihuacan. Tính từ 1905, là năm các kế hoạch khai quật và phục hồi lớn được khởi sự, tới bây giờ là 104 năm liên tục khai quật, nghiên cứu và phục hồi. Ngày nay công việc đó vẫn còn đang được tiếp tục. Lâu dài, cẩn thận, và tỉ mỉ là đặc điểm chung của công tác khai quật, nghiên cứu và phục hồi mọi di chỉ khảo cổ quan trọng trên thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam chỉ vừa mới thấy Hoàng Thành Thăng Long ló dạng trong lòng đất đã vội vã san lấp mà không cần một cuộc khai quật nghiên cứu nào? Liệu như thế có xứng đáng là một dân tộc có văn hoá hay không chứ đừng nói là một dân tộc có tới 4 ngàn năm văn hiến.
|