Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn1 |
Tác Giả: Vietsciences - Phan Huy Đường 03/02/2009 | |||
Thứ Tư, 04 Tháng 2 Năm 2009 12:13 | |||
Abstract L'attitude scientifique dans la condition humaine Les découvertes de la physique contemporaine nous aident à éliminer de notre pensée maints préjugés coriaces de la philosophie et de la culture. Néanmoins, le savoir des physiciens se limite aux relations quantitatives entre les êtres matériels à l'intérieur du monde matériel dont l'homme fait partie. Mais l'homme est aussi un être tri-dimensionnel, l'unité mouvante de la matière, de la vie et de la culture. Aussi, s'il faut faire confiance au savoir des physiciens dans leur domaine de compétence, il vaut mieux conserver un peu de philosophie, voire de poésie dans nos relations globales avec le monde, avec Autrui. Dans ces relations, il existe à travers le temps des "évidences" incontournables qui ne relèvent pas de la science. Elles s'expriment spontanément dans les langages que nous utilisons pour penser le monde. S'il convient de purger notre langage de tous ses concepts douteux, nous ne devons en aucun cas le réduire et l'enfermer intellectuellement dans les carcans de l'infiniment grand et de l'infiniment petit de la physique contemporaine. Car nous existons, vivons, pensons, agissons, voire nous aimons dans un monde aux échelles humaines, au-delà duquel il n'y a ni pensée ni science. (…) ý nghĩa và giá trị của vật lý ở chỗ nó giúp chúng ta khám phá ra những sai lầm của triết học bằng cách cho chúng ta thấy rằng "một số khẳng định có tham vọng có giá trị triết thực ra chẳng có giá trị gì cả". (…) Vật lý phá tan một số thành kiến trong tư duy triết và trong tư duy thông thường, nhưng không tự khẳng định như một triết lý. Nó chỉ sáng tạo ra những cách nói chéo để tạm thời điều trị sự thiếu hụt và bất lực của những khái niệm truyền thống, nhưng nó không đặt ra những khái niệm đương nhiên2. Nó khiêu khích triết học, buộc triết học phải nghĩ ra những khái niệm có giá trị trong bối cảnh của chính nó.3 Merleau-Ponty Vì, đúng thế, trong nghĩa nào đó, "khoa học không suy nghĩ" – chính điều ấy là bí quyết giải thích sự hữu hiệu của nó. Khoa học cố gắng rất lớn để khỏi phải suy nghĩ, bằng cách tạo ra những máy biểu tượng hình thức lỗi lạc để chúng gánh vác những khó khăn và mệt nhọc của tư duy, y như máy móc trong nhà và trong công nghiệp thay thế và kéo dài khả năng giới hạn của thân xác chúng ta.4 J-M Lévy-Leblond Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết. David Hilbert Tuyên ngôn bất hủ này của Hilbert đã được khắc trên bia mộ ông ở Göttingen. Thú thực, do căn bệnh cố hữu của người dịch văn chương, bệnh suy diễn, tôi có khuynh hướng dịch thành : "Chúng ta phải hiểu, chúng ta sẽ hiểu." Tôi không dám. Nhất là trong kỷ yếu kỷ niệm ngày sinh nhật của Max Planck. Với nhà toán học cỡ David Hilbert, biết chung chung qua ngôn từ thường ngày, qua những ý chung, chẳng thể coi là kiến thức khoa học. Với nhiều nhà khoa học, ta chỉ thực sự "biết" những gì ta đã "hiểu". Nghĩa là : chứng minh được rằng điều ấy đúng hay sai, thế thôi5. Chí ít cũng phải khẳng định một cách không phủ nhận được, ở mức độ chính xác nào đó, rằng nó đúng trong một hoàn cảnh cụ thể, rõ ràng, kiểm soát được. Những thứ còn lại, ta biết vậy vậy, thế thôi, chẳng thể nhắm mắt tin càn được. Trong tiếng Pháp, động từ "biết" có hai nghĩa : biết chung chung, đại khái rằng6… và hiểu biết khoa học. Người Pháp còn danh từ hoá quan hệ hiểu biết, biến nó thành khái niệm hình thức : le Savoir, "Kiến Thức" hay "Tri Thức". Đương nhiên, "Kiến Thức" hay "Tri Thức" vẫn mang trong mình hai bộ mặt trên của quan hệ hiểu biết. Nhưng dưới dạng danh từ, khái niệm, nó có vẻ nói đến một cái gì tự nó có thực. Viết chữ hoa khiến nó long trọng, trang nghiêm, đáng tin cậy như một Sự Thật… có tầm cỡ, "có giá trị triết". Niềm tin nhập nhằng ấy đã từng và vẫn đang lan tràn vào triết học, văn học, thậm chí thơ văn. Nó đã khiến nhiều triết gia, nhà tư tưởng, nhà lý luận văn học đam mê đeo đuổi Sự Thật và thường nghĩ rằng tư tưởng, ý tưởng, kiến thức của chính mình biểu hiện Sự Thật. Đã từng có không ít nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, triết gia, tự khoác cho mình nhiệm vụ tìm kiếm và nói lên Sự Thật, nhất là Sự Thật Khách Quan, Sự Thật Khoa Học, Sự Thật Lịch Sử, Sự Thật Của Con Người, v.v. Khi họ có trong tay ít nhiều quyền lực, có người không chỉ nói thôi, còn thẳng thừng dạy dỗ, giáo dục, cải tạo, hướng dẫn, kể cả bằng cưỡng ép đủ kiểu, người đời đi theo Chân Lý. Điều ấy đã gây những tai hoạ kinh hoàng nào trong thế kỷ 20, ai cũng biết. Điều ấy đang gây những tai hoạ kinh hoàng nào hôm nay, cứ nhìn tình hình điên loạn đẫm máu của thế giới thì thấy. Thí dụ niềm tin xưa vào Sự Thật của Lịch Sử dựa trên kiến thức Khoa Học về những Quy Luật Khách Quan của Lịch Sử. Hay niềm tin "Hiện Đại" vào những Quy Luật của Kinh Tế Thị Trường Toàn Cầu Hoá, được chứng minh bằng vô vàn phương trình toán rất siêu7, nhưng chưa bao giờ tiên đoán được những khủng hoảng vừa qua và sắp tới của kinh tế thị trường, chẳng bao giờ đếm xỉa tới thân phận của hàng chục hay trăm triệu người đời cả… Và, quan trọng hơn, chưa bao giờ vạch được cho người đời một hướng đi hữu hiệu tới một thế giới nhân bản hơn ngay trong đời họ.8 Trong lãnh vực thơ văn, có thể tiếu lâm hơn, nhờ thế cũng ít tốn xương máu hơn, nghệ thuật thôi mà, ghê gớm đến mấy vẫn thua xa hai quả bom nguyên tử giội xuống Hiroshima và Nagasaki. Cách đây không lâu đến nỗi, tôi đưa một nhà thơ Việt Nam tới Grenoble nói chuyện. Chàng nổi tiếng đã từng đổi mới thơ Việt Nam và đã phải trả giá nặng hàng chục năm. Chàng nổi tiếng có kiến thức sâu rộng về văn học, triết học Tây Âu. Chàng sử dụng sành tiếng Pháp tới mức đã tự dịch thơ của mình qua tiếng Pháp, nói chuyện với độc giả bằng tiếng Pháp, thao thao bất tuyệt về Nguyên lý bất định9 của Heisenberg trong thơ, quan điểm về thơ và triết lý của chàng. Tôi sững sờ. Có thể vì tôi dốt, không hiểu gì cả về nguyên lý rắc rối này. Lúc giải lao, tôi kéo chàng ra ban công, bỏ nhỏ : ông ơi, nói vừa vừa thôi, đây là thành phố đại học, nôi khoa học hạng nhì của Tây đó ; đám làm vật lý ở đây trình bày nguyên lý này bằng phương trình cho phép chúng nó tính toán và tiên đoán rất chính xác kết quả hành động của chúng nó vào vật chất, thế thì còn bất định gì nữa ! Nếu tự do của con người dựa vào sự bất định vật lý kiểu ông thì chúng nó chẳng có đứa nào tự do cả, nói chuyện với chúng nó làm gì : dù chưa được giải Nobel vật lý, điều gì chúng nó chưa tính toán được, chúng nó chưa tin là đúng, chưa tin là có thực. Chúng nó đã tính toán được, chẳng còn gì bất định cả. Tự do của chúng nó khác tự do của người đời ở đó. Chàng mỉm cười, nhìn tôi tội nghiệp. Và chàng tiếp tục thao thao bất tuyệt về tính bất định của đủ thứ linh tinh, nhất là của chữ nghĩa, nhất là chữ nghĩa của chàng, nhất là trong thơ và tư tưởng của chàng. Tôi vốn dị ứng với thơ. Hôm ấy, tôi càng dị ứng với thơ hơn bao giờ hết. Thế mà tôi vẫn, khi tội nghiệp chính mình, yêu… thơ, trong mọi hình thái. Khổ thật… Điều tôi thích nhất khi tôi cặm cụi, âm u đọc các nhà khoa học bàn ngang tầm người về kiến thức và niềm tin của họ trong lãnh vực sở trường của họ, là họ cũng có lúc khắc khoải như ai. Tôi dốt khoa học. Tôi chia sẻ nỗi khắc khoải làm người có ý thức khoa học của nhà khoa học cũng như tôi chia sẻ – hão tới mức nào, tôi không biết, người đời sẽ dạy tôi thêm, đều đều, than ôi – khắc khoải làm người của nhà văn. Bất cứ ai biết khắc khoải làm người kiểu này kiểu nọ, tôi đều yêu mến, dù chưa đồng ý tôi vẫn có thể đồng tình. Xin bạn đừng hỏi tôi : anh làm người như thế nào ? Tôi không trả lời được. Hiện nay, tôi chỉ biết hành văn thôi. Nếu đó cũng là một cách làm người mà người đời chấp nhận được, tôi mãn nguyện. Trong Wikipedia, tất nhiên không thể coi như nguồn tham khảo có giá trị khoa học, tôi thấy một điều về Max Planck, không biết đúng sai thế nào, nhưng là đề tài đáng suy ngẫm. Ban đầu, Planck khước từ mô hình nguyên tử về khí của Maxwell và Boltzmann. Đối với ông, thuyết nguyên tử sẽ có ngày sụp đổ trước giả thuyết cho rằng vật chất liên tục (continu). Ông thuận theo thuyết nguyên tử từ những năm 1890 khi nó đã trở thành hiển nhiên. Năm 1899, ông tạo ra những hằng lượng của Planck (h) và của Boltzmann (k), đồng thời với khái niệm quanta [...] Planck khó chịu khi phải công nhận sự đúng đắn của giả thuyết của chính mình vì nó khiến cho vật chất trở thành "gián đoạn" (discontinu).10 Ra thế. Nhà bác học được giải Nobel vật lý nhờ một khái niệm mình phát minh ra, khái niệm cho phép giải đáp một vấn đề nan giải trong thời đại của mình, mở đường cho cả một thời đại mới của vật lý, lại không hài lòng với kiến thức mình khẳng định được vì nó "phủ nhận" niềm tin cố hữu của mình, cũng là niềm tin phổ biến từ lâu của nhiều người đời. Và, rất lâu, chính ông chỉ tin nó là một « cái mẹo toán » thôi. "Gián đoạn" – "Liên tục", cặp phạm trù tương phản kinh điển trong tư duy triết, như bao cặp phạm trù tương phản khác đã từng ám ảnh tôi biết bao năm trời ! Phải viết xong quyển Penser librement tôi mới tạm yên, cảm tưởng rằng mình đã tìm được một cách tiếp cận và suy luận tạm chấp nhận được về những "mâu thuẫn" kiểu ấy. Riêng về vấn đề này, "vật chất gián đoạn hay liên tục ?", tôi đại khái an ủi mình như sau. Điều ta gọi là "vật chất", "thế giới vật chất", "vũ trụ", "là" một tổng thể động, một hệ thống quan hệ năng động giữa tất cả những gì ta có thể tiếp cận được bằng giác quan của ta hay máy móc ta sáng tạo để quan sát và biểu hiện chúng dưới dạng giác quan của ta tiếp cận được, dù chỉ là một chuỗi… số ! Trong tổng thể động ấy, có chính chúng ta. Nhưng chính ta lại là một tổng thể hơi khác những vật thể khác trong vũ trụ ở điểm này : ta là thể thống nhất năng động của vật giới, sinh giới và văn hoá. Ở phẩm chất cuối cùng này, ta vừa là chính ta vừa là toàn bộ những người đã sáng tạo những ngôn ngữ ta dùng để tư duy, kể cả ngôn ngữ toán và… tiếng Việt, thậm chí tiếng Ziao Chỉ, vì lý do đơn giản này : ít nhất 99,99% ngôn từ và, qua đó, những ý tưởng, trong đầu ta đều do tha nhân mang lại cho ta. Phải thế ta mới có thể "hiểu" được vật chất11. Phải thế ta mới có thể suy diễn ra khả năng có thực của nhiều vật thể hay sự kiện ta chưa hề "thấy" bao giờ. Phải thế mới có thể có một điều gì gọi là sự thật khoa học vì ngoài quan hệ tổng hợp của chúng ta với thế-giới12, thế giới vật chất tự nó không có Sự thật, không có Khoa học13. Điều có thực, liên tục, "vĩnh cửu" là những quan hệ – trong đó có ta – mà ta biết hay chưa biết : trong vũ trụ không có gì biệt lập, không có gì tự hiện thực từ hư vô – kể cả ta. Tất cả đều là hậu quả của một quá trình vận động. Trong vật giới chỉ có một loại quan hệ thôi : quan hệ về lượng, và quan hệ ấy có không-thời gian tính14. Tất cả những hình thái "cụ thể" của vật chất đều có thể quy về vài hình thái cơ bản chung. Chính vì thế ta có thể nêu chúng trong một phương trình toán15 ! Trong vận động liên miên bất tận của những quan hệ ấy, có lúc có trạng thái tương đối "cân bằng" cho phép những vật thể "cụ thể" hình thành và tồn tại một cách tương đối "ổn định" đối với nhãn quan trực tiếp hay gián tiếp của ta. Có lúc những quan hệ ấy đột ngột tạo sự trao đổi năng lượng giữa hai vật thể khiến cả hai có thể biến dạng đối với nhãn quan trực tiếp hay gián tiếp của ta. Theo kiến thức của chúng ta hôm nay, nhờ Planck, lượng năng lượng có thể trao đổi được giữa những vật thể không thể nhỏ hơn h. Thế thôi. "Vật chất liên tục", "vật chất gián đoạn" chỉ là cách phát ngôn hàm hồ, thiếu chính xác của triết gia, người đời thường và, dường như, của nhiều nhà vật lý không phải loại xoàng ! "Sự liên tục", "Sự gián đoạn" còn hão hơn nữa. Thế mà ta cứ cần đến chúng khi ta tư duy. Đâu phải vô cớ. Đôi khi ta nghiệm sinh một cách hiển nhiên, chắc chắn, không gì phủ nhận được16, kể cả vật lý hiện đại, rằng đời ta y như một chuỗi gián đoạn vô lý, vô tình, đau điếng. Nhờ thế mà có… Thơ : "Tình chỉ đẹp những khi còn [ô hô ai tai !!!] dang dở"… Nó mà hết liên tục dang dở, nó biến quách đi cho ta đỡ khổ, chứ nó lại đột ngột gián đoạn, chỉ vì một "quantum" ngộ nhận, đau đứt người đó, người ơi. Ừ mà đứt được, còn đỡ đỡ, chứ nó cứ dai dẳng liên tục hành hạ mình thì chết người ta… Thật vậy. Vì sao ? Vì ta tồn tại, sống, suy nghĩ, hành-động, thậm chí yêu yêu, trong thế giới trung mô. Thế giới ấy mà không gián đoạn, không thể có thân xác của chính ta. Thế giới ấy mà không liên tục, không có gì có thể hiểu được, kể cả em yêu, kể cả chính ta. Nhưng bảo nó "là" cả hai, ta… điên đầu : zậy mà hổng phải zậy ! Ở đó, vật giới có sự liên tục – gián đoạn đặc thù (của) nó. Sinh giới và thế giới tinh thần cũng vậy, và cũng chẳng dễ hiểu tí nào. Trong khi chờ đợi có người tạo ra những khái niệm, phương pháp suy luận và ngôn ngữ thích ứng, giúp ta hiểu cả ba món liên tục – gián đoạn này và quan hệ giữa chúng ở ngay ta, đành sống sao để đừng gây đau khổ cho người khác và nếu không tránh được thì nên ít ít thôi. Vì thế, đời nay, tôn giáo (hiền từ), triết lý (tỉnh táo), thơ văn (đậm nhân tình) vẫn cần thiết cho cuộc nhân sinh. Trong cõi nhân gian bé tí này, tu Tiên tu Phật mãi, hình như cũng có ngày đắc đạo. Nhưng dường như chưa ai đắc đạo nhờ tu Toán. Chẳng ai sống mãi với phương trình được. Còn phải ăn, phải yêu nữa chứ ! Không thì sống sao được, nói chi là suy nghĩ ? Lúc đó, bắt buộc phải trở lại đời thường, sống với ngôn ngữ thường ngày của người đời. Những nhà vật lý cũng thế thôi. Nhưng họ sử dụng ngôn ngữ thường ngày thận trọng biết bao ! Bohr đã từng nói với Heisenberg17 : thực ra tôi nghĩ rằng mấy bức hình nguyên tử [như một hạt nhân với một vài électrons dao động chung quanh] chỉ là một cách mô tả kinh điển thuận tiện nhất, thế thôi. Ôi, những gì ta tận mắt thấy trong kính hiển vi điện tử có thể không có thực hay sao ? Ừ, vậy đó ! Chính Bohr đã nói vậy mà. Einstein lại nói với Heisenberg : « Về nguyên tắc thì thật là sai lầm nếu xây dựng một lý thuyết chỉ dựa trên những đại lượng quan sát được. Chính lý thuyết quyết định về cái mà người ta có thể quan sát được.18 » "Chủ quan", "duy tâm" đến thế là cùng ! Và Einstein định nghĩa hành động quan sát như sau : « Quan sát nghĩa là thiết lập một quan hệ giữa một hiện tượng và sự thực hiện hiện tượng đó [qua hành động] của ta.19 » Heisenberg lại cho rằng tên "principe d'incertitude" không phù hợp với phát minh của ông. J-M Lévy-Leblond thẳng thừng : Dựa vào một phát biểu đúng trong khung cảnh đặc thù và giới hạn của một lý thuyết vật lý – lượng tử, trong trường hợp này – để ngoại suy trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác về bản chất, là chuyện nguy hiểm và thường thường có tính chất lạm dụng. Sự lạm dụng ấy gần như sự gian lận khi, như trong trường hợp này, bản thân sự phát biểu ban đầu20 đã quá đỗi nhập nhằng. Đúng vậy, chúng ta dứt khoát phải dẹp cách gọi thông thường "bất định" đối với những gì mà cho tới đây chúng tôi gọi là, bằng một từ cố ý mập mờ, sự "lờ mờ" của những đại lượng vật lý như vị trí và tốc độ.21 Chính Einstein đã công nhận rằng từ "tương đối", do chính ông phổ biến, không chính xác tí nào22. Có thể còn ngược lại : nếu23 những lượng ta đo đếm được đều "tương đối" đối với một hệ quy chiếu, có những hệ quy chiếu tương đương (classes d'équivalence) trong đó người ta vẫn có thể, từ lượng được đó đếm trong hệ quy chiếu này mà suy tính ra lượng sẽ đo đếm được trong hệ quy chiếu khác. Điều đó khả thi vì trong vũ trụ có một hằng lượng… tuyệt đối và bất biến trong mọi hệ quy chiếu ! Đó là tốc độ của ánh sáng. Nền tảng của lý thuyết "tương đối" là một niềm tin… tuyệt đối ! Dường như gần đây, niềm tin tuyệt đối ấy đã bắt đầu… tương đối ! Thế mà chúng ta cứ bừa bãi "tương đối" với nhau. Trong tranh luận thường ngày, chắc bạn đã từng nghiệm sinh điều này : khi người đối thoại với bạn tuyến bố "mọi chuyện cũng tương đối thôi" thì chẳng còn gì đáng nói với nhau nữa. Điều đó thể hiện niềm tin tuyệt đối này : con người không thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt. Thế thì nó có thể hiểu nhau bằng cái quái gì ? Cái tát, giọng ngọt, ve vuốt, hôn ? Thế thì nói chuyện với nhau, triết lý, hành văn, làm gì cho mệt xác ? Chán thật… Hiện nay, chỉ trong khoa học người ta mới biết tranh luận với nhau cho tới lúc (tạm thời) ngã ngũ : có hai hằng lượng "đúng" là hằng lượng của Planck và tốc độ của ánh sáng. Chấm… chưa hết ! Nhưng tạm thời dùng được cho vô số việc bổ ích trong khoa học và đời thường. Ngã ngũ rồi, người "thắng" người "thua" đều hả dạ, quý trọng nhau : họ đã được cho không nhau những điều đáng cho, đáng nhận. Than ôi, ở đời dường như chẳng có hằng lượng nào giúp người ta được cho không nhau chút tình, giúp người ta biết yêu nhau. Thôi thì tạm dùng một "hằng lượng" đặc thù, cũ kỹ, mơ hồ, kì dị, làm điểm tựa chung cho tất cả các nền văn minh, bất kể chúng khác nhau thế nào trong không gian và qua thời gian : tình người. Không có nó, chẳng thể có bất cứ nền văn minh nào. "Hằng lượng" đó tự nó bất biến, tuyệt đối không thua gì hằng lượng của Planck hay tốc độ của ánh sáng : nó không thuộc loại quan hệ về lượng, không đo đếm được với bất cứ đơn vị đo lường nào của vật lý kinh điển cũng như vật lý lượng tử và tương đối. Bạn mà lỡ được em yêu "tương đối" yêu, dĩ nhiên nhiều hơn một quantum, bạn hiểu liền, chẳng cần đến phương trình toán cao siêu nào cả. Bạn mà đột ngột bị em yêu "tuyệt đối" yêu, vì một quantum gì đó mà chính bạn cũng không ngờ tới, bạn cũng hiểu liền, sướng mê tơi, chẳng thèm biết tới gì khác. Những nhà khoa học vật lý24 cẩn trọng như thế đối với ngôn ngữ thường ngày của chính họ. Vậy, chúng ta, những người sống nhờ chữ nghĩa25 hay/và vì chữ nghĩa26, chúng ta nên ứng xử thế nào với chữ nghĩa của chính chúng ta ? Nhất là khi chúng ta thò bút viết những cụm từ như "Sự thật", "Khoa học", "Sự thật khoa học", "Sự thật khách quan", "Quy luật", "Tương đối", "Tuyệt đối", "Liên tục", "Gián đoạn", "Bất định", et tutti quanti, và, tiếu lâm hơn : "phải" !27 Có lẽ, chí ít, ta nên học hai thái độ này của các nhà khoa học. 1/ Trong quan hệ của ta với vật giới, ta nên tin kiến thức khoa học của họ hơn tin ý chí của chính mình. Đào non và lấp biển (thứ thiệt) mà chỉ có quyết chí thôi, chẳng bao giờ làm nên cả. Nhưng có chút khoa học và có đủ phương tiện kỹ thuật thì làm được. Có thêm tí tiền nữa, càng đỡ mệt – nếu biết tiêu cho đáng, nhưng điều ấy đòi hỏi kiến thức khoa học ! Tuy vậy, trước khi làm, nên tham khảo ý kiến của những nhà khoa học trong lãnh vực môi trường. Vật chất là một và liên tục qua sự gián đoạn mà ! 2/ Trong tất cả quan hệ khác của ta với người đời, nên biết sợ, biết khắc khoải trước khi khẳng định bất cứ điều gì, quyền gì. Cơn hả hê đắc chí kéo dài hôm nay (liên tục) có thể đột ngột (gián đoạn) biến thành cơn giãy giụa nhục nhằn của ngày mai. Triết lý duy vật biện chứng kinh điển gọi món này là : lượng biến thành chất. Lượng đó đã lớn hơn h của Planck thì điều ấy khả thi. Than ôi, trong thế giới trung mô, mọi hành động của ta, kể cả đọc diễn văn hay viết bài này thôi, đều huy động một lượng năng lượng lớn hơn h. Dù sao, sợ đến mấy, cũng phải hành động. Không làm gì cũng là hành động rồi mà, người đời đâu tha cho ta điều ấy ! "Trong khi con tôi giãy chết, van lơn cầu cứu, anh chị nỡ lòng ngoảnh mặt đi à ?" Vậy, cứ hành động một cách có ý thức, nhất là ý thức khoa học khi nó cần thiết, nhưng nên hành động một cách thận trọng, nhất là khi… viết văn, trong bất cứ lãnh vực nào, dưới bất cứ thể loại nào. Đã hành động vào thế giới chung của loài người, ắt phải quan hệ với người khác. Đối với nhà khoa học chân chính, ta nên quý trọng kiến thức và yêu mến sự trung thực của họ đối với ta và người đời. Họ sẽ không lừa ai, nói dóc với ai về quan hệ giữa vật thể với vật thể, giữa người với vật giới. Sự thật khoa học nghĩa là thế… thôi. Nó vô cùng quý báu vì đã có biết bao nhà khoa học đích thực, thậm chí đã được giải Nobel, đã từng lừa người đời, nói dóc với người đời vì đủ thứ lý do. Chưa kể những người rất thật thà khẳng định đủ thứ chuyện không tuỳ thuộc kiến thức khoa học hiện có của họ ngay trong lĩnh vực kiến thức của họ. Trong trường hợp ấy, đừng vội bốc đồng. Tinh thần khoa học cũng là vậy. Đối với nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, triết gia, et tutti quanti, thì… ngược lại ! Yêu thơ văn, suy luận của họ vì nó đáp ứng nhu cầu làm người hiện nay của ta, cứ thoải mái… yêu. Và nên yêu… hết mình ! Khi tự mình thấy… đáng yêu. Chẳng chết đâu và, bình thường, chẳng hại ai cả. Có khi còn thích thú nữa. Nhưng đừng chờ đợi ở họ bất cứ sự thật khoa học nào cả. Do đó, yêu thì cứ yêu, nhưng đừng vội tin, nhất là khi phải hành động. Đối với đa số chính khách đời nay, chẳng nên tin, yêu điều gì cả ngoài điều này : chính sách anh đang chủ trương và hành động thiết thực của anh để thực hiện nó phù hợp với nhân cách của tôi, đồng bào tôi, người đời lương thiện hay không ? Thế thôi. Nếu phù hợp, tôi sẽ cùng anh hết mình đấu tranh cho nó. Nếu không, you profit, I don't work for28. Xin chấm dứt bài này bằng câu chuyện dịu dàng êm ả zui zui. Hiện tượng này hình như phổ biến : vợ chồng thích cãi nhau kịch liệt trong lúc… lái xe. Một người lái, một người "chỉ đạo". Sao lái nhanh thế, chậm thế ? Sao lại rẽ mà không đi thẳng ? Không thấy bảng chỉ đường ấy à ? Rẽ vào đây, đây này, đây này… Dĩ nhiên, người lái xe liền rẽ vào đường… khác. Nó mà nhìn ngón tay chỉ đường của người chỉ đạo, nó có thể gây tai nạn giao thông ngay, bỏ mạng hay giết người liền ! Hai người không chỉ có hệ quy chiếu "tương đương". Ngồi cạnh nhau và di chuyển trong không gian với cùng tốc độ mà người ta cảm nhận không gian và thời gian khác nhau đến thế ! Vì sao ? Vì hành động trong nhân giới, tuy phải có kích thước vật chất mới có thực, rất khác quan hệ giữa sự vật với sự vật trong khoa học vật lý. Vậy, trong khi chưa có kiến thức hoặc thời giờ để quy tất cả về một hệ quy chiếu tuyệt đối, ta nên chấp nhận rằng, khi hành động, mỗi người là một hệ quy chiếu cá biệt, không thể phủ nhận được và, bình thường, cũng đáng tin, có lúc còn đáng yêu yêu nữa, cứ để nó lái xe như nó thấy phải lái, miễn sao đừng đâm chết ai hay/và giết chính mình là được được rồi. Trong hành động thường ngày, ta nên tập nhìn đời theo hệ quy chiếu của người khác. Sự gián đoạn ấy với chính mình cần thiết cho sự liên tục sống ôn hoà với nhau trong kiếp nhân sinh. Biết đâu ta sẽ nói chuyện được với nhau "tới cùng" và "hiểu nhau"… hơn, một tí ? Biết tạm quên mình một tí (nhưng đừng bao giờ quên luôn nhe, kinh hoàng lắm đấy), biết nhìn đời một khắc trong hoàn cảnh và theo thế nhìn của tha nhân, là một nền tảng cơ bản của tình người, của văn hoá. Đó là niềm tin tuyệt đối ngớ ngẩn, dại dột của tôi. Trong kiếp nhân sinh, mỗi người là một hệ quy chiếu đặc thù, "biệt lập". Ngoài… ngôn ngữ vốn là chất người chung nhưng vẫn có âm hưởng thậm chí ý nghĩa dị biệt trong từng người ! Vì dù chúng ta nên người trong "cùng hoàn cảnh", chẳng ai nên người y hệt ai cả, nhất là ở thời loạn ly, chinh chiến, di cư, di tản, di dân, ở thời khủng hoảng xã hội, niềm tin, văn hoá. Thế mà ta vẫn có thể "hiểu nhau", tin nhau. Chí ít, lâu lâu, cũng có thể yêu nhau tí ti. Giải thích điều này thế nào đây ? Có thể sẽ không bao giờ giải thích được một cách khoa học. Nhưng vẫn có thể nói cho nhau… nghe được được. Tôi tin vậy nhưng không chứng minh được. Dù sao tôi đã biết : đam mê quá đà, dễ bị lợi dụng ; quá ham "có lý", có thể đánh mất tình người ở mình như chơi ; hiểu nhau, dù chỉ một tí, dù chỉ một khắc, dù tương đối thôi, mãi mãi là khát vọng của con của người. Thôi thì đành triết lý và… hành-văn ! 2008-08-31 2 "concepts de droit" có nghĩa : tự nó có quyền được coi như là khái niệm. Ôi, từ khi có ai đó (Kant ? Rồi Deleuze) tuyên bố rằng : triết lý là lao động sáng tạo khái niệm, triết gia cứ tưởng "khái niệm" là cái gì ghê gớm lắm tuy xét cho cùng nó cũng chỉ là một ngôn từ thôi, và mọi ngôn từ đều là khái niệm : "cái bàn", chẳng khác gì "hạt nguyên tử", đương nhiên là một khái niệm, nó có thể là gì khác ? Khái niệm, xét cho cùng, là quan hệ giữa người với người được vật thể hoá bằng một âm thanh hay một ký hiệu. Ngoài quan hệ ấy, trong vũ trụ làm gì có gì gọi là khái niệm ? Theo tôi : triết lý là suy luận để cải tạo những khái niệm sai, mơ hồ hoặc quá thô sơ, giảm bớt thành kiến cổ lỗ sĩ trong quan hệ giữa người với người, mở đường cho một nhân giới cởi mở, đúng đắn và, nếu có thể, trìu mến hơn. Thế thôi. Trong triết có những vấn đề mà hiện nay khoa học chưa thể với tới được, chưa kể tới những vấn đề mà khoa học không thể với tới được, nhưng vẫn là môi trường sống có nhân cách, môi trường làm người của ta hôm nay. 3 PHĐ dịch nghĩa, không dịch văn, những câu : «( ...) le sens de la physique est de nous faire faire des "découvertes philosophiques négatives[*]" en montrant que "certaines affirmations qui prétendent à une validité philosophique n'en ont pas en vérité". (...) La physique détruit certains préjugés de la pensée philosophique et de la pensée non philosophique, sans pour autant être une philosophie. Elle se borne à inventer des biais pour pallier la carence des concepts traditionnels, mais elle ne pose pas de concepts de droit. Elle provoque la philosophie, la pousse à penser des concepts valables dans la situation qui est la sienne. » [MP] [*] Merleau-Ponty emprunte cette expression (et la citation qui suit) aux physiciens London et Bauer [Ln&B]. Aux contraires, Jean-Marc Lévy-Leblond, NRF essais, Éditions Gallimard, 1996, trang 15-16. Nói toạc móng heo thì thế này : triết gia truyền thống thường suy luận với nhiều khái niệm tưởng chừng là những sự thật vĩnh cửu rất siêu nhưng thực tế thì chẳng có giá trị gì cả. Thí dụ như khái niệm không gian và thời gian của Kant hay quan hệ giữa hai khái niệm ấy của Hegel. Bọn vật lý chúng em xin thưa với các đại gia : trong lãnh vực hành động cụ thể của chúng em ngày nay, các khái niệm ấy sai bét ! Vậy các đại gia ráng tìm ra khái niệm mới phù hợp với hoàn cảnh hành động này vì nó có thực, chứng minh và thể nghiệm được, và nó thực sự đã tác động vào đời sống hàng ngày của người đời. Điều này "đúng / sai" như thế nào, trong bối cảnh nào, với giới hạn nào, ta không bàn ở đây. Chỉ cần biết nó có thực và chính đáng, không thể làm ngơ được. 4 Car, il est vrai, en un certain sens, que "la science ne pense pas" – c'est même le secret de son efficacité. La science fait un effort considérable pour ne pas penser, en mettant au point de remarquables machines symboliques et formelles qui prennent en charge les difficultés et les fatigues de la pensée, tout comme nos machines domestiques et industrielles viennent relayer et prolonger nos capacités physiques limitées. Aux contraires, J-C Lévy-Leblond, Gallimard, 1996, trang 16. Lévy-Leblond là giáo sư vật lý và… triết lý khoa học (épistémologie). Đụng tới khoa học, tôi thích đọc tác phẩm của các nhà khoa học đích thực : họ không chỉ có kiến thức vững vàng và chính xác về khoa học, có người còn có văn hoá đầy mình, đặc biệt trong lãnh vực triết lý khoa học từ cổ tới kim. Ý của Lévy-Leblond thế này. Những kiến thức khoa học đã được khẳng định rồi thì ta có thể thoải mái dùng – trong bối cảnh mà chúng có giá trị –, những phương trình toán biểu hiện chúng, không cần kiểm soát lại, càng không cần tính toán lại từng bước từ đầu, mất công tốn sức một cách vô bổ, cứ việc đưa cho máy tính gánh vác hộ. Còn phát huy kiến thức khoa học lại là chuyện khác, chẳng dễ tí nào, có khi suy nghĩ nát óc vẫn không nhích lên được nửa bước. Dường như đối với kiến thức triết học thì… ngược lại. Trong triết học, không có khái niệm nào có thể nhắm mắt tin được, luôn luôn phải đặt lại vấn đề ngay từ ban đầu. Phải chăng vì thế có những ý tưởng cổ lỗ sĩ hàng nghìn năm mà hôm nay vẫn chưa chịu chết ? Phải chăng vì thế, ở đời, triết gia thì hằng hà sa số, nhưng triết lý mở ra một thời đại tư duy mới thì cực hiếm. 5 Chứng minh rằng một điều gì đó… sai, quan trọng không thua gì chứng minh được rằng nó… đúng. Chứng minh rằng một điều gì đó nằm ngoài khả năng chứng minh đúng/sai của hệ lý luận mình đang vận dụng thì càng tuyệt ! 6 Mon père ne savait pas tout, mais il savait un peu de tout. Cha tôi không biết mọi chuyện nhưng cũng biết một tí về mọi chuyện. Một giá trị văn hoá phổ thông, culture générale, của Pháp hồi đầu thế kỷ 20, trước hai cuộc tàn sát khổng lồ mỹ mãn mà nền văn hoá ấy cho tới nay vẫn không hiểu nổi. Theo trí nhớ tồi tệ của tôi. Của nhà văn nào, tôi không nhớ nữa. 7 đối với kinh tế gia và người đời thường, nhưng đối với toán gia thực thụ thì… 8 Không hoàn toàn "đúng" – nếu ta chỉ muốn thấy kết quả cuối cùng của từng giai đoạn phát triển kinh tế ở một số nước như Trung Quốc hôm nay chẳng hạn. Nhưng nhìn toàn bộ quá trình phát triển ấy thì kinh hoàng : tàn nhẫn không thua gì thời tích lũy vốn tư bản ban đầu tại các nước tư bản ở Tây Âu và thuộc địa cũ và mới của họ. Cần gì toán học hiện đại để bắt chước tư bản Tây Âu ở thế kỷ 19 và thành công như họ đã từng thành công ? Ai không tin, cứ đi hỏi 350 triệu "lao công" Tàu hiện nay thì biết. Chẳng khác phu đồn điền cao su ở Việt Nam thời thực dân bao nhiêu. 9 Principe d'incertitude hay Principe d'indétermination. 10 "Planck rejette, dans un premier temps, le modèle atomiste des gaz de Maxwell et Boltzmann. Pour lui, la théorie atomique s’effondrera à terme en faveur de l’hypothèse de la matière continue. Il se rallie devant l'évidence à l'atomisme à partir des années 1890." En 1899, il introduit les constantes de Planck (h) et de Boltzmann (k) en même temps que la notion des quanta [...] Planck a du mal à accepter sa propre hypothèse, rendant la matière « discontinue ». 11 Tất nhiên, "hiểu" là một quá trình bất tận. Marx và Engels đã vạch rõ từ lâu. Xin "trích" theo trí nhớ tồi tệ của tôi, ý bất hủ này : La contradiction entre le caractère limité de nos connaissances et notre capacité infinie à connaître se résout dans le développement infini du Savoir. Mâu thuẫn giữa tính giới hạn của kiến thức của chúng ta và khả năng hiểu vô tận của chúng ta tự giải quyết qua sự phát triển vô tận của Kiến Thức. Với ngôn ngữ triết của thế kỷ 19 tại Châu Âu, hành văn biện chứng đến thế là cùng ! Dĩ nhiên, "bất tận" trong nhân giới. Bản thân nhân giới bất tận hay không, phải điên điên mới dám khẳng định (PHĐ). 12 Quan hệ chung của chúng ta với vật giới và với nhau trong tư cách người. 13 Xem lập luận chi tiết trong Penser librement hay Tư duy tự do. 14 Đây là nguyên lý nền tảng của triết lý duy vật biện chứng của Marx và Engels : Thoạt tiên có vật chất năng động (matière en mouvement). Vật chất đã tự nó năng động thì tự nó cũng là không-thời gian. Khi ta đọc hai triết gia này xuyên qua những khái niệm "không gian", "thời gian", "hiện tượng" và "vận động" của Kant, ta hiểu ai khác, không hiểu họ vì họ không chỉ phủ định Kant thôi mà còn phủ định luôn cả Hegel nữa. Trên cơ sở ấy, họ cho rằng điều duy nhất đáng tìm hiểu là : những quy luật chung nhất của sự vận động, từ hình thái thô sơ nhất, hình thái vật thể, tới hình thái phức tạp nhất : tư duy. Và vay mượn, một cách khá gượng gạo, ba quy luật của phép biện chứng của Hegel. Tôi đã phân tích vài thí dụ cụ thể trong Tư Duy Tự Do. 15 Một phương trình vật lý là một quan hệ về lượng giữa những vật thể, một sự bằng nhau, hơn kém nhau, một sự đồng nhất về bản chất mặc dù những hình thái cụ thể khác biệt qua đó ta cảm nhận chúng. E=Mc2 có nghĩa : không có sự khác biệt về bản chất giữa những cái ta gọi là khối lượng hay năng lượng "của" một "vật thể". 16 évidence kiểu Descartes. 17 « A vrai dire, je pense que ces dessins d'atomes sont ce qu'il y a de mieux comme images classiques, mais rien de plus. » Werner Heisenberg, La grande Unification, Seuil, 1991, tr. 85 18 Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh – 2007, trang 260. Tôi đã "giải thích" ý "quái gở" này trong hai quyển sách đã nêu. 19 Il raisonnait ainsi : "Observer signifie établir une relation entre un phénomène et notre réalisation du phénomène." Werner Heisenberg, La grande Unification, Seuil, 1991, tr. 89. 20 tên do chính những nhà khoa học đã dùng để nêu danh lý thuyết ấy cho người đời thường. PHĐ. 21 Il est toujours risqué, et le plus souvent abusif, d'extrapoler un énoncé valide dans le cadre spécifique et restreint d'une théorie physique – quantique en l'occurence – à des situations d'une nature toute différente. L'abus confine à l'escroquerie quand, comme ici, l'énoncé initial est lui-même plus que douteux. C'est qu'en effet on doit absolument révoquer l'appellation commune d' "incertitude" appliquée à ce que nous avons jusqu'ici dénommé, d'un mot volontairement vague, le "flou" des grandeurs physiques de position et de vitesse. Aux contraires, J-M Lévy Leblond, Gallimard, trang 190. Cà khịa chữ nghĩa với ông này thì mệt lắm đấy. Ít ai sử dụng tiếng Pháp một cách rõ ràng, mạch lạc, chính xác và chặt chẽ như ông trong tác phẩm này. Nhưng đọc sách của ông thì mê tơi. Trong quyển sách này, những trang 184-188 duyệt sơ qua những lạm dụng "nguyên lý bất định" của các triết gia, lý thuyết gia trong khoa học nhân văn, nhà lý luận văn học, nghệ sĩ và… chính khách (Valéry Giscard d'Estaing, cựu tổng thống Pháp, cựu học sinh trường Polytechnique) . 22 Aux contraires, J-M Lévy Leblond, Gallimard, trang 130. Những nhà vật lý đời nay thích gọi nó bằng "nguyên lý bất biến (không-thời-gian)", "principe d'invariance (spatio-temporel)" ! Thế thì còn "tương đối" nỗi gì ? 23 Nói một cách khơi khơi, không chính xác theo chuẩn khoa học. 24 một lãnh vực "nhỏ" thôi của con người trong kiếp nhân sinh, tuy nó đã chi phối hàng ngày toàn bộ cuộc sống của chính ta, cũng như điện nước và cơ giới cách đây không lâu. Quen dùng rồi thì chẳng còn thấy ghê gớm nữa. Không có nghĩa là những nhà lãnh đạo các quốc gia, nhất là còn đang chậm tiến, có quyền coi thường chuyện phát huy kiến thức khoa học và trí tuệ nói chung của dân chúng để, dựa vào nó, phát triển nhanh và lâu bền mọi lãnh vực khác của đời sống xã hội. Trong lãnh vực này, chậm một ly, tụt hậu nghìn dặm. May thay, trong lãnh vực này, có thể "đốt giai đoạn" được. Cứ coi Nam Hàn thì thấy. Lévy-Leblond cũng có lý : để tiếp thu và sử dụng kiến thức khoa học, chỉ cần học và tin thôi, không cần phải suy nghĩ hung cho lắm ; để phát minh khoa học thì… không đơn giản như thế ! 25 trí thức đủ ngành nghề và chính khách. 26 nhà thơ, nhà văn, triết gia et tutti quanti. 27 Ôi, chỉ trong bài này thôi, tôi đã dùng từ "phải" 31 lần ! Bốn lần đáng nghi ngờ nhất lại thể hiện niềm tin của chính tôi. Chán thật…
|