Về quê ăn Tết |
Tác Giả: Lê Phan 2/1/2010 | |||
Thứ Tư, 04 Tháng 2 Năm 2009 12:07 | |||
Bất cứ một người Việt nào hiện đang sống ở hải ngoại khi nói đến về quê ăn Tết hẳn lại nghĩ ngay đến quê nhà ở Việt Nam. Hình ảnh ngày Tết quê hương là hình ảnh của ký ức, vô cùng đầm ấm và đẹp đẽ. Nhưng nhiều khi chúng ta bị ký ức đánh lừa. Thật khó quên những ngày Tết của thời xa xưa cũ. Chỉ những màu sắc cũng đủ làm chúng ta ngây ngất. Tết ở Sài Gòn có thể thiếu cái lạnh nhưng được thay thế bằng những bông mai vàng chen lẫn dưa hấu đỏ. Chợ hoa Nguyễn Huệ xinh đẹp nhưng hiền hòa không hào nhoáng và những hàng bánh mứt của chợ Sài Gòn được bày biện như những tác phẩm nghệ thuật. Và chính những hình ảnh đó đã khiến nhiều người Việt tìm về quê ăn Tết. Tôi đã gặp nhiều người tìm về quê ăn Tết và mỗi người đều trở ra với một niềm thất vọng. Một ông bạn kể lại là mỗi năm đi xem chợ hoa Phước Lộc Thọ lại nhớ đến chợ hoa Nguyễn Huệ. Ông bạn tôi bảo là ở chợ hoa Phước Lộc Thọ những loại cây hoa thật đẹp nhưng vẫn làm cho ông nhớ chợ hoa năm nào vì hoa Cali khác hoa Sài Gòn. Ông thèm cành mai vàng thật sự. Hoa Lan đẹp thật nhưng hoa Lan không thay được cho những chậu cúc đủ loại. Ngay cả đến chậu quất Cali cũng không giống chậu quất quê hương. Sau nhiều năm ao ước, năm ngoái ông tìm về Sài Gòn ăn Tết và vỡ mộng. Chợ hoa Nguyễn Huệ nay đã trở thành Ðường hoa Nguyễn Huệ. Lòe loẹt, quê mùa, nửa tây nửa ta, phần trưng bày cây cảnh được mệnh danh là đường hoa Nguyễn Huệ làm ông sững sờ. Còn đâu chợ hoa ngày xưa mà ông thèm muốn. Dĩ nhiên Sài Gòn vẫn có chợ hoa, nhưng chợ hoa Nguyễn Huệ mà ông yêu mến đã không còn nữa. Bà chị chồng tôi kể lại là năm trước cũng đem con cái về ăn Tết ở Việt Nam. Bà đã cố lập chương trình để sao cho đến ngày 30 Tết về đến Hà Nội. Tối Giao Thừa, bà cùng mấy cô con gái và gia đình tìm ra đường tính theo dân Hà Nội đi lễ. Vừa ra đến đường, cảnh rối loạn của một thành phố không biết đến kỷ luật giao thông đã làm bà hoảng sợ. Mấy mẹ con đứng tần ngần mãi không dám qua đường. Sau cùng, một ông đứng tuổi, giọng nói thanh tao của người Hà Nội cũ, thấy thương tình chỉ bảo “Các bà cứ đi, họ sẽ tránh. Còn cứ chờ thì chẳng bao giờ sang đường được đâu.” Ðánh bạo, mấy mẹ con dắt díu nhau qua đường, chờ chực mãi mới đón được một cái taxi để đến chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa cổ kính nằm bên hồ Tây không đông khách bằng Phủ Tây Hồ nhưng cũng chật người. Mặc dầu lúc đó vừa quá nửa đêm sang năm mới, vườn cây cảnh của chùa đã bị vặt sạch, trông tiêu điều như mới trải qua một cơn bão. Hỏi ra mới biết khách thập phương đã “hái lộc” trụi hết. Buồn rầu mẹ con trở về khách sạn. Sáng mùng một, đường sá vắng hoe, không người đi lại. Thành phố bẩn thỉu dơ dáy nhưng trống trơn, chỉ có những người phu vệ sinh đang thâu dọn bãi chiến trường. Ði quanh quẩn không tìm được đến một tiệm phở, mẹ con bà chị chồng tôi đành trở về khách sạn. Cái Tết quê hương trở thành một cơn ác mộng. Và ngày Tết lại càng làm cho họ cảm thấy mình chỉ là người khách lạ chứ không phải trở về quê hương. Một người bạn khác cũng thèm nhớ hàng năm vẫn theo mẹ đi lễ lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Năm vừa qua bà bạn đã tìm về Sài Gòn để viếng Lăng Ông đêm Giao Thừa. Hồi xưa, người đi lễ đã đông, bây giờ người đi lễ còn đông hơn nữa. Hương khói nghi ngút ngập trời, đoàn người như nước lôi cuốn người ta không sao cưỡng được. Ngoài nhang đèn, số người làm ăn kinh doanh còn mang theo nhiều lễ vật hậu hĩnh để cầu tài lộc. Con heo quay nằm trên mâm xung quanh đầy tiền giấy cúng sao khó coi quá. Chen chúc một hồi, bạn tôi cũng bị đoàn người đẩy vào đến cửa lăng. Ngạc nhiên nhìn cánh cổng sơn phết lại sao màu mè hơn ngày xưa. Vào đến bên trong, đoàn người đi vào nhập vào đoàn người đi ra, mạnh tay mỗi người tha hồ bẻ cây cối. Bên trong lăng, nơi xin xăm người ta đứng vòng trong vòng ngoài, người nọ lạy người kia vái, tiếng xúc xăm ồn ào nhức óc. Xăm xin xong lại phải ra ngoài nhờ thầy giải đoán. Hàng loạt các ông thầy chực sẵn, lăm le chỉ bảo. Sợ quá, bà bạn tôi bỏ ra sau để thắp nén hương trên phần mộ của Tả Quân và Phu nhân rồi vội vã bỏ về. Một người bạn nữa lại thèm những món ăn ngày Tết ở quê nhà. Ông ta cứ cả quyết là miếng mứt mãng cầu ở Sài Gòn ngon hơn, không ngọt lự như mứt ở Cali. Ông còn khẳng định dưa đỏ thì chỉ có dưa đỏ ở Việt Nam mới ngọt và mát rượi. Ông nhớ đến đòn bánh tét, đĩa dưa lỗ tai heo, miếng củ kiệu và những con tôm ngọt lịm để nhâm nhi ba xị ngày Tết. Ông chê những thứ này ở Cali không ngon bằng. Năm nay ông tìm về Việt Nam ăn Tết. Khám phá đầu tiên của ông là dưa đỏ Việt Nam bây giờ thua dưa đỏ Cali vì bón phân hóa học quá nên xốp mà không ngọt. Dưa tai heo không giòn, củ kiệu có vẻ như có mùi hóa chất còn con tôm khô cho đĩa đồ nhắm giờ đây trông cũng đỏ đẹp như xưa nhưng cắn vào thì lạt nhách. Trong khi đó hồi năm 2005 tôi có dịp ghé Cali ăn Tết. Bầu không khí nhộn nhịp không thua gì ngày Tết quê hương. Tiếng pháo nổ giòn khác hẳn với sự im lặng của cái Tết Việt Nam vì ngày nay pháo bị cấm. Chợ hoa Phước Lộc Thọ vui vẻ, ồn ào, không khác gì chợ hoa Nguyễn Huệ. Trong khi đang đi ở chợ hoa, tôi gặp một gia đình từ Âu Châu sang Cali ăn Tết. Ông bà này kể lại là sau khi về Việt Nam vỡ mộng quá, bây giờ cứ vài năm lại tìm sang Little Saigon để hưởng cái Tết quê hương. Ông tâm sự “Ðây mới thực là quê hương của chúng mình. Bên đó bây giờ đã trở thành xứ lạ. Từ thức ăn, tiếng nói, đến phong tục tập quán, ngay cả cách chưng diện, lối đối xử, họ khác mình quá rồi, về bển chỉ thêm buồn. Ấy là chưa kể cứ mỗi lần thấy lá cờ đỏ vẫn còn đứng tim.” Quả đúng là vậy.
|