Home Đời Sống Tài Liệu Một ngàn lẻ một chuyện lạ về trâu bò trong năm Sửu

Một ngàn lẻ một chuyện lạ về trâu bò trong năm Sửu PDF Print E-mail
Tác Giả: Mường Giang   
Chúa Nhật, 01 Tháng 2 Năm 2009 13:19

Theo thống kê của FAO thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết vào năm 1992 cả thế giới có đàn trâu trên 147.5 triệu con, trong đó Á Châu chiếm 86% cả đàn. Ấn Ðộ đứng đầu thế giới với 75.5 triệu con, còn VN vào năm 1995 đứng hàng thứ 6 tại Á Châu với 3.2 triệu con trâu, tính chung cứ 1,000 nông dân ta chỉ có 45 con trâu để sử dụng.

Ngay từ buổi đầu dựng nước Văn Lang cách đây mấy ngàn năm, người Việt vào thời các Tổ Hùng đã biết dùng trâu-bò vào công việc đồng áng và các công tác vận chuyển. Trâu VN thuộc giống Karabao, sau khi được thuần hóa rất hiền lành và nghe lời chủ sai khiến. Vì trâu VN thuộc nhóm đầm lầy, tuy có khả năng cày kéo tốt nhưng sản xuất sữa lại kém. Ngược lại giống trâu sông thì cho sữa tốt nhưng việc đồng áng rất tồi. Do đó ở nước ta từ lâu, đã cho lai giống giữa hai loại trâu sông Ấn Ðộ (Murrah) và trâu đầm lầy bản địa. Tuy kết quả được cải tiến khả quan ở các thế hệ trâu lai F1 và F2 nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn vì sự khác biệt nhiễm sắc thể giữa hai nhóm trâu phối hợp.

Là một trong những gia súc lâu đời của con người, trâu-bò thuộc loài nhai lại, nhóm guốc chẵn, có sừng... là những hình ảnh rất quen thuộc ở nông thôn qua những công việc nặng nhọc hằng ngày như kéo cày, kéo xe, kéo gỗ, thồ hàng... cung cấp thịt sữa và những vị thuốc quý trong Ðông dược kể cả nước dãi trâu.

Phải chăng vì thế mà hình ảnh của trâu bao đời đã khắc sâu vào tâm thức của người Việt nhất là ở nông thôn, luôn được coi là ‘đầu của cơ nghiệp’, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt và tâm hồn hiền lành chất phác của dân tộc Việt. Do đó trâu được nhắc nhớ rất nhiều hơn bất cứ con vật nào khác, trong kho tàng văn học dân gian, ca dao tục ngữ... và ở bất cứ phương diện nào, thì nó cũng là những tấm gương phản chiếu trong đời sống của con người:

Sai con toán, bán con trâu

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy, lọ là khó thay...

Làm ruộng mạnh có trâu

Làm dâu mạnh có chồng

Muốn giàu thì nuôi trâu cái... ’ ’

Trâu cũng là người bạn đồng hành, đã gắn bó mật thiết với người nông dân ngay từ lúc họ còn là mục đồng để chõm cho tới khi trở thành một lão điền đầu hói trán nhăn, nhưng thủy chung người và trâu vẫn không dời đổi cái thân phận 'mang ách kéo cày ' của kiếp đời:

‘Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công... ’ ’

Theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh và Nguyễn Quốc Hùng, thì Ngưu có nghĩa là Bò và chú thích rằng người Việt đã nhận lầm chữ Ngưu là Trâu. Còn bộ Hán Ngữ Ðại Tự Ðiển của Tàu mới xuất bản năm 1993 tại Thành Ðô (Tứ Xuyên) thì định nghĩa chữ Ngưu chỉ chung loại động vật có vú, đầu có sừng, chân guốc đuôi có chùm lông dài, ăn cỏ nhai lại... nói chung thuộc Họ Bò bao gồm Trâu, Bò Tây Tạng... Vì chữ Ngưu là Danh Từ Chung (Non Générique) nên người ta phải gọi Bò là Hoàng Ngưu, Trâu là Thủy Ngưu, Bò Tây Tạng là Mao Ngưu, Tê Giác là Tê Ngưu khi viết.. nhưng lúc phát âm thì không phân biệt mà chỉ nói chung là 'Ngầu' như theo âm Quảng Ðộng gọi 'Phở Bò' là Ngầu Phẳng hay Ngầu Phảnh để chỉ món ăn được nấu bằng hủ tiếu với thịt bò. Nhiều bộ tự điển khác kể cả Tam Tự Kinh, Việt-Hán Thông Thoại Tự Vị của Ðổ Văn Ðáp, Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu cũng nói Ngưu là Trâu.

Thế giới ngày nay cũng đang tranh luận về vai trò của trâu-bò trong nền nông nghiệp hiện đại nhất là tại Á Châu. Cuối cùng đa số đã khẳng định sự ưu thế tuyệt đối của con trâu tại nông thôn dù bò có trội hơn về mức cung ứng sữa-thịt và sinh sản. Như vậy dù ở đâu, thời đại nào, mãi mãi con trâu vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân ở quê làng đồng ruộng.

Với người Việt qua ý niệm tôn vinh trâu như là con vật thần có công bảo vệ đàn gia súc, nên tự ngàn xưa tổ tiên ta đã có lễ ‘Tiến Xuân Ngưu’ ngay tại kinh đô Thăng Long vào dịp Tết Nguyên Ðán hằng năm. Trong lúc cả nước thì có Tết Trâu vào ngày mùng 5 Tháng Giêng... Hiền lành, chất phác, cam phận thấp hèn trong một xã hội đời nào cũng bất công dối trá, coi rẻ đạo đức luân thường chỉ vì hám danh chuộng lợi. Nhưng đừng có tưởng ‘mài sừng cho lắm cũng là trâu’ mà có lúc phải hứng cái cú húc bằng sừng hay cái đá hậu cực mạnh của kẻ ‘’ có miệng mà không nói được’ đối với những con chó điên chuyên chạy theo sau cắn trộm.

1. Trâu bò qua vạn vật học:

Trâu bò là loài thú nhai lại, có móng guốc chẵn, đầu có sừng chân có bốn ngón, hai ngón giữa lớn, hai ngón bên nhô hẳn lên. Họ này có bộ máy tiêu hóa rất đặc biệt và bộ răng không có răng cửa và răng nanh ở hàm trên nhưng hàm dưới có tới 6 răng cửa rất bén đưa ra phía trước, hai răng nanh giống như răng cửa và các răng hàm to với lớp men trên mặt ngoằn ngoèo.

Thực quản của trâu-bò dài, dạ dày đặc biệt có tới 4 ngăn giữ 4 nhiệm vụ khác nhau. Khởi đầu khi ăn, trâu-bò dùng lưỡi vơ lấy cỏ và cắt bằng răng cửa hàm dưới với lợi hàm trên. Sau đó lắc đầu cho cỏ đứt và nuốt vào mà không cần nhai. Cỏ này khi vào bụng sẽ được chứa trong một túi đựng cỏ rất lớn, kế tiếp chuyển tới túi tổ ong và được giữ tại đây. Lúc nghỉ ngơi, trâu-bò lại ựa cỏ lên miệng để nhai lại thật kỹ, bằng các răng cửa hàm dưới và lợi hàm trên. Cỏ này từ miệng chuyển thẳng tới túi sách và được tiêu hóa nhờ các dung dịch từ dạ dày tiết ra. Sau rốt nó được chuyển tới túi cuối cùng để biến thành chất bổ dưỡng nuôi sống con vật. Do sự phức tạp trên, nên trâu-bò có ruột (non và già) dài tới 40m, để thích ứng với loài nhai lại.

Họ bò (Bovidie): Lớn nhất trong lớp động vật ăn cỏ nhai lại, có móng guốc ở chân. Hiện có chừng 50 giống và 200 loài thay đổi vóc dáng tùy theo kích thước, có sừng thường xuyên cắm sâu trong một đế xương. Họ Bò chia thành ba nhóm: Trâu-Bò, Sơn Dương và Dê.

Nhiều nhà khảo cổ khi quan sát bộ xương của loài ăn cỏ nhai lại cách đây khoảng 17 triệu năm, cho rằng tổ tiên của họ này trước kia không có sừng và sừng của chúng chỉ mới mọc từ các thế hệ sau này, qua sự tiến hóa kéo dài khoảng vài triệu năm. Sừng là vũ khí của loài này chống lại kẻ thù và cũng là yếu tố quan trọng trong sự liên hệ tình dục giữa con đực và cái.

Còn các nhà nghiên cứu khoa học thuộc nhóm của giáo sư Martin Pickford tai viện bảo tàng vạn vật ở Ba Lê (Pháp) thì cho rằng sừng của loài thú được mọc chỉ để cân bằng trọng lượng giữa xương và thịt, qua tiến trình thay đổi của thảo mộc là thức ăn chính của loài nhai lại. Ðiển hình là loài Nai đực sừng mọc vào Mùa Xuân để cân bằng với trọng lượng cơ thể tăng vọt khi đồng cỏ vào mùa đó dạt dào xanh tốt. Trái lại sừng của chúng sẽ gầy tóp rồi rụng chết vào Mùa Ðông băng giá đói kém thiếu ăn.
 
Ở nhóm trâu-bò, hiện tượng cũng như sừng nai nhưng sừng của loài này không rụng vì có điểm khác biệt với loài nai có lớp tế bào mới mọc trên lớp tế bào cũ. Trái lại ở trâu-bò, các tế bào sừng độc lập và mọc vĩnh viễn trên một mắc cá của xương trán. Ngoài ra sừng của chúng cũng không phải là lớp tế bào chết như ở loài hươu-nai mà là một kho tích trữ Calcium cho cơ thể. Do đó nó luôn thay đổi tùy theo trọng lượng của trâu-bò nhất là ở giống cái (trừ loài tuần lộc), dùng lượng tích trữ calcium tại sừng để chế tạo sữa nuôi con và phôi bào khi có bầu.

+ Nhóm trâu:

Trâu (Bubalus bubalis ): Là động vật hoang dã nhưng trâu đã được khai hóa rất sớm ở Népal, Assam, Ấn Ðộ, Miến Ðiện Tích Lan, Ðông Dương, Mã Lai... Nhà nhân chủng học K. Kenle (1910) cho rằng trâu là con vật đầu tiên trong đàn gia súc của loài người. Tuy thuộc Bộ Bò (Bos) nhưng trâu lại có nhiều đặc tính về sinh học khác hẳn với các loài bò nhà, bò rừng, bò Tây Tạng, bò Tót, bò Balen... Do đó Trâu được xếp vào nhiều Họ trong Bộ Bò theo các đặc tính tương cận như Họ Trâu Rừng (Bubalus), phụ Họ Buvinac, Họ Sừng Rỗng (Covicornia hay Bovidae), phụ Bộ Răng Lưỡi Liềm (Selenodonta), Nhai Lại (Ruminantia) hoặc Họ Móng Guốc Chằn.

Nhóm Trâu gồm ba loài: Trâu Anoa, Trâu Châu Á và Trâu Châu Phi. Sự phân biệt được căn cứ vào màu lông và hình dạng của cặp sừng. Là loài thú hoang dã, trâu được thuần hóa từ trâu rừng vào khoảng giữa đệ tam thiên niên kỷ trước Tây Lịch. Tại Á Châu có 3 loài: trâu rừng, trâu Anoa, Tamarao và Arnee. Tới nay loài người chỉ mới thuần hóa được giống trâu Arnee.

* Trâu Châu Á:

- Trâu Anoa: gần gũi với loài trâu hóa thạch (Bubalus Triquetricornis) được xem là thủy tổ của loài trâu hiện nay. Giống trâu Anoa (Bubalus Depressicornis) có tầm vóc nhỏ nhất trong họ trâu, chỉ cao từ 80-100cm, được xem là con vật trung gian giữa hai bộ Bò và Antilopa. Loài này có sừng ngắn, chĩa thẳng về phía sau, mõm nhọn, đầu cổ và chân to, trán rộng, đỉnh đầu tròn, lông hai màu nâu nhạt hay xám sẩm. Giống trâu này chậm chạm, sống kham khổ đơn độc hay từng cặp thích nước, chỉ có ở đảo Celebes thuộc Indonesia (Nam Dương).

- Trâu Tamarao: Chỉ có ở đảo Mindoro (Phi Luật Tân) là loài trâu nhỏ, lông màu xám đen hay nâu sậm, sừng ngắn nhưng khỏe, hơi cong vào bên trong. Sống thành từng đàn nhỏ nhiều nhất 10 con, tại các khu rừng tre nứa rậm rạp đầm lầy, hiện còn rất ít.

- Trâu Arnee: có nhiều tại Ấn Ðộ, Tích Lan, Việt Nam, Lào và Kampuchia. Sống thành từng đàn lớn tại các vùng có đầm lầy suốt ngày ngâm mình dưới nước. Ðây là loài trâu lớn, cao trên 1.4m nặng gần 1,000 kg, da màu đen, xám hay nâu sẫm, sừng lớn cong ra phía ngoài, chóp sừng uốn thành hình lưỡi liềm hướng vào trong. Hiện số lượng giảm sút rất nhiều vì bị săn đuổi và bệnh tật.

- Trâu Hoang Ấn Ðộ (Bacni) và Trâu Mindo (B.Mindorensis): Trâu Mindo đã được thuần hóa, vóc dáng lớn hơn trâu Anoa, lông đen có sừng ngắn, thẳng chỉ hơi uốn cong ở phần trên. Loài trâu này sống ở quần đảo Phi Luật Tân.

Trâu Hoang Ấn Ðộ hay Acni trước sống tại Bắc Phi và vùng Lưỡng Hà (Trung Ðông) nay còn gặp tại vùng rừng rậm sình lầy Ðông Nam Ấn Ðộ, Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan. Loài này cao gần 2m, nặng trên 1,00kg, thường tấn công cả voi lẫn hổ để tự vệ. Trâu Acni có sừng dài, trán rộng, thân hình đẫy đà, to và thấp. Loài này có nhiều điểm tương cận với các loài trâu Zafrabadi ở Katiava (Ấn Ðộ), trâu rừng Capfe (Châu Phi). Riêng loài trâu Acni được thuần hóa đã hình thành loài trâu sừng ngắn hay đặc biệt có con không có sừng.

Theo nhà động vật học Meeken, thì loài trâu hoang Ấn Ðộ đã mất tính miễn nhiễm với hóa chát mélanin nên lông của chúng từ màu đen biến thành đỏ, hung cả trâu bạch tạng đang được nuôi trong viện nghiên cứu Azechaizan. Do có nhiều đặc tính giống nhau nên loài trâu rừng được coi như tổ tiên của các giống trâu nhà Ấn Ðộ Sừng Dài (Bubalus Indicus Macrocuro) sống tại Miền Nam Trung Hoa, các đảo Nam Thái Bình Dương và Nam Dương Quần Ðảo. Trong nhóm này còn có loài trâu hoang lông đỏ Karabu.

Trâu Sừng Ngắn (Bus, Indicus Brachyeeros) sống ở Nhật Bản, miền Bắc Trung Hoa và vùng phía Tây Châu Á. Loài Trâu Ấn Ðộ còn được gọi là Trâu Nước được coi như một gia súc, sinh sống chẳng những khắp vùng Ðông Nam Á tới Trung Hoa, Ai Cập, Ý, Pháp, Hung Gia Lợi... Loài trâu này cao khoảng 1.5m toàn thân màu đen xẩm, mặt thon, cặp sừng vươn rộng tới 1.2m nặng hơn 800kg. Trâu giúp việc đồng áng, kéo xe, cung cấp thịt, da. Trâu cái sau thời gian 10 tháng mang bầu, sẽ sinh một hay hai trâu nghé vào Mùa Hè.

* Trâu Châu Phi:

Tên khoa học Sincerus, Trâu Châu Phi (trâu Cape) hao hao với trâu Ấn Ðộ, sồng thành từng đàn suốt ngày dầm mình trong bùn lầy. Là loài thú hoang dã mà con người chưa bao giờ thuần hóa được, loài này cực kỳ hung dữ và nguy hiểm nhất là khi bị thương. Hiện chúng còn rất ít vì bị săn đuổi ráo riết và bệnh tật. Loài trâu này cũng to lớn, lông đen thưa, nặng chừng 900 kg và cao khoảng 1.5m. Ðặc biệt là bộ sừng cong veo từ dưới lên trên và uốn cuộn vào phía trong, còn lưng trâu thì có nhiều bướu lớn. Cùng loài trâu Cape nhưng ở Tây Phi thì thân hình nhỏ hơn, lông hung vàng và cặp sừng cũng ngắn, chúng sống trong các khu đầm lầy rừng rậm ít người lai vãng.
 
Có thể nói Sa mạc Sahara là quê hương của loài trâu Châu Phi, vào mùa giao phối, trâu đực thường kèm sát trâu cái và các trâu đực tơ chém đuổi trâu đực già ra khỏi đàn khiến chúng sống cô độc. Trâu Ðông Phi thích sống ở vùng bình nguyên như Kilimandaro cao hơn mặt biển 8000m vì có nguồn nước phong phú, khi gặp người thì bỏ chạy chỉ chống lại để tự vệ lúc nguy cấp. Gần đây các đàn trâu bò và loài Antilopa tại Châu Phi bị tử vong rất nhiều do loài ruồi Xéré truyền bệnh dịch tả.

- Trâu nhà:

Trâu vùng Ðông Nam Á: Rất gần gũi và hơi giống trâu rừng do sự giao phối giữa trâu nuôi và trâu hoang dã tại các làng mạc gần núi rừng, ao đầm sình lầy là nơi sinh hoạt tự nhiên thích hợp của loài trâu. Từ đặc tính thích nước, người ta phân biệt hai loại trâu nhà: Trâu Ðầm Lầy (Swamp Buffalo) và Trâu Sông (Riverine Buffalo) chủ yếu là Trâu Ấn Ðộ và Pakistan, loài trâu này ở vùng sông ngòi và thích tắm giữa dòng nước sạch.

Hai loài Trâu Nhà tại Kampuchia và Phi Luật Tân rất giống nhau về vóc dáng, màu da đen, xám hay nâu nhạt. Nói chung, Trâu Nhà vùng Ðông Nam Châu Á có đặc tính gần giống nhau vì ngay từ năm 1930 các nước Trung Hoa, Phi Luật Tân, Lào, Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai Á và Nam VN đã trao đổi giống trâu lẫn nhau nhất là về màu lông đen, xám hay nâu nhạt. Ðặc biệt là giống trâu nhà ‘Bạch Tạng’ với lông màu vàng nhạt mọc trên lớp da màu hồng.

Loại Trâu Nhà Ðầm Lầy có sừng lớn cong tròn hay hình bán nguyệt có chiều dài từ 60-120cm với khoảng cách hai chóp sừng từ 50-90cm, được dùng để mở đường rừng hay đào hố trong các đầm lầy để dầm mình. Một số Trâu của Tàu có sừng uốn cong gần như một vòng tròn có khoảng cách chỉ 12cm. Trong lúc Trâu Nam Dương có bộ sừng dài quá mức với khoảng cách hai chóp sừng tới 210cm trông rất nghênh ngang khi di chuyển. Nông dân Mã Lai Á tại Penang, Kedah hay Người Phi, Nam Dương nuôi Trâu Nhà Ðầm Lầy không để lấy sửa bán mà chỉ dùng trong gia đình và để chế tạo một loại phomat mềm ăn rất ngon.

Trái lại các giống Trâu Sông nuôi tại Ấn Ðộ, Pakistan, Nam Á và Nam Âu... sản xuất sữa nổi tiếng khắp thế giới. Chỉ riêng Ấn Ðộ đã có rất nhiều giống trâu sữa được nuôi tại vùng Tây Bắc như các giống trâu Murrah, Nill Ravi, Kundi... vùng Ðông Ấn có giống trâu Surij, Mehsana, Jafarabadi, Trung Ấn có giống Napuri, Pendharpuri, Manda, Jerangi, Kelabandi, Sambalpur, vùng Nam Ấn có giống Toda và Kanara...

Do có năng suất cao về sản xuất sữa và thịt, nên giống trâu Murrah của Ấn Ðộ đã được xuất cảng sang hầu hết các nước Á Châu kể cả VN và Ba Tây (Nam Mỹ). Người ta nuôi loại trâu này chỉ để lấy sữa vì nó không thích ứng cho việc đồng áng cày bừa.

Trâu nhà Úc Châu: Người Úc bắt đầu nuôi trâu từ năm 1824 khi nhập cảng giống trâu đầm lầy tai miền Timor thuộc Indonesia. Từ đó trâu được phát triển nhanh tai vùng đồng cỏ hoang Bắc Úc. Riêng loại trâu rừng Úc được thợ săn bắn để lấy da.

Trâu Nhà Miền Cận Ðông, Nam Âu, Nam Mỹ và Châu Phi: Thuộc giống Trâu Sông được nuôi rải rác khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Bảo Gia Lợi, Ý, Hy Lạp, các nước Cộng Hòa cũ của Liên Xô như Azerbaizan, Dagestan. Trâu nhà vùng này được nuôi để lo việc đồng áng, lấy thịt, sữa làm phó mát... Tại Nam Mỹ chỉ có Ba Tây nuôi giống trâu sữa Murrah và Jafarabadi nhập từ Ấn Ðộ. Ngoài ra còn giống trâu địa phương sống tại vùng châu thổ sông Amazone là giống Preto lấy sữa và Rosilo ăn thịt. Tại các nước thuộc vùng Caribé chỉ có Trinidad nuôi trâu để lo việc cày bừa tại các đồn điền mía và Guana nuôi trâu để kéo gỗ. Các giống trâu trên đều được nhập từ Ấn Ðộ tứ năm 1900-1945 như Murrah, Jafarabadi...

Ai Cập là nước duy nhất ở Châu Phi nuôi trâu lấy thịt và sữa với hai giống Beheri (miền Nam) và Saidi (miền Bắc). Trâu Ai Cập có sừng tương đối ngắn cong về phía sau dọc theo đầu và chóp sừng cong dần lên trên. Tóm lại trâu sống khắp hoàn cầu nhưng 90% tại Á Châu và Ấn Ðộ là quốc gia có số lượng trâu-bò nhiều nhất thế giới.

VN xưa nay vẫn nuôi loài Trâu Ðầm Lầy (Swamp Buffalo) có hình vóc vạm vỡ bụng to chân ngắn, lông màu xám đen, sừng hình bán nguyệt nằm ngay trên mặt phẳng trán. Ðiểm đặc biệt của loài trâu VN là giữa trán có một miếng vá xám trắng, hai vành mắt cũng có hai chấm trắng và một chòm ria mép trắng ở phía môi trên. Ngoài ra còn có hai đai trắng (chevron), một ở dưới cổ vắt ngang qua cuống họng, còn cái kia thì nằm phía trước ngực.

Trâu nhà VN có tổ tiên là giống trâu rừng Châu Á (Bubalus Arnee) là một trong ba nhóm trâu hoang dã còn thấy tại vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào và Cao Nguyên Trung Phần. Cũng từ nhóm trâu rừng trên, người Việt đã sớm biết thuần hóa chúng vào thời đại đồ đá cách đây vài ngàn năm, để giúp việc đồng áng qua nghề trồng lúa nước, mà di chỉ xác nhận có xương trâu nhà, đào được tại Phú Lộc, Hậu Lộc thuộc Thanh Hóa thời Vua Hùng cai trị nước Văn Lang với lãnh thổ gồm Bắc Việt và các tỉnh Thanh, Nghệ, Tỉnh ngày nay. Hiện trâu VN đã được lai giống với Trâu Sông Ấn Ðộ (Murrah) để tăng thêm năng suất sữa và thịt.

+ Nhóm Bò:

- Bò nhà: Bắt nguồn từ bò rừng Aurock hay Uruck tại Âu Châu, nay đã bị tuyệt chủng. Tại Á Châu, bò nhà vai có u cùng nguồn gốc với bò rừng Ấn Ðộ (box Indicus) sừng dài, cao, u vai chứa đầy mỡ, yếm ngực rộng, da thường màu xám-vàng. Tại Phi Châu cũng có loài bò u vai (watusi) được các bộ lạc ở Uganda, Rwanda nuôi dưỡng, màu da nâu có sừng dài tới 1.5m hơi cong.

Bò Yack Bos Grundiens sống thành từng đàn nhỏ trên cao nguyên Tây Tạng, giữa cao độ từ 4 tới 5,000m, được người Tạng và Hoa miền Tây Bắc thuần dưỡng, dùng để cầy ruộng, kéo xe, lấy sữa-thịt-da, còn phân dùng làm chất đốt. Loại bò này dài tới 4m, cao 1.8m, nặng khoảng 1,400 kg có cặp sừng dài tới 0.9m. Nhờ có bộ lông màu nâu đen mọc rất dày và rậm, nên chống lại được cái lạnh khắc nghiệt ở miền băng giá Trung Á.

- Bò rừng: Tại miền Ðông Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Nam Dương có loại bò Bang Tien Bos dài 2.5m, cao 1.5m màu da xám-nâu hoặc đỏ sẫm, phần gần mông và phía dưới 4 chân màu trắng. Sừng nó cong và cao 0.50m, màu lông con cái dẹp hơn đực, sống thành từng đàn nhỏ ở rừng rậm giá lạnh, hiện được các nước liên hệ bảo quản trong các công viên quốc gia

Bò rừng Bắc Mỹ

Trên cao nguyên Trung Phần VN, có giống bò Min cao lớn dị kỳ, hình dáng giống như con thú thời tiền sử, lông màu nâu đậm, lưng gù, cặp sừng no tròn to lớn. Hiện loài bò này có nguy cơ bị tuyệt chủng vì sự săn bắn bừa bãi ngay từ thời Pháp thuộc và tiếp diễn dưới chế độ Việt Cộng. Tại Gia Nã Ðại và Hiệp Chủng Quốc, có giống bò rừng Bison có chiều dài 3m, cao 1.4m, đuôi dài 0.65m nặng trên 1 tấn, có màu da đen nhạt với bộ lông mọc bùm sùm như chiếc áo tơi nhưng thường rụng vào mùa xuân.

Trước khi người da trắng đổ bộ lên Tân Thế Giới, bò Bison sống thành từng đàn lớn tại Bắc Mỹ, trên các miền thảo nguyên, từ bờ Ðông Ðại Tây Dương tới các tiểu bang Oregon và Nevada. Một nhiếp ảnh gia người Mỹ tên La.Huffman dã để lại nhiều bức ảnh giá trị về cảnh tàn sát bò rừng Bắc Mỹ. Theo sử liệu thì miền này trước đây có chừng 75 triệu con bò rừng Bison (bò tót). Tới đầu thế kỷ XIX chỉ còn lại 20 triệu con. Từ năm 1880-1898 thời kỳ người Mỹ chinh phục miền Viễn Tây, họ đã tàn sát số bò còn lại nên tới nay chỉ có khoảng 1,000 con sống sót. Tình trạng khủng khiếp trên khiến cho chính phủ liên bang phải ban lệnh cấm giết bò rừng. Nhờ vậy số lượng đã tăng lên vài chục ngàn con và được sống yên ổn trong khu rừng cấm được bảo vệ. Tại Âu Châu cũng có giống bò Bison nhưng nhỏ hơn, u thấp, phần mông không được đều đặn, da nâu đen hay màu hạt dẻ, dài từ 2-3m, cao 1.50m và nặng khoảng 800kg. Hiện bò này được nuôi dưỡng và bảo vệ trong các khu riêng biệt tại Nga Xô, Ba Lan và Lithuania.

Tương cận với nhóm trâu-bò trong họ Bò, có loài Linh Dương, Sơn Dương, Dê rừng, Dê nhà... tất cả đều ăn thực vật và nhai lại.

2. Ngàn một chuyện lạ về trâu-bò:

+ Trâu: Người bạn thân thương của nông gia

Trâu là con vật có vóc dáng kềnh càng và to lớn, chỉ thua loài voi nên đi đứng rất chậm chạm (trâu chậm uống nước đục), có lẽ một phần phải làm việc cực nhọc suốt ngày thêm vào đó ăn uống lại kham khổ như cỏ, rơm đôi khi đói phải ăn cả lá tre, lá duối. Bởi vậy loài trâu có tính khí cộc cằn nên những kẻ lạ đến gần trâu từ phía sau, thường bị nó quất đuôi hay đá hậu có thể giết tươi một con chó lớn.

Phản ứng của trâu nói chung là không ưa người lạ đến gần và cũng ghét những ai ăn mặc sặc sỡ. Gặp trường hợp trên, trâu thường thở phì phì với đôi mắt mở sòng sọc, gục gặc đầu, quật đuôi đen đét rồi cúi gầm mặt xuống đất để đưa cặp sừng nhọn ra phía trước như muốn thách thức ăn thua đủ với đối phương. Tóm lại tính trâu chịu ngọt, vỗ về còn không thì ù lì chẳng ai làm gì được vì sức nó rất khỏe không dễ gì lôi kéo dù có bị đánh đập.

Nói thế chứ trâu rất hiền lành. Về thức uống thì sao cũng được, kẹt hay chậm chân trâu cam chịu uống nước đục, nước bùn nhưng cỏ ăn thì tuyệt đối phải sạch sẽ và chọn lọc. Nhờ có lưỡi dài, nhám và khỏe giúp trâu lùa cỏ, lá kể cả thân cây lúa non vào miệng một cách dễ dàng. Dạ dày của trâu lẫn bò qua quá trình lên men thức ăn, tạo thành một loại khí khá độc nên chúng phải thải ra ngoài bằng đường miệng (ợ) suốt đêm ngày.

Trâu Châu Phi rất thích ăn một loại cây có thân mềm có tên 'thân thảo' nhưng vì không thể tiêu hóa nổi hạt của cây này nên phải theo phân ra ngoài. Và hạt này sau khi thấm dịch vị từ ruột trâu đâm chồi nẩy lộc và cứ thế mà luân hồi một cách kỳ lạ không sao giải thích được. Cũng ở Châu Phi, Tây Tạng và một vài tỉnh cực Bắc của Tàu, người ta dùng phân trâu khô hay còn tươi thay củi để đốt bếp. Tại các vùng nông thôn VN, phân trâu-bò và heo ngoài việc làm phân bón ruộng, còn dùng sản xuất Biogas làm hơi đốt.

Trâu rất sợ đỉa và rận nên các mục đồng thường dùng bùn non đắp kín thân trâu để vài ngày sẽ giết hết rận. Tóm lại trâu ngoài việc làm lụng cực nhọc nơi đồng sâu, đồng cạn, kéo gỗ, kéo xe... còn cống hiến cho nhân loại nhiều thứ khác như: sừng dùng làm tù và cùng các đồ thủ công nghệ. Thịt, sữa và nhất là da trâu (tê ngưu) là thực phẩm bổ dưỡng quý hiếm. Riêng da trâu thường, ngoài việc dùng làm trống còn đưa vào công nghiệp thuộc da và cũng là thức ăn bình dân nơi đồng ruộng vào những lúc khan hiếm tôm cá vào Mùa Ðông tháng giá. Da trâu còn được nấu thành keo A Giao (Ngưu Giao Ẩm) dùng trong các phòng vẽ, pha vào bột màu nước, giữ cho màu sắc không bị lem luốc.

A Giao đem ngâm với rượu trị bệnh ung nhọt ghẻ ngứa còn da trâu tươi ngâm với nước bồ kết khử mùi tanh, rửa lại bằng nước sôi rồi thái mỏng đem nấu với đậu si tới keo sệt, uống trị bệnh bí thủng tiêu chảy. Răng trâu (ngưu xĩ) nhúng giấm đem đốt đỏ hồng ba lần rồi tán thành bột trộn dầu mè, bôi trị các chứng bệnh ghẻ chốc, lở loét có mũ của trẻ con hay lúc chúng đang động kinh, thì lấy bột này pha nước sôi để nguội cho uống có thể trị dứt. Với người già cả răng yếu lung lay, dùng bột răng trâu chà vào và ngậm miệng đến khi chảy nước thì nhổ ra, giúp răng sẽ cứng trở lại. Nước dãi trâu cũng là một vị thuốc trị bệnh đau cuống họng và chứng á khẩu đột biến của con người.

Trong y học, Ðông Dược được phân làm bốn loại: nhiệt, hàn, ôn và lương. Thịt trâu có tính hàn giải nhiệt cho những người làm việc lao động cực nhọc, qua thang 'Ngưu Nhục'. Năm 1798, một nhà bác học người Anh đã lấy vi khuẩn gây bệnh đậu mùa cho trâu bò để chế tạo thành thuốc chủng tiêm ngừa và trị bệnh này cho con người. Cũng từ đó chứng bệnh trên không còn thuộc loại nan y, từng gây nguy hiểm chết chóc đến nhân loại như trước. Ngưu hoàng là sỏi mật của loài trâu chuyên trị kinh giản và chứng sốt quá độ của con người. Theo sách ‘Thần Nông Bản Thảo’ và nhiều sách y dược Ðông Phương khác, đều có bàn tới tác dụng của ngưu hoàng, giúp tăng lượng hồng huyết cầu, huyết sắc tố, mở các mạch tim, đặc trị về gan... Nhưng Ngưu Hoàng lại có vị đắng và hơi độc, vì vậy có thể làm trụy thai nơi người phụ nữ đang có bầu... Ðông y còn có vị thuốc Ngưu Tất (Achirantes Bidentata), bắt buộc người uống phải cữ thịt trâu-bò, nếu không sẽ bị trúng thuốc. Cuối cùng là các vị Ngưu Thụ, Kim Ngưu Thảo, Ngưu Bàn, Ngưu Thiệt Ðầu, Ngưu Hộ, Ngưu Vĩ Hao... đều dùng được trong thuốc Bắc.

+ Bò trong Ấn Ðộ Giáo:

Bò là con vật thần trong Ấn Ðộ Giáo qua cái tên Gaumata có nghĩa là Người Vú. Nó là bạn của thần thánh và nữ thần theo thần thoại Ấn Ðộ. Bò đực là chiến mã của thần Shiava (thần chiến tranh). Do đó tín đồ theo đạo này không dám đụng tới thịt lẫn da bò. Hai mươi ba trong số 25 tiểu bang của Ấn cấm giết bò. Do nguyên nhân lính Anh tại Ấn Ðộ dùng mỡ bò để lau chùi súng đạn, chạm tới tôn giáo người bản địa nên lính Cipayes nổi loạn chiếm Tân Ðề Li và chiến tranh đã xảy ra giữa Anh-Ấn. Sau biến cố này, thực dân Anh giải tán công ty Ấn Ðộ và Hoàng Gia Anh trực tiếp cai trị nước này.

Cũng vì không dám đụng tới bò mà hàng ngày tại Ấn thường xảy ra các tai nạn giao thông vì bò được thả hoang, tự do đi lang lang khắp đường phố lớn đông người. Hiện nay tại thủ đô Tân Ðề Li cũng như các đô thị Bombay, Calcutta, Bombay, Madra... luôn có một đơn vị cảnh sát đặc biệt đông trên 100 người chỉ chuyên việc bắt bò đi lạc. Tới giờ chưa có ai kiểm kê được có bao nhiêu triệu con bò hoang tại Ấn, chỉ biết là ngày ngày thấy chúng lục loại các thùng rác công cộng hay đứng nhai cỏ tại các bãi đất trong công viên. Suốt mùa mưa tai Ấn bắt đầu từ Tháng Sáu, hầu hết các vùng nông thôn trở nên lầy lội và đầy ruồi muỗi, nên đàn bò phải di cư ra thành phố để kiếm sống... làm cho người dân lẫn chánh quyền sở tại thêm cực nhọc vì chúng.

Bò Ấn Ðộ đa số thuộc loại có bướu, lúc về già chúng gầy trơ xương vì đói bởi người chủ nuôi thấy chúng hông còn xài được nên thả đi hoang vì dân Ấn theo Bà La Môn không ăn thịt bò. Nước này không phải chỉ riêng có người nghèo mới nuôi bò mà nhiều dân biểu, bộ trưởng kể cả Phó Thủ Tướng Devilal cũng nuôi nhiều bò tong các công thự của họ.

+ Bò: Nguyên nhân của những cơn hồng thủy làm tan vỡ địa cầu trong tương lai

Theo Figaro cho biết trong tương lai sẽ có những cơn hồng thủy, sóng thần làm tan vỡ địa cầu mà nguyên nhân do bò là con vật ngu ngơ hiền lành gây ra. Ðây là vấn đề rất nghiêm trọng và cấp bách được các nhà khoa học quan tâm và trưng ra bằng chứng hiện tại là nhân loại như đang bị nhốt kín trong một lồng kính (Effet De Serre) do hậu quả của tầng không khí nóng bức bao quanh. Ðó là lượng khí Métan và Gaz Carbonique được tập trung cao độ trong bầu khí quyển rất dày. Nó sẽ cản trở ánh sáng mặt trời, làm thay đổi thời tiết, khiến nhiệt độ tăng giảm bất thường. Hai miền băng tuyết tại Bắc và Nam cực có nguy cơ sẽ tan chảy, gây nên những cơn hồng thủy và sóng thần vĩ đại, làm lụt lội khắp địa cầu, tạo nên tai ương khủng khiếp cho người.

Trước khi phát hiện bò là thủ phạm, các nhà khoa học đã tính toán lượng thán khí được thải ra từ xe cộ, các nhà máy chạy bằng xăng, dâu, than đá. Nhờ đó đã tìm được một số khí thải thặng dư lên tới 150 triệu tấn Gaz Carbonique và Metan. Năm 1982 nhà vật lý học người Mỹ là Patrick Zimmermann lúc đầu ngờ thủ phạm là những con Mọt (Termite) vì từ 250 triệu năm qua, chúng đã thải ra hơn 150 tấn khí độc (Gaz Carbonique và Metan) làm hủy hoại sự trong lành của bầu khí quyển. Nhưng mới đây người Mỹ đã phát hiện loài Bò cũng thải khí độc trên như Mọt nhưng lại hơn nhiều lần (bò thải 1 năm/226g/1 con). Hiện họ hàng nhà Bò khắp thế giới có 1.3 tỉ con và chỉ trong 60 năm, khí độc từ bò thải ra đã làm nhiệt độ địa cầu nóng thêm 5 độ.

+ Những chuyện kỳ lạ về bò:

- Con bê thiên thần: Mới đây tại Nga Xô xảy ra một hiện tượng kỳ lạ làm điên đầu các nhà khoa học. Ðó là chuyện con bò mẹ tên Umocrs sống trong một trang trại tại tỉnh Komi, đã sinh ra một con bê có hai cánh mọc trên lưng tựa như cánh gà. Hiện nó vẫn sống bình thường như đồng loại với tập quán của loài nhai lại.

- Những người lùn đấu bò rừng: Ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, hình ảnh của những người đấu bò rừng, qua trang phục màu vàng đã được dân chúng Tây Ban Nha hoan hô cuồng nhiệt. Truyền thống đó ngày nay vẫn được tiếp nối với những tên tuổi như Manolete, Belmonte... xuất hiện năm 1900 nay đã đi vào huyền thoại môn đấu bò rừng, đã làm say mê hàng triệu con tim kẽ mộ điệu.

Tại Tây Ban Nha đấu bò rừng là một nghệ thuật quyến rũ hầu như tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng có thể trở thành đấu thủ vì khắp thế giới không có một trường chuyên nghiệp nào dạy về môn này. Tóm lại muốn trở thành đấu thủ, người theo nghề phải học ngay ở hiện trường với kinh nghiệp tối thiểu từ các bậc đàn anh chỉ dẫn để mà ứng phó với đối tượng của mình là con bò rừng hung hãn khỏe mạnh. Từ đó mới có thể tìm ra được những sơ hở của nó để khống chế. Theo tập quán có từ lâu đời, thì những người lùn đấu bò đã phải bắt đầu học nghề từ lúc lên 7 tuổi. Sau đó phải trải qua nhiều cuộc thi tuyển từ cấp quận, tỉnh trước khi trở thành đấu thủ chính thức, để bước vào đấu trường quyết tử với Bò Tót, được tổ chức hàng năm tại xứ này.

Hiện nay Tây Ban Nha có 5 đoàn đấu bò nhà nghề, chuyên đi lưu diễn trong nước và khắp thế giới. Trong số này bổi bật nhất là đoàn El.Bomberotoreto với 40 đấu thủ do Pepito 44 tuổi cao 1.10 m làm trưởng đoàn. Thành lập từ năm 1910 tới năm 1950 tiến tăm đã vang dậy khắp hoàn cầu. Năm 1991 đoàn này lưu diễn tại Mexico City chỉ trong đêm đầu tiên đã thu hút trên 52,000 khán giả. Theo ngôn ngữ của người Y Pha Nho, danh từ 'Toreto' để chỉ người đấu bò rừng, họ rất được những người đẹp ái mộ, dù các chàng chỉ đứng tới ngang ngực của các nàng, nhưng đâu có sao khi hai bên đã thích.

- Cao Bồi Mỹ: Từ khi mở nước vào năm 1776 với 13 tiểu bang ở miền Ðông Bắc. Sau đó dần dần mở mang bờ cõi bằng cách mua lại hay cưỡng chiếm bằng vũ lực khi gây chiến tranh, giúp Hoa Kỳ có một lãnh thổ rộng lớn chạy dài từ bờ Ðại Tây Dương tới Thái Bình Dương, đất đai ngút ngàn những cánh đồng cỏ, thuận tiện cho việc chăn nuôi nhất là bò. Những thanh niên Mỹ khỏe mạnh và hiền lành lo việc canh gác, dìu dắt và chăn đàn bò được gọi là 'Cowboy' nay từ đầu thế kỷ XX được điện ảnh khai thác và huyền thoại hóa họ thành những anh hùng lãng tử, hào hoa phong nhã, chuyên cứu khổn phò nguy diệt trừ kẻ ác chẳng khác nào 108 người hùng Lương Sơn Bạc đời mạt Tống bên Tàu. Trên màn ảnh, họ đã làm say mê triệu triệu khán giả Mỹ và thế giới tiếp nối nhiều thế hệ nhất là đối với lớp thanh thiếu niên, qua bóng dáng những chàng Cowboy cao lênh khênh, đầu luôn đội chiếc nón rộng vành, mặc áo sơ mi tay dài, ngoài khoác chiếc áo ghi lê, còn bên ông luôn kè khẩu súng lục và chiếc thắt lưng to bản. Thái độ họ thường ngu ngơ có vẽ bất cần đời nhưng tới lúc hữu sự thì nhanh nhẹn như sóc với tài thiện xạ làm khiếp vía kẻ thù.

Huyền thoại về những chàng cao bồi Mỹ được đạo diễn J.Chuze khai mào lần đầu trên màn ảnh vào năm 1923 với chuyện phim 'Ðoàn xe về miền Tây' đã làm xao xuyến những chàng chăn bò thật ngoài đời, nên được cổ võ nhiệt liệt. Thừa thắng các nhà đạo diễn đã thực hiện tiếp nhiều phim với đề tài trên như: Con ngựa sắt (J.Ford 1924), Ðường mòn của các khổng lồ, do diễn viên tài danh John Wayne đóng ai chính (1930), Một chuyến phiêu lưu của Buffalo Bill (1936) do tài tử Gary Cooper thủ vai chính, Cuộc phi ngựa kinh hoàng (1939) cũng do John Wayne đóng vai chính...

Sau đó từ năm 1940-1980, hằng loạt diễn viên thượng thặng khác cũng nổi tiếng như John Wayne và Gary Cooper trong các phim Cawboy như Henry Fonda, Gregory Peck, Joseph Cotten, Robert Taylor, Aland Ladd, Burt Lancaster, Steve Macqueen, Marlon Brando... đưa hình ảnh những chàng chăn bò miền viễn tây lên tận mây xanh, dù chỉ là tưởng tượng.

Hiện các tài tử trên có người đã vào thiên cổ hoặc tiếng tăm chỉ còn vang vọng một thời cũng như buổi khai sơn phá thạch nay đã thuộc vào quá khứ, tuy nhiên trong tâm khảm của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Hoa Kỳ và thế giới, vẫn chưa nhạt nhòa hình ảnh các chàng trai Cawboy Mỹ chuyên trừ gian giúp kẻ yếu, dù đó chỉ là huyền thoại...

+ Bệnh bò điên làm kinh hoàng Anh Quốc:

Tháng Ba 1966 nước Anh gặp đại hạn nên bị nhiều chuyện xui xẻo. Ðầu tiên là chuyện li dị của vợ chồng hoàng thái tử Charles. Kế tới là chuyện của một người mắc bệnh đò điên đã dùng súng liên thanh thảm sát 16 em học sinh vô tội tại một trường mẫu giáo ở miền Bắc nước Anh. Dư luận chưa yên thì chính phủ Anh đã đặng đàn tuyên bố nguy cơ lây bệnh từ bò sang người với những ai đã ăn thịt các con bò có bệnh. Tin tức làm cho thế giới rung chuyển, nhất là các quốc gia Liên Âu và những nước đang nhập cảng thịt bò của Anh quốc.

Thật ra bệnh dại đã xuất hiện từ lâu trên trái đất, gây tử vong hàng triệu người nhưng giới y học chỉ chú ý tới người và chó-mèo là hai con vật gần gũi nên dễ lây bệnh. Nhưng nay thì các nhà khoa học đã chính thức xác nhận bệnh bò dại (BSE) ở thú có liên quan tới bệnh não Crevtzdt Jakod Disease (CID) của con người. Bệnh này do siêu vi trùng thuộc nhóm Rhabdovidae hình đầu đạn gây ra. Nhóm này gồm có 2 loại gây ra hai bệnh khác nhau: Vesiculovirus gây bệnh BSE rất giống bệnh chó dại, nạn nhân chết sau 4-5 ngày. Còn loại 2 là Lyssavirus gây bệnh dại nơi trâu-bò.

Bệnh bò dại nơi con người và bò là căn bệnh gây nên sự thoái hóa, phá hoại não bộ, làm cho người và vật trở nên mất trí rồi tử vong. Hiện y học chưa tìm được thuốc chữa. Bệnh này bắt đầu được phát hiện từ một cô gái tên là Vicky vào năm 1993 và trong lúc cô này đang nằm chờ chết tại bệnh viện Walton ở Liverpool (Anh) thì một thiếu niên khác tên là Stephen Churchill cũng mang một chứng bệnh như Vicky, đó là bệnh CJD. Thiếu niên này mất vào tháng 5/1995 mới 19 tuổi và sau đó lại thêm một nữ sinh khác.

Ba cái chết bất đắc kỳ tử liên tiếp trùng hợp xảy ra làm điên đầu giới khoa học vì bệnh CJD là một căn bệnh cũ rích, đã được một nhà bác học người Ðức là Creutzfeldt Jacob tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào năm 1921 và chứng bệnh này từ đó tới nay chỉ xảy ra cho những người từ 50 tuổi mà thôi. Do trên giới y học Anh quả quyết có một loại siêu vi khuẩn mới vừa xuất hiện, đã gây bệnh cho 3 người kể trên. Cùng lúc tại nhiều trang trại ở khắp nước Anh, hằng tuần đã có trên 200 con bò bị chết vì bệnh dại.

Tóm lại bệnh bò dại đã xuất hiện tại vương quốc Anh từ năm 1986 nguyên do những chủ trại đã nuôi chúng bằng thực phẩm có chứa proteen được chế bằng xác chết của cừu bị nhiễm bệnh Scradie. Tháng 7/1988 chính phủ Anh cấm chế chất Proteen bằng xác chết động vật trong đó có cừu. Tháng 11/1990 chính phủ Anh lại cấm bán não, tủy sống, tuyến ức, ruột, lá lách, hạnh nhân là những cơ quan của bò có thể mang mầm mống bệnh dại BSE.

 Tuy nhiên dù đã ban hành nhiều biện pháp ngăn ngừa bệnh bò dại truyền sang con người nhưng mọi người vẫn tin rằng 2 căn bệnh BSE và CJD hoàn toàn riêng biệt. Ðể trấn an dư luận Anh và khách hàng nhập cảng thịt bò của Anh khắp thế giới, bộ trưởng nông nghiệp (trước khi trở thành thủ tướng năm 1990) là John Gummer, đã cùng con gái xuất hiện trên truyền hình và báo chí Anh, ăn bánh 'hamburger' kẹp thịt bò. Còn tổng trưởng y tế Anh là bác sĩ Kenneth Calman thì cam kết 'thịt bò Anh là thực phẩm bổ dưỡng và an toàn'. Thật ra đây chỉ là một hành động chỉ nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp bản xứ vì Anh đang điên đầu với thế giới về xuất khẩu thịt bò.

Nhưng sự thật đâu có thể bưng bít được, nên vào ngày 21-3-1996 chính phủ Anh phải công bố kết quả đầu tiên việc tìm thấy sự liên hệ giữa bệnh bò dại CJD và BSE nơi con người. Tin kinh khủng trên làm chao đảo nước Anh và lập tức có 25 nước đa số ở Âu Châu từ chối nhập cảng thịt bò của Anh. Ðặc biệt đại công ty của Mỹ là Mc.Donald cũng chấm dứt hợp đồng nhập cảng thịt bò Anh. Cuối cùng nước này phải ra lệnh giết hàng triệu con bò gây tổn thất nặng nề cho chính phủ nên yêu cầu Liên Âu giúp nhưng bị Ðức phản đối. Quả thật nước Anh bị sao quả tạ chiếu mạng tận tuyệt vào năm 1996.

+ Bò uống rượu nghênh hôn: Tại nhiều nước trên thế giới có tập quán cho gia súc uống rượu-bia vào những dịp hội hè. Tại Na Uy, những đám cưới ở nông thôn khi rước dâu bao giờ cũng có một con bò đeo vòng hoa cưới trên sừng. Theo phong tục bản xứ, thì bao giờ cô dâu trước khi động phòng, phải xách một thùng bia chừng 10 lít mang tới cho bò uống. Theo ghi nhận thì chưa bao giờ có con bò nào từ chối món bia khoái khẩu này. Và tới lúc bò xỉn thì lắc đầu cho vòng hoa cưới rơi xuống đất và giẫm hai chân trước bồm bộp dưới đất với dấu hiệu chúc mừng đôi tân hôn. Mọi người phụ họa uống rượu và nhảy múa ca hát vui vẻ.

+ Linh ngưu vừa giống bò vừa giống dê: Linh ngưu phần lớn sống tại Trung Hoa với số lượng còn rất ít nên đã được ghi vào danh sách thú quý hiếm sắp tuyệt chủng như loại gấu trúc lớn. Ðây là con thú có hình dáng vừa giống bò lẫn dê, con lớn có chiều cao 1.2m-1.5m nặng 500kg. Trong quá trình tiến hóa, linh ngưu có tổ tiên là giống bò tót Mỹ và là loài thú tăng trưởng quá độ giữa bò và dê. Linh ngưu có đầu và mình giống bò, sừng và móng giống dê và cả con cái lẫn đực đều có sừng nhưng con lớn có sừng dài đặc biệt từ chân sừng mọc cong ra ngoài về phía sau, còn đầu nhọn quắp vào trong tạo thành một hình xoắn. Do đó còn gọi là ‘linh ngưu sừng xoắn’.

 Ðây là con vật sống trên núi cao từ 2500m-4000m, có màu da nâu hay đen nhạt giữa lưng có vằn đen, có râu ở cằm, bốn chân to có móng sau rất lớn. Chúng có 3 họ phụ, loài sống ở Vân Nam, Tây Tạng có màu da ở môi, mũi, chân màu vàng cam, còn thân mình có màu nâu vàng óng ánh, chính giữa lưng có đường màu nâu sẫm. Nhóm ở Tứ Xuyên, Thanh Hải có màu da ở môi mũi và phần dưới chân màu đen còn thân mình màu nâu xám, giữa lưng có đường sọc đen sẩm. Nó di chuyển theo thời tiết, mùa hè sống ở núi cao còn đông lạnh giá tuyết thì dời xuống thấp. Nó sống theo đàn nhỏ từ 6-10 con, được chỉ huy bởi con thú đầu đàn, ban ngày núp trong rừng trúc bụi cây, chỉ kiếm ăn như cỏ, lá cây và cành non, vào sáng sớm hay ban đêm.

 Là con vật có tính tình kỳ lạ, mùa hè sống theo đàn trong khi mùa đông lẻ loi một mình và con cái sinh sản vào tháng 6, 8 mỗi lần 1 con và những con vật đực phải chiến đấu tới tán mạng để tranh giành bạn tình.

+ Bò biển hay nước mắt mỹ nhân ngư: Bò biển có tên là Dugong theo ngôn ngữ Ấn Ðộ có nghĩa là người con gái đẹp, được viện hải dương học Nha Trang phát hiện đầu tiên tại bờ biển VN sống nhiều tại Côn Ðảo, Phú Quốc. Loài vật này có màu vàng, nâu hay xám ở phần lưng, da dày với lớp lông thưa, ngắn và cứng. Một con bò biển trưởng thành, dài 3m, nặng nửa tấn và có tuổi thọ tới 70 tuổi.

'Mỹ nữ' của đại dương là động vật trầm tĩnh, thường bơi lờ đờ dưới nước và chỉ ăn cá biển và phải cần tới 25 kg mới đủ no. Nó luôn sống trầm mình dưới nước nhưng chừng 1-2 phút phải ngoi lên để thở và có thể lặn lâu nhất tới 8.5 phút. Bò biển bắt đầu gấp đôi khi lên 6-7 tuổi và tình trạng lứa đôi kéo dài từ 2.5 - 5 năm và có tuổi thọ tới 50 tuổi, con cái nặng tới 400kg, mang thai 13 tháng và sinh mỗi lần 1 con.

Bò biển hiện sống tại 37 quốc gia trên thế giới và đang bị truy sát tại nhiều nơi mà thảm thê nhất là Úc và VN với số lược còn lại chỉ 3%. Dugong (bò biển) có tên khoa học là Trichechus manatus, thuộc bộ hải ngưu nên thường được gọi là bò biển. Từ trong huyền thoại, loài động vật biển này thường được mệnh danh là ‘ mỹ nhân ngư ‘ mà trong trí tưởng tượng của những người dân biển là các nàng có sắc đẹp mê hồn và ca hát tuyệt vời. Nhưng sự thật ngoài đời dung nhan của các nàng tiên bò biến rất kỳ dị và mập mạp có chiếc mõm nung núc thịt và đặc biệt là cái môi trên bẻ ra ngoài ai nhìn thấy cũng nản. Lại càng tê tái hơn khi lở nghe tiếng của nàng trên biển với cái giọng ồ ề, không khác gì tiếng khóc than não nuột khiến cho bất cứ ai nghe cũng điếng hồn.

Tóm lại con trâu đúng là hình ảnh của một phần quê hương đất nước vì nó đã gắn liền với đồng ruộng, bờ tre luống mạ. Trâu cày bừa, kéo xe thồ hàng lôi gỗ và làm bất cứ những công việc nặng nhọc trong đời. Một con vật có tình nghĩa và đem lại lợi ích cho mọi người thế nhưng lại bị người đời mỉa mai khinh dể.

‘Trâu dựng nên nông nọ nỗi kia

Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới..

Và...

Như loài muông vô tướng vô tài

Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc

Ăn cho lớn, dưỡng vai dưỡng vóc

Giỡn với nhau vạch cửa vạch sân

Một ngày ba bữa chực ăn

Thấy việc đến lén mình lét lét... ’ ’

(Lục súc tranh công)

Ðời huyền sử bên Tàu có Hứa Do là người hiền sống ẩn dật ở Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng muốn nhường ngôi bị từ chối. Sau đó Do lui về ở ẩn tại núi Trung Nhạc, phía Nam sông Vĩnh Thủy nhưng vua Nghiêu lại tìm đến cố mời ông ra cai quản đất nước. Hứa Do không muốn nghe nên chạy ra bờ sông Dĩnh Thủy ‘rửa tai’.

Vừa lúc Sào Phủ đang dắt trâu xuống sông uống nước thì gặp Hứa Do đang rửa tai nên hỏi lý do vì sao mà phải rửa tai? Do đáp vì vua Nghiêu muốn mời ta ra cầm quyền thiên hạ vì vậy nên phải đi rửa tai.

Sào Phủ nghe nói sợ quá liền dắt trâu lên phía trên cho uống nước. Thấy vậy Do hỏi Phủ tại sao phải làm vậy thì được trả lời vì ‘sợ trâu ta uống nước bẩn của tai anh’.

Và Phủ đã hỏi lại Hứa Do:

'Anh đã làm được việc gì cho đất nước, đến nỗi Vua Nghiêu phải năn nỉ xin nhường ngôi?’

Hỡi ôi! trong sạch như Hứa Do vậy mà trước câu hỏi đột ngột và sâu sắc của Sào Phủ đã phải sửng sốt để rồi tự mình kiểm điểm lại sự ‘trong sạch’ mà vua Nghiêu đã ban cho mình.