Đồng hồ cây số trên xe hơi – Bài II |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Thứ Bảy, 31 Tháng 1 Năm 2009 12:20 | |||
Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về các loại đồng hồ cây số, ưu khuyết điểm của chúng, và những phương thức bảo vệ khả thi, để khỏi trở thành nạn nhân của những trò ma giáo. Ðồng Hồ Cơ Học (Mechanic Odometer) và Ðồng Hồ Kỹ Thuật Số (Digital Odometer) Trong khi đồng hồ cơ học (Mechanical Odometer) dùng một hệ thống bánh răng cưa (gear) nối kết vòng bánh xe để hiển thị số dặm đường đi được, thì đồng hồ kỹ thuật số (Digital Odometer) lại dùng một chương trình nhu liệu kết nối với bộ óc điện tử của xe để đếm số dặm đường. Nhìn vào mặt đồng hồ, chúng ta có thể phân biệt được ngay: Con số trên mặt đồng hồ digital odometer thay đổi rõ ràng sắc nét, trong khi con số trên một Odometer thường thì từ từ di chuyển do sự điều khiển của hệ thống bánh răng. Khi một tay anh chị muốn ra tay phù phép đối với đồng hồ thường, y thị chỉ việc dùng tuốt nơ vít khéo léo gỡ hệ thống bánh răng đó và đảo ngược hàng số. Hoặc tháo dây cable nối kết hệ thống bánh răng với cơ chế vận hành bánh xe. Làm như vậy, thế nào đương sự cũng để lại, không ít thì nhiều, những vết trầy trụa chung quanh đồng hồ, do tuốt nơ vít vặn vào. Ngày xưa, những tay đạo chích còn kiên nhẫn lái xe chạy lui để quay ngược đồng hồ cây số. Tuy nhiên làm ăn cái kiểu “kiến tha lâu đầy tổ” này không còn áp dụng được nữa, là vì đồng hồ cơ học thời nay cũng vẫn cộng thêm số miles cho dù có chạy lùi chăng nữa. Như vậy chỉ có cách tháo nguyên “bộ đồ lòng” ra làm thịt, tức là dùng tay vặn ngược các bánh xe số mà thôi. Ðồng hồ kỹ thuật số, cũng gọi là đồng hồ điện tử (electronic) không có hệ thống bánh răng nên giới giang hồ hết cách cạy! Và như thế là... an toàn? Lúc đầu ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng thực là đáng tiếc, thực tế lại diễn biến khác hẳn. Dùng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, giới giang hồ vận dụng ngay những kỹ thuật tân kỳ của đồng hồ kỹ thuật số để vặn ngược đồng hồ! Dễ dàng y như khi chúng ta lên mạng bay lượn trên các phố phường của thế giới ảo. Ðúng vậy, họ chỉ cần vào mạng, mua lấy một cái “software” được chế ra để thi hành gian kế quay ngược đồng hồ! Pat Goss, một chuyên gia trong ngành cơ khí ô tô, cũng là đồng tác giả của chương trình truyền hình PBS MotorWeek, phát biểu “Y như những tên rắn mắt chuyên xâm phạm máy vi tính cá nhân để ăn cắp lý lịch, bọn ăn cắp chỉ cần kiếm đúng cái chương trình nhu liệu và một số dụng cụ thích hợp là có thể biến đổi con số trên đồng hồ Mileage như thế nào tùy thích, không hề để lại một dấu vết. Có Trời mới khám phá nổi! Xe cũ là đối tượng của nhiều trò gian lận, trong đó, gian lận đồng hồ cây số là trường hợp phổ biến hơn cả!” Một chuyên gia khác, ông Jack Gills thuộc Liên Ðoàn Tiêu Thụ Hoa Kỳ (Consumer Federation of America), cũng là tác giả của phim hình The Car Book, thì phát biểu, “Người ta cứ nghĩ rằng đồng hồ kỹ thuật số không quay ngược được, nhưng “sóng lớn tới đâu thì thuyền lên tới đó”, cái trò ma giáo nó cũng theo kỹ thuật mà lên. Các công ty ngoại quốc bán software hà rầm trên mạng, muốn mua một chương trình nhu liệu để thử quay ngược đồng hồ thật chẳng khó gì!” Ðồng hồ chuyến đi (Trip Meter) Ða số các xe đời nay còn kèm thêm đồng hồ đo số miles của từng chuyến đi, gọi là Trip Meter, hoặc Trip Odometer. Không giống như Odometer vốn là một dụng cụ không được phép xoay ngược, đồng hồ chuyến đi có thể đưa về số 0 bất cứ lúc nào, mục đích để tài xế đo chiều dài của một chuyến đi, hoặc số dặm đường một bình xăng có thể đi được là bao nhiêu, nhờ đó tính được hiệu suất nhiên liệu của chiếc xe cao thấp ra sao. Các xe đời này thường có cả 2 loại đồng hồ - đồng hồ tổng số dặm đường (odometer) và đồng hồ chuyến đi (trip meter) - trước mặt tài xế. Xin đừng lầm lẫn giữa 2 loại đồng hồ này. Tự vệ khi đi mua xe cũ Ðối với người đi mua xe cũ, thực không dễ dàng khám phá được cái trò gian dối liên quan đồng hồ cây số. Nếu dễ dàng nhìn thấy ngay được, thì đã chẳng có cái trò lường gạt làm thiệt hại khoảng 4 tỷ đô la của giới tiêu thụ một năm. Ngay cả với đồng hồ kỹ thuật số (digital odometer), lúc đầu được coi như là một phương án giải quyết vấn nạn quay ngược đồng hồ, cũng chẳng tránh khỏi nạn “phù phép”, mà thực ra lại còn dễ bị táy máy nhiều hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bó tay trước những trò bất lương. Khi đi mua xe đã qua ít nhất một đời chủ, nhất là những xe mà đồng hồ vẫn còn chỉ một số Mileage quá thấp, chúng ta nên có những biện pháp đề phòng như sau: Trước tiên, phải tự hỏi những câu sau đây: - Có con ốc trên mặt dash (táp-lô trước mặt tài xế, có các hình tròn hiển thị hoạt động của xe) bị lỏng hoặc rơi mất không? - Chung quanh đồng hồ cây số có bị trầy xước gì không? Dĩ nhiên, nếu có thì người mua xe cũng phải rất tinh ý mới nhìn ra. Bởi lẽ đó, không nên đi coi xe khi vội vã, hoặc đi coi xe vào ban tối. - Xin coi các biên nhận bảo trì (thay nhớt, dầu, nước coolant, tune-up...): Trên nguyên tắc, thợ máy phải ghi rõ số miles trên đồng hồ cây số mỗi khi khách hàng đưa xe đến bảo trì, và dán một sticker trên mặt kính, hoặc ghi trong biên nhận. Ðây là những tài liệu giúp người mua xe đối chiếu dặm đường để từ đó có thể xác định được độ chính xác của con số hiển thị trên đồng hồ. - Xem giấy chủ quyền, so sánh con số mileage trên giấy với con số trên đồng hồ. Kiểm tra giấy chủ quyền kỹ càng, xem có dấu vết cạo sửa gì không, con số mileage có mờ không, có dễ đọc không... - Xem những con số trên đồng hồ cân đối và ngay hàng không? Nếu bị “luộc” rồi, thì các hàng số ắt hẳn sẽ xộc xệch, có khe trống, và rung rinh, nhúc nhích khi có người đập mạnh tay trên mặt bàn táp lô (dash) xem chúng có nhúc nhích, xê dịch hay không? Gặp những trường hợp như vậy, thì cứ việc bỏ đi một mạch là thượng sách. - Ðối chiếu với tình trạng của vỏ xe. Nếu đồng hồ cây số mới chỉ khoảng 20,000, thì chắc chắn xe còn dùng vỏ “origin”, tức là chưa thay vỏ kể từ lúc xe xuất xưởng. Vỏ “gin” này đương nhiên phải cũ, vì đã chạy nhiều dặm đường. Nếu vỏ mới thay, hoặc có dấu hiệu cho thấy đó không phải là vỏ “gin”, ắt hẳn phải đặt ra một nghi vấn. - Kiểm tra sự hao mòn trên các bộ phận khác của xe - như bàn đạp gas, bàn đạp thắng, ghế ngồi, thảm, cửa... - để xem chúng có tương ứng với con số dặm đường chiếc xe đã đi hay không? Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể khám phá được sự gian dối khi mà đồng hồ chỉ số Mileage quá thấp mà các bộ phận khác của xe đã cũ kỹ và mòn vẹt cả rồi. - Xem hồ sơ CARFAX: Bạn có thể vào mạng tại www.carfax.com để mua một báo cáo chi tiết về lý lịch của chiếc xe mình định mua. Với $39.99, bạn có thể mua được một tháng dịch vụ, nghĩa là, suốt 30 ngày tiếp theo đó, bạn có thể điều tra tiểu sử của tất cả mọi chiếc xe. Chỉ cần cho biết số VIN (Vehicle Identification Number) là bạn sẽ được báo cáo đầy đủ về chiếc xe, với những chi tiết như: Xe có từng bị tai nạn bao giờ chưa, đã qua mấy đời chủ, xe cá nhân hay xe dùng cho mục đích thương mại, và dĩ nhiên, số mileage là bao nhiêu trong lần kiểm tra cuối cùng... Số VIN là gì? Tìm ở đâu? Ðây là số căn cước của chiếc xe, bao gồm 17 đơn vị chữ và số, nó giúp ta nhận diện được toàn bộ lịch sử của chiếc xe, dù nó có đổi chủ, từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Ðại lý bán xe cũ bao giờ cũng trình bày số VIN một cách rõ ràng trên mặt kính, hoặc ở đâu đó cho người mua dễ nhận diện. Nếu mua xe của tư nhân, chúng ta có thể thấy số VIN trên giấy chủ quyền, thẻ bảo hiểm, thẻ đăng bộ xe, hoặc ghi ngay trên lườn trong của cánh cửa xe, phía tài xế ngồi lái. Nếu trong vòng 30 ngày vẫn chưa tìm được chiếc xe vừa ý, và cũng không sử dụng quá 2 lần dịch vụ Carfax, bạn có thể xin lấy lại số tiền $39.99 đó. Hy vọng, tới lúc đó bạn đã tìm được chiếc xe vừa ý, và không đến nỗi phải... đòi lại tiền. Tạm kết luận: Ðường đời muôn nẻo chông gai, chẳng bút giấy nào kể xiết được. Chỉ khi lòng người đừng chọn lối quanh co thì mới mong thế giới này hết trò ma giáo mà thôi. Hy vọng rằng một vài ý kiến mọn trên đây có thể giúp bạn kiếm được cái xe ngon lành trong khi chờ đợi đến ngày đó.
|