Đồng hồ xe |
Tác Giả: Phạm Ðình | |
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 06:04 | |
Táy máy với đồng hồ cây số trên xe hơi Bài viết hôm nay dựa vào gợi ý của một bạn. Gợi ý như sau, “Chúng tôi dự trù mua một xe Lexus đời cũ 2003-2004, low mileage, không biết có cách nào để biết đồng hồ cây số có bị sửa lại rồi hay không? Nếu có ai làm như vậy thì là họ phạm luật rồi, và theo kỹ thuật, thợ chuyên môn có thể căn cứ vào độ mòn của máy móc để ước tính số mileage thực sự của chiếc xe được không? Hay căn cứ vào Maintenance Book để biết mileage thực sự của xe được không?” Và sau đây là những gì chúng tôi biết được về vấn đề đồng hồ cây số. Ðạo luật TIMA (Federal Truth in Mileage Act) Ðây là một đạo luật được chính quyền liên bang Hoa Kỳ ban hành, buộc mọi người sử dụng xe phải tôn trọng sự thật về số dặm đường xe đã lăn bánh - đồng hồ cây số (odometer) chỉ đến đâu thì biết đến đó, không được táy máy nghịch ngợm - và nếu biết bất cứ một trò táy máy ma giáo nào đã xảy ra thì buộc phải khai báo, bằng không sẽ bị truy tố như một trọng tội; hình phạt có thể là phạt vạ, nằm tù, hoặc cả hai. Thực tế ra sao? Mặc dầu luật pháp đã răn đe rõ ràng như vậy, nhưng thiên hạ vẫn cứ tỉnh bơ, phe lờ, để khi cần là ra tay, vặn ngược đồng hồ, biến hóa từ 120,000 dặm xuống còn 40,000 dặm, hoặc 60,000 dặm xuống còn... 10,000 dặm. Xứ sở Hoa Kỳ được biết là trọng pháp lắm, tại sao lại có những kẻ liều như thế? Xin thưa, vì xe cũ ít “miles” thì bán được giá hơn một cái xe nhiều miles. Nhất là, xoay ngược đồng hồ (rollback) không phải là việc khó làm đối với những tay anh chị vừa thích mạo hiểm lại vừa ham tiền. Chẳng thế mà theo phỏng định của Hiệp Hội Quốc Gia An Toàn Giao Thông Ðường Phố (National Highway Traffic Safety Association) thì hằng năm giới tiêu thụ xe cộ của nước Mỹ bị “móc túi” mất cả tỷ đô về cái vụ gian dối đồng hồ cây số này. Tại sao gọi là móc túi? Là vì, cái xe lẽ ra bán với giá $4,000 thì bạn lại phải mua tới $9,000, như vậy không phải bị móc túi mất $5,000 là gì? Mà tại sao lại phải mua cao giá như vậy? Vì bạn tưởng rằng xe dùng ít, mới đi có 30,000 dặm theo con số ghi trên đồng hồ mileage. Ngờ đâu, xem lại giấy tờ mới biết là đồng hồ đã bị vặn ngược, số mileage thực tế còn cao gấp đôi! Nạn nhân kể chuyện. Một trong số những nạn nhân, cô Sarah Evenson, bực tức kể lể, “Cái xe đời 2003, mới có 5 năm, bộ vó trông được lắm mà đồng hồ cây số lại chỉ ít miles. Với cái giá $8,000, ai chẳng nghĩ là hên lắm mới mua được cái xe giá “hời” như vậy. Chuyện vặn ngược đồng hồ cây số thì thỉnh thoảng có nghe. Nhưng ai ngờ lại xảy ra cho chính mình. “Tôi không hiểu luật pháp có cách nào bảo vệ tôi không?” Thì luật pháp đã rành rành ra đó, bạn có thể đưa đương sự, tức là người bán trước đây, ra tòa. Nhưng làm sao chứng minh được chủ nhân đời trước là thủ phạm vặn ngược? Hay chính đương sự cũng chỉ là nạn nhân? Sarah kể tiếp, “Chiếc xe xài nhớt, cứ như là trâu uống nước vậy! Tôi đưa xe ra ngoài đại lý, tính đổi lấy chiếc xe khác dù có phải “các” thêm tiền, còn hơn là nhức đầu vì sửa chữa rồi cứ mỗi lần nhìn cái xe là mỗi lần ôm hận. Ðại lý xem số sườn xe, rồi cho vào máy để điều tra, mới lộ ra bằng chứng rõ ràng là “đã có kẻ táy máy vặn ngược đồng hồ cây số.” “Chuyện này thì tôi biết rồi. Nhưng khi nhân viên đại lý cho biết là đồng hồ bị vặn ngược tới 5,000 dặm tôi mới... tá hỏa tam tinh, không ngờ kẻ gian lại bạo tay đến thế. Rốt cuộc, đại lý định giá cái xe là $1,5000. Xe vừa mua với giá $8,000 mà bây giờ bán lại chỉ được có $1,500. Tôi đành đưa xe về, bỏ thêm ra $3,000 nữa thay nguyên bộ máy mới! Ðó là chuyện cô Sarah, người “ngoại quốc”. Bạn có muốn nghe chuyện Việt Nam không? Bảo đảm có thật “trăm phần trăm”. Nạn nhân là bạn của Phạm Ðình chứ không ai xa lạ. Hắn mua được cái xe Accura Integra mới chạy được có 9,000 miles, đời 1991. Câu chuyện xảy ra hồi 1998, tức là từ hồi thế kỷ trước, chứ không phải mới đây. Vào lúc đó, thì cái xe được 7 năm. Với cái tuổi ấy mà mới đi được 9,000 dặm đường, thì phải công nhận là chiếc xe còn mới lại ít dùng. Khi làm thủ tục sang tên xe, thì người bán, một thanh niên Ðông Âu, lại còn đề nghị, “Bạn có muốn ghi giá tiền thấp xuống để đỡ trả tiền thuế hay không?” Tại sao không? Hắn bằng lòng ngay. Tay Ðông Âu chỉ khai giá bán $5,000, thay vì con số thực sự là $9,000. Hắn vừa ý lắm, coi như mình có 2 cái may, mua được cái xe tốt mà lại còn được... giảm thuế! Thực sự, cái xe không đến nỗi nào. Hắn sử dụng được vài tháng, thì một hôm có người nhắn tin trên máy điện thoại, xin hắn gọi lại về chuyện cái Accura 1991. Hắn cũng hơi lo, nhưng lại tự trấn tĩnh rằng xe của mình mua hợp pháp thì cần gì phải gọi lại cho ai. Vài ngày sau cũng người đó gọi tới. Lần này hắn ở nhà kịp thời bắt phone, mới hay người đầu dây là nhân viên trong cơ quan điều tra của chính quyền, hỏi về cái xe Accura của hắn. Người kia cho biết là đồng hồ chiếc xe đã bị “luộc” rồi, nghĩa là con số 9,000 dặm đó không chính xác; số Mileage thực sự của nó còn cao hơn nhiều. Nghe như vậy thì tay chân hắn rụng rời. Người kia còn hỏi hắn muốn truy tố tên Ðông Âu không? Làm gì nhỉ? Ðể lấy tiền lại ư? Nhưng giá mua chính thức chỉ ghi là $5,000 thì nếu có thắng kiện chăng nữa, thì hắn cũng chỉ lấy lại được bằng ấy và mất đứt $4,000. Nghĩ như vậy, hắn quyết định bỏ qua, không “bới c. ra mà ngửi” nữa. Cách hành xử này người Mỹ gọi là “let sleeping dogs lie”, có ý khuyên đừng nên khơi gợi lại cái gì không đáng, chuyện có thể bỏ qua được thì bỏ qua luôn. Người Mỹ thích chó nên mang chó ra ví von, ý là “đám chó đang ngủ thì cứ để chúng nằm đó”. Ông bà mình thực tế hơn nhiều, chuyện không hay, không nên nhắc lại nữa thì phải ví với cái gì nặng mùi nhất nó mới “ép phê”, phải không bạn? Ông Jack Gillis, một chuyên gia trong tổ chức bảo vệ người tiêu thụ Hoa Kỳ có tên Consumer Federation of America, phát biểu, “Ðây là một vấn nạn khá nhức nhối. Theo phỏng định của chúng tôi, có tới 1/10 số xe cũ bán ngoài thị trường đã bị xâm phạm đồng hồ cây số. Nó hấp dẫn những kẻ bất lương, vì nếu ép được số dặm đường xuống thì lại bơm được giá bán lên. Cái hành động bất lương này tiếng Mỹ gọi là tamper with, roll back, hoặc “clock”. Riêng chữ clock nghe hơi lạ, chúng tôi xin ghi ra để các bạn tham khảo, là một tiếng chuyên môn dùng trong kỹ nghệ xe hơi, chỉ sự kiện đồng hồ cây số hoặc chứng từ liên quan cái xe bị cạo sửa, giả mạo mà không thông tri đầy đủ cho người mua biết. Hành động này hoàn toàn bất hợp pháp trên toàn quốc Hoa Kỳ, như được qui định trong Ðạo Luật TIMA. Theo các chuyên gia về cơ khí ô tô, thì cái hành vi “móc túi” này được thực hiện khá dễ dàng. Thứ nhất, vì kẻ cắp có nhiều cơ hội, muốn ra tay lúc nào cũng được, với cái xe lúc nào cũng sẵn trong tay, chứ không phải căn giờ, tính toán kế hoạch như khi lọt vào nhà người khác. Sau nữa, kỹ thuật bây giờ lại cung ứng nhiều phương tiện để kẻ gian ra tay. Nhất là đối với đồng hồ kỹ thuật số (digital odometer), việc hiển thị mileage chính xác hơn, nhưng xâm phạm để cạo sửa lại càng dễ. Chỉ cần dùng một chương trình software là muốn sửa thế nào hoàn toàn tùy ý, muốn đưa con số lên cao hay xuống thấp cũng được, dĩ nhiên là xuống thấp thì thiên hạ mới mất công ra tay, chứ đưa lên cao làm gì, phải không bạn? Là người đi mua xe, chúng ta có cách gì để lật tẩy cái trò lưu manh này không? Không hẳn là không. Nhưng cũng không dễ dàng, việc khám phá đòi hỏi sự quan sát và tìm hiểu khá công phu. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này trong bài báo tuần sau.
|