Home Đời Sống Tài Liệu Tết Nguyên Đán & Lễ Nghênh Xuân

Tết Nguyên Đán & Lễ Nghênh Xuân PDF Print E-mail
Tác Giả: Vietsciences- Nguyễn Thị Chân Quỳnh   
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 05:43

 Nguyên = đầu, Đán = buổi sớm mai. Nguyên Đán là buổi sớm mai của đầu năm. Tết Nguyên Đán là cái lễ đầu tiên của năm mới, vào ngày mồng một tháng giêng âm lịch, song không phải tháng giêng bao giờ cũng bắt đầu vào tháng Dần như hiện nay vì thuở xưa mỗi triều đại lên ngôi lại đổi ngày Chính sóc (sóc = mồng một, đầu tháng âm lịch) .
Âm lịch lấy tên 12 chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...) đặt tên cho 12 tháng, 6 tháng thuộc dương, 6 tháng thuộc âm, theo luật "tiêu trưởng": hễ âm tiêu thì dương trưởng, âm trưởng thì dương tiêu v.v..
Nhà Tần chọn tháng Hợi (tháng 10) làm tháng giêng. Theo Kinh Dịch thì quẻ Khôn ở Hợi cung (Khôn là Đất, là đầu mối mọi cuộc biến thiên) và tháng 10 thì khí dương đã hàm chứa ở dưới. 

Nhà Chu chọn tháng Tý (tháng 11) làm tháng giêng. Quẻ Phục ở Tý cung, tháng 11 thuộc tiết Đông chí, dương bắt đầu sinh, khôi phục lại nguyên khí.
Nhà Thương, sau đổi gọi là nhà Ân, chọn tháng Sửu (tháng l2) làm tháng giêng. Quẻ Lâm ở Sửu, Sửu là trâu, trâu thuộc Thổ là Đất, Đất có thể ngăn nước, chống rét nên trong lễ Lập Xuân người ta làm trâu bằng đất để tống khí lạnh đi.
Nhà Hạ, nhà Hán và hiện thời chọn tháng Dần làm tháng giêng. Quẻ Thái ở Dần cung (Thái = hanh thông), khí hậu ấm áp trở lại, tiện cho việc nông, nên ngày Tết Nguyên Đán vừa là ngày lễ mừng mùa Xuân trở lại, vừa là ngày lễ bắt đầu năm mới [1] .
Chúng ta ăn Tết Nguyên Đán chắc là theo Trung quốc vì có nhiều tục lệ của Trung quốc thấy bên ta cũng áp dụng :

1 - Lập Xuân:
 Kinh Lễ ghi rằng trước Tiết Lập Xuân ba ngày, quan Thái sử tâu ngày hôm ấy lập Xuân, thịnh đức ở Mộc, thiên tử bèn trai giới. Ngày Lập Xuân, thiên tử dẫn các quan và chư hầu ra cửa thành phía Đông đón Xuân. Khi quay về thưởng cho các công khanh, đại phu ở triều đình rồi ra lệnh ban bố ân đức cho muôn dân, hoàn tất lễ lớn [2].

2 - Lễ Ban Sóc:
Tương truyền đời vua Nghiêu (2357-2257 tr. TL) sai Hy Hòa làm lịch, phân định bốn mùa để dân thuận theo mùa và thời tiết mà cầy cấy, trồng trọt. Do đó có lệ đầu năm triều đình phát lịch, gọi là Lễ Ban Sóc.
Lịch ấy tính một năm có 360 ngày và có tháng nhuận, song độ số mặt trời tính còn sai. Đời Nam Tề, Tổ Xung Chi sửa lại ; đời Minh, châm chước theo lịch Hồi Hồi cũng vẫn chưa đúng. Đến đời Thanh, Thang Nhược Vọng (Adam Schall) sửa lại lần nữa, theo cách tính của Âu châu [3].

3- Tết Nguyên Tiêu:
Ở Trung quốc có tục chơi đèn suốt đêm rằm tháng giêng, có thể kéo dài từ 13 đến 17 tháng giêng. Khắp thành phố nhà nào cũng chăng đèn ngũ sắc trước cửa, bầy biện trong nhà như ngày đại hội, làm những toà giả sơn trên kết rồng xanh hoặc trắng, có tới mấy nghìn ngọn đèn sáng, có khi giả sơn kết hai con rồng đỏ, vây rất lớn, mỗi cái vây rồng là một ngọn đèn, miệng rồng phun nước trong v.v... Trên cầu, dưới sông thắp đèn rực rỡ, hát múa đủ trò, tiếng ca nhạc vang xa hàng chục dậm, du khách chật đường.

Lê Quý Đôn cho biết : Hán Vũ Đế thờ thần Thái Nhất (Thiên Hoàng Đại Đế ), cúng từ tối đến sáng . Về sau cứ ngày Thượng nguyên (rằm tháng giêng) người ta trưng đèn, tục trưng đèn ngày rằm tháng giêng có từ đấy [4].
Theo Văn Hòe thì nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu là ở đạo Lão. Đạo Lão cho là có ba vị thần chủ tể việc giáng phúc, xá tội cho người trần : 

a - Thiên quan giáng phúc vào lễ Thượng nguyên là lễ long trọng hơn cả nhất là về ban đêm. Từ đời Đường đã làm lễ này, cũng gọi là lễ Cầu Phúc.
Đường Thư chép rằng đêm Nguyên tiêu hay Nguyên tịch, tức đêm rằm tháng giêng, vua Đường Duệ Tông sai làm một cây đèn cao 20 trượng, thắp 5 vạn ngọn đèn, ánh sáng chiếu khắp nơi, gọi là HỏaThụ (cây lửa), vì thế đêm Nguyên tiêu cũng gọi là Đăng Tiết (Tết Đèn) [5].

b - Địa quan xá tội vào lễ Trung nguyên, ngày rằm tháng 7 ;

c - Thủy quan giải ách nạn vào lễ Hạ nguyên, ngày rằm tháng 10.

 I - Tết Nguyên Đán thời Cổ

Nước ta ăn Tết từ bao giờ thì chưa rõ. Nếu căn cứ vào tục ăn bánh chưng ngày Tết và truyền thuyết cha ông ta biết làm bánh chưng từ thời Hùng vương thì ta đã ăn Tết từ đời các vua Hùng, song đấy chỉ là phỏng đoán, không có bằng chứng. Sách sử của ta chép về Tết rất sơ lược, chỉ một vài chi tiết cho thấy từ đời Lê Đại Hành (980-1005) ta đã có tục chơi đèn vào tháng giêng :
"Năm 992, tháng giêng, Vua ngự điện Càn nguyên để xem đèn"
"Năm 1100,  tháng giêng, Lý Nhân Tông bầy hội Quảng-chiếu đăng ở ngoài cửa Đại-Hưng (cửa Nam,
Thăng-Long).

 A - Nhà Trần

1 - Tết Nguyên Đán.

Trong An-nam Chí Lược, Lê Tắc chép tương đối khá nhiều tục lệ ăn Tết thời nhà Trần :
Trước Tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế-Thích (một vị thần trong Phật giáo, làm chủ chư thiên) ở ngoài thành Thăng-Long.
30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-củng cho bề tôi làm lễ, rồi xem con hát múa trăm lối. Đến tối qua cung Động-nhân, bái yết tiên vương. Đêm, cho thầy tu làm lễ Khu-na (đuổi tà ma) ở trong nội.
Dân gian mở cửa, đốt pháo tre, cỗ bàn, trà rượu, cúng tế.
Ngày Nguyên Đán, khoảng canh năm, vua ngự điện Vĩnh-thọ cho các tôn tử (con cháu) và cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường-xuân vọng bái các lăng tổ.
Sáng sớm, vua ngự điện Thiên-an, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện tấu nhạc. Các tôn tử và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần. Dâng rượu xong, các tôn tử lên điện chầu dự yến. Các quan nội thần (hoạn quan) ngồi ở tiểu điện phía Tây, các ngoại thần ngồi ở Tả vu, Hữu vu (nhà bên trái và bên phải nối vào chính điện). Tiệc đến trưa mới tan.
Lại sai thợ khéo làm đài Chúng tiên hai từng, ở trước điện. Làm một lúc thì xong, vàng ngọc chói ngời. Vua ngồi ăn trên đài, các quan làm lễ chín lạy, dâng chín tuần rượu rồi giải tán.
Mồng 2, các quan làm lễ riêng ở nhà.
Mông 3, vua ngồi trên gác Đại-hưng xem các tôn tử, các quan nội cung đánh cầu, ai bắt được, không để cầu rơi xuống, là thắng. Quả cầu to bằng nắm tay, làm bằng gấm thêu, có 20 sợi tua dài lòng thòng.
Mồng 5, làm lễ Khai-hạ (hạ nêu, trở lại cuộc sống bình thường). Ăn yến xong, các quan và dân chúng đi lễ chùa, miếu hay đi du ngoạn các vườn hoa.
Đêm Nguyên tiêu (rầm tháng giêng) trồng những cây đèn Quang-chiếu ở giữa sân rộng, thắp mấy vạn ngọn, sáng rực trời đất. Chư tăng đi quanh tụng kinh Phật (...) các quan lễ bái, gọi là lễ Chầu đèn.
Tháng 2, làm cái Xuân Đài. Con hát hoá trang thành 12 vị thần, múa hát trên đài.
Vua coi các trò tranh đua dưới sân, lực sĩ và trẻ con đấu nhau, ai thắng được thưởng. Công hầu cưỡi ngựa, đánh cầu, quan nhỏ thì đánh cờ, đánh vu bồ (bài thẻ) . . . [6]
 

2 - Tiết Lập Xuân và Lễ Nghênh Xuân.

Sách Lễ ký thiên "Nguyệt lệnh" chép : "Tháng cuối mùa Đông, vua sai quan Hữu-ty (chuyên viên) đem con Trâu đất ra lễ để đuổi khí lạnh đi, trâu giỏi cày có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn.
Tùy thư, Lễ Nghi Chí chép : 5 ngày trước Tết Lập Xuân, làm tượng con Trâu đất, Người cày ruộng và Cái cày để ở ngoài cửa Đông môn. Rạng sáng ngày hôm ấy, quan cầm roi ngũ sắc đánh trâu ba roi để tỏ ý khuyến nông.
Điển nhà Thanh chép rằng trong ngày Lập Xuân, dâng vua tượng Mang thần (thần Cỏ Mang, hoa nở sớm hơn các loài hoa khác, hay thần Câu Mang, trông coi tháng giêng, tượng trưng cho mùa Xuân mới đến), tượng Trâu đất và tượng Núi mùa Xuân, đều bầy trên án để làm lễ đón Xuân cùng khí hòa ấm.
 
Đánh trâu ngụ ý trọng nông [7].

Thời nhà Trần, ngày Lập Xuân, vua quan làm lễ Nghênh Xuân ở phương Đông (Đông giao). Vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh Trâu đất. Sau đó, các quan cài hoa lên mũ rồi vào cung dự tiệc. 

Trong tháng Xuân, người làm mối bưng tráp trầu cau đến nhà gái hỏi và tặng lễ vật, thường dân giá trăm, nhà cao sang giá hàng nghìn, những người chuộng lễ nghĩa thì không kể ít nhiều. Con trai, con gái nhà nghèo không có người mai dong để làm hôn lễ thì tự mình phối hợp với nhau (xin xem chú thích [6])

 

B - Nhà Lê

Sử chép rất ít về Tết đầu thời Lê :
- Năm 1435, mồng một, vua (Thái Tông) dẫn các quan làm lễ yết miếu. Khi về cung mặc áo trắng coi chầu, nổi nhạc, thét đường. Các quan mặc cát phục dâng biểu yên ủi (Thái Tổ mới băng).
  Ban yến trong 5 ngày cho các quan văn võ trong ngoài, phát trên cho các quan làm việc ở ngoài theo thứ bực [8] .
- Năm 1 449, tháng giêng ban yến cho các quan- Múa nhạc Bình Ngô Phá Trận do vua Thái Tông làm, .nhớ lại công khó nhọc sáng nghiệp của Thái Tổ, dùng vũ công định thiên hạ. Công thần có người cảm xúc phát khóc [9].
 

Các lễ Nghênh Xuân thời Trung Hưng

1 - Lễ Tiến lịch - Lược Phan Huy Chú :

Hàng năm, Tư-thiên-giám tính trước lịch cho năm sau, đến tháng 6 viết hai bản dự thảo, một bản dâng lên Vua và khai Chúa xin tiền in. Vua xem xong, giao cho Trung-thư-giám viết lại, Tri-giám coi việc khắc, khắc rồi Tư-thiên-giám đối chiếu trước khi đem in.
Trong tháng chạp chọn ngày dâng lên Vua chuẩn.
Đến ngày 24 tháng chạp làm lễ Tiến lịch.
Sáng hôm ấy, các quan mặc phẩm phục, theo chỉ của Chúa vào triều làm lễ.
Sáng sớm, Nghi-chế-ty và các Tự-ban đặt cái án dâng lịch ở giữa ngự đạo trước sân rồng. Bốn viên thông-tán, hai viên đứng ở phía Đông và phía Tây, hai viên đúng ở bên Tả và bên Hữu của Đoan-môn.

   Ba hồi trông nghiêm , Tự-ban dẫn hai viên Tiến-lịch quan vào bên Đông sân rồng. Vua ngự lên ngai. Tự-ban dẫn quan Tiến-lịch đến giữa ngự-đạo. Xướng: "Cúc cung , bái, hưng (bốn lần), bình thân ". Lễ quan. Xướng .' "Tiến hoàng lịch ", Tự-ban dẫn quan Tiến- lịch đến trước án lịch giấy vàng. Xướng : "Quy, tiến lịch", quan Tiến-lịch để lịch lên án. Xướng:  "Phủ phục, hưng, bình thân, phục vị",  Tự-ban dẫn quan Tiến lịch từ phía Đông ngự đạo xuống đến vị bái. Xướng: "Cúc cung , bái, hưng (bốn lần), bình thân ". Tự-ban nhấc cái án để lịch lui ra.
 Cáp-môn xướng : "Bài ban, ban tề", các quan chia thứ bậc đứng vào ban tề chỉnh. Lại xướng ."Cúc cung, bái, hưng (bốn lần), bình thân ".

   Quan Truyền-chế đến giữa ngự đạo quỳ : "Tấu  truyền chế" rồi lạy xuống, vẫn quỳ. Quan Tư-lễ -giám đem tờ chế trao cho quan Truyền-chế. Viên này đỡ lấy lui ra, đúng phía Đông, hô .' "Hữu chế". Cáp môn xướng: "Bách quan giai quỵ", các quan quỳ xuống. Quan Truyền-chế đọc chế xong lui về chỗ đứng cũ. Xướng: Phủ phục, hưng, bái (bốn lần), bình thân". Lại xướng : "Bách quan phân ban thị lập", các quan phân ban đứng hai bên mà hầu. Nghi-chế-ty đến giữa ngự đạo quỳ : "Tấu lễ tất". Vua ngự về cung.

Tư-thiên-giám bưng cái án lịch trước ngự tọa sang tiến ở phủ Chúa. Quan Lễ khoa đem lịch ban cho các quan. Các quan quỳ xuống nhận, giơ lịch ngang trán. Xong lễ lui ra [10].
2 - Lễ Khóa ấn

25 tháng chạp làm lễ Khóa ấn trong một tháng, hộp đựng  ấn úp mặt xuống. Chỉ những việc trọng đại như sát nhân, phản quốc. . . mới được xét ngay, còn trộm cắp lặt vặt, đánh nhau, đòi nợ VV. thì đình chỉ, đợi ngày khai ấn mới xét xử [11].

3 - Lễ Tiến Xuân Ngưu

Hàng năm đến tháng 11, Tư-thiên-giám tâu ngày nào, tháng nào là tiết lập ít và kê cả kiểu mẫu làm Xuân ngưu (Trâu đất) giao cho Công bộ sai Thường-ban-cục làm. Tượng trâu to bằng thật, mỗi năm nhuộm một mầu, ứng với năm đó, tính theo âm dương ngũ hành.
Trước tiết Lập Xuân một ngày, buổi chiều, Thường ban-cục đem Trâu đến đàn tế, dựng ở phường Đông-hà. Lễ tế vào giờ Tý (nửa đêm), mở đầu ngày Lập Xuân. Quan Phủ-doãn và hai quan huyện Thọ-xương và Quảng-đức làm lễ xong thì sai rước đến đàn ở phường Hà-khẩu. Hôm sau rước đi sớm. Quan Phủ-doãn và các quan huyện lấy cành dâu đánh con trâu đất, rồi đem vào sân điện Vua làm Lễ Tiến Xuân Ngưu

Các quan vâng chỉ của Chúa, mặc phẩm phục làm lễ. Lễ xong, quan Tư-lễ-giám bưng cái án để Xuân ngưu trước ngự tọa sang tiến ở phủ Chúa [12] .

- Các nghi tiết thời Trung Hưng
1- Nghi tiết ở điện Kính-thiên. (lược Phan huy Chú) :

Sáng sớm mồng một, Tiết-chế-phủ (Con cả của Chúa Trịnh) vâng chỉ Chúa, dẫn trăm quan mặc phẩm phục vào chầu Vua để chúc  mừng năm mới.

Trước  một ngày, Thượng-thiết ty đặt ngự tọa của Hoàng thượng ở chính giữa kính thiên, đặt bảo án ở phía Đông, hương án ở trước  ngự tọa. Giáo phường đặt Thiều nhạc (nhạc đời vua Thuấn, chính trị tốt, đức hiện rõ) và Đại nhạc gồm  nhiều kèn, trống lớn, thanh la, tù và...) ở hai bên Đông và Tây sân rồng. Thủ vệ-ty  dàn cớ xí, khí giới. Nghi-chế-ty đặt cái án đế các tờ biểu của Thừa-ty các xứ ở công đường Lễ bộ. Quan Lễ bộ và quan Thừa-ty các xứ trực đêm ở công trường Lễ bộ. Khi canh đã điểm lần thứ năm, trời sáng, trống và nhạc đi trước, các quan Thị dạ (hầu đêm) rước án biểu đến ngoài cửa Đoan-môn, tiến vào để ở phía Đông sân rồng, hơi ngoảnh về Bắc. Các quan rước án biểu đều đứng.

Trống nghiêm hồi đầu, các quan văn võ [kể cả Chấp-sự (Đạo lễ) và Triều-yết] đứng sắp ban ở ngoài cửa Đoan-môn.

 Trống hồi thứ hai, quan Đạo-lễ dẫn Tiết-chế-phủ vào chỗ điếm ở Tả, Hữu sân rồng ngồi tạm. Các quan Đạo-lễ tiến vào sân điện Vạn-thọ rước Vua lên ngự giá, làm lễ năm  lạy ba vái. Lễ xong lui về chỗ cũ ở hai bên Đông, Tây sân rồng.

Ngự giá đến cửa Kính-thiên thì quan Đạo-lễ dẫn Tiết-chế-phủ đứng phía Đông sân rồng, hơi về hướng Bắc. Tự-ban dẫn các quan vào sắp hàng hai bên Đông, Tây sân rồng. Các quan Thừa-ty, Triều-yết chìa đứng ở ngoài cửa Đoan-môn. Vua lên ngai. Giáo phường tấu khúc nhạc Văn-quang. Dứt tiếng chuông, vút roi (ra lệnh yên lặng khi làm lễ triều bái), nhạc nghi. Tư-thần-lang báo trời sáng. Thông-tán xướng: "Ban tề". Lại xướng: "Cúc cung, bái, hưng (bốn lần), bình thân".

Quan Điển-nghi xướng: "Tiến biểu". Nhạc lại nổi lên. Hai viên Khoa quan dẫn bốn Tự-ban rước án biểu có tàn vàng che từ bên Đông sân rồng đem đặt giữa ngự đạo. Các Khoa quan dẫn bốn Tự-ban  rước án biểu có tàn vàng che từ bên Đông sân rồng đem đặt giữa ngự đạo. Các Khoa quan, Tự-ban lui ra chia đứng hai bên Đông, Tây. Dẫn-tán xướng: "Tuyên biểu mục", quan Tuyên-biểu vào giữa ngự đạo quỳ đọc biểu chú c mừng của công hầu và các quan văn võ 12 đạo. Đọc xong, lạy rồi lui về chỗ đứng trước.

(Đến lượt đọc biểu phó của các quan triều thần, cũng theo nghi tiết trên).

Thông -tán xướng: "Phủ phục, hưng, bình thân, các cung tam cũ đạo". Lại xướng: "Bách quan  giai quỵ, tung  hô", các quan quỳ xuống, giơ tay ngang trán hô theo: "Vạn tuế" , ba  lần như thế. Mỗi lần hô thì quân sĩ, phường  nhạc, đồng thanh hô theo. Lại xướng: "Phủ phục, hưng, cú cung, bái (nhạc nổi lên), hưng (bốn lần), bình thân". Nhạc nghỉ. 

Quan Đạo-lễ dẫn Tiêt-chế-phủ đến bên Đông, đứng ở vị trước. Thóng-tán xướng : "Bách quan phân ban thị lập". Nghi-chế-ty đến giữa ngự-đạo quỳ tâu : "Tấu lễ tất". Giáo phường ty cùng các Thụ đồng văn, Nhã nhạc (nhạc khí nhỏ hơn Đại nhạc) tấu khúc Hưu-minh. Vút roi. Vua về cung. Quan Tư-lễ-giám bưng tờ biểu để tiến vào nội điện. Nhạc nghỉ. Tiết-chế phủ và các quan lui ra [13] .
2 - Nghi tiết ớ phủ Chúa. (lược) :

Sáng mồng một, hiệu Thiên-hùng bắn súng hiệu, hiệu Thị-trung đánh trống nghiêm. Tướng sĩ thuộc các đội thuyền đứng hầu hoặc đi tuân sát.

Tư-thiên-giám đã chọn giờ và phương hướng tốt để Chúa đi lễ. Các quan rước Chúa đến Thái miếu và Cung miếu hành lễ rồi về phủ.

 Chúa ngự long tọa. Quan và lính hiệu Thị-hậu đứng hầu. Binh phiên ban tiền thưởng Xuân theo cấp bậc : nhất phẩm được 5 quan tiền, nhị phẩm được 4 quan cửu phẩm một quan, Tư-thiên-giám được 6 tiền, nhạc công một tiên.
Tư-thiên-giám chọn giờ tốt khải Chúa khai ấn. Tiết-chế-phủ dẫn các quan từ cửa Cáp-môn tiến vào phủ đường. Bốn viên Điển-gìám (dùng Khoa quan), hai đứng ở bên Tả và bên Hữu trong phủ, hai đứng ở ngoài phủ. Tiết-chế-phủ và các quan theo thứ tự lạy mừng. Chúa ban yến. Dự yến xong, các quan làm Iễ tạ ơn. Chúa về cung, Tiết-chế-phủ về phủ.
Các quan lại đến phủ Tíết-chế chúc mừng  [13]. 

3- Tết Đàng Trong
Lê Quý Đôn cho biết ở Thuận-hóa, năm Canh-Dần, Tết Chính Đán thì 2 viên Cai cơ công tộc chỉ mừng tiền trầu 2 quan ; Cai đội 11 viên đều một con lợn thay tiền 10 quan, tiền trầu 1 quan ; chư tướng Ngoại tả 1 viên, Chưởng dinh 2 viên, Chưởng cơ 4 viên đều lợn một con thay tiền 10 quan, tiền trầu 5 hay 10 quan tùy hạng ; Cai cơ 10 viên chỉ mỗi viên 2 tiền trầu ; Cai đội 28 viên cũng như lệ Cai đội công tộc ; văn ban 5 viên, mỗi viên 2 tiền trầu vv. (14).

4 - Tết qua ngòi bút của một chứng nhân ổ thế kỷ 17
Năm 1659, Bento Thiện. một "Thảy giảng" đạo Thiên chúa đã viết về Tết như sau :

"Thói nước Annam, đầu năm mùng một tháng giêng, gọi là ngày Tết. Thiên hạ đi lạy Vua, đoạn lạy Chúa, mới lạy ông bà ông vải, cha mẹ cùng kẻ cả bề trên. Quan quyền thì lạy Vua Chúa, thứ dân thì lạy Bụt trước. Ăn Tết ba ngày, mà một ngày trước mà xem ngày mùng hai, mùng ba, ngày nào tốt, thì Vua Chúa đi đền Giao, gọi là nhà thờ Trời, hiệu Thiên Thượng Đế Hoàng Địa Kì. Vua Chúa đi lạy mà xin cho thiên hạ được mùa cùng dân an. Đến mùng bẩy mùng tám mới hết, cùng làm cỗ cho thiên hạ an mười ngày. Lại xem ngày nào tốt mới mở ấn ra cho thiên hạ đi chầu cùng làm việc quan, cùng hỏi kiện mọi việc ; lại làm như trước mới khai quốc, thiên hạ vào chầu vua. Từ ấy mới có phiên đi chầu. Nội Đài, Ngoại Hiến, Phú Huyện, quan đảng nha môn, mới có kiện cáo. Đến trung tuần mới có Khánh thọ bảo thần cho thiên hạ mừng tuổi Vua. Ai có nghề nghiệp gì thì làm cho Vua xem. Đến hạ tuần tháng giêng, ĐứcChúa lại Tế Kỳ Đạo dưới bãi cát, làm đàn thờ. Trước thì thờ Thiên Chúa Thượng Đê' một đàn, là một đàn từ Vua Lê Thái Tổ cho đến nay, một đàn thì thó Thần Kì Đạo. Đức Chúa lạy ba dàn này. Đoạn đến đàn Thần Kì Đạo, Đức Chúa lạy đoạn, liền chỉ gươm cùng chém, lại bắn cung. Đoạn lại đánh trống mà chỉ gươm cho thiên hạ mới đuôi đi, thì gọi là khao quân. Đoạn liền về tập voi tập ngựa, gọi rằng đã hết năm mới (15).

II - Tết Nguyên Đán thời nhà Nguyễn
A - Nghi tiết trong triều
1 - Lễ Ban Sóc (ban lịch mới)
Lễ Ban Sóc được coi trọng vì lịch liên quan đến việc cầy cấy sinh tồn của dân. Theo Đào Trinh Nhất thì từ đầu thế kỷ 14 ta đã phái người sang Nguyên triều khảo cứu Thiên văn học và phép làm lịch, tức là lịch Hiệp kỷ (lịch xem ngày tốt xấu). Sau đây là luật lệ thời nhà Nguyễn :

- Năm 1820, bộ Lễ tâu về việc ban lịch Hiệp Kỷ :

"Ban bảo Chính sóc là việc chính trị lớn của vương giả kính Trời chăm dân. Xin lấy ngày 1 tháng 12 đặt Đại triều ở điện Thái-hoà để truyền chỉ ban lịch theo phép cũ". 

- Năm Minh Mệnh 13 (1833) định lệ :
Lễ Chính Sóc là một lễ lớn để tỏ trong nước dùng cùng một thứ chữ. Nguyên trước lịch do Kinh ban ra, in ở địa phương, chuyển cấp cho dân. Từ nay các tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị, Thanh-hóa, Nghệ-an, Hà-tĩnh do Kinh cấp phát. Từ Ninh-bình ra Bắc cứ tháng 5 mỗi năm Khâm-thiên-giám đưa mẫu lịch cho Hà-nội in và cấp phát. Đến tháng 9, Khâm-thiên-giám làm tờ bìa mặt quyển lịch, bìa vàng có chữ Hiệp kỷ lịch, đến ngày mồng một tháng chạp các tỉnh làm lễ Chính Sóc và phụng hành cấp phát.

Năm Minh-mệnh 20 ( 1840) lại đổi :
Lệ cũ ngày 1 tháng 12 đặt nghi lễ Đại triều ở điện Thái-hòa để ban lịch Hiệp Kỷ năm sau cho trăm quan. Nay đổi :

Trước một ngày, ty chức trách đặt một cái án vàng trước Ngọ môn, chính giữa, một bàn vàng ở phía nam cái án, đều có lọng vàng che. Hai bên tả hữu sân đặt chỗ đứng lạy của các hoàng thân, các quan từ tam phẩm trở lên ở trước sân Ngọ môn, từ tứ phẩm trở xuống đặt vị đứng lạy ở phía nam cầu Kim thủy. Ở viện Tả đãi lậu đặt một long đình. Nghi trượng, nhã nhạc xếp hàng hai bên trước sân Ngọ môn.

Sớm hôm ấy các quan đều mặc triều phục đứng ngoài cửa Ngọ môn. Khâm-thiên-giám bưng hòm đựng lịch đặt lên long đình. Bộ Lễ xướng :"Hành tiến lịch lễ ' " đàm lễ dâng lịch). Khâm-thiên-giám bưng hòm đựng lịch đến cạnh viên quản lý quỳ dâng hòm.

Tất cả làm lễ 5 lạy. Vệ-]oan-nghi khiêng án vàng do cửa Ngọ môn đi vào, nhã nhạc, nghi trượng đi trước, qua cầu Trung đạo đến cửa Đại cung, án vàng đi vào cửa giữa đến sân điện Cân chính đặt ở dưới thềm giữa. Khâm-thiên-giám trao hòm lịch cho viên Nội các chuyển cho nội giám đệ vào cung.

Ngày hôm ấy trăm quan đến viện Tả đãi lậu lĩnh lịch. Phủ Thừa-thiên họp nhân viên 6 huyện lĩnh lịch cấp phát cho các làng xã để dân chúng xem chung, lịch do các thầy Chánh, thầy Lý giữ (16).

- Năm 1919 , lễ Ban Sóc diễn ra ở trước cửa Ngọ môn vào ngày 1 tháng 12 âm lịch, tức là ngày 2/1/919.

2 - Lễ Phất-thức và lễ Phong ấn.
Năm 1807, định lệ hàng năm đến ngày 25 tháng chạp âm lịch thì khóa ấn, mồng 7 tháng giêng thì khai ấn.

- Năm 1827, vua dụ : " Hết năm có lệ phong ấn để các nha dành ít ngày nghỉ ngơi, nhàn hạ trong khi cả năm phải siêng năng, chăm chỉ làm việc. Đấng vương giả theo phép Trời làm việc mạnh mẽ, tự cường, không nghỉ ngơi còn sợ chưa hợp ý Trời, chưa thỏa mãn nguyện vọng của nhân dân nên trẫm không muốn một ngày nhàn rỗi. Từ nay ấn tín quốc gia, hành dụng vẫn theo thường lệ. Còn các nha môn trong ngoài, cuối năm phong ấn, đầu giêng, khai Xuân, khai ấn, cứ theo lệ cũ mà làm".

Trước khi khai ấn phải rửa ấn, gọi là lễ Phất-thức. Nguyễn Công Hoan viết : Rửa ấn chỉ được phép ngâm rượu cho các chất bẩn giắt trong kẽ rã ra, không được lấy tăm khều cho nhanh vì làm thế sẽ độc, trong năm có nhiều án mạng xẩy ra (17). Nhưng đấy là ở các nha môn, trong triều lễ Phất-thức long trọng hơn nhiều :

Nội Các chọn một trong mười ngày cuối tháng chạp làm lễ, được vua chuẩn. Các Hoàng thân, các quan trong viện Cơ Mật, trong Nội Các dự lễ cũng do Nội Các đề cử. Sáng hôm Phât-thức, bộ Lễ sai bầy bàn ở điện Cân-chánh. Sáu cái tủ khảm lớn đặt ở hai bên cửa điện, trong đựng các hộp ấn được mờ ra trước mặt Hoàng thượng. Các ấn triện bằng vàng, ngọc, pha lê vv. của các tiên đế, Hoàng thượng, phi tần, được rửa bằng nước hương thủy (nước có ngâm các thứ hoa) rồi chùi bằng nhiễu điều. Ban đầu, các quan dự lễ mặc thường triều, sau thấy bất tiện nên đổi ra mặc áo thụng xanh. Sau khi rửa xong, ấn triện được cất lại vào trong tủ, rồi vua ban yến (18).

Năm 1830, định lệ sau ngày phong ấn, gập những việc cần, Lục bộ, các nha và Nội Các tâu lên dùng ấn vàng. Đến ngày khai ấn triện quan phòng, chưa rõ năm, tháng, ngày nào dùng để làm bằng chiếu.

Lễ Phât-thúc đầu tiên của triều Nguyễn diễn ra vào năm 1837. Lễ Phât-thức năm 1919 được cử hành

vào ngày 24 tháng chạp, tức là ngày 25/11/1919

3 - Nghi tiết Lễ Trừ tịch và Tiết Nguyên Đán.
- Năm 1807, Lễ bộ dâng nghi tiết :

Lễ Trừ tịch, vua đến nhà Thái miếu làm lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên làm bồi tế. Lễ Nguyên Đán cũng thế.

Ở miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo, đêm Trừ tịch, sai quan làm lễ. Các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên túc trực hai bên công thự tả hữu, các lễ quan túc trực ở các miếu. Nhạc công hát thờ.

Ngày Nguyên Đán, vua đến Thái miếu và miếu Hoàng khảo làm lễ. Miếu Triệu tổ thì sai quan làm Lễ xong vua đem các quan đến cung Trường-thọ làm lễ chúc mừng, rồi vua ngự điện Thái-hòa nhận lễ chầu mừng, sau đó các quan xin phép đến cung Khôn-đức lạy mừng.

Mông 2, sai các quan làm lễ ở các miếu.

Mồng 3, vua đến nhà Thái miếu làm lễ. Miếu

Triệu tổ và miếu Hoàng khảo thì sai các quan làm lễ.

Sai chép làm lệ ( 19 ) .

- Năm 1848 vua Thiệu-trị mất, có quốc tang nên nghi lễ hơi đổi : Ngày mồng 1, vua mặc áo cát phục dấn cung Hoàng mẫu kính dâng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc, biểu tâu làm lễ người nhà. Lễ xong vua ngự điện Văn-minh, trăm quan mặc áo đẹp lần lượt lễ năm lạy. Mồng 2, vua mặc lễ phục đến điện Long-an (chỗ để quan tài vua Thiệu-trị) làm lễ, các quan mặc lễ phục theo lạy. Mông 3, vua mặc lễ phục đến Dao-cung làm lễ, các thân phiên, Hoàng thân, văn từ tứ phẩm, võ từ tam phẩm mặc lễ phục theo vào lạy.

Những cuộc chầu mừng, ban yến, nhạc đều đình, duy có ban thưởng thân phiên, Hoàng thân, trăm quan, gia cấp cho các lính trạm, lính gián binh đều như lệ (20) .

- Năm 1853 định lại lệ mở cửa cung thành ba đêm Tết Nguyên-đán. Lệ trước, các đêm 30 tháng chạp, mồng 1 và mồng 2 các cửa cung thành, hoàng thành, kinh thành đều mở rộng. Nay phải chiểu lệ thường canh giữ.

4 - Ban yến 
Năm 1823, ngày mồng một tháng giêng, vua đến cung Từ-thọ làm lễ khánh hạ, dâng mười lạng vàng.

Xong, ngự điện Thái-hòa, bầy tôi chầu mừng. Lễ xong ban yến và thưởng theo thứ bực :

Các Hoàng tử tước công, mỗi người 20 lạng bạc ;

Quan văn võ chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng

Tùng nhất phẩm, mỗi người 10 lạng bạc ;

Chánh nhị phẩm, mỗi người 8 lạng bạc ;

Chánh ngũ phẩm, mỗi người 2 lạng bạc ;

Hành tẩu, Thị nội, Chánh đội trưởng, Suất đội... mỗi người 1 lạng bạc (21 )

5- Lễ Nghênh Xuân
Năm 1829 bắt đầu lễ Nhenh Xuân. Sau Tiết Đông chí, ngày Thìn, Khâm thiên giám và Vũ Khố lấy đất và nuớc ở phường Tuế đức (Tuế đức  là vị sao tốt của năm ấy) chế tạo ba bộ Mang thần và Trâu đất, dùng gỗ làm cốt. Tính theo ngũ hành và ngày Lập Xuân là can để rõ hình sắc. Thân trâu cao 4 thước, tượng trưng 4 mùa, đuôi dài 1 thuớc 2 tượng trưng cho 12 tháng. Mang thần cao 3 thước 6 tấc 5 pân, tượng trưng 365 ngày (22)

a) Lễ Nghênh Xuân ở Kinh
Hàng  năm sai Hư4u ty chế ba bộ Mang thần và Trâu đất cùng  hai bộ Núi Xuân (Xuân Sơn Bảo Tọa). Trước  lễ Lập Xuân một ngày, phủ Thừa Thiên để Mang thần và Trâu đất lên Núi Xuân đặt trên án, bầy đàn tế ở Đông giao, làm lễ Nghênh Xuân. Tế vào đúng nửa đêm, giờ Tý, mở đầu ngày Lập Xuân. Lễ xong, rước hai án về để ở Lễ bộ.

Ngày Lập Xuân, quan bộ, viên Kinh dẫn, Khâm thiên giám đem đến cửa Tiên thọ và cửa Hưng khánh có thái giám tiếp nhận dâng vào cung, gọi là Tiến Xuân. Còn một cặp Mang thần và Trâu dất bày ở phủ thự. Viên Kinh dẫn đánh Trâu đất ba roi để tỏ ý khuyến  khích việc  nông [xem chú thích (22)].

Năm 1841, vua Minh Mệnh vừa băng hà, Phủ Thừa thiên chỉ đem tiến Trâu đất và Mang thần nhưng  không  làm Núi Xuân vì đang có quốc tang.

b) Lễ Nghênh Xuân ở các tỉnh Trực lệ.
Theo Đại Nam Điển Lệ, năm Minh Mệnh 13, định hàng  năm sau ngày Đông chí, gặp ngày Thìn, quan địa phương (quan tỉnh, quan đạo) đem thợ nặn đến phường Tuế Đức lấy nước  và đất chế tạo (theo thể thức ở Kinh) một con Trâu đất và một thần Câu mang, dùng gỗ cây dâu làm cốt trâu và thần , xem can chi trong  ngày Lập Xuân rồi hô thần và vẽ hình sắc con trâu (Trâu phải theo năm mà tô sắc vàng, đen hay loang lổ). Đến ngày Lập Xuân, quan địa phương đem các thuộc viên mặc Đại triều và hành nghi (cờ, quạt, tàn, lọng)

rước Trâu đất và Mang thần đi làm lễ đón Xuân ở Đàn Xã tắc. Lễ xong, đưa Trâu và Thần về công đường, quan địa phương lấy roi đánh Trâu đất ba cái. Xong rồi để Trâu đất và Mang thần một thời hạn sau mới đem chôn ở cạnh Đàn Xã tắc. Bia sửa chùa Bạch Mã ở Thăng  Long ghi là hàng  năm lễ đánh Trâu, rước  Xuân làm ở đền này rất long trọng (23)

6- Vua Miên chúc Tết
Trong Ký ức lịch sử về Saigon của Trương Vĩnh Ký cho biết hàng  năm vào ngày Tết Nguyên Đán quốc vương Miên phải sang cúc  thọ ở Vọng cung. Một năm, vua Miên phá lệ, nghỉ đêm ở Chợ Lớn, sáng  hôm sau không  kịp đến dự lễ lúc  canh năm, bị Lê văn Duyệt phạt phải nộp 3000 lạng  bạc mới cho về nước.

B- Phong tục dân gian
1- "Tháng giêng  ăn Tết ở nhà"
Cuối tháng  chạp, mọi nhà đều nhộn nhịp quét dọn, đánh bóng sập gụ, tủ chè, đồ đồng trên bàn thờ, trang hoàng nhà cửa bằng tranh Tết, câu đối, hoa v..v..

a) Ông Đồ
Đã có nhiều sách viết về tranh Tết con lợn con gà, Cóc dạy học v..v... nên tôi chỉ nhắc đến một phong tục  ít người biết: Ở Hà Nội, trước 1945, bắt đầu khoảng 20 tháng chạp là thấy các ông Đồ khăn đóng, áo dài, đến xin trải chiếu ngồi nhờ ở vỉa hè phố hàng Bồ, bày câu đối giấy đỏ, giấy trang kim đề bán. Có ông  "văn minh" chép cả thơ bằng chữ quốc ngữ, đến nay tôi còn nhớ một câu tả cảnh Xuân vì mẹ tôi đọc xong cứ tủm tỉm cười, nhắc đi nhắc  lại mãi:

Lá ngọc, cành vàng toé nở ra!

b) Hoa


Cây mai trước nhà Gs Nguyễn Đăng Hưng - Ảnh của chủ nhà.

Trang hoàng  nhà cửa, ngoài câu đối, tranh Tết, dĩ nhiên phải có hoa. Người ta thường sắm các chậu hoa đủ đôi bày để cho cân đối: hai chậu quất màu cam, hai chậu cúc  màu vàng, hai chậu hải đường  màu hồng tía... chỉ hoa đào là cắm có một cành. Tục cắm đào ngày Tết, theo Sơn Hải Kinh, là vì xưa kia ở núi Sóc sơn có một cây đào cổ thụ rất đẹp. Hai vị thần Trà và Uất Lung, cư ngụ ở đấy , có công đánh đuổi ma quỷ đến tận gốc cây đào nên từ đấy ma quỷ thấy cây đào là sợ. Nhưng đến  cuối năm, hai Thần phải lên Thiên cung chúc Tết Ngọc  Hoàng Thượng  Đế, ma quỷ thừa cơ Thần vắng  mặt, không ai kiềm chế, bèn từ Địa ngục  lên dương gian quấy nhiễu. Người ta biết chúng sợ cây đào nên cắm cành đào trước cửa, trên cành treo bùa, nhà nào không có đào thì treo tranh hai vị Thần để trừ tà đuổi ma đi. Ngày nay người ta không treo bùa hay tranh vẽ Thần nữa mà treo tranh Tết (24)

Ngày Tết đền chơi nhà ai thấy không cắm đào lại cắm một cành hoa mai trắng thì biết là nhà ấy đang có tang. Hà Nội không có mai vàng nên khi còn nhỏ, đọc thơ Huyền Kiêu: Hỡi hỡi cô mai vàng... tôi cứ băn  khoăn tự hỏi sao thi sĩ lại có thể tư tiện đồi cả sắc hoa?

Thủy tiên cũng là thứ hoa chỉ ngày Tết mới xuất hiện. Những người khoe khéo mua củ về tỉa lấy, phải tính toán sao cho hoa nở đúng giao thừa hay mồng  một Tết mới là khéo. Nếu thấy hoa có triệu chứng nở sớm thì hãm bằng cách quấn bông  xung quanh, để ở chỗ thật lạnh; ngược  lại, nếu hoa ra chiều nở muộn thì thúc dục  nó bằng cách thay nước ấm, để ở chỗ có nhiều nhiệt khí. Chơi thủy tiên, người ta không chỉ chơi hoa mà chơi cả lá (tỉa sao cho lá uốn cong theo ý mình) và cà rễ nữa, vì thế hoa thường được  bày trong  cốc thủy tinh trong suốt, có chân cao nâng ngang tầm mắt người thưởng thức.

Tỉa thủy tiên, dĩ nhiên phải nhẹ tay. Trong  bài thơ Vết thương  lòng, nhà thơ Lan Sơn tả một thiếu nữ đang  ngồi tỉa thủy tiên, chợt thấy:

Bóng ai thấp thoáng ngoài hiên vắng,
Em đã vô tình vội ngửng lên.
Em vội ngừng tay, vội ngó ra,
Dao cầm sẩy chạm tới giò hoa
Giò hoa ngày lụi, màng hoa úa,
Hoa đã vì em chịu xót xa... (25)

Tôi nghĩ là thi sĩ chưa từng tỉa thủy tiên  bao giờ, cái sẩy tay của thiếu nữ trong thơ xem ra  phải dùng đến "bảy thành công lực" mới làm cho giò hoa lụi đuợc! Củ thủy tiên giống như củ hành, cò nhiều lớp, mà giò hoa thuờng ẩn sâu bên trong chú không  nằm ở lớp ngài cùng. Muốn cho cành hoa đừng vươn lên cao, có khi người ta phải gọt cả chân giò hoa, mỗi ngày một tị, thế mà hoa vẫn nở.

Sự tích hoa thủy tiên: Xưa có một ông nhà giàu chia gia tài làm bốn phần đều nhau cho bốn con, nhưng  sau khi ông chết, ba người anh chiếm hết chỉ cho người em một mảnh đất nhỏ cằn cỗi. Người em buồn rầu, chợt có bà tiên hiện lên an ủi rằng  mảnh đất ấy có giống  một loại cây đến mùa xuân sẽ nở hoa rất đẹp và thơm, b1àn được  nhiều tiền. Quả nhiên, người em  út nhờ bán hoa mà thành giàu có, và để tưởng  nhớ ơn bà tiên, đã dặt tên cho hoa là Thủy Tiên (22)

c) Tết ông Công, ông Táo
30 tháng chạp, cúng "ông Công, ông Táo", tục gọi là Vua Bếp, lên chầu Trời để phúc trình những  hành vi của gia chủ trong năm qua. Tiếng gọi là "ông  Công, ông Táo" nhưng thực sự lại là "hai ông, một bà". Có nhi1ều sự tích khàc  nhau, chẳng  hạn, theo Benito Thiện:

(...)  Bếp thì thờ Táo quân, gọi là Vua Bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một  lỗ ấy: thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là Vua Bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên" (13)

Vì họ là Vua Bếp nên cái kiềng trong  bếp mới có ba chân. Người ta cúng  một cỗ mũ nữ màu vàng, đặt ở giữa, hai cỗ mũ với một đôi hia, nhưng  tuyệt nhiên không  nhà  nào cúng  quần áo, nên  mới có câu giễu Vua Bếp:

Đội mũ đi hia, chẳng  mặc quần!

Cúng  ông  Táo có cả cá chép sống thả trong  chậu nước, cúng  xong đem ra sông, hồ phòng thích. Cá là phương tiện di chuyển duy nhất của Vua Bếp để lên chầu Trời vì thời xưa chưa có phi cơ, phi thuyền.

 

d - Cây nêu.
Ở nông thôn có tục trồng cây nêu trong sân đình hay trước cửa nhà vào ngày cuối năm. Cây nêu là một cây tre cao độ 10 thước, gọt hết cành lá chỉ chừa một chùm ở trên đỉnh, có treo phướn, giấy đỏ vẽ hình Bát quái, một chùm lông gà nhuộm ngũ sắc, một lẵng trầu cau để mời Thần Phật, khánh sành... mỗi khi có gió, cờ bay phất phới vui mắt, khánh kêu lanh canh vui tai.

Tương truyền xưa kia ma quỷ hay quấy nhiễu dân gian, bị Phật trừng phạt nên quỷ hứa sẽ không dám động đến đất nhà Phật, chỗ nào có cây nêu, cành phướn, biết là đất Phật, ma quỷ tránh xa. Vì cuối năm Phật lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Ðế 7 ngày mới về nên người ta trồng cây nêu 7 ngày mới hạ để ma quỷ khỏi ám.

 e - Cung tên vôi bột.
Ta còn có tục trong sân hay trước ngõ vẽ cung tên bằng vôi bột. Tương truyền khi xưa Ðinh Tiên Hoàng dẹp loạn xong lại gập lúc nước phải nạn dịch hạch. Vua cầu khấn thì có một ông thần hiện ra bảo lấy vôi bột rắc hình cung tên trước cửa nhà để trị, quả nhiên bệnh dịch lui. Từ đó thành lệ [xem chú thích (22)].

 f - Súc sắc, súc sẻ.
Thời xưa, cũng vào những ngày gần Tết, trẻ con trong làng họp thành đoàn, rủ nhau đi chúc Tết xin tiền, vừa đi vừa lúc lắc cái ống tre đựng tiền, đến từng nhà hát :

Súc sắc, súc sẻ,
Nhà nào còn đèn, còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào.
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp,
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu,
Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp,
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm.
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ,
Vợ ông sinh đẻ những con tốt lành,
Những con như tranh, những con như vẽ...

 g - Giao thừa.
Vào khoảng nửa đêm 30 tháng chạp, cũng gọi là đêm Trừ-tịch, mọi nhà đều bầy cỗ cúng hoa quả, bánh trái ở giữa sân rồi đốt pháo cúng giao thừa, làm lễ Tống cựu, Nghênh tân, tiễn vị Hành khiển năm cũ đi, đón vị Hành khiển năm mới đến. Có tất cả 12 vị Hành khiển thay mặt Ngọc Hoàng Thượng Ðế điều khiển mọi việc ở nhân gian ; mỗi năm cứ đến lúc giao thừa thì vị Hành khiển cũ bàn giao công việc lại cho vị Hành khiển mới. 
 

h - Tục kiêng quét nhà :
Xưa có một nhà buôn đi qua Ðộng Ðình Hồ gập cô gái đẹp đem về làm thiếp, từ đó làm ăn phát đạt hẳn lên. Một hôm, ngày mồng một Tết, người thiếp lỡ tay đánh vỡ một chiếc bình quý, bị chồng đánh đập, nàng bèn trốn trong đống rác, đến khi người ta tìm bới rác ra thì nàng đã đi đâu mất. Từ đấy người lái buôn làm ăn thua lỗ đến sạch nghiệp. Dân gian thành lệ ngày Tết không quét nhà, đổ rác, sợ làm ăn lụn bại [xem chú thích (22)].

i - Món ăn ngày Tết.
Trước hết phải kể đến bánh chưng. Có nhà treo cả dẫy trên một cái sào, gác ở trần nhà cho thoáng gió, giữ được lâu. Tuy nhiên, khí hậu ẩm ướt của Hà-thành thường làm bánh bị mốc, lúc ấy người ta gọt chỗ mốc đi đem tán nhuyễn, rán ròn, thành những chiếc bánh mỏng và tròn như chiếc đĩa. Hà-nội có hai loại bánh chưng : bánh mặn nhân đậu xanh, thịt và cà-cuống, bánh ngọt thì có đường nhưng không có cà-cuống. Tôi vốn không thích ngọt nhưng ăn bánh chưng rán thì lại chọn bánh đường.

Bánh chưng được dọn chung với "cá kho ngày Tết". "Cá ngày Tết" phải là những con cá chép to, kho đầy nồi với thịt rọi thái miếng vuông quân cờ, giềng và nước chè (không dùng nước hàng bằng đường thắng) cho khỏi tanh. Kho đi kho lại sao cho miếng cá còn nguyên nhưng thật dừ, ăn được cả xương mới là khéo.

Ngoài bánh chưng, cá kho, Tết còn phải có thang và cuốn. Cuốn ở Hà-nội khác cuốn ở miền Nam ở chỗ cuốn từng khúc ngắn nhỏ, bún, tôm, thịt rọi luộc để ở trong, rau diếp xanh quấn ngoài, buộc bằng hành lá. Khi bầy, dựng đứng khúc cuốn trên đĩa, trông thấy rõ nhân bún trắng, tôm hồng bên trong, viền một vòng rau xanh bên ngoài.

Nhìn bát thang, khách có thể đoán biết trình độ "nữ công" của bà chủ. Bún đơm phải khơi lên chứ không được nén chặt, mặt phải bằng phẳng để bầy mặt cho dễ. Các thứ bầy mặt : ruốc tôm, gà luộc, giò lụa, trứng tráng, rau răm thái nhuyễn. Lúc bầy, chọn mầu sắc đối chọi để cạnh nhau cho vui mắt, chẳng hạn không nên để thịt gà luộc cạnh giò lụa. Bày khéo thì đường phân chia ranh giới hai món cạnh nhau thẳng tắp, không có chuyện "giao lưu văn hóa" món này lem nhem xen lẫn với món kia. Thường chỉ bầy bốn món rồi ở giữa để một miếng trứng muối luộc với nhiều lòng đỏ. Ăn thang phải thật nóng nên trước khi dọn ra người ta đem chao, tức là múc nước dùng thật sôi đổ vào bát thang cho nóng rồi chắt đi, múc thêm nước lần thứ nhì, có khi thứ ba rồi mới bưng ra mời khách. Chao khéo thì bát thang bưng ra các thứ bầy mặt vẫn nằm nguyên chỗ. Ăn thang có cà-cuống và dưa hành đi kèm mới đủ vị.

Khách đến chơi nếu không gập bữa cơm, không muốn ăn bánh chưng hay thang, thì được mời những món ăn vặt như hạt dưa, kẹo, mứt... Hà-nội đặc biệt có bánh Xuân-cầu hình vuông, rán lên nở phồng, mỗi bề bằng ngón tay, mầu trắng, vàng, hồng, trên mặt rắc mật nấu với thảo quả thành những đường chỉ chằng chịt mầu nâu. Chủ nhà còn mời uống rượu ngày Tết để trừ tà khí.  

j - Tết Thầy.
 Người ta thường nói "ăn Tết ba ngày" nhưng đến mồng bẩy mới hạ cây nêu nên cũng nói "ăn Tết bẩy ngày". Trong ba ngày Tết, ngày mồng một quan trọng hơn cả, dành để đi thăm họ hàng thân ; mồng hai, thăm bạn bè, họ xa ; mồng ba, mồng bốn hóa vàng, tiễn ông vải. Sau đó, các nhà buôn chọn ngày tốt, cúng và đốt pháo mở cửa hàng.

Thời Nho học còn thịnh, mồng ba Tết có lệ học trò đến mừng tuổi Thầy học :

Mồng một thì ở nhà cha ;
Mồng hai, nhà vợ ; mồng ba, nhà Thầy.

Sau đây tôi lược lại một cảnh Tết Thầy học thời xưa, dưới ngòi bút của Chu Thiên :

"Mồng ba Tết, các đại danh sư không tiếp ai ngoài học trò mình. Ðệ tử giai kỳ tử, học trò cũng là con, những đứa con tinh thần. Hôm ấy không ai dám đến chơi nhà những bậc thầy danh tiếng, e phạm đến cái không khí nghiêm trang, đầm ấm giữa tình thầy trò thân mật buổi đầu Xuân.

Từng bọn một, học trò đem những quả lễ, trong bầy cam, rượu, chè, cau, đặt lên trình quan Hoàng-giáp rồi xin phép đưa lên lễ tổ. Bọn này ra, bọn kia vào. Hết lượt, cả bọn trở xuống nhà học xin phép quan Hoàng-giáp đem trầu đến chúc thọ cụ Cố. Thấy cụ Cố đang ngồi trên giường, học trò bước cả vào, quỳ lạy hai lạy, cùng nói :

- Học trò chúng con năm mới gọi là đem đầu sang chúc mừng Cố sống lâu trăm tuổi, con cháu mỗi ngày một nhiều.

Cụ Cố cười đáp :

- Quý hóa quá, lão cảm tạ các thầy. Lão cũng xin chúc các thầy văn hay chữ tốt, đỗ cao và làm quan to.

- Chúng con xin bái tạ Cố.

Xong, cả bọn xin phép về nhà học. Bây giờ mới chính thức có lễ mừng tuổi quan Hoàng-giáp. Tất cả học trò, người đã làm quan cũng như người chưa thành đạt, đứng thành ba hàng trên dưới, quỳ xuống. Quan Hoàng-giáp ngồi trên giường nói :

- Thầy miễn lễ cho các anh.

Học trò vẫn quỳ, một người ở hàng đầu lên tiếng thay mặt cả bọn :

- Thưa Thầy, nhân lúc cảnh đẹp, Xuân vui, anh em chúng con đem đầu lại bái chúc Thầy tuổi thọ  thêm cao, tinh thần thêm sáng, văn chương thêm chói, đạo đức thêm thịnh để giắt díu chúng con theo Thánh đạo. Thầy mãi mãi như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu, đời đời không mất.

Quan Hoàng-giáp đáp :

- Năm mới Xuân tươi, ta cũng chúc tất cả các anh ai cũng giữ được cái chí và cái đức. Người đỗ rồi thì phải biết làm sáng đạo Thánh và chính lòng người. Kẻ chưa có duyên với trường ốc phải biết phấn chí học hành, cố noi giữ đạo Tu, Tề, Trị, Bình. Ai ai cũng phải giữ khí tiết nhà Nho, đừng làm mảy may điều gì trái đạo, nhục cho cả sĩ lâm. Thế là Thầy mừng.

Học trò đứng lên xin phép xuống mừng tuổi hai Cô. Quan Hoàng-giáp ngần ngừ rồi cho đi. Hai Bà thấy học trò qua sân, xuống nhà dưới, vội ra đứng ở cửa đón chào. Bà Hai bưng cơi trầu ra mời mỗi người một miếng, bà Cả nói :

- Năm mới, chào các anh, các anh không phải lễ lạy gì cả, đến mừng tuổi Thầy là đủ. Chị em chúng tôi đa tạ các anh, mời các anh lên chơi nhà trên, ăn bánh với Thầy.

Học trò chào hai bà, trở về nhà học.

(...) Năm nào quan Hoàng-giáp cũng tiếp đãi học trò ngày đầu Xuân rất vui vẻ. Năm nào cũng định một cuộc vui chung khác nhau. Có khi ngài ra một bài thơ để họa vần, có khi bắt mỗi người vịnh một thứ hoa để bói chí, có khi bầy cuộc xướng họa, có khi ra câu đối để thử tài. Thường thi ngài chỉ cho uống chè Tầu, ăn bánh, ăn cơm, ít khi cho uống rượu" (26). 

- Tết qua ngòi bút của Hocquard (1886) :
Ngày Tết, trước ngưỡng cửa nhà nào cũng vạch vôi hình cung tên tréo nhau để nhắc lại tích Phật đánh dẹp ma quỷ. Có người còn lấy cây xương rồng hay những cành cây có gai bịt kín cửa để ma quỷ không vào được nhà quấy nhiễu. Ngoài cổng, bên trái bức tường có một bàn thờ nhỏ thắp đèn hương cúng thần giữ cửa, nhà giầu bầy hoa, giấy trang kim, bánh trái, ngày hai buổi làm cỗ cúng. Trong nhà, bàn ghế được đổi chỗ, cuối sân kết hoa, chăng giấy sặc sỡ thờ thần giếng. Thầy bói đến cân nước để bói : nếu lọ nước múc trước ngày mồng một nặng hơn lọ múc sau mồng một thì là điềm gở, trong năm phải cẩn thận. Vào dịp Tết người ta ăn uống phè phỡn, mỗi ngày ba bữa thịnh soạn, bữa nào cũng đem lên cúng tổ tiên. Trong bếp suốt ngày thắp hương nghi ngút cúng ông Táo.
Chỉ những người giúp việc là sung sướng nhất vì ngày Tết chủ nhà kiêng, không ai mắng mỏ (27).

2 - "Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè"
Nước ta nông nghiệp là chính nên đầu năm chưa bận mùa màng, dân chúng thường tổ chức hội hè mừng Xuân suốt tháng giêng, qua tháng hai, tháng ba, có khi kéo đến tận tháng tư như làng Phù-đổng, huyện Tiên-du, tỉnh Bắc-ninh. Suốt tháng giêng, đi đâu cũng nghe tiếng trống thùng thình, thấy cờ bay phấp phới.

Trong dịp Xuân, người ta tổ chức các trò chơi bách hí : thi đua, treo giải thưởng. Có những trò cổ truyền như đánh đu, leo cột mỡ, múa rối, cờ bỏi, cờ người... Lại có những trò riêng từng địa phương như hát quan họ, chơi kéo co, đánh phết... cả trăm trò khác nhau. Xin kể hai trò : đánh phết và đánh cờ người.

a - Ðánh Phết. Ðánh phết là một trò chơi đông người, chia làm hai phe. Chơi trên một khu đất rộng, gọi là sân phết. Sân chia làm hai phần, ở phía cuối mỗi phần vẽ một cái vòng tròn hoặc đào một cái hố. Người bên này dồn phết về phía bên kia, bao giờ quả phết lăn vào vòng tròn hay rơi xuống hố phe kia là thắng.

Quả phết làm bằng gỗ, to bằng cái bong bóng trâu thổi phồng. Gậy bằng gốc tre đực, đào cả củ, cắt bỏ cành rễ, dài độ một sải tay rưỡi, uốn cong khoằm khoằm.

Người chơi phải có sức mạnh mang nổi cây gậy phang vào quả phết bằng cái đầu có củ tre. Quả phết lăn đi, cũng có khi bị móc kéo đi. Lại phải nhanh nhẹn để tránh những đòn phang lầm rất mạnh.

Tương truyền, khi xưa hai bà Trưng huấn luyện nữ binh đã khuyến khích tinh thần chiến đấu và tình đoàn kết đồng đội bằng cách cho chơi phết. Mỗi khi chơi, Hai Bà thường ngự lãm và treo giải thưởng. Ðể ghi nhớ thời kỳ oanh liệt của Hai Bà, những làng có thờ các vị danh tướng của Hai Bà đều giữ tục đánh phết. Chẳng hạn, ngày 13 tháng giêng, dân làng Song-quan cúng tế Ðông cung Nữ tướng quân Thiều-Hoa, người đã lĩnh ấn tiên phong, đánh đuổi Tô-Ðịnh. Dẹp giặc xong, Thiều-Hoa không nhận phong thưởng, xin về quê, Trưng vương cho xã Song-quan làm thực ấp. Hàng năm, cúng tế xong bao giờ cũng mở hội cho trai gái tập trận giả rồi đánh phết. Ngày xưa, chơi phết toàn đàn bà, sau này có nơi trai làng giả nữ binh.

Có những làng không thờ danh tướng của Hai Bà cũng giữ tục này. Ðây là một trò chơi ồ ạt, đông người cười nói rầm rĩ. Từ ngữ Vui ra phết do đó mà ra (28).

 

Bàn cờ là sân đình

 b - Ðánh cờ người - Nếu đánh phết phải dùng sức mạnh thì đánh cờ phải đấu trí tuệ nhiều hơn. Khác với cờ bỏi mà quân là những cái biển mang tên, cắm ở vị trí quân cờ, quân của cờ người là người thực sự. Sau đây, tôi sơ lược lời của một tiền bối từng chứng kiến nhiều cuộc đấu cờ khoảng cuối thập niên 20, ở làng Ðại-yên, sát Ngọc-hà, vùng Hồ Tây, Hà-nội.

a - Bàn cờ là sân đình, có làm một cái rạp mái lợp cót để che mưa nắng, bốn phía để trống. Bàn cờ không có vạch, chia từng ô, mỗi góc ô có cái lỗ để cắm biển. (Cũng có nơi dùng vôi trắng kẻ vạch, hay vạch sâu xuống đất).

b - Giải vũ. Bên phải và bên trái của Ðình trung (nơi thờ Thành-hoàng) có hai dẫy giải vũ bằng gạch lợp ngói. Ngày thường là chỗ cất lọng, kiệu, đồ thờ, ngày làng vào đám dùng làm nơi cỗ bàn, ngày đấu cờ một giải vũ dành cho Tướng Ông, một dành cho Tướng Bà và các quân cờ sau khi bị loại ngồi nghỉ. Giải vũcó ba gian, trang hoàng, trần thiết như nhà riêng : vách treo y môn và trướng, giữa kê sập gụ trải chiếu hoa cạp điều, nệm nhiễu, gối xếp, sát tường bầy tủ chè, hai bên là tràng kỷ, án thư, có cả trầu nước để tiếp khách. Gian giữa, chỗ Tướng ngồi, thì treo mành.

c - Tế cờ. Suốt thời gian 10, 15 ngày từ khi mở hội cho tới khi rã đám, sáng nào cũng có tục tế cờ trước khi ra quân. Mỗi sáng, sau khi ăn cỗ linh đình tại nhà Tướng cờ, cả đoàn trang điểm rồi kéo nhau ra đình làm lễ tế Thành-hoàng, gọi là Tế cờ. Bên nam tế trước, nữ tế sau. Ðứng đầu là Tướng, quân sắp hàng ba đứng sau, đi đến trước bàn thờ Ðình. Có người điều khiển cuộc tế theo nhịp bát âm, tiến, lui, quỳ, bái, dâng rượu, hoa, nhang. Lúc tế có đốt pháo. Tế rồi ra sân, ai vào vị trí nấy, theo sự cắt đặt từ trước của Tướng cờ. Xong xuôi, Tướng cờ lui vào trong giải vũ, chỗ Tướng ngồi ở bàn cờ ngoài sân chỉ có cái biển. Ai tò mò muốn xem mặt Tướng -đặc biệt là các chàng trai Hà-thành muốn xem mặt Tướng Bà- có thể đến cửa giải vũ, chỗ treo mành, ngó vào.

d - Tướng cờ. Người được chọn làm Tướng là một vinh dự nhưng phải đăng cai, chịu tốn kém, đài thọ quân cờ ngày nào cũng cỗ bàn, ăn uống, người phục dịch, lại phải may sắm quần áo cho quân.

Bà Tướng mặc áo hồng, khăn vành giây vàng, đi giầy cườm hay vân hài bọc đoạn mầu, thêu rồng phượng, hoa lá, chỉ vàng chỉ bạc, ngồi trên sập trong giải vũ trông ra sân, trước sập có treo mành.

e - Quân cờ. Quân là những thanh niên nam nữ do làng cắt cử, nhưng cũng có người tự nguyện. Thường thì người ta chọn thừa 4, 5 người để quân cờ có thể thay phiên nhau cho đỡ mệt vì phải ngồi trên ghế đẩu ở ngoài sân có khi cả 4, 5 tiếng. Quân cờ sợ nhất phải ngồi dai, bị điều khiển nhiều lần. Vất vả là những quân xe, pháo, mã, người ta thích làm quân tốt ba, dễ được giải ngũ sớm. Mỗi quân cầm một cái biển sơn son, chữ vàng, có cán dài độ một thước rưỡi tây, cắm xuống cái lỗ của vị trí mình

Các quân nữ vấn khăn nhung, áo mầu, có nơi thêu tên quân cờ ở giữa ngực và sau lưng.

Quân nam mặc áo the hoặc áo tất xanh, quần trắng ống sớ, thắt giây lưng điều, chân đi giầy Gia-định.  

f - Người đấu cờ. Người đấu phải qua một lần khảo sát, đấu với người cầm trịch trên bàn cờ gỗ xem có "sạch nước cản" không, nghĩa là không đi quân lầm lỗi. Ðược chấm đậu mới rút thăm đấu vòng loại : đấu giải nhất thắng, rồi nhị thắng, tam thắng, tứ thắng, cứ loại dần cho tới khi chỉ còn hai người vào chung kết.

  
Quân cờ nữ 
Mỗi người đấu có cây cờ lệnh (kiểu cờ đuôi nheo, hình tam giác, viền răng cưa) khi muốn đi nước nào thì lấy cờ phất một cái trên đầu quân cờ rồi tự tay cầm biển cờ cắm vào chỗ muốn đi, quân cờ sách ghế đi theo, ngồi xuống vị trí mới.

Người đấu phải quyết định tương đối nhanh, nghĩ nước lâu quá thì có người cầm trống khẩu kê bên mang tai mà gõ liên hồi để giục khiến cho tâm trí càng thêm rối loạn.

Cuộc đấu mà kéo dài đến đêm thì người ta đốt đèn đất (đèn khí đá, hydrocarbure) để tiếp tục cho đến khi phân thắng bại.

Sau đây tôi xin lược trích một truyện ngắn của Khái Hưng :

Làng Ðông vào đám, mở cuộc đánh cờ người. Khoá Nghị là người giữ giải. Ðã hơn một tuần lễ, ngày nào cũng có người đến đấu nhưng đều bị thua.

Hôm ấy là ngày tan đám, lại cũng là ngày phá giải cờ. Trai gái các làng lân cận đến xem rất đông. Người ta đặc biệt chú ý đến 16 cô quân cờ ngồi trên ghế đẩu, từ cô Tướng đến cô Tốt đều xinh đẹp, ăn mặc lịch sự, phấn sáp điểm trang công phu, tóc bôi dầu dừa, vấn khăn nhung, áo cẩm châu sặc sỡ, giầy mũi nhọn...

Hai Phùng, người đến phá giải, nổi tiếng cao cờ khắp mấy tỉnh vùng xuôi, lại cũng là một tay "hào hoa phong nhã" nên vừa hiện diện lập tức gây sôi nổi, bàn tán. Lệ thường, người phá giải được quyền đi trước, còn người giữ giải được chọn bên. Lần này Hai Phùng phá lệ, tình nguyện nhường Khóa Nghị đi trước. Khóa Nghị tưởng Hai Phùng nhường vì muốn tỏ ra mình là tay "hào hiệp" bèn cũng không chịu kém, không những nhường cho Hai Phùng chọn bên, lại nhường luôn cả nước đi trước. Hai Phùng dĩ nhiên chọn bên nữ.

Trống đánh giục mở đầu, Hai Phùng tiến đến bên cô Sĩ, phất cờ đuôi nheo, mời cô đi lên. Khóa Nghị thấy Hai Phùng vào đầu ghểnh sĩ, cho là đối thủ không muốn tranh tiên đi trước, cam bỏ phí nước đầu. Khóa Nghị cũng tỏ ra mình "anh hùng", đấm tốt ba. Mặc cho Khóa Nghị đi nước gì Hai Phùng cũng không để mắt tới, cứ quanh quẩn bên cô Sĩ tán chuyện. Khi bị trống thúc ầm ĩ, không thể nói chuyện được thì Hai Phùng phất cờ mời cô Sĩ lui về chỗ cũ. Mọi người ngơ ngác, Khóa Nghị cho là đối phương khinh chiến, tức mình mở cuộc đại công kích. Nhưng hễ đến phiên Hai Phùng đi, vừa nghe tiếng trống giục là phất cờ mời cô Sĩ tiến lên hoặc lui xuống. Khóa Nghị đã vào pháo đầu mà bên địch còn xuống Sĩ. Khóa Nghị sang tốt đầu, người đánh trống thấy Hai Phùng lâu quá không đi bèn đem trống đến gõ bên tai. Hai Phùng vội giục cô Sĩ lên. Lần này cờ vừa phất, cô Sĩ vừa ngồi xuống thì ông Chánh Hội cười ngặt nghẽo, mời Hai Phùng đi ra.

Năm ấy Khóa Nghị đoạt được giải.

Nhưng Hai Phùng được quả tim cô Sĩ"(29).

Châtenay-Malabry, tháng 11, 1996
(Thế Kỷ 21, số Xuân Ðinh Sửu, tháng 2, 1997)
Sử
 

====

Chú thích:
[1] - Sử Ký Tư Mã Thiên, tr. 135 - Kinh Dịch, tr. XXIV, 2, 19-20 - Lão Tử Tinh Hoa, tr. 128 - Nho Giáo, I, tr. 177 - Khổng Tử, tr. 137 - Thực lục, IX, tr. 168.

[2] - Kinh Lễ, tr. 101-2.

[3] - Trung Quốc Sử Cương, tr. 9, 157, 303.

[4] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 197.

[5] - Thủy Hử, IV, tr. 1310-11 - Văn Hoè, Trung Bắc Chủ Nhật, số 100.

[6] - Lê Tắc, tr. 46-7, 129

- Ðài Chúng tiên không đặc biệt dành riêng cho Tết, Ðại Việt Sử Lược, tr. 187 và 211 :

Năm 1120, mùa đông, tháng 10, Lý Nhân Tông sai dựng đài Chúng Tiên. Có đua thuyền.

Năm 1162, mùa thu, dựng đài Chúng Tiên, từng trên lợp ngói vàng, từng dưới lợp ngói bạc.

[7] - Minh Mệnh Chính Yếu, II, 153-4 - Thực Lục, IX, tr. 168-9.

[8] - Sử Ký Toàn Thư, III, tr. 98.

[9] - Sử Ký Toàn Thư, III, tr. 150.

[10] - Phan Huy Chú, Lễ Nghi Chí, tr. 149-50.

[11] - S. Baron, tr. 36.

[12] - Phan Huy Chú, tr. 150-1 - Thăng-long, Ðông đô, Hà-nội, tr. 194.

[13] - Phan Huy Chú, tr. 148-9 - Ðỗ Ðoàn Bằng, tr. 183-4.

[14] - Phủ Biên Tạp Lục, tr. 339.

[15] - Ðỗ Quang Chính, tr. 119-20, 128.

[16] - Minh Mệnh Chính Yếu, I, tr. 13, 20 ; III, tr. 43 ; II, tr. 206 - Thực Lục XXII, tr. 354-6.

[17] - Thanh Ðạm, tr.. 275.

[18] - J. Jacnal, tr. 104-5.

[19] - Thực Lục, III, 359.

[20] - Thực Lục, XXVII, tr. 65.

[21] - Thực Lục, VI, 133.

[22] - Thực Lục, IX, tr. 168-70.

[23] - Ðại-Nam Ðiển Lệ, tr. 333 - Tuyển tập Văn Bia Hà-nội, I, tr. 47-8. Bia soạn năm 1820.

[24] - Coutumes et Légendes...

[25] - Thi Nhân Việt-Nam, tr. 80-1.

[26] - Nhà Nho, tr. 151-2.

[27] - Hocquard, tr. 624-5.

[28] - Hội Hè Ðình Ðám, II, tr. 284-5.

[29] - Tiếng Suối Reo, tr. 178-84. 
  
SÁCH THAM KHẢO

BARON, Samuel : Description du Royaume de Tonquin. Bản dịch của H. Deseille.

CHU THIÊN : Nhà Nho. Hà-nội, 1943 (?) ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

ÐÀO TRINH NHẤT : "Quyển lịch của Quách Thủ Kính", Trung Bắc Chủ Nhật, số 184, 21/11/1943.

ÐỖ BẰNG ÐOÀN & ÐỔ TRỌNG HUỀ : Những Ðại Lễ và Vũ khúc của Vua Chúa Việt-Nam. Văn Học, 1992.

Й QUANG CHÍNH : Lịch sử chữ quốc ngữ. (1620-59). Saigon : Ra Khơi, 1972 ; Paris : Ðường Mới tái bản, 1985.

GIẢN CHI & NGUYỀN HIẾN LÊ : Sử Ký Tư Mã Thiên. Saigon : Lá Bối, 1970 ; tái bản, 1972 ; tái bản ở Mỹ.

GIANG QUÂN & PHAN TẤT LIÊM : "Lễ thức và Phong tục", Thăng-long, Ðông đô, Hà-nội. Hà-nội : Sở Văn Hóa & Thông Tin, 1991.

JACNAL, Jean : "Mémoires de S.E. Huỳnh Côn dit Ðan Tương. Ancien Ministre des Rites", Revue Indochinoise, No 1-2, Jan.-Fév. 1924.

KHÁI HƯNG : "Lên Sĩ... Xuống Sĩ...", Tiếng Suổi Reo. Tái bản ở Mỹ.

KIÊM THÊM : Tết Việt-Nam. California : Xuân Thu, 1987.

LAN SƠN : "Vết thương lòng", Thi Nhân Việt-Nam. Hà-nội, 1942 ; Hoa Tiên tái bản lần thứ hai ở miền Nam, 1968.

LÊ QUÝ ÐÔN : Phủ Biên Tạp Lục. Dịch giả Mai Ngọc Mai. Hà-nội : KHXH, 1977.

Vân Ðài Loại Ngữ. Dịch giả Tạ Quang Phát. Saigon : Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1972, 1973.

LÊ TẮC : An-Nam Chí Lược. Viện Ðại Học Huế, 1961.

NGÔ SĨ LIÊN : Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, I, II. Hà-nội : KHXH, 1967. Cao Huy Giu dịch.

NGUYỀN CÔNG HOAN : Thanh Ðạm. Hà-nội : Ðời Mới, 1943 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỀN DUY CẦN (Thu Giang) : Lão tử Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1963.

" " " : Dịch Học Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1969 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

NGUYỀN ÐỔNG CHI : Nguồn Gốc Sự Vật, I. Paris : Ðông Nam Á, 1986.

NGUYỀN HI?N LÊ : Khổng Tử. California : Văn Nghệ, 1992.

PHAN HUY CHÚ : Lịch Triều Hiến Chương - Lễ Nghi Chí. Hà-nội. Tổ Phiên dịch Viện Sử Học, 1961.

PHAN KẾ BÍNH : Việt-Nam Phong Tục. Sống Mới tái bản ở Mỹ.

PHAN KHOANG (?) : Trung Quốc Sử Cương. Saigon : 1958 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

THI NI AM : Thủy Hử, IV. Á Nam Trần Tuấn Khải dịch. Sống Mới, 1978.

TOAN ÁNH : Phong Tục Việt-Nam. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

: Hội Hè Ðình Ðám, II. Nam Chi Tùng Thư, 1974.

TRƯƠNG VĨNH KÝ : Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs. Saigon : Imprimerie coloniale, 1885. Bản dịch của Nguyễn Ðình Dầu, Ký ức về Saigon và các vùng phục cận. Trẻ, 1997.

VĂN HOÈ : "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rầm tháng giêng", Trung Bắc Chủ Nhật, số 100, 1/3/1942.

"Coutumes et Légendes de la Fête du Tết au Việt-nam". Edition spéciale publiée par la Revue Horizon. Saigon. Không đề năm và tên tác giả.

Ðại-Nam Thực Lục. Hà-nội : KHXH, Khoa Học, 1963, 1964, 1967, 1973.

Ðại-Nam Ðiển Lệ. Nguyễn Sĩ Giác dịch. Saigon : Ðại Học Luật Khoa, 1962.

Ðại Việt Sử Lược. Khuyết danh. Dịch giả : Nguyễn Gia Tường. TPHCM, 1993.

Kinh Lễ. Dịch giả Nguyễn Tôn Nhan. Văn Học, 1999.

Minh-Mệnh Chính Yếu, I, II, IV. Huế : Thuận Hóa, 1994.

Tuyển tập Văn Bia Hà-nội, tập I. Hà-nội : KHXH, 1978. 

Trích từ quyển Lối Xưa Xe Ngựa tập II - An Tiêm xuất bản - Paris - 2002