Nhân dịp Tết nói về Thờ Kính Tổ Tiên |
Tác Giả: Vũ Khánh Thành | |||
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 00:50 | |||
Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam Học với chủ đề Hội Nhập và Phát Triển đầu tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, rất nhiều đề tài đã được các học giả thượng thặng từ trong nước lẫn hải ngoại, người Việt cũng như người ngoại quốc tham dự. Trong số các bài tham luận có một số bài về việc Thờ Cúng Tổ Tiên của người Việt Nam . Tôi chú ý đến 2 bài của học giả Lê Đức Hạnh, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo với đề tài “Thờ cúng tổ tiên của người Công Giáo” và bài “Niềm tin vào thờ cúng Tổ Tiên” của Phó GS TS Nguyễn Hồi Loan thuộc ĐHQG Hà Nội.
Phải nói ngay rằng các bài này viết rất công phu và có công sưu tầm. Rất hữu ích cho sự hiểu biết chung chung về một mặt nào đó của xã hội Việt Nam hiện nay. Rất tiếc, các tác giả này đã không nói được tại sao với người Việt, việc thờ cúng tổ tiên còn duy trì mãi đến tận hôm nay trong khi các dân tộc khác ở nhiều nơi trên thế giới cũng có thờ kính tổ tiên, nhưng tất cả các nền văn hoá của họ đã xụp đổ, kéo theo cả sự thờ tổ tiên. Vậy việc thờ kính tổ tiên chẳng có chi là dân tộc tính mà chỉ là một sự mê tín đã lỗi thời cần phải bỏ đi.
Sự khác biệt nền tảng là bên Viễn Đông (Tàu, Việt, Nhật, Hàn Quốc) có một bài vị là VĂN TỔ để giữa bốn bài vị của Cao, Tằng, Tổ, Nỉ, xếp theo khung ngũ hành, nghĩa là đặt ở bốn phương, còn trung cung dành cho Văn Tổ như sau:
Hoả Tổ Mộc THỔ Kim Tằng VĂN TỔ Cao Thủy Nỉ
(Nỉ là cha. Khi còn sống gọi là Phụ. Khi đã chết gọi là Khảo. Khi rước vào miếu gọi là Nỉ. Tổ là ông. Tằng là bố của ông. Cao là ông của ông) “Chính sự xếp đặt này nói lên một cuộc cách mạng vĩ đại đã xẩy ra ở miền Việt Nho: nó biến đổi tục thờ ông bà theo kiểu ma thuật (tin ông bà về ăn của dâng cúng) để vươn lên đợt tâm linh gọi là Lễ Gia Tiên mà ý nghĩa cao nhất là thờ nhân tính, và chỉ ở đợt này mới có lối xếp bài vị theo cơ cấu ngũ hành. Nó biểu lộ một cuộc cách mạng trong ý nghĩa, khiến cho Lễ Gia Tiên tồn tại cho đến nay, và còn có thể trở nên một nghi lễ có thực chất. Để thấy được ý nghĩa đó (thờ nhân tính) cao sâu đến đâu thì cần phải biết hai ý nghĩa thấp hơn. Ý nghĩa thấp nhất là tin linh hồn tổ tiên về hưởng các của đơm cúng, đó là tin tưởng theo đợt bái vật. Ý nghĩa thứ hai là tỏ lòng tưởng nhớ ông bà , biểu lộ lòng tri ân tiên tổ. Ý nghĩa này thuộc luân lý, ai cũng có thể chấp nhận. Còn ý nghĩa thứ ba là thờ nhân tính. Đó là đợt cao nhất mà văn hóa Việt Nho đã đạt được nhờ quan niệm về con người như “nơi qui tụ đức của trời và đất” (nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Nếu trời đất đáng thờ thì người là nơi qui tụ đức của trời đất cũng đáng thờ vậy. Đó là ý đã trở nên cột cái cho nền nhân chủ Việt Nho đã được biểu lộ vào khung ngũ hành” (Kim Định - Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên tr 29 -30 www.anviettoancau.net) .
Trong bài nghiên cứu của Nguyễn Hồi Loan đã đi phỏng vấn nhiều người, nhiều địa phương khác nhau, xếp đặt nhiều quan niệm của nhiều giới nhưng tựu trung đều căn cứ vào lối thờ cúng thông thường bình dân tức là tin linh hồn tiên tổ cần ăn ở tiêu xài như người sống, cần gửi tiền bạc, quần áo, cho tiên tổ. Các vua chúa thì cần giết các quí phi xuống âm phủ hầu hạ Vua, chôn theo tiền bạc của cải cho Vua tiêu dùng. Đây là đợt hồn hạ cấp, gọi là Phách hay Vía, tuy mắt ta không xem thấy, nghe thấy nhưng hồn vẫn đi lại lờn vờn trong nhà để bang trợ hay sửa phạt con cháu. Do đó có việc đơm cúng cỗ bàn cho người chết về hưởng.
Đến một giai đoạn nào đó, con người cho đó là hão huyền, là dị đoan mê tín. Chết là hết. Cuộc tranh luận có hay không có linh hồn tồn tại sau khi xác đã chết ? Các tôn giáo cho linh hồn bất tử, không cần tiếp tế lương thực vật dụng chi nữa. Chỉ cần cầu nguyện cho người chết được tiêu diêu miền cực lạc hay về hưởng nhan thánh Chúa. Tuy nhiên đó chỉ là giải đáp theo lối tôn giáo và chỉ có giá trị đối với tôn giáo.
Triết lý gia tiên không đưa ra một giải đáp cho chính vấn đề có với không mà đặt trọng tâm vào tác động nhằm trọn vẹn hoá chính người tế dâng. Không buộc phải tin có linh hồn nhưng được coi là mối liên hệ giữa người sống với muôn thế hệ đã qua cũng như với bản tính con người mà mình có nhiệm vụ phát triển cho đến cùng cực mọi khả năng nơi mình.
Việc giáo dục con cái sống đúng đạo làm người, đừng làm điếm nhục gia phong, theo gương tổ tiên sống ngay chết lành là trọng tâm của ngày Giỗ ngày Tết Việt Nam và là nền tảng của việc giáo dục gia đình.
Vấn đề tóm tắt chỉ có như vậy nhưng đã là một tranh luận có cả máu đổ thịt rơi tới hàng trăm ngàn người ở Việt Nam cũng như Trung Hoa vào những thế kỷ trước với việc cấm đạo dữ dội nhất của các vua quan thời nhà Nguyễn. Cuộc tranh luận giữa Dòng Tên (Dòng cao cấp về văn hoá, học vấn tri thức cao) và Dòng Đa Minh suốt 200 năm trời. Dòng Tên căn cứ vào Kinh Điển, thì cho rằng, việc thờ kính tổ tiên được phép và không phản lại đức tin Công Giáo. Dòng Đa Minh căn cứ theo sự thờ cúng nơi đại chúng thì cho rằng đó là mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Cuối cùng đưa tới Vatican cũng bị Giáo Hoàng La Mã cấm ngặt tới nỗi ra vạ tuyệt thông cho những người Công Giáo tin vào Lễ Gia Tiên. Vua Chúa Việt Nam thì cho rằng theo Đạo Công Giáo là tà đạo, phá hoại phong tục văn hoá Việt Nam cần phải trảm quyết. Từ những cuộc bách hại lâu dài ấy, thực dân Pháp lấy cớ bảo vệ Giáo Sĩ của họ và bảo vệ người theo Gia Tô Giáo, Pháp đã xâm lăng nước ta. Mãi tới năm 1958 với Công Đồng Vatican II, La Mã mới công nhận việc thờ cúng tổ tiên và cho phép người Công Giáo Việt Nam thắp hương khấn nguyện cho người quá cố ngay cả trong nhà thờ.
|