22 tháng 11 |
Tác Giả: Đinh Từ Thức | |||
Thứ Năm, 27 Tháng 11 Năm 2008 16:30 | |||
LTS: Cái chết của Tổng Thống John F. Kennedy 45 năm trước là một biến cố lịch sử quan trọng. Sau đây là câu truyện được kể lại theo cái nhìn từ Air Force One, chiếc Boeing 707 đã chở Tổng thống Kennedy đi vận động tái tranh cử ở Texas, và chở xác ông về vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, được thuật lại bởi J.F. terHorst & Ralph Albertazzie. J.F. ("Jerry") terHorst là ký giả tại Bạch Ốc từ năm 1957, tháp tùng nhiều chuyến công du quan trọng của Tổng Thống, kể cả chuyến đi của Nixon tới Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Ông cũng là tùy viên báo chí đầu tiên của Tổng thống Ford. J.F. terHorst từ chức tháng 9 năm 1974 vì phản đối chuyện Tổng Thống Ford ra ân xá cho cựu Tổng Thống Nixon. Đại tá Ralph Albertazzie là Tư lệnh Air Force One trong hơn 5 năm, thời Nixon. Chuyến bay từ Fort Worth tới địa điểm kế tiếp chỉ có 13 phút, xa đủ cho Đại tá James Swindal nâng chiếc Boeing 707 sang trọng lên trên tầm mây, trước khi bắt đầu hạ cánh xuống phi trường Love Field ở Dallas. Trên đường lăn bánh tới tòa nhà chính phi trường, Swindal có thể nhìn thấy một đám đông đợi sẵn, đang nhẩy múa vẫy chào. Điều này chứng tỏ đâu phải tất cả Dallas đều chống Kennedy, như nhóm tiền đạo đã báo cáo. Air Force Two, chiếc Boeing giống hệt, tuy cũ hơn, chở Phó Tổng thống và bà Johnson cùng với nhóm dân biểu Texas, và đám phụ tá cho ông Lyndon Johnson, đã hạ cánh từ trước. Ở Dallas hôm nay, cũng như hôm trước tại San Antonio, Houston và Fort Worth, ông Johnson đã đóng vai "người nhà Texas," để đón tiếp Tổng Thống và Bà Kennedy. Đám đông kêu ré lên, khi cửa Air Force One mở, và ông bà Kennedy bước ra dưới ánh mặt trời chói chang. Tổng thống và phu nhân, vượt mau qua một hàng dầy đặc các nhà tai mắt Dallas đón chào, và vội vàng tới bắt tay những người ngưỡng mộ đứng dọc theo hàng rào. Jacqueline cười rạng rỡ khi nhận bó hồng tươi từ tay một thiếu nữ. Ông bà Kennedy đã để ra gần 20 phút tiếp xúc với dân chúng, lâu hơn thời gian dự trù, nhưng vẫn không đủ để vừa lòng những người ái mộ. Các bà reo lên: "Tôi đụng vào ông ấy rồi! Tui sờ Ổng rồi!" Ký giả Charles Roberts của Newsweek tới gần được bà Kennedy, hỏi: "Bà có thích đi vận động không?" "Tuyệt diệu!" bà trả lời. "Thật là tuyệt vời!" Từ cửa Air Force One, kỹ sư phi hành Joe Chappell đứng ngắm đoàn xe xếp hàng sửa soạn vào Dallas. Tổng thống Kennedy ra lệnh gỡ bỏ tấm mui úp như nửa trái bong bóng từ chiếc limousine Lincoln bọc thép chống đạn, để dân chúng có thể dễ dàng nhìn thấy ông và Jackie. Ông cũng ra lệnh cho các nhân viên mật vụ không đứng chắn trên bệ gấp, gắn hai bên và sau xe, khi qua những phố đông đúc. Tổng Thống Kennedy muốn chứng tỏ ông không hề sợ hãi khi tới Dallas, mặc dầu giữa không khí bảo thủ nóng bỏng. Năm 1960, một đám các bà nội trợ đã nhổ nước bọt vào ông bà Johnson, chỉ vì ông đã chịu tranh cử chung liên danh với Kennedy. Mới vài tuần trước, Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson đã bị đối xử không đẹp tại Dallas. Và mới sáng nay, 22 tháng 11, 1963, báo Dallas Morning News đã đăng nguyên trang quảng cáo khung đen, lên tiếng tố cáo Kennedy quá mềm yếu đối với Cộng sản. Tổng thống tỏ vẻ ghê tởm khi đọc nó, mới trước khi máy bay hạ cánh.
Ngay sau limousine Bạch Ốc là "Queen Mary," một chiếc Cadillac đời 1955 nặng tới 5 tấn, là xe an ninh, đầy nhóc mật vụ. Theo sau là chiếc xe mui trần chở Phó Tổng Thống, ngồi chung với đối thủ cũ là Nghị sĩ Ralph Yarborough.
Nối tiếp là đoàn xe chở đám ký giả thường trực tại Bạch Ốc, và các nhiếp ảnh viên, thêm một số các nhân vật tại Texas, và cuối cùng là đoàn xe bus cho các chính trị gia kém quan trọng hơn, cùng với các phóng viên của Washington và Texas. Khi limousine của Tổng thống bắt đầu lăn bánh, là cảnh tranh nhau lên xe bus của các phóng viên từng theo sát ông bà Kennedy, lúc họ bắt tay dân chúng gần hàng rào phi trường. Ký giả Roberts phóng lên được chiếc bus báo chí đầu tiên, cách Tổng thống bảy xe.
Đô đốc George Burkley, bác sĩ riêng của Tổng Thống thiếu may mắn hơn. Kenneth O'Donnell, tùy viên trưởng của Tổng Thống, muốn đi trên chiếc Queen Mary. Thế là, bác sĩ phải đi trên chiếc bus gần cuối đoàn. Đô đốc phản đối với bà Evelyn Lincoln, thư ký riêng của Tổng Thống, cũng đi cùng xe: "Thật vô lý! Bác sĩ riêng của Tỗng Thống phải đi gần ông ấy chứ." Dầu sao, lời ca cẩm của bác sĩ Burkley có vẻ không đáng quan tâm. Khắp nơi, không hề có dấu hiệu bất thường nào; toàn những người đổ ra đầy vẻ nồng nhiệt và thân hữu. Đoàn xe, được hộ tống hai bên bởi mô-tô cảnh sát, bò chậm chạp theo Lemmon Avenue, vào Turtle Creek Boulevard, xuống Harwood Street rồi quẹo mặt vào Main Street, cách Dealey Plaza 12 khu phố. Một đám đông khổng lồ. Đoàn xe được đón chào bằng tiếng la hét, một thứ âm thanh như sấm động, lên xuống như cả dẫy nhà chọc trời đổ xuống đoàn xe phía dưới.. Cả một biển người dọc theo hai bên Main Street. Giữa trưa, tháng 11 mà nóng như thiêu.
Không phải tất cả mọi người đều rời Air Force One để vào thành phố. Christine Camp và Sue Vogelsinger là hai thư ký của phòng báo chí Bạch Ốc, ở lại trên phi cơ để in những thông cáo báo chí về lịch trình dự trù cho ngày hôm sau, như dạ tiệc gây quỹ lớn tại Austin. Phi công Swindal, bận rộn với nhiệm vụ phải chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi kế tiếp, đã chỉ ăn một sandwich thịt bò nướng, và từ chối lời mời ăn trưa với Đại tá George McNally, trưởng cơ quan truyền tin Bạch Ốc. Vì Tổng Thống và Đệ Nhất Phu Nhân chỉ trở lại phi trường sớm nhất là sau 90 phút, nhiều người đã quyết định đi theo McNally. Từ tiệm ăn phi trường, họ có thể nhìn thấy rõ phi cơ Tổng Thống (số hiệu SAM 26000). Xa hơn chút nữa là chiếc Air Force Two (SAM 970), và chiếc phản lực cơ thuê của hãng Pan American chở báo chí Bạch Ốc.
Trung tâm truyền tin trên Air Force One có đường liên lạc thường trực bằng radio với đoàn xe Tổng Thống, và với sở truyền tin Bạch Ốc qua chi nhánh tạm thời đặt tại khách sạn Sheraton-Dallas. Từ đấy, có liên lạc vô tuyến giữa toán Bạch Ốc du hành với Bạch Ốc cố định ở Washington, trung tâm Chỉ huy Quân sự ở Pentagon, Bộ Ngoại giao và trụ sở trung ương Mật Vụ (Secret Service). Từ trên phi cơ, Swindal có thể nghe tiếng các nhân viên mật vụ nói với nhau, trong khi đoàn xe đi qua trung tâm Dallas để tới Trade Mart, là nơi Tổng Thống sẽ nói truyện với công chúng.
12:30 chiều, giờ Dallas trên Air Force One, một tiếng nổ nghe được từ băng tần Charlie, rồi một tiếng nữa. Swindal khựng lại. Ông nhận ra tiếng Roy Kellerman, trưởng nhóm Mật Vụ đi trên xe Tổng Thống, cùng với tiếng nổ thứ ba: "Dagger chắn Volunteer!" ("Dagger cover Volunteer!") Qua radio, nghe rõ ràng tiếng bánh xe rít trên mặt đường. Rồi im lặng. Chuyện gì đã xẩy ra? Giọng Kellerman đầy vẻ ngạc nhiên và cấp bách. "Dagger" là mật hiệu chỉ Rufus Youngblood, trưởng nhóm mật vụ đi theo Lyndon B. Johnson (LBJ). "Volunteer" là mật hiệu chỉ Phó Tổng Thống LBJ. Phải chăng Phó Tổng Thống đã bị tấn công?
Chuyện gỉ đã xẩy ra? Im lặng và chờ đợi làm cho không khí gần như nghẹt thở. Rồi một lúc lâu sau, Swindal nhận được cú điện thoại từ bệnh viện Parkland Memorial. Thiếu tướng Godfrey McHugh, tùy viên không lực của Tổng Thống, chỉ ra lệnh mà không giải thích: Đổ xăng Air Force One ngay lập tức, bỏ chuyến đi Austin, nạp phi trình về thẳng Washington. Bây giờ thì Swindal biết chuyện gì đó đã xẩy ra cho Tổng Thống.. Ông tiến ra căn phòng lớn của Tổng Thống ở phía trước phi cơ, bật TV. Nhận thấy vẻ chấn động của ông, những người khác trên phi cơ – Camp, Vogelsinger, Ayres và Thomas – cũng bu lại quanh máy truyền hình.
12:36 giờ Dallas, ABC chen vào chương trình của đài địa phương, loan tin khẩn cấp của Merriman Smith, phóng viên UPI, đi với nhóm ký giả, cách Tổng Thống 3 xe: "Ba phát súng đã bắn vào xe Tổng Thống tại Dallas." Bốn phút sau, Walter Cronkite xuất hiện trên CBS, loan báo Tổng Thống bị bắn, và có lẽ bị trọng thương. Sau đó, NBC cho biết thêm những điều khủng khiếp khác.
Mọi người như tê dại trước chiếc TV tại phòng Tổng Thống trên Air Force One. Mọi chuyện như ngừng lại. Họ nhìn trân vào mắt nhau, rúng động. Không thể chấp nhận được những mẩu tin đang bắn ra từ màn ảnh TV, như những viên đạn vô hình. Hai người phụ nữ ôm nhau khóc nức nở. Ayres đấm đầu than trời. Thomas nước mắt lưng tròng, như người không hồn, đi về phòng ngủ phía sau cất dọn quần áo của Kennedy. Trung tá Lewis Hanson, phi công phụ của Air Force One, nhân cơ hội dừng chân ở Dallas, đã chạy về thăm mẹ vợ đau yếu sống tại đây. Khi được hung tin, vội trở lại Love Field giúp đỡ Swindal.
Tại tiệm ăn phi trường, nhóm thành viên phi hành cảm thấy có chuyện bất thường. Tiếng chén đĩa khua lớn hơn thường lệ. Người này nói nhỏ với người kia đầy vẻ âu lo. Ngay cả đám hầu bàn cũng túm năm tụm ba chỗ cửa nhà bếp. Thượng sĩ Joe Giordano, trưởng ban hành lý trên Air Force One, đứng lên đi tìm hiểu nguồn tin nói rằng toán Pan Am đã được gọi trở lại phi cơ chở báo chí. Rồi hệ thống loa phát thanh công cộng gọi khẩn cấp các toán phi hành của SAM 26000 và SAM 970.
1:23 giờ Dallas (2:23 giờ miền Đông Hoa Kỳ) tin radio cho biết Tổng Thống Kennedy đã được chịu các phép bí tích sau cùng theo đạo Công Giáo. 1:35 tại Dallas, UPI và AP loan đi nguồn tin làm chấn động thế giới: "Tổng Thống Kennedy đã từ trần." Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Love Field bỗng nhiên im lặng đáng sợ. Không cử động. Không tiếng nói. Tiếp theo là sự đau buồn, hoang mang và sự sợ hãi rình rập tại bệnh viện Parkland Memorial đã chuyển tới Love Field. "Chính quyền Hoa Kỳ đã bị đánh nát đầu," giống như sau này Roberts của Newsweek đã viết. Trong vòng hai giờ đầu, không ai biết đầu đuôi câu truyện ra sao. Cảnh sát chạy quanh với cái nhìn ngu ngốc. "Ai nhìn không có vẻ ngu ngốc, thì cảm thấy ngu ngốc." Nếu ai có trách nhiệm điều khiển mọi sự vào lúc đó, thì xem như chẳng ai biết người đó là ai. Được lệnh sửa soạn cho SAM 26000 cất cánh tức thì, Swindal chỉ thị cho Chappell rút đường giây nối máy điều hòa không khí từ dưới đất. Dưới ánh nắng nóng bỏng của Texas, bên trong phi cơ giống như phòng tắm hơi. Trở lại trước tiên từ bệnh viện, không phải đám tháp tùng Kennedy, mà là chiếc limousine vấy máu, với mui chắn đạn an toàn đã được lắp vào. Nó được chở về bằng một trong những phi cơ vận tải C-130. Đám mật vụ trong tình trạng căm tức, vừa hối hận không bảo vệ được chủ, vừa bực bội không bắt được thủ phạm, và hoang mang không biết thủ phạm là ai. Xe và mô-tô cảnh sát Dallas chia nhau chặn mọi ngả đường vào Love Field. Các viên chức võ trang chạy đôn đáo khắp nơi, làm như kẻ sát nhân đang ẩn náu đâu đó gần phi cơ.
Thật ra, vào lúc ấy đã có một người đứng đầu chính quyền, đó là tân Tổng Thống Lyndon Johnson. Ông đương nhiên trở thành Tổng Thống, vào giây phút Tổng Thống Kennedy tắt thở, tại phòng cấp cứu số 1, bệnh viện Parkland Memorial. Theo bác sĩ giải phẫu Kemp Clark, đó là lúc 1:00 giờ ở Dallas. Nhưng lúc đó ông Johnson và phu nhân đang bị canh gác biệt lập, tại một phòng nhỏ kín đáo ở bệnh viện. Youngblood, trưởng nhóm mật vụ bảo vệ Phó Tổng Thống, sợ rằng có một âm mưu quốc tế chống lại các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, nên không thể lơ là. Anh ta đã muốn bốc Johnson đi khỏi Dallas, ngay cả trước khi chính thức loan báo Kennedy từ trần. Nhưng hình như không có cách nào làm được việc đó một cách kín đáo, và an toàn; cũng không ai nghĩ ra có một nơi ẩn náu thuận tiện. Báo chí, cảnh sát, và dân chúng tràn ngập chung quanh bệnh viện. Youngblood ra lệnh cho Johnson ở yên một chỗ.
Ngoài ra, hệ thống chỉ huy Mật Vụ ở Dallas sau khi Kennedy bị bắn cũng xáo trộn. Chỉ huy trưởng Mật Vụ tại Bạch Ốc là Gerald A. Behn, thông lệ, vẫn tháp tùng Tổng Thống trong các chuyến đi, lần này đã ở lại Washington, không đi Texas. Ông đã chỉ định Roy Kellerman, một nhân viên thâm niên điều khiển an ninh tại Texas. Bình thường thì mọi sự đều tốt đẹp, như đã diễn ra trước đó tại San Antonio, Houston và Fort Worth. Nhưng khi có tai biến như tại Dallas, thì không thể tha thứ được.
Sai lầm rõ ràng nhất, là sự có mặt của Phó Tổng Thống. Ngoài vùng Washington, Phó Tổng Thống rất hiếm khi đi cùng với Tổng Thống. Nhưng Texas là trường hợp ngoại lệ. Mặc dầu Johnson đã mang lại thắng lợi cho Kennedy vào năm 1960, nhưng LBJ gặp khó khăn vào năm 1963. Ông đã không thể ngăn được sự xung khắc giữa cánh Dân chủ cấp tiến ủng hộ Kennedy, đứng đầu bởi Nghị sĩ Yarborough, và cánh Dân chủ bảo thủ lãnh đạo bởi Thống đốc John Connally. Không bên nào tin cậy Johnson. Kennedy đã phải quyết định chuyến đi Texas với mục đích giúp Johnson đoàn kết hai phe. Nếu không, Texas có thể vào tay Barry Goldwater của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 1964.
Trong tình huống đặc biệt này, với Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng xuất hiện khắp nơi, trừ khi trên phi cơ, đáng lẽ chỉ huy trưởng về an ninh phải có mặt ở Texas, để tự mình trực tiếp điều khiển cả hai nhóm Mật Vụ, một nhóm bảo vệ Kennedy, và nhóm nhỏ hơn bảo vệ Johnson. Thay vào đó, khi Kennedy bị bắn, Behn khổ sở tại Washington, ghìm ống nghe điện thoại, đợi những báo cáo gián đoạn, đôi khi trái ngược, từ các nhân viên tại hiện trường. Khi Kennedy từ trần, trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Tổng Thống đương nhiên chuyển từ nhóm bảo vệ Kennedy sang nhóm bảo vệ Johnson, từ nhóm Kellerman sang nhóm Youngblood.
Nếu có mặt, Behn đã giúp cho việc chuyển đổi trách nhiệm dễ dàng hơn, đối với cả ban tham mưu và nhân viên an ninh phục vụ Kennedy. Đau khổ vì lãnh tụ bị sát hại, một số phụ tá của Kennedy cảm thấy cay đắng, khi đám mật vụ vẫn bảo vệ "Tổng Thống của mình," bây giờ bỏ đi bảo vệ Lyndon Johnson và Lady Bird. Hơn nữa, ngay trong hàng ngũ mật vụ với nhau, cũng không tránh khỏi kèn cựa hoặc ghen tức. Ví dụ, Kellerman vốn trên quyền Youngblood lúc Kennedy còn sống. Khi Kennedy không còn nữa, Youngblood chịu trách nhiệm bảo vệ tân Tổng Thống, tự nhiên lên chân hơn Kellerman. Sau này, trong hồi ký của mình, Youngblood đã phân trần rằng: "Các nhân viên mật vụ ở Dallas không trung thành với một cá nhân. Họ chỉ trung thành với nhiệm vụ. John Kennedy đã từ trần. Ông ấy đã ngoài tầm bảo vệ của Mật Vụ."
1:33 giờ Dallas, Love Field mang một quang cảnh khác thường. Hai xe cảnh sát không phù hiệu, dẫn đầu bởi một xe mô-tô, xẹt vào phi trường, chạy thẳng tới phía Air Force One. Youngblood tự mình che chở cho Lyndon Johnson trong xe đi đầu. Phi công Swindal đã được radio báo trước, chạy ra chào tân Tổng Tư lệnh. Johnson, có Lady Bird theo sau, một nhóm mật vụ, và nhiều dân biểu Texas, vội vàng leo lên cầu thang phía sau. Bên trong phi cơ nóng như lò lửa, nhưng Youngblood thở phào nhẹ nhõm. Dù có âm mưu hay không, anh cũng đã mang được Lyndon Johnson đến nơi an toàn. Nhưng vẫn còn một điều đáng ngại. Bọn sát nhân có thể núp trên mái nhà hay đâu đó, bắn lén qua cửa sổ phi cơ. Anh bèn ra lệnh hạ hết các màn cửa.
Johnson đi qua phòng ngủ của Kennedy ở cuối phi cơ, ra lệnh cho Youngblood: "Tôi muốn chỗ này chỉ dành cho bà Kennedy sử dụng. Anh phải lo chuyện đó." Rồi ông ra phía trước, vào căn phòng lớn và nơi làm việc của Tổng Thống. TV vẫn còn mở, phòng đầy người. Thình lình, đài địa phương chen vào chương trình đặc biệt của Cronkite từ New York, loan đi bản thông báo của bệnh viện, chính thức xác nhận Tổng Thống Kennedy đã từ trần từ 35 phút trước. (Johnson đã ra lệnh cho quyền tùy viên báo chí Malcolm Kilduff hoãn loan tin chính thức, đợi cho đến khi ông đủ thì giờ về tới phi cơ.)
Khi Johnson vào phòng chính, mọi người đứng dậy, im lặng, ngay cả các phụ tá quen thuộc và bạn cố tri Texas. Sau này Johnson nhớ lại: "Chính vào giờ phút đó, tôi nhận ra rằng, tất cả mọi sự đều không còn như cũ. Một bức tường – cao, cấm cản, lịch sử — bây giờ đã chia cách chúng tôi; một bức tường đã mọc lên từ chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ." Những người vẫn quen gọi ông là "Lyndon" trước đây, bây giờ bắt đầu "Thưa Tổng Thống."
Trước đó, tại bệnh viện, LBJ nói với O'Donnell là, có thể phải di chuyển Air Force One tới một nơi an toàn hơn, như căn cứ Carswell gần Fort Worth. Nhưng ý kiến này không thực hện, vì Love Field gần bệnh viện, thuận tiện hơn. O'Donnell cũng cho LBJ biết, bà Kennedy nhất định không chịu rời bệnh viện, nếu không được mang theo thi hài Tổng Thống. Johnson đồng ý sẽ đợi bà Kennedy và thi thể Tổng Thống trên phi cơ.
Johnson bây giờ đã là Tổng Thống, nghĩ rằng việc ông sử dụng Air Force One là điều đương nhiên. SAM 26000 còn mới, an toàn, và phương tiện thông tin đầy đủ hơn SAM 970. Nhưng phía phụ tá cho Kennedy nghĩ rằng, Johnson đi bằng Air Force Two, thì cũng về bằng nó. Còn Air Force One chỉ dành để chở thi hài, bà Kennedy và nhóm phụ tá cho cố Tổng Thống.
Trong khi Johnson và đoàn tùy tùng đã có mặt ở Air Force One, nhóm thân cận của Kennedy đang phải tranh dành thi thể cố Tổng Thống tại bệnh viện. Nhà cầm quyền Dallas nhất định giữ lại thi hài để giảo nghiệm. Đó là việc phải làm mỗi khi có án mạng xẩy ra. Nhưng bà Kennedy không chịu. Bà cương quyết chỉ rời bệnh viện với xác Tổng Thống, và bà sẽ cùng với thi thể ông về lại Washington, tức thì.
Với sự giận dữ của đám phụ tá Kennedy, và mật vụ dẹp lối, cỗ quan tài nặng 900 cân được đẩy vội lên chiếc xe tang trắng, trước sự phản đối của chức quyền địa phương. Bà Kennedy lao lên ghế phụ cạnh quan tài. McHugh và Burkley chen vào phía sau với mật vụ Clint Hill. Mật vụ Andy Berger tự tay lái. Xe tang xông ra khỏi bệnh viện, tăng tốc, hướng tới nơi McHugh mường tượng là Air Force One uy nghi và trống trơn đang đợi chủ.
Trên phi cơ, Rufus Youngblood xiết chặt vòng vây an ninh quanh LBJ. Anh cắt đặt mật vụ tại cầu thang, cùng canh gác với binh sĩ không quân. Không ai được lên phi cơ, nếu không được anh cho phép. Anh cho phòng lái biết phi cơ sẽ không chuyển động, cho đến khi anh loan báo chỉ thị của tân Tổng Thống. Youngblood kèm sát LBJ như bóng với hình.
Mối quan tâm tức thì của LBJ không phải là an ninh, mà là nghi lễ. Ông muốn tuyên thệ. Điều này đã được bàn cãi sôi nổi giữa những người có mặt với ông tại phòng Tổng Thống. Nhiều người nói ông hãy đợi, cho đến khi về lại Washington. Vì trên thực tế, đằng nào ông cũng là Tổng Thống rồi. Tuyên thệ chỉ là chuyện hình thức. Nhưng ông vẫn muốn làm ngay. Trong khi ấy, toán phi hành đang cật lực làm việc dọn chỗ để quan tài. Kỹ sư phi hành Chappnell, với sự giúp sức của phi công Swindal, cùng với Ayres và Hanson, đã gỡ một bức vách ngăn, và 4 ghế phía trái gần cầu thang, để có đủ chỗ xoay trở. Vừa làm xong thì xe tang tới.
Cỗ quan tài đồng nặng nề, được khênh bằng tay lên cầu thang hẹp phía sau, đặt ngay ngắn, trước khi ràng chặt trên sàn tại khu hành khách. Xong việc, Larry O'Brien ngẩng lên, ngạc nhiên khi thấy ông bà Johnson đang vỗ về bà Kennedy tại lối đi trước phòng ngủ. Ngạc nhiên, vì cho đến lúc ấy, nhóm thân cận Kennedy không hề biết tân Tổng Thống đang ở đâu. Riêng đối với McHugh, tùy viên trưởng của Kennedy, có lẽ vẫn chưa biết, hay không cần biết LBJ đã có mặt trên Air Force One.
Sợ nhà cầm quyền Dallas tìm cách dành lại thi hài, O'Donnell yêu cầu McHugh ra lệnh cho phi cơ cất cánh ngay. Swindal cũng sẵn sàng, đã cho chạy động cơ số 3. Nhưng đó là khởi đầu của một loạt những rắc rối đáng "cười trong nước mắt." Mac Kilduff, quyền tùy viên báo chí của Kennedy khi Pierre Salinger vắng mặt, biết là LBJ đang sửa soạn lễ tuyên thệ, vội chạy vào phòng lái, la lên: "Tắt máy đi!" Swindal làm ngay, không thắc mắc.
Dưới cuối phi cơ, O'Donnell và Jackie bồn chồn, vì mãi không thấy cất cánh. Mải canh quan tài phía sau, họ không biết LBJ đang đợi Thẩm phán Liên bang Sarah Hughes tới cử hành lễ tuyên thệ tại chỗ. Quá bận rộn vì địa vị mới, LBJ quên cả việc báo cho bà quả phụ trẻ, và tùy viên trưởng của chồng bà, là sắp có lễ tuyên thệ tại căn phòng lớn giữa phi cơ.
Mỗi lần bà Kennedy than: "Nóng quá, đi chứ!" O'Donnell lại ra lệnh cho Air Force One cất cánh. Nhưng lần nào cũng không hề thấy nhúc nhích. McHugh chạy ra phía trước, gặp Kilduff gần phòng lái, la lớn: "Chúng ta phải cất cánh. Ngay lập tức!" Kilduff bình tĩnh trả lời: "Chưa thể được. Cho đến khi LBJ tuyên thệ". McHugh cãi lại: "LBJ không có đây. Ông ta đang ở bên phi cơ phụ". Kilduff mỉa mai: "Bộ ông muốn nói lão Tếch-Xịt cao nghều đằng kia, không phải là Lyndon Johnson?" McHugh cảm thấy như bị cú đấm vào bụng, lớn tiếng trả lời, đủ để mọi người cùng nghe: "Tôi chỉ có một Tổng Thống, và ông ấy đang nằm trong quan tài dưới kia!"
Sau ít phút, rồi đám phụ tá cho Kennedy cũng biết rõ lý do, tại sao phi cơ chưa cất cánh. Và dù không muốn, cũng phải chấp nhận thực tế là, bây giờ, Johnson là Tổng Thống. Thẩm phán Hughes lên phi cơ lúc 2:30, giờ Dallas; 12 phút sau bà Kennedy. Johnson tưởng Thẩm phán Hughes mang theo Thánh Kinh. Nhưng bà không mang. Luật không bó buộc phải tuyên thệ trên Thánh Kinh. Nhưng trong giờ phút nghiêm trọng này, ai cũng thấy Thánh Kinh là cần thiết. Theo Roberts, Larry O'Brien đã vào lục trong phòng ngủ Tổng Thống, mang ra một cuốn sách mỏng, bìa da mầu đen, mọi người đinh ninh là Thánh Kinh. Nhưng sau này được biết, đó là cuốn "Sách lễ Misa" của Công Giáo..
Lễ tuyên thệ cử hành lúc 2:38. Tấm hình chụp cảnh tuyên thệ của nhiếp ảnh gia Stoughton, mà cả thế giới được nhìn, chỉ là 1 trong 16 hình được chụp, và đã gây nhiều tranh cãi. Lý do, trong hình không có mặt nhóm thân cận của Kennedy. Thật ra, họ đã có mặt trong các hình khác không được phổ biến. Tấm hình được chọn phổ biến, chỉ vì nó đẹp hơn cả. Nhất là, đã có thể cắt bỏ những chỗ có quá nhiều vết máu, trên áo bà Kennedy. Khi về đến phi cơ, mặt mũi, đầu tóc, quần áo bà dính đầy máu. Theo lời khuyên, bà đã dùng Kleenex thấm nước, lau bớt đi, nhưng vẫn không hết. Sau này, bà tỏ ý tiếc, vì đã xóa bỏ những dấu tích lịch sử. Lễ tuyên thệ chỉ lâu 28 giây.
Sau giây phút nặng nề, bà Kennedy im lặng trở lại với quan tài phía sau, nơi Tướng McHugh đang canh gác, trong thế đứng nghiêm. Tân Tổng Thống Johnson ra lệnh: "OK, bây giờ cất cánh." Swindal mở máy, trong khi Thẩm phán Hughes, và nhiều người ở Texas, còn đang hối hả ra khỏi phi cơ. Air Force One cất cánh lúc 2:47, màn cửa sổ vẫn còn che kín. Người trên phi cơ tự động phân thành nhóm. Một số thuộc bộ tham mưu của LBJ, cùng với mật vụ quy tụ tại phòng nhân viên phía trước. Johnson, Lady Bird và đám phụ tá thân cận, quây quần ở khu giữa dành cho Tổng Thống. Jackie và nhóm thân cận Kennedy, vây quanh quan tài khu cuối phi cơ.
Khi phi cơ trên đường bay thăng bằng, từ phòng riêng, Johnson bắt tay vào việc: Trước hết, gọi chia buồn với bà Rose Kenndy, thân mẫu cố Tổng Thống, ở Hyannis Port. Sau đó, cùng với Lady Bird, gọi cho Nell Connally, hỏi thăm tình trạng thương tích của Thống Đốc Texas, người ngồi cùng xe với Kennedy. Tiếp theo, Johnson cho gọi O'Brien, thảo luận về việc liên lạc với Quốc Hội. Ông cũng nhiều lần liên lạc với McGeorge Bundy, cố vấn an ninh của Kennedy đang điều hành "Phòng tình hình" (Situation Room) tại Bạch Ốc, xem có chứng cớ gì về âm mưu ám sát không? Có dấu hiệu gì cho thấy Liên Xô, hay Cuba định lợi dụng thời cơ không? Johnson gọi Moyers, Valenti, và phụ tá hành chánh Elizabeth Carpenter, thảo luận về lời tuyên bố khi về tới Washington: "Đây là thời gian buồn thảm cho mọi người. Chúng ta đau khổ vì sự mất mát không thể đo lường. Với tôi, đó là một thảm cảnh cá nhân sâu đậm. Tôi biết thế giới chia sẻ nỗi đau đớn của phu nhân cố Tổng Thống, và gia đình bà phải gánh chịu. Tôi sẽ cố gắng hết sức. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Tôi cầu xin sự giúp đỡ của quý vị, và của Chúa." Tướng Clifton, bây giờ là tùy viên quân sự chính của tân Tổng Thống, từ phi cơ liên lạc nhiều nơi, sắp xếp lễ tiếp đón tại phi trường quân sự Andrews, và chuyển thi thể cố Tổng Thống tới bệnh viện Hải quân ở Bethesda. Cần một xe bốc hàng để hạ quan tài xuống. Và quan trọng hơn cả, cần bố trí mọi biện pháp an ninh trên không phận thủ đô, cũng như trên bộ.
Với tốc độ 600 dặm một giờ, từ Love Field tới Andrews, Air Force One chỉ bay trong 2 giờ 12 phút. Roberts và Smith là hai nhà báo duy nhất, đại diện cho làng báo được đi trên phi cơ Tổng Thống. Họ bận tối tăm mặt mũi: vừa phải viết bài để chia sẻ với các đồng nghiệp khi tới nơi; vừa phải tiếp nhận thông tin từ cả hai phía: mới là Johnson, và cũ là Kennedy. Mac Kilduff bây giờ trở thành tùy viên báo chi của LBJ, thỉnh thoảng lại đem tới cho nhà báo chi tiết về hoạt động của tân Tổng Thống, chiều nay và ngày mai. Qua Kilduff, bà Kennedy cũng muốn cho báo chí loan tin là, trong suốt chuyến bay, bà đã canh thức bên xác chồng. Bà muốn thế giới hay rằng bà đã ở bên chồng, chứ không ở cạnh ông bà Johnsons.
Tướng McHugh, có vẻ vẫn còn giận khi ông ra lệnh cho phi cơ cất cánh mà không được tuân hành, đã tới phòng báo chí, chỉ tay vào máy chữ của Roberts, nói: Tôi muốn anh viết là, bộ tham mưu của Kennedy – O'Donnell, O'Brien, Powers, McHugh – ngồi ở phía sau với cố Tổng Thống và bà Kennedy, chứ không ngồi với họ (Johnsons).
Tân Tổng Thống cũng muốn gặp báo chí. Lần đầu ông tuyên bố mời tất cả Nội Các và ban Tham Mưu của Kennedy ở lại tiếp tục làm việc. Lần thứ nhì, ông cho biết trước lời tuyên bố sẽ đọc tại Andrews. Lần thứ ba, ông cho biết đã gọi điện thoại chia buồn với thân mẫu cố Tổng Thống.
5:09 P.M. Air Force One bay trên thung lũng Shenandoah 30 phút trước khi hạ cánh. Bà Kennedy cho mật vụ Kellerman biết: bà muốn các cận vệ riêng của cố Tổng Thống sẽ khiêng quan tài ra khỏi phi cơ. Trong khi ấy, Johnson cạo râu, chải tóc, và thay áo mới.
Trời bắt đầu tối. Trên không phận Middleburg, gần ngôi nhà nghỉ mát sang trọng bên sườn núi Kennedy đã xây tặng Jackie, Swindal cho Air Force One nghiêng cánh sang phải, và bắt đầu hạ thấp. Lướt ngang Washington D.C., qua sông Potomac, vượt cánh đồng bên Maryland, rồi chạm đất Andrews.
Khi chiếc phi cơ Tổng Thống gầm thét qua đường bay tới Natonal Airport, kỹ sư phi hành Joe Chappell chú ý có sự bất thường. Mặc dầu vào giờ hạ cánh đông đảo tại Washington, tất cả máy bay tới đã tự ý bay vòng trên trời, chờ cho Air Force One đáp trước. Chappell hiểu ngay, đó là một cử chỉ bộc phát của toàn thể phi công: họ chào Kennedy.
5:59, giờ Washington, 4:49 tại Dallas, ngày 22 tháng 11, 1963. Lyndon Baines Johnson vừa hoàn tất chuyến bay đầu tiên với tư cách Tổng Thống. John Fitzerald Kennedy đã chấm dứt chuyến bay cuối cùng.
|