Hồi tưởng của một sinh viên trường Luật Sài gòn khóa 1958 |
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm | |||
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 05:52 | |||
Năm mươi năm trước, lớp sinh viên tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Luật khoa Saigon năm 1958 chỉ có chừng 60-70 người. Đây là khóa đầu tiên của Trường Luật khoa Saigon dưới sự điều hành và giảng dạy của các giáo sư Việt nam, mới được người Pháp chuyển giao cho bên Việt nam, bắt đầu từ niên khóa 1955-56. Vị khoa trưởng tiên khởi lúc đó là Giáo sư Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu. Vào thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, thì Giáo sư Mẫu lại còn giữ chức vụ Bộ trưởng Ngọai giao nữa. Cho nên ông thường đến giảng dậy vào buổi sáng sớm hay buổi chiều, ngòai giờ làm việc của công sở; và lúc nào cũng có vệ sĩ đi theo để bảo vệ an ninh.Hồi đó, chương trình Ban Cử nhân Luật khoa chỉ học có 3 năm, và hầu như vẫn còn giữ nguyên hệ thống giáo dục của Pháp. Chỉ có hai môn Dân luật và Kinh tế, thì phải học trong cả ba năm, còn các môn khác, thì chỉ học trong một hoặc hai năm mà thôi. Cho đến nay, sau trên nửa thế kỷ, thì hầu hết các vị giáo sư của trường Luật hồi đó đã ra đi về bên kia thế giới rồi. Và hiện theo chỗ tôi được biết, thì chỉ còn hai giáo sư môn kinh tế học vẫn còn tại thế, mà còn hăng say họat động dù đã xấp xỉ ở tuổi cửu tuần rồi, đó là Giáo sư Vũ Quốc Thúc hiện ở Paris nước Pháp và Giáo sư Nguyễn Cao Hách hiện ở San Diego, California. Là một môn sinh, tôi xin được phép cúi đầu thành kính tưởng nhớ đến tất cả các Vị Thầy khả kính đã ra đi. Và cũng xin gửi lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến nhị Vị Giáo sư Thạc sĩ kinh tế được luôn thanh thản vui sống bên cạnh con cháu với tuổi già nơi hải ngọai. Tất cả các môn sinh chúng tôi đều biết ơn các Vị Thầy đã rất tận tâm, chu đáo trong việc giảng dậy, hướng dẫn cho lớp hậu sinh có đủ khả năng chuyên môn để nối tiếp được sự nghiệp xây dựng và phát triển quốc gia trong các lãnh vực luật pháp, kinh tế tài chánh, quản trị hành chánh v.v… Nói chung, thì tất cả các vị giáo sư đều sọan bài rất kỹ, dẫn giảng cho sinh viên rất rành mạch. Vì là bước đầu chuyển ngữ bằng tiếng Việt, nên các giáo sư hay phải chua thêm tiếng Pháp, để giúp sinh viên chúng tôi dễ tra cứu, tham khảo nơi sách, tạp chí xuất bản tại Pháp. Và ngay cả các bản án thời trước ở Việt nam, thì cũng đều viết bằng tiếng Pháp. Lớp sinh viên chúng tôi thời đó, thì đều thông thạo tiếng Pháp, nên việc nghiên cứu cũng dễ dàng. Giáo sư Vũ văn Mẫu thật là uyên bác, ông thành thạo cả tiếng La tinh và chữ Hán nữa. Giáo sư Vũ Quốc Thúc giảng bài thật sáng sủa, gọn gàng dễ nhớ, dễ thuộc. Giáo sư Nguyễn Cao Hách lại còn nghiên cứu nhiều sách báo tiếng Anh và chỉ dẫn cho sinh viên làm quen được với các lý thuyết kinh tế hiện đại mà phần đông là do các tác giả người Anh hay Mỹ đề xướng. Riêng Luật sư Vũ văn Hiền, thì giảng dậy rất chu đáo, khúc chiết về môn Luật Di sản và Hôn sản trong các gia đình Việt nam, rút từ kinh nghiệm lâu năm hành nghề luật sư suốt từ Bắc vào Nam. Giáo sư Nguyễn Độ dậy môn Luật Hành chánh và Hình luật, thì cũng rất uyên bác. Bài giảng của ông đề cập nhiều về lý thuyết có tính cách triết học về luật pháp, nên sinh viên phải dầy công theo dõi, thì mới có thể thấu triệt hết được.Riêng tôi, thì sau này vào năm 1961-62 lại có dịp được làm thư ký cho Giáo sư Nguyễn Độ trong việc sọan thảo Bộ Hình Luật cho Quốc hội thời Đệ nhất Cộng hòa. Cả bốn giáo sư Vũ văn Mẫu, Vũ quốc Thúc, Nguyễn cao Hách và Nguyễn Độ đều đã lần lượt kế tiếp nhau giữ chức vụ Khoa trưởng của trường Luật trong nhiều năm, theo như trí nhớ của tôi còn ghi nhận được. Chúng tôi vẫn còn nhớ Giáo sư Lưu văn Bình dậy môn Luật Hiến pháp và Quốc tế Công pháp ngay vào năm thứ nhất. Giáo sư Vũ quốc Thông dậy môn Pháp chế sử vào năm thứ nhất và môn Các Định chế chính trị váo năm thứ ba.Luật sư Bùi tường Chiểu dậy về Luật Dân sự Tố tụng vào năm thứ ba. Luật sư Nguyễn huy Chiểu thì dậy môn Luật Hình sự đặc biệt, cũng vào năn thứ ba. Giáo sư Lê đình Chân thì dậy môn Tài chính công vào năm thứ hai ( Finances Publiques). Riêng môn Quốc tế Tư pháp khá là phức tạp với các vụ Phân tranh Luật pháp (Conflit des lois), thì phải nhờ đến tài năng của giáo sư Vũ văn Mẫu chúng tôi mới có thể lãnh hôi rõ ràng được. Về phía sinh viên chúng tôi, thì phần đông lúc đó đang ở lứa tuổi hai mươi. Có một số học cả bên Học viện Quốc gia Hành chánh. Nên số sinh viên học full-time vào năm thứ ba, thì chỉ có chừng 30 người. Số sinh viên lớn tuổi đang đi làm, thì cũng phải chiếm đến trên một phần ba. Người lớn tuổi nhất là hai bác Võ văn Diệu làm ở Nha Ngân sách, và bác Tăng khánh Đáng làm ở Ngân hàng Quốc gia. Năm nay nếu còn tại thế, thì hai bác có thể đã vào tuổi cửu tuần rồi. Người sau này giữ chức vụ cao nhất là anh Châu kim Nhân, hồi năm 1971-73 đã làm Bộ trưởng Tài chánh. Có ba người làm Thẩm phán là anh Trần trung Hậu, Dương Lân ở ngạch Tư pháp, và anh Nguyễn cao Quyền bên ngạch Quân pháp. Số làm Luật sư thì khá đông, có đến ít nhất là 15 người. Cụ thể như các LS Nguyễn tường Bá, Bùi chánh Thời, Nguyễn công Hoàng, Lê thị Hồng Điểm, Phạm xuân Định,Nguyễn phuợng Yêm, Lê trọng Nghĩa, Nguyễn minh Tòan, Trần thiện Hải, Đòan văn Lượng, Đỗ dõan Quế, Lê bạc Xăng, Đòan Ý, Trần tiễn Tự, Đòan thanh Liêm. Có ba anh gia nhập ngành Ngọai giao, đó là Nguyễn hữu Trụ, Đỗ quang Năng và Nghiêm Mỹ. Và có đến 7-8 người học lên bậc Tiến sĩ và làm giáo sư Đại học như các Chị Quách thị Nho, Lương mỹ Đức (dậy tại trường Luật Saigon). Riêng anh Cao huy Thuần thì dậy Luật ở bên Pháp và hình như anh Phạm Chung cũng dậy học đâu ở bên Mỹ. Còn các anh Nguyễn quốc Trị (giữ chức vụ Viện trưởng Quốc gia Hành chánh thay thế Giáo sư Nguyễn văn Bông), Lê công Truyền (cũng dậy tại QGHC), Lê quế Chi (dậy tại trường Luât Saigon), Vũ trọng Cảnh (Viện trưởng Viện Tu nghiệp Quốc gia). Còn lại, thì một số đi dậy ở trường Sư phạm như anh Vũ ngọc Đại, hay dậy ở Trung học như chị Đỗ Như Tuyết, anh Bùi văn Hiệp. Hoặc làm viên chức tại các bộ như chị Nguyễn thị Nga ở Bộ Tài chánh, chị Phạm thị An ở Bộ Lao Động, anh Vũ quang Vân ở Bộ Kinh tế, Mai như Mạnh ở Phủ Tổng ủy Dinh Điền, anh Trần văn Phụng ở Công ty Đường. Tại Ngân hàng Quốc gia, thì có anh Ngô vi Bảo. Tại Ngân hàng Việt nam Thương tín, thì có anh Nguyễn đình Thảng. Riêng chị Lê Mỹ Nhan thì làm trong ngành Thư viên v.v… Đó là một số các bạn đồng khóa mà tôi còn biết được.Còn nhiều người khác, thì vì quá lâu rồi không có liên lạc tin tức nào, nên tôi không thể ghi đầy đủ mọi chi tiết ra đây được. Tôi xin các bạn đồng khóa khác bổ túc cho bài này được đầy đủ, phong phú hơn. Xin cảm ơn các bạn. Nhân đây, tôi cũng xin được ghi lại trường hợp của một số bạn đã ra đi vĩnh viễn, mà tôi biết rõ. Đó là anh Trần tiễn Tự, anh bị xe đụng và mất ở Saigon vào năm 1987, mà tôi cùng một số bạn phần đông có học chung với anh hồi còn ở Huế đã đi tiễn đưa anh ấy. Anh Bùi văn Hiệp mất ở California cũng vào năm 1987. Anh Đoàn văn Lượng mất ở Pháp cũng năm 1987-88. Và anh Nguyễn phượng Yêm mất ở Canada năm 1996. Xin cầu nguyện cho các bạn được thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu. Rồi sớm muộn gì, chúng ta tất cả cũng sẽ gặp lại nhau ở bên kia thế giới thôi. Lớp tuổi chúng mình thì đều đã “thất thập-bát thập” cả rồi, đều đã “gần đất xa trời” cả lũ rồi mà. Hồi đầu tháng Bảy 2008 vừa qua, lúc tôi ở thành phố Dallas, Texas, thì được một số anh em bạn trẻ đứng ra tổ chức một bữa “Liên hoan nho nhỏ” để “kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp trường Luật Saigon 1958-2008” của tôi. Tôi thật cảm kích vì mối thịnh tình này của các bạn đó và xin ghi lại nơi đây lời cảm ơn chân thành đến với tất cả các bạn nhé. Bạn Phan ngọc Thuần thì nói “Hồi năm 1958 lúc bác Liêm ra trường, cháu chưa có sinh ra đời”. Bạn Trần Lộc thì nói “Lúc đó cháu chưa đến tuổi đi học mẫu giáo nữa”. Còn bạn Phan đình Minh, thì : “Lúc đó em còn ở tuổi teen age, mới bắt đầu bước chân vào trường Trung học”… Sau bữa ăn nhẹ, các bạn này còn đưa tôi đi nghe nhạc buổi tối do ca sĩ nổi danh Hồng Nhung trình diễn, thật là đặc sắc, tuyệt vời; nhưng mà nó lại kéo dài tới ba giờ sáng, khiến cho ông lão như tôi phải mệt đến ngất ngư con tàu luôn. Song le, làm sao mà tôi lại có thể quên được cái sự ân cần, chu đáo của các bạn trẻ ở Dallas này dành riêng cho tôi từ mấy năm nay cơ chứ? Để kết thúc bài viết ngắn ngủi này, một lần nữa tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và sự quý mến đến các Vị Thầy vốn đã dầy công giảng dậy, hướng dẫn cho lớp môn sinh chúng tôi tại Trường Luật đã trên nửa thế kỷ nay. Đồng thời cũng xin được gửi đến tất cả các bạn đồng khóa 1958 lời thăm hỏi ân cần với lời cầu chúc đến các bạn và gia quyến luôn được mọi điều An Lành như ý sở nguyện. Trên 50 năm đã trôi qua, với bao nhiêu tang thương đổ vỡ trên quê hương đất nước Việt nam, nhưng cái mối duyên lành, cái tình bạn hồn nhiên, trong sáng giữa các đồng môn chúng ta với nhau, từ cái thời còn chung học dưới mái trường thân yêu tại “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” ấy của Saigon, thì vẫn mãi mãi còn là một kỷ niệm thân thương nhất, sâu đậm nhất trong cuộc sống tình cảm của mỗi người chúng ta vậy.
|