Home Đời Sống Tài Liệu Hôn Nhân Đống Tính Và Những Mâu Thuẫn

Hôn Nhân Đống Tính Và Những Mâu Thuẫn PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Tiến cảnh   
Chúa Nhật, 16 Tháng 11 Năm 2008 08:16

Người đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên là ông Adam và bà Eva, tức là một người Nam và một người Nữ với mục đích để hai người ăn ở với nhau và sinh con đẻ cái hầu thờ phượng, làm sáng danh Chúa (St1-27,28. Mt.19-4). Chúa đã không chỉ tạo nên hoặc hai người Nam hay hai người Nữ để họ chung sống với nhau. Sau này khi Chúa Giêsu giáng trần, nói về phép hôn phối, Chúa cũng đã nói hai người nam và nữ kết hợp với nhau nên cùng một thân xác, yêu thương gắn bó với nhau để sinh con cái thờ phượng Chúa. (Mt.19-5,6). Chúa đã quở trách những người ngoại tình (Mt.5-27,28). Trong cựu ước ta thấy Chúa đã phạt cả dân thành Sodom vì họ không vâng lời Chúa thờ ngẫu tượng và phạm tội sodoma (St.18-19).

 Vậy thì theo luật Chúa và luật tự nhiên, để thành vợ chồng phải là một người Nam và một người Nữ, không thể là hai người Nam hoặc hai người nữ với nhau.

 Qua nhiều triều đại từ thuở tạo thiên lập địa, tất cả những gì trái với luật tự nhiên là trái đạo và kỳ quái bất thường không được xã hội chấp nhận. Nó trái cả với sinh lý bình thường tự nhiên của con người.

 Nhưng ngày nay con người càng văn minh tiến bộ thì người ta lại càng làm nhiều điều trái lẽ tự nhiên lấy cớ tự do, buông chiều theo dục tính hay tâm tư mình, cho rằng Chúa dựng nên như vậy. Vấn đề hôn nhân đồng tính giữa nam với nam hoặc nữ với nữ đã nảy sinh và phát triển mỗi ngày mỗi rộng, đặc biệt ở Âu Châu và Châu Mỹ / Hoa Kỳ.

 Tại Hoa Kỳ, hôn nhân đồng tính đã trở thành trọng tâm của mọi cuộc tranh luận. Mới đây ngày 10-10 2008 Tối Cao Pháp Viện Connecticut đã đồng ý cho những cặp đồng tính được chính thức lấy nhau thành vợ chồng, đưa Connecticut lên hàng thứ ba sau MassachusettsCalifornia.

 Chúng ta thử tìm hiểu xem phản ứng của Giáo Hội Công Giáo thế nào đối với quyết định đó. Tòa Thánh thì dĩ nhiên đã lên tiếng tỏ thái độ bất đồng từ lâu. Tại Connecticut, Hội Đồng Giám Mục Connecticut (HĐGM) đã lên tiếng phản đối và trong một tuyên cáo cùng ngày 10-10-2008 đã đưa ra lời bình luận: “Tối Cao Pháp Viện đã quên rằng bổn phận của Tòa Án là cắt nghĩa luật và cơ quan lập pháp mới có quyền làm ra luật”.[1] Nhưng ở đây Tòa Án lại làm ra luật. Phải chăng có cái gì bất ổn, không được chỉnh và trái nguyên tắc. Các ngài cho rằng quyết định đó của TCPV chứng tỏ đã coi thường nguyên tắc Tự Do Tôn Giáo nếu không muốn nói là đã vi phạm Tự Do Tôn Giáo. Những ưu tư đó chính là đầu đề của một cuốn sách mới xuất bản nói về hôn nhân đồng tính:

“HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH VÀ TỰ DO TÔN GIÁO: Những xung đột”. [2]

 Đây là một cuốn sách gồm một số bài viết của những học giả chuyên viên về luật đã được trình bày trong một hội nghị dưới sự bảo trợ của quỹ Tự Do Tôn Giáo Becket mà Douglas Laycock, Anthony R. Picarello Jr. và Robin Fretwell Wilson đã thu nhặt lại rồi in thành sách. Hai cộng tác viên Rowman và Litlefield đã đưa ra vấn đề để thảo luận là khi mà quyền hôn nhân đồng tính được chính thức công nhận thì sẽ có những xung đột nào xẩy ra.

 Marc D. Stern, phụ tá giám đốc hội nghị những người Mỹ gốc Do Thái đã nêu vấn đề là: Các cơ quan / tổ chức tôn giáo có bổn phận “rao truyền niềm tin của họ” cho cả những tín hữu của họ lẫn những người ngoài tôn giáo họ. Như vậy thì quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận chống lại hôn nhân đồng tính có tiếp tục được nhà nước lắng nghe hay  không? Điều thắc mắc đòi hỏi đó xem ra có vẻ không vừa lòng phía nhà nước. Ông đã nêu trường hợp ở Canada, những than phiền phản đối được đưa lên Ủy Ban Nhân Quyền cấp Tỉnh và Liên Bang đã đưa đến hậu quả là nhà nước đã ra luật chống lại những mục sư và những ai đã công khai phê phán chỉ trích đồng tính luyến ái. Tuy nhiên ông lại cho biết là quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng ở Hoa Kỳ được tôn trọng hơn ở Âu Châu và những quốc gia khác thì luật về sách nhiễu phái tính rất dễ dàng đưa tới tình trạng chống đối hôn nhân đồng tính.

NHỮNG CƠ QUAN CÔNG GIÁO

 Stern cũng nêu vấn đề nhân viên của các cơ sở hoặc cơ quan Công Giáo. Mới đây tòa ra lệnh cho các cơ quan Công Giáo phải cung cấp bảo hiểm sức khỏe có ngừa thai cho nhân viên. Như vậy các nhà xứ, nhà thờ sẽ gặp trở ngại lôi thôi khi nhân viên của họ là những cặp vợ chồng đồng tính. Stern cũng báo động là các cơ quan tư vấn hôn nhân,  các phòng tâm lý và những cơ sở tương tự của một số nhà xứ, nhà thờ, cơ quan tôn giáo rất có thể sẽ gặp khó khăn khi xin chính quyền giấy phép hành nghề nếu mà họ có khuynh hướng chống đối hôn nhân đồng tính. Ngoài ra một số cơ quan của nhà thờ nhận tài trợ của nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn. Stern kết luận bài viết của ông là chắc chắn những ai chống đối hôn nhân đồng tính sẽ bị ảnh hưởng một khi hôn nhân đồng tính được công nhận và hợp pháp hóa, và dựa vào luật hiện hành thì những ai bất đồng ý kiến hoặc chống đối hôn nhân đồng tính  chắc chắn sẽ khó có thể thoát khỏi hậu quả của pháp luật.

 Jonathan Turley, giáo sư đại học George Washington đã lý luận rằng nguyên tắc luật lệ của Tối Cao Pháp Viện về vấn đề kỳ thị dựa trên tôn giáo có “những cái mâu thuẫn chõi ngược làm người ta phân vân không biết khi nào nó đúng khi nào sai”. Chẳng hạn Tòa cho phép chính quyền phạt những tổ chức tôn giáo bằng cách từ chối không cho họ được miễn thuế với tư cách là hội vô vị lợi, trong khi đó lại tuyên bố mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu và tự do lập hội. Ông cho rằng hôn nhân đồng tính lại một lần nữa tạo ra những xung đột trầm trọng giữa việc thi hành luật tu chính số Một [3] và luật  cấm không đựoc kỳ thị và phạt những ai phạm luật kỳ thị.

  NHỮNG MÂU THUẪN

 Turley đã chứng minh cái mâu thuẫn chõi ngược đó là một đàng thì nói là các tổ chức tôn giáo có quyền phản đối đồng tính luyến ái trong các giáo huấn của mình, một đàng lại buộc họ phải nhận những người đồng tính luyến ái vào làm việc trong những cơ sở tổ chức của họ.

 Ngoài chuyện từ chối không cho họ được quyền miễn thuế, Tòa Án còn có thể phạt những tổ chức, cơ quan nào có tính kỳ thị. Tối Cao Pháp Viện California đã đồng ý từ chối không cấp loại giường đặc biệt của hải quân ở Berkeley cho hội Hướng Đạo Nam vì tổ chức này chống đối đồng tính luyến ái.

 Charles J.Reid, Jr., giáo sư luật Đại Học Thánh Thomas đã so sánh sự tương quan giữa Tôn Giáo, Luật Pháp và Nhà Nước. Luật pháp chứng tỏ giá trị của nó qua cung cách xử phạt cũng như cách thức cấm đoán. Kitô giáo đã giữ một vai trò chính yếu trong việc định đoạt luật lệ về hôn nhân, không phải chỉ ở Âu Châu từ thời Trung Cổ mà còn ở ngay Hoa Kỳ này. Từ thế kỷ XII cho đến cách đây mấy thập niên về trước, điều đó đã được  đương nhiên công nhận như là luật về hôn nhân của con người đã được Thiên Chúa  hướng dẫn. Trong nhiều thế kỷ, hôn nhân đã giữ một vai trò tối quan trọng trong trật tự xã hội và được coi là nền tảng căn bản của xã hội loài người. Hôn nhân đã được coi như không phải chỉ là yếu tố tạo thành quốc gia, mà còn là một tổ chức định đoạt tương lai của quốc gia.

 Theo Reid, hôn nhân ngày nay đang bị tục hóa, làm mất đi tính cách thanh sạch thánh đức của nó để rồi đi đến chỗ ly dị ngày càng gia tăng và những đứa con ngoại hôn ngày càng nhiều.

 NHỮNG BÀI HỌC

 Một hệ quả khác nữa là cách cắt nghĩa luật trong những quyết định của TCPV Massachusetts khi luật hôn nhân đồng tính được hợp thức hóa. Nói về tương quan giữa hôn nhân và nhà nước, Tòa phán rằng: “Nói một cách đơn giản là nhà nước tạo nên hôn nhân dân sự”.

 Vậy thì làm sao mà xã hội có thể tạo ra luật lệ để điều khiển hôn nhân và những thề hứa của họ được. Làm sao một đứa trẻ nít miệng còn hoi sữa lại có thể giảng giải về những giá trị của đời sống ở những khía cạnh thực tế sống động khác nhau. Reid đã kết luận là cuộc tranh luận hiện nay về hôn nhân là một cuộc tranh đấu một phần nào cho những bài học chính đáng đã được luật pháp chỉ bảo.

 Trong phần kết thúc của cuốn sách, Douglas Laycok, giáo sư luật Đại Học Michigan đã đưa ra nhận xét:

-         Các tác giả đã có những cái nhìn khác nhau về hôn nhân đồng tính và tôn giáo, nhưng tất cả đều đồng ý rằng hôn nhân đồng tính là một đe dọa cho tự do tôn giáo.

 Ngoài ra Laycok còn thêm:

-         Những người đồng ý ủng hộ hôn nhân đồng tính đòi hỏi không phải chỉ được luật pháp công nhận, các tổ chức tư nhân dễ dãi mà còn đòi hỏi cả hai phía nhà nước và tổ chức tư nhân công nhận và tích cực yểm trợ. Một số người còn đang tìm cách loại bỏ những ý kiến chống đối và phủ nhận hôn nhân đồng tính.

 Laycok nhận xét:

-         Kinh nghiệm về những xung đột văn hóa ở quá khứ cho thấy là một khi có điều gì mới mẻ và quan trọng được công nhận và bảo đảm thì đồng thời tiếp theo đó lại  có những đòi hỏi khác được đưa ra….

Vì vậy ông đề nghị là cứ để cho tôn giáo định đoạt về hôn nhân, nhà nước chỉ nên làm công việc của mình là phần dân sự mà thôi. Tuy nhiên –ông cho biết- cho dù có chấp nhận giải pháp đó đi nữa thì vấn đề vẫn không thể giải quyết được tất cả những khúc mắc phức tạp của nó.

 PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT.

 Trong khi Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ nhất định không nhân nhượng những quan niệm của mình về hôn nhân thì ngày 15 tháng 10 vừa qua Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra báo chí một tuyên cáo là đã phối hợp với Hội Hiệp Sĩ Columbus “thành lập một kế hoạch hành động trên toàn nước để bảo vệ hôn nhân.

 Một phần của sáng kiến đó là Đức Hồng Y Francis George, chủ tich HĐGM đã cho thành lập một Ủy Ban đặc trách hôn nhân và chỉ định Đức TGM Joseph Kurtz của Louisville thuộc tiểu bang  Kentucky làm chủ tịch.

 Đức TGM Kurtz đã tuyên bố khi ra mắt Ủy Ban:

-         “Chúng ta phải hết sức cố gắng làm sao cho mọi người hiểu biết được vẻ đẹp  độc  nhất của ơn gọi hôn nhân” [4]

 Một trong những hành động đầu tiên của các Giám Mục là phát động bản tuyên cáo 2003 của các Giám Mục Hoa Kỳ, xác định rằng hôn nhân là sợi dây liên kết tương giao duy nhất giữa một người nam và một người nữ, và như vậy nó là một yếu tố nòng cốt và chính yếu của những xã hội lành mạnh.  Quan niệm như vậy về hôn nhân có được thực hiện hay không thì còn cần phải quan sát.

 Fleming Island, Florida- Nov.10, 2008

NTC 


[1]  It appears our State Supreme Court has forgotten that courts should intrepet laws and legislatures should make laws.

[2]  Same-Sex Marriage and Religious Liberty: Emerging Conflicts

[3] Luật Tu Chính số Một:  bảo vệ 5 quyền lợi của người dân là: Tự do Tôn Giáo (Religion). Tự do ngôn luận (Speech). Tự do Báo chí (Press) . Tự do Hội họp (Assembly). Tự do Khiếu kiện (Petition).

[4]  We must increase our effort to make known the unique beauty of the vocation to marriage.