Có thể ông chưa bao giờ qua đời. John Maynard Keynes nhắm mắt vào năm 1946 nhưng vào năm 1971 lúc đang làm tổng thống Mỹ ông Richard Nixon đã thú nhận, “Bây giờ chúng ta ai cũng là tín đồ của Keynes cả!” Và hôm đầu tuần này, ông Ben Bernanke, chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ đã điều trần trước quốc hội, nói rằng đây là lúc rất thích hợp để quốc hội đưa ra một chương trình kích thích kinh tế. Kích thích kinh tế, bằng tiền công quỹ, là một ý tưởng do Keynes khởi xướng từ hơn 70 năm trước! Keynes đã sống trở lại, khi hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng đều đề nghị những chương trình để nhà nước can thiệp vào thị trường địa ốc. Nghị sĩ John McCain thì muốn chính phủ đứng ra làm chủ nợ cho tất cả những người mua nhà đang không trả được mọoc ghết. Nghị sĩ Barrak Obama thì tính đề nghị các ngân hàng ngưng xiết nhà các con nợ trong một tháng. Những ý kiến muốn nhà nước can thiệp vào đời sống kinh tế đều chung một người cha tinh thần là John Maynard Keynes.
Kinh tế gia John Maynard Keynes 1883-1946.Getty Images
Nhà trí thức độc lập
Các sử gia coi Keynes là người đã “cứu kinh tế tư bản” sau cuộc đại khủng hoảng thời 1930. Chính phủ Roosevelt cầm quyền từ năm 1933 đã thể hiện các ý kiến của Keynes trong chính sách kinh tế và đối nội. Nước Mỹ dần dần thoát khỏi cảnh khủng hoảng và kinh tế thế giới cũng lên theo. Nếu tình trạng khủng hoảng đó kéo dài thì những chế độ độc tài như ở Đức, ở Ý và nhất là chế độ cộng sản ở Nga sẽ bành trướng, lấn át chế độ dân chủ tự do như chúng ta biết. Trước khi những ý kiến của Keynes được phổ biến, có hai lối suy nghĩ về vấn đề kinh tế. Một là những người tin tưởng kinh tế tư bản có lúc lên lúc xuống, tạo thành những chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng thị trường sẽ tự điều chỉnh. Và tốt nhất là để yên cho thị trường làm việc, con người không nên can thiệp vào, can thiệp thì chỉ có hại. Đối nghịch lại với lối suy nghĩ trên là chủ nghĩa xã hội, mà cách thể hiện cực đoan nhất là chủ nghĩa cộng sản. Những người này lo rằng kinh tế thị trường sẽ đưa tới hỗn loạn triền miên, cho nên họ chủ trương mọi việc kinh tế phải giao cho một guồng máy nhà nước điều khiển. Cuộc khủng hoảng thị trường tài chánh năm 1929 đưa tới khủng hoảng kinh tế ở Mỹ rồi lan ra toàn thế giới khiến phe chủ trương kinh tế tự do bị nghi ngờ, phe xã hội chủ nghĩa có sức thu hút mạnh hơn. John Maynard Keynes là người đã suy nghĩ về các vấn đề kinh tế một cách tỉnh táo, độc lập, không để cho hai tư trào trên lôi kéo và che mắt mình. Ông chứng tỏ tinh thần độc lập đó ngay khi làm việc trong bộ tài chánh rồi tham gia phái đoàn Anh quốc họp với các nước thắng trận sau cuộc Đại chiến Thứ nhất (1914 – 18). Ông phản đối chính sách “trả thù” của các chính phủ Anh, Pháp, họ muốn bắt nước Đức bại trận phải bồi thường chiến tranh nặng nề trong nhiều năm, mà hậu quả là sẽ làm nước Đức khánh kiệt. Vì ý kiến của ông không được chấp thuận, ông từ chức rồi trở về dậy học. Ông viết cuốn “Những hậu quả kinh tế của hoà bình” để bầy tỏ quan điểm của mình. Chính sách đòi bồi thường chiến tranh của các nước thắng trận quả nhiên đưa nước Đức tới tình trạng kiệt quệ, châm ngòi cho phong trào Đức Quốc xã sau này. Khi Mỹ thắng trận năm 1945, họ theo một chính sách ngược lại, là giúp cho Đức và Nhật Bản phục hưng kinh tế, và hậu quả khác hẳn. Năm 1924, chính phủ Anh trở lại hệ thống tiền tệ lấy vàng bảo đảm, khi Winston Churchill giữ vai bộ trưởng tài chánh. Năm sau Keynes đã xuất bản một tập sách chỉ trích chính sách này, gọi thẳng tên ông Churchill ra trên tựa sách. Keynes đã cảnh báo rằng chính sách này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu! Quả nhiên, chính sách “kim bản vị” đó đưa tới những hậu quả tai hại: hàng hoá xuống giá (deflation), thất nghiệp lên cao, công nhân hầm mỏ đình công, vân vân. Nhưng mãi tới năm 1930 kinh tế thế giới mới thực sự khủng hoảng! Và lúc đó những ý kiến của Keynes được người ta chú ý hơn.
General Theory 1936
Cuốn Lý thuyết Tổng quát về Nhân dụng, Lãi suất và Tiền tệ (General Theory of Employment, Interest and Money) của Keynes in năm 1936 đưa kinh tế học bước vào một thời kỳ mới, và có thể coi là môn Kinh tế học Toàn thể (macroeconomics, thường dịch là kinh tế học vĩ mô) đã ra đời. Ngày nay, những sinh viên nhập môn này thường bắt đầu với những phương trình và đồ biểu về lợi tức, tiết kiệm, tiêu thụ, đầu tư, lãi suất, đó là những dấu vết mà Keynes còn để lại từ cuốn General Theory. Keynes không tin tưởng hoàn toàn vào thị trường tự do. Cứ để yên cho nó chạy, có lúc thị trường sẽ bị tắc nghẽn. Nếu các xí nghiệp và người tiêu thụ ai cũng nghĩ đến tiết kiệm thì người này tiết kiệm sẽ làm cho lợi tức của người kia bị giảm, đến lượt những người bị ảnh hưởng đó sẽ cắt giảm tiêu thụ. Cứ để yên như thế thì người nọ sẽ kéo người kia vào cái vòng luẩn quẩn chỉ đi xuống chứ không lên được! Cho nên chính phủ có lúc phải can thiệp vào để gỡ mọi người ra khỏi cái vòng trói lẫn nhau đó. Chính phủ bơm tiền vào trong xã hội cho một số người có tiền xài, đó là một cách kích thích cho kinh tế chạy trở lại. Chính phủ có thể đưa tiền cho người ta tiêu bằng cách nào? Trợ cấp xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, là một cách, còn cách khác hữu hiệu hơn là chính phủ cứ vay tiền thi hành các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở như đường xá, hoặc thuê người đi phá rừng, đắp đập, vân vân. Keynes dùng một hình ảnh tượng trưng: Chính phủ chôn tiền dưới rồi cho người đào lên, lấy tiền cho họ xài! Keynes tin tưởng là cuốn General Theory sẽ làm một cuộc cách mạng trong lối người ta suy nghĩ về kinh tế, mà điều đó đúng thật. Trong hai thập niên kể từ sau Đại chiến Thứ hai, chính sách của nhiều quốc gia dựa trên những ý kiến cơ bản do Keynes bầy ra. Trong thập niên 1970, các phương thuốc của Keynes trở nên bớt công hiệu. Theo đúng “sách” của ông thì người ta có thể điều tiết đời sống kinh tế bằng cách chọn, hoặc chấp nhận lạm phát cao, hoặc chịu kinh tế suy yếu và thất nghiệp gia tăng. Kinh tế Mỹ vào cuối thập niên 1970 rơi vào tình trạng vừa suy yếu, thất nghiệp, lại vừa lạm phát nặng, gọi là suy-lạm, stagflation! Từ đó, các nhà kinh tế và chính trị gia quay sang một lý thuyết mới, chủ trương dùng một khí cụ hữu hiệu hơn, là điều tiết khối lượng tiền tệ để đối phó với lạm phát hoặc kinh tế suy yếu. Chủ thuyết “tiền tệ” (monetarism) này do Milton Friedman đề xướng trở thành kinh điển mới, ảnh hưởng tới chính sách của các ngân hàng trung ương các nước tư bản suốt ba chục năm nay, đặc biệt là ở nước Anh và ở Mỹ. Keynes đã bị chìm vào quên lãng.
Trở lại với Keynes
Cho tới bây giờ, năm 2008. Người ta thấy rằng Thuyết Tiền Tệ có vẻ hữu ích nhất “trong thời bình,” còn khi gặp cơn khủng hoảng thì vẫn cần tới các phương thuốc cũ của Keynes! Trước khi ông chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Ben Bernanke lên tiếng ủng hộ một chương trình kích thích kinh tế kiểu Keynes, các đại biểu quốc hội đã đưa ra ý kiến này. Phía đảng Dân Chủ thì muốn chính phủ chi tiền để tăng tiền bảo hiểm cho người bị thất nghiệp, tăng số người được hưởng phiếu thực phẩm (food stamp), và thi hành những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở. Phía đảng Cộng Hoà thì muốn giảm bớt thuế cho dân có thêm tiền để tiêu xài. Cả hai đảng, và các ứng cử viên Obama và McCain đều muốn chính phủ can thiệp để kích thích thị trường địa ốc, với những biện pháp khác nhau. Tựu chung, những ý kiến chính của John Maynard Keynes đang được đem ra áp dụng lại. Con người Keynes rất đặc biệt. Ông không phải là một “giáo sư kinh tế” thuần tuý kiểu những ông Friedrich Hayek hay Friedman. Keynes là một con người toàn diện và rất lạc quan, yêu đời, với một nếp sống thư thái và đầy đủ sinh hoạt văn hoá. Ông là con của một giáo sư, được học bổng vào những trường danh tiếng như Eton rồi Cambridge mà sau này ông về dậy học ở đó. Ông nói chuyện rất có duyên, ưa hài hước, thích toán học, văn chương, sưu tầm nghệ phẩm, viết báo, có lúc làm một nhà ngoại giao và cũng tham dự vào chính quyền. Ngoài ra ông lấy bà Lydia Lopokova, một nữ vũ công cổ điển và được tiếng là một người chồng gương mẫu nữa! (ĐQT)
|