Home Đời Sống Tài Liệu Gương Hy Sinh Của Phụ Nữ Việt Nam

Gương Hy Sinh Của Phụ Nữ Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Huỳnh Quốc Bình   
Thứ Sáu, 24 Tháng 10 Năm 2008 12:48

 Tranh "Mẹ bồng con" (không rõ tác giả).

 
























Chắc hẳn người Việt Nam chúng ta ai cũng biết câu: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" của Khổng Giáo. Có phải chăng vì câu nói nầy mà đã khiến cho vấn đề trọng nam, khinh nữ thường xảy ra trong xã hội Á Ðông. Người ta cũng xem thường vị trí của người phụ nữ trong gia đình, dù rằng ai cũng biết mẹ của mình cũng là nữ giới. Ngày xưa người phụ nữ Việt Nam phải làm lụng khó nhọc để nuôi sống gia đình và lo cho chồng ăn học. Chính vì thế mà ca dao đã có câu:

 Bước vào phòng học gọi chồng

Trở ra sắp gánh, sắp gồng ra đi

Không đi thì chợ không đông

Ði ra một bước, nhớ chồng nhớ con

 Hoặc:

 Anh đi, em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.

 Người Á Ðông, hoặc người Việt Nam nói riêng, thường có quan niệm khắt khe về vai trò của người phụ nữ, khi mặc nhiên xem việc săn sóc chồng, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ chồng, quán xuyến tất cả công việc nhà chồng... là bổn phận duy nhất của đàn bà, cho nên mới có những câu vè:

 Làm dâu khó lắm em ơi

Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha

Làm dâu khổ lắm ai ơi

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

 Ngày nay, dù vai trò của người phụ nữ trong xã hội văn minh trở nên quan trọng không kém gì phái mày râu, tuy nhiên, người ta cũng vẫn cứ hẹp hòi khi quy trách nhiệm cho người phụ nữ trong việc dạy dỗ con cái qua câu "con hư tại mẹ" hoặc "cháu hư tại bà"... chứ không phải tại cha ông chúng, dù các bà sáng nào cũng "đi cày" như các ông, chiều về còn lo cơm nước cho gia đình. Vì thế hai câu ca dao sau đây đã làm nổi bật vai trò của người phụ nữ Việt Nam đối với gia đình, qua hầu hết các thời đại:

 Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng

 Tôi nhận ra công lao của người mẹ và biết trân quý sự hy sinh của người phụ nữ trong một gia đình, tấm lòng cao quý mà các bà mẹ dành cho chồng con... qua hình ảnh của Mẹ và Vợ tôi. Dĩ nhiên, trong xã hội ngày xưa cũng như nay, cũng có những phụ nữ có khuyết điểm với chồng con, với gia đình và xã hội. Nhưng bài viết nầy không chủ trương đề cập đến thành phần phụ nữ đó.

 Hình ảnh con gà mái xoè đôi cánh nhỏ bé để bảo vệ đàn gà con trước móng vuốt của diều hâu, giống như hình ảnh một bà mẹ sẵn sàng quên thân mình để bảo vệ con thơ qua câu chuyện thương tâm, liên quan đến cái chết của mẹ bạn tôi trong một tai nạn của chuyến xe đò từ Thủ Ðô Sài Gòn về miền Tây vào đầu thập niên 70: Bà mẹ ẩm trên tay một đứa bé khoảng một tuổi. Chẳng may xe bị lật xuống hố, hầu hết mọi người trong xe đều bị thương. Riêng mẹ của bạn tôi đã qua đời, với bao nhiêu thương tích trên người. Bà qua đời không phải do xui xẻo, hay vì bà không lanh lẹ. Ai cũng biết bà là người duy nhất thiệt mạng chỉ vì bà đã dành cả đôi tay của mình để ra sức bảo vệ đứa con, thay vì theo phản ứng tự nhiên, là bám vào thành ghế để tự vệ như bao nhiêu người khác. Bà đã chết để cho con mình được sống, để thân thể con mình không bị một vết trầy.

 Ngoài gương hy sinh của các bậc anh thư trong lịch sử Việt Nam cận đại như Cô Bắc, Cô Giang, và Cô Tâm... cũng có những tấm gương hy sinh của những phụ nữ bình thường khác, đã được truyền miệng trong dân gian, và cũng khiến cho một số người đời sau cho rằng đó chỉ là chuyện hư cấu, thêu dệt, để kích động lòng người. Nhưng tôi thì không dám lấy dạ của kẻ hậu sanh mà đo lòng người đời trước. Vì tôi biết, người ta không thể phán đoán một vấn đề nào đó khi mà người ta không ở trong hoàn cảnh, hoặc thời điểm đó.

 Câu truyện về người đàn bà Việt Nam thời thực dân Pháp đô hộ là một câu truyện đã tạo cho tôi nhiều xúc động, dù một phản ứng quan trọng của những nhân vật trong truyện ngược lại sự khuyến cáo của Thánh Kinh và niềm tin của tôi đối với Thiên Chúa: Một bà kia, có người con trai duy nhất, thế mà bà cũng khuyến khích con mình tham gia cách mạng chống ngoại xâm. Người con vâng lời mẹ, nhưng không may, người con ấy đã bị thực dân bắt nhốt trong tù và tra tấn dã man, với mục đích khai thác những bí mật của tổ chức và tông tích của những nhà cách mạng khác.

 Vì không muốn con mình bị kẻ thù hành hạ đớn đau, vì sợ con mình không chịu nổi cực hình tra tấn của kẻ thù rồi khai ra những bí mật có bổn phận giữ kín, nên bà đã có một quyết định táo bạo. Bà giấu một lá thư và con dao nhỏ trong đòn bánh tét, gửi vào tù cho con... Ở trong tù, người con nhận được "gói quà" của mẹ, và sau khi đọc nội dụng lá thư, người con đã dùng dao tự sát theo lời khuyên của mẹ, để giặc không thể tra tấn, không thể khai thác những gì chúng muốn. Khi hay tin người con đã đền nợ nước, bà mẹ đáng thương đó đã dùng dây thắt cổ quyên sinh để cùng thác với con mình...

 Tấm lòng cao quý và sức chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam rất nổi bật trong thời quân dân miền Nam chống bọn xâm lược Việt Cộng. Người mẹ, người vợ đã lần lượt hiến dâng chồng, con của mình cho tổ quốc thân yêu, như thể bị ai đó cắt từng thớ thịt và gan ruột của mình... Trường hợp điển hình, thằng bạn cùng xóm với tôi là người thanh niên duy nhất còn sót lại trong gia đình, khi trong vòng mấy năm mà mẹ của nó phải ba lần đi nhận xác con, và gần cuối cùng của cuộc chiến, bà phải đau đớn đi nhận xác chồng đã đền xong nợ nước.

 Hình ảnh người vợ, người mẹ của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà túc trực tại các phi trường, các bến cảng, để đón xác chồng, xác con vào Mùa Hè Ðỏ Lửa, vào những trận hành quân giải toả U Minh, thời quân dân miền Nam ra sức bảo vệ từng tấc đất, trước sự xâm lược của việt cộng, để mọi người được sống yên ổn tự do nơi thành thị, là một hình ảnh thương tâm mà chỉ có những kẻ thiếu lương tâm mới dám phủ nhận hay dễ dàng quên đi. Tiếng khóc than thảm thiết, tiếng nấc trong uất nghẹn của những phụ nữ Việt Nam bất hạnh ấy không át được tiếng cười đùa của những gia đình thờ ơ với thời cuộc, vô trách nhiệm với non sông. Thời chiến, những gia đình nầy sống an nhàn nơi thành thị, mặc cho máu người khác cứ tuôn cứ đổ, còn họ thì chủ trương "không làm chính trị". Khi giặc tràn vào thành phố, họ nhanh chân chiếm lấy các phương tiện của quốc gia, chạy ra hải ngoại và tiếp tục hùng hồn tuyên bố "tôi không dính dấp đến chính trị". Và rồi những năm qua, khi việt cộng cần tiền để cứu vãn chế độ, nên chúng mở cửa kêu gọi người Việt hải ngoại về thăm quê hương, hoặc về xây dựng đất nước, thì những người "không làm chính trị" nầy, đã hối hả trở về du lịch Việt Nam như "áo gấm về làng" và còn bỏ tiền ra để làm ăn kiếm lời! Ðề cập đến việc nầy tôi bổng nhớ đến mấy vần thơ của Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện:

 Lỗi lầm tại ai?

Xét ra tất cả...

Mấy ai người đem hết tâm can

Trước quân thù hung hiểm gian ngoan.

Biết bao kẻ mơ hồ mong hưởng lạc

 Quả thật như vậy. Thời chiến tranh Việt Nam, có mấy ai đang sống yên lành, đầy đủ tiện nghi chốn hậu phương, biết rằng những người vợ lính phải sống với đàn con nheo nhóc tại các trại giam binh, hoặc ngay trong đồn, bót, nơi chồng, cha, của họ đang phục vụ.. Có ai biết cảm thông cho những người vợ lính phải lặn lội theo chồng khắp vùng chiến thuật. Ðơn vị của chồng đi đến đâu thì các bà lục đục kéo nhau đến gần đó. Hạnh phúc của người vợ lính được nhìn thấy qua những bữa cơm đạm bạc với chồng con bằng đồ tiếp liệu của chính phủ, như gạo sấy và mấy lon cá hộp rẻ tiền.

 Ðâu phải chỉ có vậy. Dù không phải là lính, dù chỉ là vợ lính, nhưng các bà cũng làm tròn bổn phận công dân, qua câu: "giặc đến nhà, đàn bà phải đánh". Chính vì thế mới có sự hy sinh của một người vợ lính nghĩa quân. Chị chưa từng được ăn lương của chính phủ, không có số quân, không cấp bậc, nhưng khi giặc cộng tấn công tiền đồn của chồng chị. Chị đã chiến đấu anh dũng bên cạnh chồng và đồng đội của chồng. Chị là người may mắn sau cùng sống sót sau các đợt tấn công của kẻ thù. Tuy nhiên, trước sự hiếu chiến cố hữu của giặc cộng, trước sức tấn công sau chót biển người của địch. Chị vẫn can đảm ném hằng trăm quả lựu đạn về phía kẻ thù, và chỉ dành lại cho mình một trái để... cùng gặp chồng nơi chín suối.

 Sau tháng 4 năm 75, người dân miền Nam mất tất cả, nhưng hình ảnh hy sinh của người phụ nữ Việt Nam càng nổi bật hơn, khi có những bà cụ chống gậy, đi đến các trại tù "cải tạo" để thăm nuôi con cháu. Trong hoàn cảnh đau thương của đất nước, những phụ nữ Việt Nam mảnh khảnh, vừa buôn bán tảo tần để nuôi đàn con nhỏ dại, vừa lo cho cha mẹ chồng và cha mẹ của mình, vừa chịu đựng những bất công do chế độ độc tài dành cho gia đình của "những tên phản động". Tội cho những bà mẹ còn son sắc, phải tìm đủ mọi cách để được sống còn trước âm mưu thâm độc của những con người tự xưng là "cách mạng". Các bà phải chống chọi những cám dỗ trong lúc cô đơn, sống một đời sống túng thiếu mọi bề... Nhưng rồi những phụ nữ Việt Nam nầy cũng đắc thắng. Các bà đã vượt đường xa từ Nam ra Bắc để thăm chồng, thăm con, đang bị chế độ việt cộng hành hạ trong các trại tù, ở những vùng rừng thiên nước độc...

 Sau hằng chục năm đợi chồng con được kẻ thù phóng thích trở về. Chưa kịp vui cảnh đoàn viên thì phải vội vả lo cho chồng, cho con vượt biên, vượt biển, bằng những đồng tiền chắt chiu trong thời gian chồng con vương mang tù tội. Ðiều đáng nói là các bà tình nguyện ở lại, để chẳng may nếu có ai bị bắt trong chuyến vượt biên, thì còn có người ở bên ngoài chạy chọt, cứu nguy... Thế rồi thời gian qua nhanh, trong lúc chờ đợi hồ sơ bảo lãnh hoàn tất, có bà đã qua đời trong cuộc sống đơn độc, vì các người thân yêu biền biệt xứ người.

 Trong số các gia đình rời Việt Nam vào tháng 4-75. Ra đến hải ngoại, có những bà đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để giúp cho chồng, con, của mình làm tròn bổn phận công dân, bằng cách trở về nước chiến đấu giải phóng tổ quốc. Các bà chấp nhận cuộc sống hẫm hiu, thiếu thốn và còn phải chịu đựng sự đánh phá của kẻ thù, sự soi mói của những tấm lòng hẹp hòi, ích kỷ; nhất là các bà phải đau đớn nhìn hình ảnh người ta loại trừ nhau, sự phản bội lý tưởng ban đầu những người từng gọi nhau là chiến hữu, hay đồng đội, như nhà Thơ Bắc Phong đã từng thốt lên những lời chua chát:

 Lúc máu người khác đổ

Xương người khác phơi

Ta cứ lo hưởng thụ đi thôi

Ðể kẻ thù gây thêm tội ác...

 Nhìn những thành công của giới trẻ hải ngoại qua các thành tích tại các trường đại học thì biết công lao của các bà mẹ Việt Nam. Sự thành công vượt bực của người Việt hải ngoại chỉ trong vòng hơn ba Thập Niên qua đã khiến cho người ngoại quốc phải kinh ngạc. Cho nên xin đừng ai phủ nhận công lao của những người mẹ Việt Nam trong các gia đình tỵ nạn, khi vô tình tiếp tay bọn việt cộng miệt thị người Việt tỵ nạn, bằng những nhận xét khắc khe, rằng "người Việt Nam không đoàn kết". Ðâu còn ai lạ gì miệng lưởi của bọn việt cộng. Lúc cần lên án, thì cho rằng người Việt hải ngoại là thành phần "rác rưởi, đỉ điếm" nhưng khi bọn chúng muốn chiêu dụ thì chỉ cần một nghị quyết của đảng là lập tức trở thành "khúc ruột xa ngàn dặm..." Việt cộng trân tráo như thế đấy, vậy mà cũng không ít người nhận mình là trí thức, là người chống cộng, là có kinh nghiệm đau thương với VC, là có sự sáng của Chúa... vẫn thích ngồi chung bàn, ăn chung măm với bọn chúng.

 Tôi rất thán phục những gia đình cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được ra hải ngoại trong hai thập niên qua theo chương trình tỵ nạn dành cho cựu tù nhân chính trị. Dù đến hải ngoại muộn màng, nhưng các bà mẹ trong các gia đình ấy đã hội nhập nhanh chóng vào đời sống mới. Các bà làm việc "đầu tắt mặt tối" để giúp chồng tái lập lại cuộc sống, giúp con cái thành công trên đường học vấn với những cấp bằng, những nghề nghiệp chuyên môn trong xã hội văn minh. Hướng dẫn con cái hiểu biết về thân phận của kẻ lưu vong. Khuyến khích con cái biết tham gia tranh đấu cho những người đang mất tự do, biết thủy chung với đồng bào còn ở lại quê nhà, biết tiếp nối những công việc mà đồng bào hải ngoại từng tranh đấu cho gia đình mình, lúc chồng, cha của mình còn nằm trong tù Việt Cộng. Nếu có ai hỏi tôi nghĩ thế nào về người phụ nữa Việt Nam, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng: Khó mà có phụ nữ của một dân tộc nào trên thế giới có sức chịu đựng như phụ nữ Việt Nam. Ðồng thời xin được hân hạnh tặng bốn câu Thơ của Thi Sĩ Hồ Dzếnh:

 Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ hy sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi

 Tôi viết bài nầy trong thời điểm mọi người rầm rộ tổ chức "Ngày Cho Mẹ", mà người Mỹ

 gọi là "Mothers Day", khiến tôi bồi hồi nhớ đến Mẹ của mình, nhớ đến cuộc điện đàm hơn mười năm trước mà sau nầy tôi mới biết đó là lần sau chót tôi được nghe giọng nói của Mẹ tôi. Sau khi biết tôi quyết định không về thăm quê hương, vì không muốn làm lợi cho chế độ VC và ảnh hưởng đến việc định cư của những người Việt trong các trại tỵ nạn cộng sản, đang chờ thanh lọc, để nhận được quy chế tỵ nạn chính trị. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, người không trách cứ, không thúc dục tôi về thăm, nhưng lại trấn an tôi: Vì hoàn cảnh, con không về được, Mẹ rất hiểu và cảm thông cho con. Thôi thì chừng nào tình hình đất nước cho phép, chừng nào thấy về được, thì nhớ về thăm tao... Mẹ tôi không vĩ đại như những bà Mẹ Việt Nam trong các câu truyện, nhưng đối với tôi, người là một bà Mẹ tiêu biểu cho bà Mẹ Việt Nam bình thường, giản dị, luôn chịu đựng mọi thiệt thòi. Tôi rất hảnh diện vì được làm con của Mẹ tôi, làm con của Mẹ Việt Nam.

 Trong tháng Năm này, cũng như truyền thống cao đẹp của người dân bản xứ, người Việt chúng ta cũng đã tổ chức "Ngày Của Mẹ" hay "Ngày Cho Mẹ" để vinh danh người Mẹ, của chính mình hay của các con mình. Trong hoàn cảnh ly hương, tại sao chúng ta lại không nhân cơ hội này mà nghĩ tới Mẹ của cả dân tộc, để nhắc nhở nhau không quên nguồn cội, Tổ Quốc. Ðể hình của người Mẹ, người Vợ, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn là biểu tượng của Dân Việt, Nước Việt. Ðể "Ngày Cho Mẹ "cũng đồng thời là "Ngày tìm về với Dân Tộc".