Bàn về Quốc Ca VN (2) |
Tác Giả: * NGUYỄN NGỌC HUY | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 10 Năm 2008 23:43 | |||
(Tiếp theo) Nói tóm lại, trừ các bản nhạc vô duyên đã được Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc dùng làm quốc ca, nhưng thật sự không thể xem là quốc ca được, dân tộc Việt Nam có cả thảy bốn bản nhạc xứng đáng với danh nghĩa quốc ca là Ðăng Ðàn Cung, Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, Tiến Quân Ca và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Bốn bản quốc ca này đã được dùng song song với bốn lá quốc kỳ: bản Ðăng Ðàn Cung với cờ long tinh, bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông với cờ quẻ Ly, bản Tiến Quân Ca với cờ đỏ sao vàng và bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân với cờ vàng ba sọc đỏ. 1. So sánh các bản quốc ca với nhau. Bản Ðăng Ðàn Cung là bản nhạc cổ điển Việt Nam thuộc loại nhã nhạc. Loại nhạc này có tánh cách nghiêm trang và ôn hòa, trái với dâm nhạc là loại nhạc biểu lộ tình cảm một cách nồng nhiệt và chỉ được dùng trong việc giải trí hay hội họp vui chơi. Bản Ðăng Ðàn Cung là một bài nhã nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao của nhà vua. Do đó, nó có tánh cách trang trọng, nhưng không hùng hồn và không khích động được tinh thần người nghe. Bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông là một bản tân nhạc có tánh cách khích động hơn bản Ðăng Ðàn Cung, nhưng cái hùng của nó là loại trầm hùng nên không khích động tinh thần người nghe bằng bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Vì là một hành khúc, bản quốc ca hiện nay của chúng ta khích động tinh thần người nghe một cách mạnh mẽ hơn. Mặt khác nữa, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho nó đóng một vai tuồng tích cực trong cuộc tranh đấu cho nền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam. Thời Thế Chiến II, với tên là Sinh Viên Hành Khúc, nó đã được dùng để đánh thức tinh thần tranh đấu của nhơn dân Việt Nam. Ðến lúc người Pháp đem binh đến để tái chiếm Nam Việt, dưới tên Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên, nó đã được dùng để thúc đẩy các chiến sĩ cầm tầm vong vạt nhọn đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp. Khi nước Pháp chánh thức nhìn nhận nền độc lập và thống nhứt của Việt Nam, nó đã thành bản quốc ca với tên là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Bản "Tiến Quân Ca" của CSVN cũng có tánh cách khích động tinh thần người nghe như bản quốc ca của chúng ta. Nhưng về lời ca thì từ hình thức Sinh Viên Hành Khúc qua Thanh Niên Hành Khúc đến Quốc Dân Hành Khúc, bản quốc ca của chúng ta nhiều lắm là nói đến “thù nước lay máu đào đem báo”, còn Tiến Quân Ca với lời "thề phanh thây uống máu quân thù” rõ là sắt máu quá và có thể làm cho thế giới xem dân tộc Việt Nam là dã man. Về mặt chánh trị, bản Thanh Niên Hành Khúc đã được dùng để thúc đẩy các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm tầm vông vạt nhọn chống lại Quân Ðội Viễn Chinh Pháp trong khi bản Tiến Quân Ca đã được trổi lên để chào đón Quân Ðội này lúc họ đổ bộ ra Bắc Việt theo sự thoả thuận với Hồ Chí Minh trong Sơ Ước ngày 6 tháng 3 năm 1946. Sau đó, nó đã được dùng khi bộ đội Việt Minh cùng với bộ đội Pháp hợp tác nhau trong Ban Liên Kiểm Việt-Pháp để tiến đánh các chiến khu của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội. 2. Lý luận của những người muốn đổi quốc ca. Những người muốn đổi quốc ca đã đưa ra nhiều lý luận khác nhau. Trong các lý luận được đưa ra, chỉ có một cái đáng cho chúng ta lưu ý. Lý luận này đặt nền tảng trên chỗ tác giả bản nhạc được chúng ta dùng làm quốc ca là Lưu Hữu Phước, hiện là một cán bộ cộng sản, và Lưu Hữu Phước đã lên tiếng sỉ vả người quốc gia Việt Nam là vô liêm sỉ khi lấy bản nhạc của anh ta và đặt lại lời ca để dùng. Một số người quốc gia Việt Nam đã tỏ ra khó chịu về việc này và những người muốn thay đổi quốc ca đã dựa vào đó để kêu gọi mọi người bỏ bản quốc ca hiện tại. a. Nhận định về cá nhơn Lưu Hữu Phước. Vì lý luận trên đây dựa vào cá nhơn Lưu Hữu Phước nên chúng ta cần phải biết về cá nhơn này trước khi phán đoán. Thời Thế Chiến II, Lưu Hữu Phước là một sinh viên có tinh thần quốc gia và cũng như nhiều sinh viên khác của Viện Ðại Học Hà Nội, chỉ có chủ trương giành độc lập cho Việt Nam mà không gia nhập đoàn thể chánh trị nào. Lúc CSVN chưa cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước đã hoạt động với Anh Nguyễn Tôn Hoàn là một cán bộ của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng tại Viện Ðại Học Hà Nội. Lúc CSVN cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước và một số sinh viên khác gia nhập Ðảng Tân Dân Chủ, một chánh đảng hợp tác với CSVN trong Mặt Trận Việt Minh, nhưng lúc đầu phân biệt với Ðảng CSVN và nhiều khi cạnh tranh lại đảng này. Tuy nhiên, bằng cách vừa mua chuộc, vừa lấn ép, CSVN đã lôi phần lớn các đảng viên Tân Dân Chủ vào Ðảng CS và chỉ còn dùng tên Ðảng Tân Dân Chủ làm một nhãn hiệu để làm cho người ta lầm tưởng rằng chế độ họ xây dựng lên không phải là chế độ độc đảng. Lưu Hữu Phước thuộc thành phần đảng viên Tân Dân Chủ bị lôi kéo vào Ðảng CS. Anh ta không đủ khí phách để chống lại việc đó và bị loại ra khỏi trường chánh trị như Ðặng Ngọc Tốt, cũng không đủ tinh thần sắt máu để được CSVN tin dùng như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm. Mặt khác, anh ta không có một khả năng đặc biệt về chánh trị mà CSVN có thể khai thác được như Mai Văn Bộ. Trước sau, Lưu Hữu Phước chỉ là một nhạc sĩ. Do đó, CSVN đã dùng anh ta như một văn công, sản xuất nhạc theo lịnh Ðảng và lên tiếng về các vấn đề khác những khi Ðảng thấy cần. Nói tóm lại, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân lúc còn là một sinh viên có tinh thần quốc gia. Ngày nay, anh ta là một văn công của CSVN và mọi lời phát biểu của anh ta chỉ là do Ðảng CSVN mớm cho. b. Quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca. Nhưng dầu cho lúc sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc, Lưu Hữu Phươc đã là một đảng viên cộng sản rồi và việc chỉ trích chúng ta dùng bản nhạc đó là do ý anh ta, chúng ta cũng không phải bận tâm về vấn đề này, vì theo quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca thì khi một bản nhạc đã được quốc dân nhận làm quốc ca, nó không còn của riêng ai nữa mà là của toàn dân. Do đó, cá nhơn người sáng tác bản nhạc cũng như người chọn bản nhạc làm quốc ca không thành một vấn đề đem ra thảo luận. Chúng ta có một tiền lệ đáng lưu ý về việc này. Ðó là trường hợp bản Marseillaise được dùng làm quốc ca Pháp. Bản quốc ca này được một nhà quí tộc Pháp là Rouget de Lisle sáng tác năm 1792. Lúc ấy, Vua Louis thứ XVI còn trị vì và Rouget de Lisle là một sĩ quan trong Quân Ðội Pháp. Năm 1793, Vua Louis thứ XVI bị xử tử và Rouget de Lisle bị bắt vì là người quí tộc theo phe bảo hoàng chống lại Cách Mạng. Lúc ấy, Ông Lazare Carnot, Ủy Viên Quốc Phòng của Hội Ðồng Cách Mạng vì muốn cứu một sĩ quan cùng binh chủng với mình, lại là tác giả bản Marseillaise, đã đề nghị Rouget de Lisle tuyên thệ trung thành với Cách Mạng thì sẽ được tha, nhưng Rouget de Lisle từ chối vì không chịu phủ nhận lý tưởng bảo hoàng của mình. Cuối cùng, ông ta chỉ thoát chết vì chánh phủ cách mạng chủ trương Ðại Khủng Bố do Robespierre cầm đầu đã bị lật đổ trước khi bản án tử hình của ông ta được đem ra thi hành. Nhưng mặc dầu sau năm 1793, Rouget de Lisle đã trở thành người chống lại Cách Mạng, chánh quyền cách mạng Pháp vẫn tiếp tục dùng bản Marseillaise do ông sáng tác và năm 1795 đã chánh thức quyết định lấy nó làm quốc ca. c. Trường hợp bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca. Bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca vốn do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong thời kỳ CSVN chưa cướp được chánh quyền ở Việt Nam. Không rõ lúc ông sáng tác bản nhạc này, Văn Cao đã là một đảng viên cộng sản hay chưa. Nhưng chắc chắn là về sau, ông đã vào Ðảng CSVN. Tuy nhiên, cũng như nhiều văn nghệ sĩ có nhiệt tâm yêu nước thời đó, Văn Cao đã lần lần nhận chân được bộ mặt thật của Cộng Sản. Ðiều đáng quí là ông đã can đảm hơn nhiều người khác như Lưu Hữu Phước chẳng hạn, và đã dám nói lên sự bất mãn và chống đối của mình. Ông đã tham dự phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1956 và đã dứt khoát chống lại Ðảng CSVN. Trong con mắt của CSVN hiện nay, Văn Cao là một phần tử phản Ðảng, phản động, phản cách mạng. Với chủ trương độc tài sắt máu và lòng tự hào là Ðảng mình lúc nào cũng hành động hợp với chánh nghĩa, CSVN rất xấu hổ về chỗ bản quốc ca họ dùng là sáng tác của một nhạc sĩ phản Ðảng, phản động và phản cách mạng. Bởi đó, họ không chịu theo quan niệm thông thường bắt đầu với lịch sử bản Marseillaise của Pháp, nghĩa là bất chấp lập trường chánh trị về sau của tác giả bản quốc ca. Họ đã treo một giải thưởng lớn cho người sáng tác được một bản nhạc đáng làm quốc ca mới. Nhưng trong nhiều trăm bản nhạc gởi đến dự thi, họ đã không chọn được bản nào ra hồn. Cuối cùng, họ phải hậm hực giữ bản Tiến Quân Ca làm quốc ca. Người Quốc gia Việt Nam chúng ta theo quan niệm thông thường trên thế giới về quốc ca nên không có gì phải hậm hực vì tác giả bản quốc ca chúng ta đang dùng hiện đã trở thành một văn công của CSVN. Và nếu có người nào đem việc Lưu Hữu Phước sỉ vả chúng ta về chỗ đã lấy bản nhạc do anh ta sáng tác làm quốc ca, chúng ta có thể bảo họ nên dùng các lời sỉ vả đó đặt trong miệng Văn Cao để gởi cho tập đoàn CSVN. 3. Nhiệm vụ của người quốc gia Việt Nam đối với bản quốc ca Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Ngưoi quốc gia Việt Nam may mắn có một bản quốc ca hùng hồn được dùng để thúc đẩy người ái quốc tranh đấu cho nền độc lập và sự tự do của dân tộc. Bản quốc ca này rất xứng đáng với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ. Với giá trị nội tại của chính nó, thêm vào vai tuồng lịch sử mà nó đã đóng, nó lúc nào cũng gây sự xúc động mạnh mẽ trong tâm trí người Việt Nam ái quốc. Từ khi được chánh thức dùng làm quốc ca của nước Việt Nam độc lập, nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Tại Việt Nam, nó đã cùng với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ làm yếu tố hội tập nhiều triệu chiến sĩ quân nhơn cũng như dân sự tranh đấu cho sự tự do của dân tộc Việt Nam. Nó đã là bản nhạc tiễn đưa ra nghĩa trang nhiều trăm ngàn người đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam. Như vậy, nó cũng là một bảo vật thiêng liêng của chúng ta y như quốc kỳ. Hiện nay, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân không còn được chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng như mọi người Việt Nam ở quốc nội đều biết rằng đó là bản nhạc của người quốc gia chống lại Cộng Sản. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại quốc xem là bản nhạc biểu tượng cho người quốc gia chống cộng. Không bản nhạc nào khác có thể thay thế Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân về mặt này. Vậy, việc tôn trọng bản quốc ca đó và tiếp tục dùng nó chung với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ một cách rộng rãi ở mọi nơi là một công cuộc đóng góp vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách Cộng Sản. Nếu mọi người Việt Nam ở hải ngoại đều đồng tâm nhứt trí để tranh đấu chung nhau thì một ngày không xa lắm, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân sẽ được hát lên ở khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan. Chúng tôi nghĩ rằng lúc ấy, chắc chắn không có bài khải hoàn ca nào hay hơn nó được. (Trích 'DI CẢO III' của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Mekong-Tỵ nạn xuất bản, Hoa Kỳ, 1992)
|