Sở Cảnh Sát Westminster hướng dẫn người dân ngăn ngừa ‘cảnh sát hung bạo’ |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||
Thứ Năm, 26 Tháng 11 Năm 2009 14:39 | |||
‘Dân thiểu số là nạn nhân nhiều hơn người bản xứ’ Hình trên: Thám tử Michael Nguyễn của Sở Cảnh Sát Westminster biểu diễn một cảnh chận xe, và giải thích cách ứng xử của nhân viên công lực, cũng như những gì người bị chận xe cần làm, và những điểu gì phải tránh. (Hình: Hà Giang/Người Việt) Hình dưới: Nhân viên Sở Cảnh Sát Westminster biểu diễn cảnh còng tay một người dân trong trường hợp bạo hành gia đình. (Hình: Hà Giang/Người Việt) “Cảnh sát hung bạo (police brutality) là một thực tại, và thường nhắm vào dân thiểu số hơn là người bản xứ.” Ðó là câu trả lời rất bộc trực của ông Andrew Hall, cảnh sát trưởng thành phố Westminster, nơi có Little Saigon, khi được phóng viên Người Việt hỏi rằng, “police brutality” có phải là một thực tại không, và Sở Cảnh Sát Westminster có những chương trình gì để ngăn ngừa vấn nạn này. * Ngăn ngừa “cảnh sát hung bạo” Câu hỏi trên đưa ra trong khung cảnh một buổi hội thảo giữa Sở Cảnh Sát Westminster và cộng đồng người Việt tại Little Saigon, được Westminster City Council tổ chức vào lúc 2 giờ chiều Thứ Tư, 25 Tháng Mười Một, 2009 tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Ðông. Mục đích, theo Cảnh Sát Trưởng Andrew Hall, nhằm giảm thiểu tối đa những trường hợp “cảnh sát hung bạo” (police brutality). Sở Cảnh Sát Westminster cũng đề cập đến việc này với những cảnh sát viên mới từ những ngày đầu tiên họ nhận trách nhiệm. “Trong giai đoạn tuyển người chúng tôi cùng các ứng viên làm những trắc nghiệm khác để loại trừ những người có đầu óc kỳ thị.” Ông nói thêm. Và dĩ nhiên một trong những nỗ lực để ngăn ngừa vấn nạn “cảnh cát hung bạo” (police brutality) “chính là buổi hội thảo rất thiết thực và cần thiết này.” Trong buổi thảo luận kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, Sở Cảnh Sát Westminster đã hướng dẫn cho cư dân trong vùng hiểu “những điều cần làm và những điều phải tránh” khi bị cảnh sát chặn xe, hay khi cảnh sát đến nhà để đáp ứng những cú phôn gọi 911. Mục đính chính của buổi thảo luận là để tránh những việc đáng tiếc đã xảy ra ở San Jose tiêu biểu là trường hợp du sinh Phương Hồ và một thanh niên bị bệnh tâm thần Daniel Phạm. Thuyết trình viên chính của buổi thảo luận, thám tử (detective) Michael Nguyễn, hiện đang phụ trách những vụ bạo hành gia đình (domestic violence) đã giải thích bằng lời và cả sự biểu diễn (demonstration) cho cử tọa biết sự suy nghĩ và ứng phó của cảnh sát trong ba trường hợp khác nhau: Khi chặn xe, khi đến nhà người dân trong trường hợp bạo hành gia đình, và trong trường hợp nhà có người bị bệnh tâm thần. Theo thám tử Michael Nguyễn, điều quan trọng nhất mọi người cần nhớ là khi cảnh sát chặn xe lại, họ “không biết người ngồi trong xe là ai, và họ có ý định gì.” Tài xế có thể là một dân lành, một tội phạm, một người bệnh tâm thần, hay đơn thuần chỉ là một người không nắm rõ luật giao thông. “Nhưng chúng tôi chỉ có thể suy đoán về người đó hay ý định của người qua hành động của họ.” Thám tử Michael Nguyễn nói. * Người dân phải làm gì? Vậy khi bị cảnh sát chớp đèn, chặn xe, người dân phải làm gì? 1. Lái xe qua bên lề phải, tìm chỗ an toàn và đậu lại. 2. Ngồi yên trong xe và không ra khỏi xe vì bất cứ lý do gì, trừ trường hợp được cảnh sát yêu cầu. 3. Ðể hai tay lên vô lăng cho cảnh sát thấy là trong tay không có vũ khí, hay không dự định lấy vũ khí. 4. Ðưa giấy tờ cho cảnh sát xem khi họ hỏi. Trong trường hợp giấy tờ để trong cốp xe thì phải cho cảnh sát biết, và chờ họ cho phép thì mới được xuống xe lấy giấy tờ. Trong phần nói về ứng xử của cảnh sát khi đến nhà người dân để đáp ứng những cú gọi 911, thám tử Michael Nguyễn cho biết rằng đến nhà dân trong những trường hợp bạo hành gia đình nguy hiểm nhất, vì mọi người đang cơn nóng giận, và rất nhiều cảnh sát đã bị tử nạn khi thi hành công vụ trong những trường hợp này. Thường thì sẽ có ít nhất là 2 cảnh sát viên đến nhà trong trường hợp bị gọi phôn vì (nghi ngờ) có bạo hành. Việc đầu tiên cảnh sát sẽ làm là đảm bảo tất cả mọi người trong nhà được an toàn. Họ sẽ tìm cách tách hai người đang ẩu đã hay xô xát ra và nói chuyện riêng với mỗi người. Khi cảnh sát đến nhà, mọi người phải tuyệt đối ngồi yên theo lời yêu cầu của cảnh sát. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu của cảnh sát dù nghĩ rằng họ đang hành động trái phép, vì họ có thể nộp đơn khiếu nại sau. Trong trường hợp tình trạng ẩu đả vẫn còn xảy ra khi có mặt cảnh sát, họ sẽ còng tay và khống chế người đang bạo hành ngay. Họ làm thế để bảo vệ người dân. Khi cần phải gọi cảnh sát vì không cảm thấy an toàn do hành động của người bị bệnh tâm thần, người nhà cần phải nói ngay điều này cho người trực phôn 911 biết, nếu không cảnh sát sẽ ứng xử bình thường và những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Các thuyết trình viên nhắc nhiều đến các trường hợp du sinh Phương Hồ, anh Daniel Phạm tại San Jose và ông Trần Kim Mỏng tại Garden Grove, và rút tỉa kinh nghiệm của mỗi trường hợp. Sự thành công của cuộc thảo luận có thể được đo lường bằng sự lắng nghe chăm chú của gần 30 người dân tham dự, nhiều câu hỏi được đặt ra và đều được trả lời thỏa đáng. Nói với phóng viên Người Việt sau buổi thảo luận, bà Hòa Vũ, một dân cư trong vùng nói buổi “nói chuyện này bổ ích lắm”, và dự định sẽ về “kể lại cho người thân và bạn bè nghe.” Cô Yến Nguyễn, một dân cư khác trong vùng cho rằng buổi hội thảo là một cử chỉ đẹp của Hội Ðồng thành phố Westminster, “biểu hiện quan tâm của các vị dân cử đến đời sống của cộng đồng.” Các nghị viên Diệp Miên Trường, Andy Quách, và Trí Tạ đều có mặt trong buổi hội thảo. (HG)
|