Bàn về Văn Hoá của Internet |
Tác Giả: Vũ Thanh | |||
Thứ Ba, 24 Tháng 11 Năm 2009 21:53 | |||
Không cần chứng minh nhiều, ai cũng thấy Internet mang lại ích lợi rất lớn lao cho thông tin... đặc biệt thông tin đại chúng. Có thể tạm kể ra những điều tốt đẹp và hữu ích nhờ Internet mang lại cho đại đa số quần chúng, dù sống trong các quốc gia tự do hay các nước bị hạn chế nhiều về mặt thông tin. 1. Tính Lợi Ích Thực Dụng: Internet mang lại cho người sử dụng nhiều ích lợi rất thực tế. Thành ngữ “cũ người mới ta” đã được những người sử dụng Internet khai thác triệt để. Không chỉ ở ngoại quốc mới có eBAY, tại Việt Nam cũng có những trang web giới thiệu đồ lạc-xoong, “second hand” đã được dùng qua nay muốn bán lại. Ngay cả những đồ dùng mới, vì lý do “cung-cầu”, nhiều món hàng đã được bán rất rẻ, thậm chí cho không tại nhiều trang Net. Người viết có kinh nghiệm mua sách trên Amazon, một lần cần một cuốn sách trị giá hơn 80 đô-la, nếu mua tại hiệu sách còn bị thêm thuế; sau khi lên Amazon tìm kiếm, đã mua được với giá “net” chỉ có 5 đô. Đó là một trong nhiều lợi ích thực tế nhờ Internet mang lại. 2. Tính Nhanh Chóng: Có những thông tin mà trước kỷ nguyên Internet, người ta phải mất nhiều thời gian mới nhận được thông tin tối thiểu. Ngày nay, lên mạng lưới toàn cầu, có những chuyện xảy ra ở những tận đâu đâu, thế mà chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, ta có thể biết được rõ ràng, lại còn có kèm theo hình ảnh phụ họa. Nếu cho rằng “tấm hình đáng giá ngàn lời” thì quả thật Internet đã góp phần rất lớn. Người ở Mỹ đi đâu xa gần, nếu cẩn thận có thể lên trang Sigalert để xem đường sá thế nào, freeway ra sao, nơi nào đang có tai nạn để tránh, rồi được chỉ dẫn nơi đến bằng quãng đường và thời gian ngắn nhất. Ai muốn tìm hiểu vấn đề gì, nói chung, có thể lên Google tìm kiếm, chỉ một vài thao tác, kết quả đếm hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn địa chỉ đưa thông tin cho người cần tìm kiếm. 3. Tính Cập Nhật: Tin tức trên Net nhờ nhanh chóng như thế, nên việc cập nhật cũng rất thường xuyên. Việc cập nhật này được thực hiện trên những trang web nghiêm túc không chỉ tính theo năm, mà thậm chí tính đến ngày, giờ, và từng phút. Ai đã từng theo dõi giá cả thị trường chứng khoán, xem kết quả thi đấu thể thao trên Internet đều thấy rõ những tin tức được trang Web cập nhật đến như thế nào. Bên cạnh những thống kê mang tính quốc gia, cần cập nhật hàng năm, người đọc có thể vào Net để xem kết quả một vụ án xử, xem bị cáo “guilty or not” theo như toà công bố tính đến từng giây. 4. Tính Nối Kết: Đọc thông tin trước kia trên báo, hay nghe tin tức trên radio, việc liên kết giữa các đài, các hãng thông tấn xem ra lệ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật và trình độ của người biên tập. Ngày nay thì khác xa, việc nối kết giữa các hãng thông tấn, các kênh truyền hình truyền thanh cung cấp thông tin, cũng như nối kết giữa những tổ chức có chung mục đích trở thành hết sức dễ dàng. Đang đọc thông tin về một sự kiện tại một quốc gia A, có thể nhanh chóng đến quốc gia B để xem hậu quả của việc xảy ra tại A đã ảnh hưởng thế nào trên B, cũng như đo lường phản ứng của dân chúng của cả hai nước. Lẽ dĩ nhiên là cần phải thông thạo ngoại ngữ, nhưng chính vì thế mà tin tức khó bị bóp méo hay thêm bớt vì ta có thể đối chiếu trên nhiều mạng thông tin cùng lúc. 5. Tính Phổ Cập - Mở Rộng: Nhờ kỹ thuật nối kết nhanh chóng, sự mở rộng của Internet mang con người trên thế giới lại gần với nhau. Việc liên lạc trở nên dễ dàng. Có những chuyện tưởng vô cùng bí mật ở một nơi, nhưng nơi khác lại thấy rõ như chuyện “ban ngày”. Gần như không có gì có thể dấu diếm được. Chuyện linh mục Nguyễn Văn Lý bị toà án cộng sản bịt miệng, nhiều người tại Huế chưa biết, thì cả thế giới đã thấy tấm hình này. Một người đã biết là có khả năng rất nhiều người sẽ biết, và biết trong một thời gian thật ngắn. Một lễ hội dự định tổ chức ở giáo phận Thái Bình, Việt Nam - có thể giáo dân trong giáo phận chưa biết hay nghe nói đến - thì khắp nơi trên thế giới người ta đã có cả chương trình cũng như biết đường đi nước bước, ý định của ban tổ chức muốn làm gì, nhắm đến điều gì. 6. Tính Khả Hữu: Một ích lợi nữa của Internet có thể là kết quả của những tính chất trên, là tính khả hữu (affordability), ít tốn phí, đối với những người có điều kiện và cần thiết trong công việc liên hệ đến truyền thông. (Không kể đến vẫn còn rất nhiều nơi trên thế giới vẫn còn nhiều người khó khăn về vật chất, giới hạn về “kỹ thuật” do không biết hoặc không có điều kiện tự do sử dụng computer.) Nhưng so với khả năng và chi phí cần bỏ ra, thì giá để sử dụng Internet là quá rẻ so với chi phí dùng mua báo, mua sách, thuê cable xem truyển hình. So sánh với việc gửi một tờ thư qua đường bưu điện, tính về tiền tem phải trả, thời gian chờ đợi, và khả năng lá thư có thể không bao giờ đến người nhận vì bưu điện rùa bò hoặc vì nhiều lý do khách quan khác như thời tiết, giao thông, tai nạn…, thì việc gửi thư qua đường email đảm bảo thời gian tính, gần như 100% thư sẽ đến được người nhận. Người nhận thư cũng không thể chối rằng mình không nhận thư vì có những hệ thống email cho tin hồi báo, và còn cho biết thư đó được mở ra đọc vào ngày giờ nào, hoặc email đó bị xoá đi và không hề được mở ra xem. Internet còn giúp người ta thông tin không chỉ bằng văn bản, mà còn bằng âm thanh và hình ảnh. So sánh giữa cuộc nói chuyện điện thoại bằng hệ thống cũ vừa mất nhiều tiền, vừa khó nghe; thì với hệ thống điện thoại qua Internet, khi đang có cuộc điện đàm thì cùng lúc ấy hai đối tượng vẫn có thể trao đổi bằng email (một hình thức của chat), vừa xem hình ảnh của nhau (nhờ webcam) và đồng thời có thể nói chuyện được với nhiều người trên toàn thế giới cùng một lúc mà hầu như không phải trả một lệ phí nào khác (ngoài số tiền trả cho dịch vụ Internet, chi phí thiết bị ban đầu).Thật là quá rẻ và gần như ai cũng có thể nếu muốn, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến! Như thế thì kể ra Internet chỉ đem đến toàn thuận lợi thôi sao? Xin thưa ngay không phải như thế. Vấn đề luôn có hai mặt: Điều gì dễ dãi cũng sẽ gây nhiều phiền toái nếu lạm dụng. Internet đã và đang là những thách đố và đem lại nhiều phiền não cho độc giả mà ít gặp phải khi sử dụng những phương tiện truyền thông trước đây. Xin lược kể vài điểm sau: 1. Công Khai: Thực ra, công khai là một điều rất tốt và cần thiết, nhưng đối với những người có quan hệ, việc làm mờ ám, không lành mạnh trong xã hội, gia đình, sở làm, muốn bưng bít thông tin thì Internet lại là một thách đố cho họ. Nhờ Internet, không ít văn phòng, cơ quan, cá nhân đã khám phá ra những âm mưu nguy hiểm có nguy hại đến an ninh quốc gia hoặc quyền lợi của cơ quan, gia đình. Nhưng mặt khác, cũng vì sự nhanh chóng và dễ dàng phát tán thông tin trên mạng mà không ít một số thư từ của cá nhân gửi riêng cho nhau lại được đăng ngay lên Net và chuyển cho rất nhiều người trong mailing list của họ (không biết đã được sự đồng thuận của các tác giả chưa hoặc chủ ý của người gửi muốn được cho nhiều người biết qua việc chuyển thư/bài viết của mình). Điều tệ hại hơn nữa là có những thư cá nhân và những điều cần được bảo mật hoặc đã được yêu cầu giữ kín, nhưng vì lý do nào đó, cả trang thư và những điều thầm kín nhất đuợc phơi bày cho bàn dân thiên hạ rõ. Có ai theo dõi tin tức trên Net gần đây mà không biết chuyện chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của đài CNN, rồi báo Nhân Dân, Tuổi Trẻ bịa đặt thêm câu trả lời rằng “Giáo Hội Việt Nam và Vatican đồng tình với chúng tôi” trong vụ xử án linh mục Nguyễn Văn Lý. Nhờ tính công khai mà chuyện bịa đặt này được bàn dân thiên hạ biết đến, và làm cho bộ mặt của nhà nước cho rằng “dân chủ hơn mọi chế độ dân chủ” tỏ lộ nguyên hình. Người con trong gia đình ăn nói dối trá còn bị phạt, đến bây giờ một tờ báo của nhà nước trình bày vị nguyên thủ quốc gia phát biểu “không đúng sự thật” thì còn phải hiểu như thế nào về chế độ hoặc cơ quan ngôn luận đó? 2. Giả Mạo: Không có mạng lưới truyền thông nào có thể sản sinh những điều giả mạo nhanh chóng và dễ dàng như Internet. Giả mạo từ hàng hoá rao bán, giả mạo từ lý lịch người giao tiếp, giả mạo đến công văn giấy tờ, giả mạo cả tên và địa chỉ người gửi thư. Dễ dàng quá, đâu khó gì khi vẽ vời tô điểm một sự kiện, một con người, một công trình trên Internet? Hình chụp thì tô điểm thêm bằng các software hình ảnh, với chút hiểu biết về kỹ thuật tạo hình và phóng ảnh, các hình ảnh sẽ được sửa chữa từ xấu thành đẹp, từ già thành trẻ, và ngược lại. Một tấm hình với khuôn mặt của người này thân hình của người khác thì nào khó khăn chi. Sự kiện thì “không nói thành có, ít hoá ra nhiều,” lập đi lập lại trên Internet, và khi có nhiều trang mạng phổ biến, sẽ biến sự kiện từ hư không thành câu chuyện “hoàn toàn có thực” vì các báo đài và Internet đã đăng rồi mà. Còn nói chi đến các văn bản, tin tức được lược dịch từ các hãng thông tấn ngoại quốc, biên tập viên nếu muốn vẫn có thể luợc dịch và cắt xén biến bản tin theo chiều kích chủ quan mình muốn chuyển tải, vì có mấy ai có điều kiện hoặc thì giờ để kiểm chứng và so sánh xem độ khả tín của bản tin so với bản tin chính thức. Khả năng dễ dàng giả mạo đã làm cho có nhiều trường hợp thông tin đưa kết quả dở khóc dở cười, như chuyện cô gái đôi mươi lấy “anh” chồng đã ngoài bảy chục, chỉ vì hình anh còn quá “jeune”. Mà cái gì nhìn qua hình ảnh đều chẳng đẹp, cha ông chúng ta chẳng có câu, “đẹp khoe xấu che” là gì? 3. Tin Tặc: Từ Giả Mạo đến chôm chỉa, thuổng bài hay dùng một từ tạm gọi là “tin tặc” chẳng xa nhau là mấy. Có người dùng từ này cho bọn “hackers”, là bọn chuyên phá rối các hệ thống cung ứng dịch vụ Internet. Trong bài này, ta tạm dùng nó cho những người chuyên “copy”, “đạo tin.” Trộm cắp và giả mạo có bà con với nhau. Dễ quá, thời buổi văn minh, biết sử dụng một chút computer, “cut&paste” đâu phải là chuyện khó? Bầu khí của truyền thông tại California thời gian gần đây sôi động vì câu chuyện tuần báo VietWeekly “thuổng bài” của người khác trên mạng talawas và các mạng khác, rồi không ghi xuất xứ, đăng trên báo giấy bán ngon lành. Tác giả hoặc các mạng thông tấn sẽ nghĩ sao khi bài viết của họ được đăng tải lại trên một mạng khác mà không hề ghi xuất xứ? “Đi đêm ắt sẽ gặp ma.” Thời đại thông tin toàn cầu mà, chuyện gì đã lên Net thì hầu như đều có người đọc, rồi ắt có người “save” vào máy và truyền bá không công, nên sẽ có người phát hiện chuyện chôm chỉa. Việc lấy trộm bài của nhau mà không ghi chú vì quá dễ dàng mà lại phổ biến, nên người ta không thấy xấu hổ vì vi phạm lương tâm chức nghiệp. Có những thông tin tôn giáo, cần được phổ biến và làm điều không công thì còn dễ thông cảm, chứ những việc lấy bài in đem bán thì có lẽ cần xem lại, nhất là đối với những báo đời. 4. Phù Phiếm: Một đặc tính nữa của văn hoá Internet là tính phù phiếm, nay còn mai mất. Cũng chính vì đưa lên dễ dàng, nên lấy xuống cũng không khó. Thông tin của Internet vì thế dễ bị coi là “bất khả tín” do hiện tượng này. Báo chí sách vở ngày xưa in sai, thông tin nhầm là lần sau phải in đính chính, cáo lỗi và rút kinh nghiệm với độc giả. Ngày nay thì khác, nghe tin gì, chưa cần biết đúng sai hay kiểm chứng, cứ vội vã đăng lên Net trước. Nếu lỡ mai đây phát hiện sai thì sửa lại vài chữ, thế là xong. Tệ hơn nữa, khi lỡ đăng tin mà gặp phản ứng ngược chiều hoặc thắc mắc của độc giả, hoặc bài viết không thể sửa chữa thì cứ lấy hẳn bài xuống, thế là chẳng có ai đặt vấn đề. Làm như thế vô hình trung thông tin trên Net bị mất tính đáng tin cậy (reliability). Mà chuyện này có lẽ khó khắc phục được, nhất là đối với những trang web có các thông tin “thượng vàng hạ cám,” khi không có một Ban hay chí ít là một cá nhân biên tập có trình độ chuyên nghiệp và đạo đức để duyệt xét các bài vở, tin tức trước khi đưa lên mạng. Có thể vì tính cấp thời và cần nhiều thông tin, các trang web hiện nay tạo điều kiện cho nhiều người nhiều nơi cộng tác và tự ý đưa bài lên, nên thiếu vắng một đường hướng chủ đạo của trang web. Làm báo giấy cũng vẫn có trường hợp bị “hố”, nhưng với thời buổi “digital” này thì lỗi lầm như thế vấp phạm nhiều lần hơn. Tính phù phiếm do đó càng bộc lộ rõ ràng hơn. Qua những nhận xét thuận nghịch ở trên, chúng ta có thể rút ra bài học gì về văn hoá Internet? Các tổ chức cơ quan truyền thông, các webmaster khi nhận diện được ưu và khuyết điểm của Internet, là những người đang làm những mục vụ trong Giáo Hội liên quan đến truyền thông Kitô giáo, thiết nghĩ vấn đề đạo đức (ethics) của người tín hữu và của người làm truyền thông cần được đặt ra cách nghiêm chỉnh. Hơn nữa, linh đạo (spirituality) của những người làm công việc quan trọng này cũng cần được đào tạo và thực hành. Trách nhiệm phổ biến tin tức Hội Thánh và rao giảng Lời Chúa là một, đó là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, cũng như của các tín hữu, từ Giáo hoàng cho đến giáo dân. Nếu trong quan hệ xã hội phi tôn giáo còn cần đến những nguyên tắc đạo đức nhân bản là trung thực, khách quan, lương thiện, đạo đức, thì trong tôn giáo, nhất là Kitô giáo lại cần phải có thái độ ứng xử đúng đắn của người con cái Chúa: yêu thương, tôn trọng, phục vụ sự thật và duy trì lòng nhân ái. Nhưng sự thật là gì thì không dễ có câu trả lời, không phải vô tình mà từ 2000 năm trước Phi-la-tô đã hỏi Chúa Giê-su, “sự thật là gì?” (Ga 18,38). Truyền thông tự bản chất mang tính chủ quan của người duyệt và đưa tin, nhưng người có trách nhiệm cũng không nên quá coi thường, cẩu thả để gây hiểu lầm, hoặc phải xin lỗi đi, cáo lỗi lại, do đăng những tin tức không chính xác. Thậm chí vì sai lầm, khi bị phơi bày ra, cũng không có một lời xin lỗi hoặc sửa chữa. Cùng đấu tranh cho hoà bình, chúng ta có thể đứng trên quan điểm “phải chuẩn bị cho chiến tranh” như của Lev Tolstoy, hay trên quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, “phải đấu tranh cho công lý.” Cả hai đều đấu tranh cho hoà bình, chân lý, thì phải là những đồng minh của nhau, chứ đừng vì thế mà xảy ra những bút chiến, đôi co, phỉ báng, bôi nhọ cá nhân, kiểu lý luận “ad hominem attach/argument” rất phổ biến trong giới truyền thông “lá cải” hiện nay. Một vài ứng dụng thực tế xin được nêu ra cụ thể như sau: · Lấy bài của tác giả đăng nơi khác, đem về đăng lại nơi trang báo của mình mà không mở đầu giới thiệu, hay ít ra là ghi chú trích dẫn. Hiện tượng này rất phổ biến, lấy lý do là để truyền bá cho đại chúng, nên không cần phải ghi xuất xứ. Lý luận như thế phạm sai lầm ở chỗ người đọc tưởng tác giả đã đích thân gửi bài cho trang web của mình. Người viết có khi chỉ viết cho một trang/mạng nào đó, nay lại thấy bài mình trên báo khác, làm họ cũng khó trả lời khi độc giả hay mạng lưới đặt vấn đề. Hơn nữa, khi ta sử dụng công trình của người khác, mà không ghi chú là của họ, hoặc của tờ báo đã đăng bài, thì khác nào ta cướp công của họ cách trắng trợn. Tiếc rằng điều này vẫn còn bị các trang mạng/báo Internet coi thường. Dù biết rằng báo đăng lại chẳng có lợi nhuận, nhưng khi đăng như thế, đã vô tình lấy tiếng nói hay chính kiến của bài báo được đăng làm tiếng nói của báo mình. Câu chuyện báo VietWeekly cho thấy rõ hậu quả của việc làm sai quấy này. Ngoài việc “đạo bài” khi lấy bài của một cán bộ đăng lại trên báo của mình, không hề ghi chú bối cảnh và nguồn gốc của bài viết, người ta có thể suy đoán và tin rằng báo VW đã lấy tiếng nói của cán bộ cộng sản làm tiếng nói của chính mình. · Khi đăng bài của người khác hoặc lấy được từ trên Net, dù có xin phép hoặc trích dẫn hay không, người (báo, trang) net đăng lại không được tự ý thay đổi, thêm bớt vào bài nguyên gốc. Ngay cả khi tác giả bản văn có những điểm sai sót trong tác phẩm của mình, khi đăng lại, với phép lịch sự tối thiểu, ban biên tập có thể ghi trong câu mở đầu hoặc chú thích rằng đây là ý kiến của tác giả, chúng tôi xin đính chính thế này thế khác, chứ không được tự ý sửa đổi thêm bớt gì vào bài gốc. Điều này tránh được hiện tượng “tam sao thất bổn”, rất cần thiết cho giới nghiên cứu. Không ai ứng xử lạ lùng đến độ ra đường thấy một em bé xấu xí (theo chủ quan), tự ý đem về nhà và cho đi mỹ viện để sửa chữa sắc đẹp cho em mà không cần xin phép cha mẹ của em bé đó. Bài viết của một tác giả là đứa con tinh thần của họ, cho dù nó có sứt môi, què quặt thì không được tự ý đem đi mỹ viện toà báo khác thêm bớt cắt xén. Đó là nói chuyện tác giả có sai sót, chưa nói đến tác giả muốn hoặc cố tình viết như thế, mà ta tự ý cắt xén sửa chữa khác đi khi đăng lại thì hậu quả còn tác hại và ảnh hưởng trái ngược ý tác giả. · Các biên tập viên, webmaster cần kiểm chứng chuyên môn (trong vấn đề học thuật), cũng như tính xác thực (trong tin tức, nguồn tin) trước khi đăng, tránh tình trạng “giúp nhau quảng bá bậy”, rồi sau này phải lên tíếng đính chính, làm hại đến thông tin hơn là giúp cho độc giả có cái nhìn đúng đắn. (Thí dụ gần đây nhất về tin Nha Lộ Vận DMV tiểu bang California sẽ phạt nặng những tài xế khi lái xe sử dụng điện thoại cầm tay và sẽ được áp dụng vào ngày 1 tháng 7 năm 2007). Thật ra đây là một trò đùa giả mạo được tiếp tay truyền bá bằng email, và không ít một số báo, mạng lưới vội vàng đăng tải, không hề kiểm chứng làm cho rất nhiều người hoang mang. Cuối cùng mới cử phóng viên đến Nha Lộ Vận để minh xác. Đáng buồn và tiếc cho việc làm thiếu ý thức của người tạo tin “xạo,” cũng như sự góp phần của các mạng và cơ quan truyền thông, làm mất thời gian, tiền bạc và công sức của biết bao người. Hơn nữa, đôi khi vì nôn nóng muốn có tin “giật gân,” có mạng lưới “network” nhiều lần vội vã đăng tin mà không kiểm chứng, vô tình làm độc giả mất thiện cảm với trang web đó, đưa đến việc họ sẽ không bao giờ đọc hoặc tin của mạng lưới đó nữa. Điều này đã gây tác dụng trái nghịch cho nguyên nhân tồn tại cũng như uy tín của mạng lưới. · Một mạng lưới chuyên nghiệp và có uy tín có nên đăng những bài chỉ trích cá nhân chưa được kiểm chứng (hoặc mới kiểm chứng một chiều, lấy tin thiên lệch), cũng như có nên đăng những bài bút chiến gần như chỉ nhằm đả kích cá nhân mà không giúp độc giả học hỏi thêm được điều gì ngoài những lời châm biếm, chua cay phỉ báng, coi thường hoặc đe dọa? Tiếc rằng điều này khá phổ biến, và đáng buồn hơn nữa là trong lãnh vực nhà Chúa, cha với con, anh chị em con cùng một Cha trên trời…thì những điều đau lòng này cũng xảy ra. Một mạng lưới mang tính chuyên nghiệp “professional” có nên đăng trên mạng những thư trao đổi giữa các cá nhân? Mạng truyền thông là nhằm thông tin cho đại chúng, khi đưa những tin thư của cá nhân lên mạng, người đọc không khỏi băn khoăn và đặt nhiều thắc mắc về nguồn gốc, ý muốn, và nội dung của bản tin nhằm mục đích gì? Nếu đã là thư ngỏ, có cần gửi cho cá nhân và ngược lại? Tình trạng này nếu kéo dài, sẽ làm biên giới giữa những chuyện chung - riêng mờ nhạt, và ngày nào đó, chuyện cá nhân dễ trở thành đề tài cho cộng đồng bàn luận mà người ta không thấy mình đã xâm phạm cuộc sống riêng tư của mọi người. Dù cho đó là chủ ý của người viết, hay là “sự mau mắn không đúng chỗ” của người đưa tin, những thói quen đưa tin kiểu trên liệu có nên tiếp tục? Chuyện cá nhân chỉ nên giới hạn trong phạm vi cá nhân, nếu bản tin liên hệ đến vai trò và trách nhiệm của người viết cần được thông tin thì phải được gửi từ cơ quan chính thức của người gửi và nhận để độc giả tỏ tường và trân trọng đón nhận. Những chuyện cá nhân (chung-riêng lẫn lộn này) do cách truyền thông trên đã vô tình xuống đường, thâm nhập vào các hộp thư, trang báo, đưa vào diễn đàn các nơi, lại làm cho mở rộng trên Internet cho nhiều bài báo khác thêm bài bình luận để gọi là lạm bàn…làm vẩn đục thêm cái không khí văn hoá đã vốn phù phiếm lại càng tạm bợ mất giá trị hơn. Hay đó là cách thức mà người viết muốn truyền đạt những vấn đề không tiện nói thẳng, nói trực tiếp đến đối tượng? Nếu đã phải như thế thì quả thật là văn hoá Internet đã không còn là văn hoá, mà trở thành một công cụ cho những mục tiêu riêng tư nào đó. Trên đây là một vài nhận định nhỏ và giới hạn, trước rừng nấm “mạng thông tin” trên ngôi làng vũ trụ Internet. Trình bày với ước mong những người làm truyền thông Internet cũng như sử dụng Internet thỉnh thoảng nhìn lại mình, để còn thấy được hướng đi, theo những tiếng gọi chân chính ban đầu. Rừng nấm thông tin này không chỉ có một loài nấm, bên cạnh những nấm ăn được, cần phải cảnh tỉnh những cây nấm đụng vào là gây tử vong. Cái gọi là “văn hoá Internet” cũng thế, không phải chỉ nhìn thấy được toàn điều hay lẽ phải, hoặc chỉ thấy những thách đố khó khăn, mà người được gọi làm mục vụ truyền thông trên mạng cũng như người sử dụng luôn cần phải quay về cội nguồn của mình, dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa và sự chỉ dạy của Giáo Hội để đi đúng con đường có lẽ ít người đi, nhưng rất đáng cho ta bước thử, vì có thể ta chỉ đi được một lần trong đời.●
|