Home Đời Sống Tài Liệu Những kỷ lục của con người

Những kỷ lục của con người PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Luân   
Chúa Nhật, 18 Tháng 10 Năm 2009 13:21
 1. Bình thường khi người ta ngâm mình dưới nước ở nhiệt độ 00 C trong vòng 20 phút thì chắc chắn sẽ tử vong. Thế nhưng anh chàng Lewis Gordon Pugh đã làm như thế trong làn nước lạnh giá ở Nam cực và đã lập kỷ lục là người tắm biển gần Nam cực nhất. Bí quyết của anh ta là luyện tập mỗi tuần 4 lần trong hồ bơi có nhiệt độ 20 C. Nhờ thế anh đã trui rèn được những phản xạ thật đáng ngạc nhiên. Mỗi khi anh nhảy xuống nước lạnh, thân nhiệt của anh lập tức tăng lên 380 C thay vì 370 C như bao người khác. Kế đó, thay vì thở hổn hên như chúng ta, Lewis lại có thể chế ngự được nhịp hô hấp. Cuối cùng, kỹ thuật của anh là bơi thật nhanh để làm tăng nhiệt độ tối đa trong các cơ bắp và giữ thân nhiệt ở mức trên 350 C, ngưỡng nguy hiểm cho cơ thể.  
 
2. Phi hành gia Nga Valery Poliakov đã đạt kỷ lục là người sống lâu nhất trong vũ trụ : 437 ngày trên trạm không gian Mir vào năm 1994-1995. Với bức xạ của gió Mặt trời và tình trạng máu dồn lên não, quả thật đấy không phải là một kỳ nghỉ hè thú vị. Và những khó khăn vẫn còn tiếp tục khi trở về Trái đất : đôi chân của anh đã quen với tình trạng không trọng lực nên khó mang nổi cơ thể của anh. Nhưng vấn đề không phải từ cơ bắp vì để tránh cho chúng không bị teo, mỗi ngày Valery tập thể dục từ 4 đến 5 giờ. Điểm yếu chính là xương. Giống như cơ bắp, bộ xương cũng yếu đi hay cứng rắn hơn tùy theo nhu cầu. Chẳng hạn ở 1 vận động viên cử tạ, bộ xương sẽ to hơn so với người bình thường. Trong không gian xương chân sẽ yếu đi, và mỗi ngày 1 phi hành gia sẽ mất đi 140mg calci trong số 1,25kg của bộ xương. Do vậy 500 ngày là thời gian tối đa mà con người có thể sống trong vũ trụ.
 
3. Các nhà sư Thiếu lâm tập quyền cước từ lúc còn bé và họ buộc cơ thể phải chịu những thử thách ghê gớm, chẳng hạn như giữ thăng bằng trên những ngọn giáo sắc nhọn. Bí quyết của họ là cho các mũi giáo tì vào những điểm “cứng cáp” trên cơ thể như cổ họng, nơi có rất nhiều cơ bắp và dây chằng, hay xương ức. Nhưng nhất là họ dựa vào cơ bắp, vì khi chúng căng cứng lên có thể khiến cho mũi giáo không đâm xuyên vào được. Tuy nhiên những màn trình diễn như thế không thể kéo dài quá vài giây, bởi vì khi căng cứng, cơ bắp sẽ nén các mạch máu, cũng có nghĩa là cắt nguồn cung cấp oxy. Sau 7 giây ở tình trạng đó, cơ bắp sẽ tự động thư giãn, và lúc ấy mũi giáo sẽ trở nên rất nguy hiểm. 
 
 4. Khi cần phải mang vác các vật nặng suốt cả ngày thì chẳng ai qua được những người Sherpa ở Népal. Ở độ cao hơn 2.000m, trên những vùng đất gồ ghề, họ có thể mang những vật nặng gấp 2 lần trọng lượng cơ thể (120kg) trong khi một người phương Tây chỉ có thể mang một nửa trọng lượng cơ thể trong thời gian dài. Nhiều nhà khoa học Bỉ đã cố tìm ra bí mật của người Sherpa nhưng vô ích. Dường như họ chẳng có bí quyết gì cả. Người ta chỉ biết rằng họ tiết kiệm năng lượng bằng cách bước đi thật chậm, khoảng 2km/giờ, và nghỉ ngơi rất nhiều lần. Trên những đoạn đường khó khăn, cứ 15 giây họ lại dừng nghỉ 45 giây.
 
5. Hoạt động ở nhiệt độ hơn 8000 C, đó là chuyện thường ngày của những người lính cứu hỏa. Nếu họ không mặc một loại trang phục đặc biệt thì sẽ là một công tác bất khả thi, bởi vì sức nóng giết người còn nhanh hơn là cái rét. Khi thân nhiệt của chúng ta vượt quá 420 C thì đó là cái chết chắc chắn. May thay cơ thể chúng ta có những phương cách phòng vệ hữu hiệu. Nhiều cuộc thí nghiệm đã cho thấy rằng chúng ta có thể chịu đựng 20 phút ở nhiệt độ 1270 C. Các mạch máu ngoại biên sẽ giãn ra và tập trung sức nóng ở bề mặt da, để rồi sau đó sự đổ mồ hôi sẽ tản nhiệt. Nhưng điều này chỉ có thể nếu không khí thật khô. Trong môi trường ẩm ướt, ta khó chịu đựng sức nóng hơn.
 
 6. Năm 2004, Loic Leferme đã có thể lập kỷ lục lặn nín thở đến độ sâu -171m là nhờ cơ thể của anh ta không hoạt động giống như người bình thường. Thật vậy, những người lặn nín thở có thể giữ hơi lâu hơn (đến 7 phút) trong khi chúng ta chỉ nín thở được từ 1 đến 2 phút. Nhờ cách tập luyện tích cực, cơ thể của Loic Leferme có thể chịu đựng một lượng oxy thật thấp trong máu (chưa bằng một nửa so với bình thường) trong khi chúng ta buộc phải hít vào khi lượng oxy xuống dưới 96%. Ngoài ra anh ta còn có thể giảm nhịp tim từ 60 xuống 25 nhịp/phút. Điều đáng kinh ngạc nhất là anh ta có thể chịu đựng được áp lực nước khủng khiếp ở độ sâu -171m (gấp 18 lần áp suất khí quyển). Từ độ sâu -100m, áp lực nước sẽ nén lá phổi của anh ta nhỏ lại bằng quả quít. Thế mà Loic Leferme lại xuống sâu hơn. Có lẽ cơ thể của anh ta có những cơ chế thích nghi rất đặc biệt mà các nhà khoa học vẫn còn chưa biết.  
 
 7. Moussa Huit Huit chào đời với những khớp xương mềm dẻo hơn bình thường rất nhiều. Khả năng này còn tùy thuộc vào tính kéo giãn của cơ bắp. Và điều này cần phải có sự tập luyện. Sự kéo giãn thường xuyên sẽ kích thích sự tạo ra các sợi cơ nhanh, ít đàn hồi và mềm dẻo hơn những sợi cơ chậm. Tất nhiên nếu người ta muốn làm được như anh ta tức là kéo 2 bàn chân ra phía sau đầu chẳng hạn, tốt nhất nên tập luyện thường xuyên ngay từ lúc còn bé. Việc này sẽ hãm chậm quá trình tự nhiên mà theo tuổi tác, sẽ làm các khớp cứng lại. 
 
 8. Được thả từ trên phi cơ ở độ cao 8.000m bên trên đảo Corse, Thierry Demonfort đã lượn trong 45 phút nhờ các cánh buồm căng giữa tứ chi và đáp xuống ở Sardaigne cách xa vài chục kilômét. Thierry là lính dù thử nghiệm của Hải quân Pháp và đang thử các chiến thuật thâm nhập vào lãnh thổ quân địch. Ở độ cao đó, anh ta chỉ cần một mặt nạ dưỡng khí. Nhưng đối với các lính dù khác nhảy ở độ cao mà không khí hầu như chẳng còn, họ cần phải mặc thêm trang phục có áp suất. Vào năm 1960, một quả khí cầu chứa hélium đã đưa Joe Kittinger lên tầng bình lưu. Nhảy dù từ độ cao 31.000m, Kittinger đã lao xuống với vận tốc 990km/giờ rồi được hãm chậm lại khi đến lớp khí quyển đặc hơn. Hiện nay các đồng nghiệp của anh đang thử sức ở độ cao xấp xỉ 40km, độ cao tối đa mà khinh khí cầu có thể lên tới.
 
 9. Bác sĩ leo núi Nicolas Jaeger đã sống ở độ cao 6.700m trong 2 tháng. Ở độ cao đó, không khí cực hiếm oxy nên rất khó thở. Ông ta đã có thể chịu đựng như thế vì cơ thể của chúng ta có khả năng thích nghi bằng cách gia tăng lượng hồng cầu mang oxy, đồng thời chuyển sang chế độ hoạt động cần ít oxy. Tuy nhiên khả năng thích nghi này chỉ là tạm thời, nó giúp cho chúng ta sống được vài tuần ở độ cao 7.000m, nhưng chỉ được vài giờ trên đỉnh Everest (8.800m). Vượt quá độ cao và thời hạn đó, lợi ích của sự thích nghi chấm dứt, các tế bào thần kinh bị ngạt thở, bắt đầu tự hủy hoại và kế đến là cái chết. Chính Nicolas Jaeger đã phải trả giá cho kinh nghiệm đó. Năm 1980 ông muốn sống trên đỉnh Himalaya và đã không bao giờ trở về. 
 
 10. Giới hạn của những phi cơ chiến đấu ngày nay chính là các phi công : họ không thể chịu được gia tốc 12G mà phi cơ có thể đạt đến. Gia tốc này có được là khi vận tốc từ 0km/giờ vọt lên 120km/giờ trong vòng 1 giây. Trên 1 phi cơ đang tăng tốc, máu của phi công tụ về các đầu chi, khó trở về tim, do vậy máu được đưa lên não ít. Với gia tốc 4,5G, phi công sẽ bất tỉnh, và nếu kéo dài sẽ là cái chết. Hiện nay các phi công được mặc bộ đồ kháng gia tốc (Anti-G) để giúp máu trở về tim dễ dàng, do vậy họ có thể chịu đựng được đến 9G. Vào năm 1954, John Stapp không mặc bộ đồ đặc biệt này khi ngồi trên chiếc xe được đẩy bởi 1 động cơ phản lực trong khuôn khổ nghiên cứu về ghế bay cứu hộ (để cứu phi công khi bị nạn) của Không quân Mỹ. Anh ta đã sống sót sau 5 giây ở gia tốc kỷ lục là 19G, lúc ấy vận tốc là 1.017km/giờ. 
 
 
                                                                                                            MINH LUÂN
                                                                                                         (theo S & V Junior)