Thời Tiết Cali Ngày Càng Nóng Ấm Hơn |
Tác Giả: V. Giang / Người Việt | |||
Thứ Năm, 27 Tháng 8 Năm 2009 10:43 | |||
LOS ANGELES (Reuters) - Những cơn oi bức nhiều độ ẩm, vô cùng ngột ngạt, kéo dài mấy ngày, thường hiếm thấy ở California, nay đang trở nên thông thường và mạnh mẽ hơn do sự chuyển biến của biển bởi ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, theo một bản nghiên cứu công bố hôm Thứ Ba.
Mùa hè nóng bức ở California cũng là mùa cháy rừng. (Hình:AP) Các nhà nghiên cứu thời tiết tại viện Scripps Institution of Oeceanography, thuộc Ðại Học Calfiornia, đã đi đến kết luận trên sau khi xem xét các dữ kiện liên quan đến một trận nắng nóng dữ dội vào mùa Hè năm 2006 khiến khoảng 600 người và 25,000 gia súc chết ở California. Trận nắng nóng đó, cũng giống các trận trước đó, bao gồm ẩm độ cao và sức nóng, đã giữ nhiệt độ ở mức cao vào buổi tối thay vì mát hơn về đêm như thường xảy ra trong không khí khô vốn là điều thường thấy ở California. Những buổi tối nóng bức, nhơm nhớp này chuyển thành những ngày nóng ẩm, giúp cơn nắng nóng lại càng nóng hơn, “và vòng này tiếp tục mãi cho đến khi gió đổi chiều,” theo lời Alexander Gershunov, người cầm đầu toán nghiên cứu ở Scripps. Ðây là tình trạng cũng thấy ở các nơi khác tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong vùng từ trước vẫn nóng và ẩm ở phía Nam. Tại California, tình trạng này gây ra bởi dòng chảy của biển ngoài khơi bán đảo Baja Peninsula của Mexico. “Sự ấm lên của biển cũng một phần gây ra tình trạng các trận nắng nóng ở California thay đổi tính chất của chúng,” ông Gershunov nói. Hiện tượng này cho thấy sự quan trọng của hơi nước trong hoàn cảnh thay đổi khí hậu - gây ra hơn 80% tình trạng giữ nóng của bầu khí quyển, so với chỉ khoảng 12% đối với carbon dioxide. Dù rằng những đêm nóng bức ẩm thấp đã thường thấy hơn ở California từ đầu thập niên 90, đây vẫn còn là điều hiếm thấy ở tiểu bang này, theo lời ông Gershunov, trong khi cho biết thêm rằng cần phải theo dõi tình hình thay đổi vì con người, súc vật và môi trường nơi đây không thích nghi cũng như vì “ảnh hưởng đối với sức khỏe, nông nghiệp và tiêu thụ năng lượng rất cao.” (V.Giang)
|