Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài PDF Print E-mail
Tác Giả: Trịnh Hội   
Chúa Nhật, 12 Tháng 7 Năm 2009 07:10

Ðây là câu thơ trong truyện Kiều mà nhà thơ Hữu Loan đã viết tặng cho tôi cách đây đúng 3 năm về trước khi tôi lần đầu tiên tìm được đến nhà ông ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đến nay, nơi nào tôi cho là nhà của tôi, 'my home' hay chỉ là 'my room', thì chắc chắn mảnh giấy học trò mang 8 chữ viết tay của nhà thơ Hữu Loan và chữ ký ngoằn ngoèo của ông sẽ được mang theo và đặt ở một vị trí xứng đáng nhất. Tôi không sở hữu nhiều đồ vật bất kể là nó có giá trị hay không. Nhưng đây là một trong những kỷ vật trong đời mà tôi trân trọng nhất. Tôi trân trọng không chỉ vì tác giả của nó. Hay tư cách và sự hiên ngang, tài hoa của người viết. Mà trên hết là vì triết lý, một nhân sinh quan rất sâu đậm của chính nó. Tôi luôn muốn được nhắc nhở rằng:

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Phải thú nhận là tôi tìm ra được quê nhà thơ Hữu Loan và cũng là nơi ông hiện đang cư ngụ trong một dịp rất ngẫu nhiên và tình cờ. Lúc ấy tôi vẫn đang cộng tác làm việc với Trung Tâm Asia và trong một lần về Việt Nam để phỏng vấn một số nhạc sĩ và ca sĩ hiện vẫn còn ở trong nước như Bảo Yến, Trần Tiến, Nguyễn Ánh 9, v.v... tôi cũng đã được cho biết và hiểu thêm đôi chút về hoàn cảnh cũng như cuộc sống của những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, các bậc chú bác, ông bà đã thành danh từ trước khi... ba mẹ tôi ra đời. Nhờ bác Phạm Duy, tôi đã tìm ra được nhà thơ Hoàng Cầm. Từ nhà thơ Hoàng Cầm, tôi đã lần mò tìm đến được thôn Vân Hoàn nơi có núi đá to, có sông Bó Văn đã và đang nuôi dưỡng một tâm hồn, một khí khái có một không hai trên vòm trời nghệ thuật Việt Nam: Thi sĩ Hữu Loan của Màu Tím Hoa Sim biền biệt.

Từ cổng sau tôi bước vào sân vườn nhà ông hôm ấy trong ánh nắng chiều rười rượi mà vẫn không tin là mình đã tìm ra được đúng chỗ, đúng người. Trước đó tôi chưa hề biết ông trông như thế nào hoặc vóc dáng ra sao. Nhưng nhìn vào bên trong nhà nơi có một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên ghế xếp, người gầy đóm, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, sáng ngời, tôi biết đấy chắc chắn phải là cụ. Khác với những cụ ông, cụ bà tôi đã có dịp gặp ở Việt Nam, ông không có vẻ gì mệt mỏi hay uể oải, than vắn thở dài về nhân tình thế sự.

Ông đã nói và cho tôi biết rất nhiều về những gì ông và gia đình ông đã phải nhọc nhằn trải qua trong suốt 60 năm khó nhọc. Từ lúc ông quyết định gồng gánh từ Hà Nội trở về lại quê ở Thanh Hóa cho đến bi kịch Cải Cách Ruộng Ðất và vụ án sôi động của một thời Nhân Văn Giai Phẩm. Từ những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho đến những người bạn đồng nghiệp, nhưng không đồng thuyền với ông như Tố Hữu, Chế Lan Viên. Nhưng trong từng lời nói, mỗi cử chỉ của ông đều toát lên một ý chí mãnh liệt, bất khuất, một sự chịu đựng nhưng cũng rất tin tưởng ở con người một cách lạ thường mà ít khi chúng ta tìm thấy được ở những người đã hiện hữu trên cõi đời này trên dưới một thế kỷ (lúc tôi gặp ông hình như ông đã ăn thượng thọ 92 tuổi). Thế mới thấy số tuổi và tinh thần không phải lúc nào cũng phải đi ngược với nhau. Quan trọng hay không là thái độ của chính chúng ta trong từng công việc và nhân sinh quan trong cuộc sống.

Tôi hỏi sau bao cuộc bể dâu, điều gì ông cho là quan trọng nhất?

Ông không trả lời, chỉ đưa tay chỉ lên bàn thờ nhà ông cho tôi thấy và bảo rằng cả đời ông chỉ thờ một chữ này. Không tượng Phật cũng chẳng một Thánh Giá như ai. Trên bàn thờ chỉ vỏn vẹn đơn sơ khung kiếng với độc nhất một chữ:

Một trong hai major của tôi lúc học Cử Nhân Văn Chương (Bachelor of Arts) là Hán văn. Tôi vẫn còn nhớ đó là chữ Tâm.

Còn rất nhiều nhiều điều khác mà tôi đã may mắn nghe được từ chính ông và người vợ thứ hai của ông ngồi trước hiên nhà kể cho tôi nghe suốt cả buổi chiều hôm đó. Chuyện gia đình, chuyện tình buồn của người vợ đầu luôn thích màu tím hoa Sim, chuyện chính trị từ những năm trước khi đất nước bị chia cắt và luôn cả những câu chuyện thuộc về thế giới tâm linh. Lẽ ra ông đã chết hoặc bị giết từ lâu lắm rồi. Lẽ ra tôi đã không thể nào tìm được đến thôn quê vắng vẻ nơi ông đang trú ngụ. Ngày tôi tìm đến Hội Nhà Văn ở Sài Gòn và ở Hà Nội họ cho tôi biết là ông đã chết rồi.

Nhưng có lẽ tôi vẫn là một người may mắn mỗi khi tôi muốn tìm đến những cái hay, ý thức đẹp ở từng con người mà tôi đã có dịp nghe qua. Tôi gặp được họ. Tôi luôn gặp được nhiều người tốt hơn là kẻ xấu. Ðược hàn huyên tâm sự với những người trí vẫn còn thức và tâm vẫn rộng mở dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào. Mỗi nhân vật là cả một trời kỷ niệm.. Những tình cảm chất chứa khôn nguôi. Và tôi cũng biết là cho đến cuối cuộc đời này tôi sẽ luôn mang theo kỷ vật mà nhà thơ Hữu Loan đã viết tặng tôi như một lời nhắc nhở:

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Trịnh Hội