Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Ông Bụt, bà Tiên

Ông Bụt, bà Tiên PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Ba, 16 Tháng 6 Năm 2009 08:01

 Trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam như chuyện Tấm Cám, Thằng Bờm, Cây Tre Trăm Ðốt... nhân vật xuất hiện bất ngờ cuối cùng để giải quyết mọi chuyện là Ông Bụt. Ông Bụt là nhân vật của tuổi thơ, luôn luôn hiện ra đúng lúc, dịu dàng hiền lành ban một phép lạ để cứu giúp người ngay thẳng đang gặp hoạn nạn.

 Câu chuyện thường bắt đầu với một đứa trẻ hay một người oan ức, đau khổ nào đó trong tình trạng tuyệt vọng khốn cùng đang ngồi khóc. Rồi ông Bụt hiện ra, với câu hỏi, “Vì sao con khóc?”

 Sau khi nhân vật chính của câu chuyện kể lể sự tình, trình bày oan khuất, ông Bụt sẽ hóa phép giúp đỡ, giải quyết ngay tại chỗ hay dịu dàng chỉ dẫn, “Con hãy đi về phía này, theo con đường này, qua dãy núi này...,” hay “Con về tìm trong vườn, dưới gốc cây...”

 Ông Bụt giúp, nhưng chỉ giúp cho người lương thiện hiền lành, với những em bé thì phải là những em bé ngoan ngoãn, hiếu đễ và biết thương người. Bên cạnh ông Bụt chúng ta cũng biết đến ông Tiên cũng có năng lực hóa phép cứu giúp người đau khổ mà bài đồng dao chúng ta đã thuộc lòng từ ngày tiểu học, “Ông Tiễn ông Tiên, ông có đồng tiền, ông giắt mái tai, ông cài lưng khố...”

 Trong tuổi ấu thơ, vùi mình mê mải với những chuyện cổ tích chúng ta thường tưởng tượng đến ông Bụt hay ông Tiên với một hình ảnh như thế nào? Một ông già râu tóc bạc phơ, phúc hậu, vì già ông Bụt hay ông Tiên luôn luôn chống một cái gậy, thoắt một cái ông hiện ra, rồi thoáng một cái ông biến đi.

 Trong chuyện cổ Việt Nam ít khi có bà Tiên xuất hiện hơn là trong chuyện cổ tích Tây phương. Phải chăng theo văn hóa Việt Nam, đàn ông được xem trọng hơn. Những bà Tiên sau này thường hiện ra trong những chuyện cổ Tây phương đẹp đẽ, hiền dịu và mang đến hạnh phúc cho người khác như ta vẫn thường nghe nói trong chuyện Snow White (Bạch Tuyết), Cinderella (Tấm Cám) hay Sleeping Beauty (Công Chúa Ngủ Trong Rừng).

 Còn có những bà Tiên khác. Chẳng hạn người đem đến khoái cảm cho dân ghiền á phiện thì được gọi là nàng Tiên Nâu, những người đàn ông tán đào hay khen vợ thì gọi người phụ nữ đáng yêu ấy là “nàng Tiên của anh.” Hàn Mạc Tử cũng đã bi quan cho rằng khi mình chết, sẽ “không có nàng Tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm.”

 Hình ảnh ông Bụt là hình ảnh của điều Thiện, của lòng tốt và hoàn toàn mang đặc tính dân gian Việt Nam. Ông Bụt không hề ngự trị trên bàn thờ của mỗi gia đình, nhưng chính ông lại là người cứu vớt con người ra khỏi khổ đau, bất công, đày ải, và chỉ hiện ra trong lúc con người có thiện tâm đang lâm cảnh khốn cùng không lối thoát. Không biết giải quyết bằng cách nào, người ta cầu cứu đến ông Bụt, nói đúng là dùng đến giải pháp ông Bụt. Những truyền thuyết về ông Bụt dạy người ta rằng cứ làm tốt, cứ lương thiện, cứ là người con hiếu đễ, rồi ra khi gặp cảnh khốn cùng, sẽ có ông Bụt hiện ra giúp đỡ.

 Bây giờ ông Bụt, bà Tiên ở đâu?

 Người ta có thể nói với trẻ em không bao giờ có chuyện ông già Noel, cỡi xe có con lộc tuần kéo chạy như bay, đem quà Giáng Sinh đến cho những đứa trẻ ngoan ngoãn. Không có ông già Noel, trẻ em chỉ buồn vài hôm trong ngày Giáng Sinh, nhưng không có ông Bụt, bà Tiên cuộc đời này quả khốn nạn biết bao nhiêu!

 Ông Bụt thật quá dễ tính, ông đã hiện lên trong câu chuyện “Cây Tre Trăm Ðốt” để giúp chàng lực điền lấy được vợ đẹp và trừng phạt ông phú hộ thất tín. Ông cũng đã hiện lên hỏi cô Tấm năm lần bảy lượt, “Vì sao con khóc?” để giúp Tấm nuôi con cá bống, gọi chim xuống nhặt thóc rồi giúp Tấm có áo quần đẹp đi xem hội. Bà Tiên thì có phép vung chiếc đũa thần trên nôi của Snow White và ban cho công chúa món quà sắc đẹp, hay ban cho công chúa giọng hát tuyệt vời.

 Bây giờ rất nhiều đứa trẻ trên thế giới chẳng mơ gì đến quần áo đẹp, chẳng mong gì được hát hay, chẳng biết gì đến xe tứ mã, vì thực tế là chúng đang đói. Trên thế giới này có đến 240 triệu đứa trẻ đói meo, 128 triệu đứa trẻ không biết trường học là cái gì.

Tại Afghanistan, cứ một ngày có 500 em bé chết vì thiếu ăn hay không thuốc men, trong khi ở Châu Phi cứ 7 giây có một đứa trẻ qua đời vì đói. Nỗi mơ ước của chúng chỉ là một hớp sữa, một hạt bắp hay bất cứ cái gì có thể bỏ vào miệng cho đỡ đói và khỏi chết đói.

 Không ai thấy những đứa trẻ này khóc, trên mặt đất khô cằn nứt nẻ, không một thứ cây cỏ nào có thể sống nỗi, sẽ không có giọt nước nào nhỏ ra từ những đôi mắt ráo hoảnh, đục ngầu, để một ông Bụt nào đó có thể hiện lên hỏi, ”Vì sao con khóc!”

 Sẽ không ai còn kể chuyện thần tiên cho những đứa trẻ thơ Việt Nam trôi dạt đến Kampuchea để làm trò chơi khốn nạn cho bọn thú vật thích ấu dâm. Trong những đống rác hôi hám, bọn trẻ cũng không biết cầu nguyện đến ai để có thể may mắn cuối ngày gắp đầy một bao tải những thứ thối tha, dơ bẩn có thể đổi thành hạt cơm được.

 Trong nỗi thống khổ, đọa đày, áp bức, chiến tranh, tù đày của loài người từ Ðông sang Tây gây ra bởi những mụ Phù Thủy độc ác có tiếng cười the thé, những tên Satan ác quỷ mang cây đinh ba đầu nhọn, có đứa lại mang cả cây búa lẫn lưỡi liềm, không còn chỗ cho những ông Bụt phúc đức, bà Tiên hiền từ hiện hình để xoa dịu cho thế giới này đỡ đau khổ.

 Nếu có Thượng Ðế thì ông quả đã bất công, nội chỉ việc nhuộm màu da cho nhân loại thôi thấy đã không công bằng. Thế giới da đen đói nghèo, đau khổ hơn thế giới da vàng, người da vàng không sung sướng bằng người da trắng. Mặt đất có nơi màu mỡ kết trái đơm hoa, nhưng cũng có nơi khô cằn sỏi đá, “Kẻ ăn không hết, người làm không ra.” Kẻ làm ác chưa thấy bị trừng phạt, người hiền lương đang chịu cảnh khốn cùng. Loài người đã cầu nguyện, kêu gào, than khóc trước những nỗi đọa đày bất công nhưng vô vọng như thành ngữ Việt Nam “kêu trời không thấu.”

 Trong đau khổ, tuyệt vọng nhân loại yếu đuối đã từng khóc than, những giọt lệ ấy biến thành một “đại dương nước mắt”, như những triết gia bi quan đã ví von với thế giới này, nhưng chẳng thấy ông Bụt nào hiện ra để hỏi, “Vì sao con khóc?”

 Tuy vậy, ngày nay không có những ông Bụt bà Tiên của một thời sơ khai trong huyền thoại nhưng cũng đã có những ông Bụt bà Tiên nho nhỏ vẫn hiện ra tìm cách giúp người khốn khó, bần cùng, đau khổ trên thế giới này, nhưng thế giới thì mênh mông, khổ đau thì tràn đầy mà thiện chí, sức lực của con người có hạn.

 Áp bức, bất công vẫn còn dẫy đầy, dù ngày nay có ông Bụt bà Tiên hiện ra cũng không làm sao xóa được hết khổ nạn. Phải chi như chuyện hoang đường ngày xưa, có ông Thiên Lôi mang lưỡi tầm sét từ trời cao hiện xuống để diệt hết loài Phù Thủy độc ác có tiếng cười the thé, những tên Satan ác quỷ mang cây đinh ba đầu nhọn, những loại người mất nhân tính, mang cây búa lẫn lưỡi liềm và bọn cầm quyền vô lại, thì nhân loại đỡ khổ biết ngần nào?