Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Thêng Thang Cuối Trời

Thêng Thang Cuối Trời PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Kim Ngân   
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 00:47

Nhân 49 ngày qua đời của chú Nguyễn Khắc Tuần

Cho dù vẫn chờ đợi chú tôi ra đi thật nhẹ nhàng như một cánh lá úa rời cành, hoặc như chiếc đèn đã cạn khô dầu, nhưng tôi vẫn không khỏi ngậm ngùi khi được tin ông đã ra đi chỉ trong vòng 15 phút, lúc những người đi thăm ông ở viện dưỡng bệnh chưa kịp về đến nhà. Và rồi những thủ tục sau hết dành cho người quá cố đã được thực hiện đúng như di nguyện để lại. Tưởng có gì ghê gớm lắm, hóa ra chỉ là sự mong muốn được chôn cất thật đơn sơ và giản dị, từ hình thức bên ngoài: một lẵng hoa duy nhất trên cỗ áo quan mộc mạc, không cáo phó, không phúng điếu…cho đến thời gian vắn gọn kỷ lục: một ngày duy nhất nằm ở nhà quàn để con cháu tổ chức phát tang và cầu nguyện, và sáng hôm sau di quan về nhà thờ Nữ Vương Ban Sự Bình An, thành phố Sunnyvale, nơi cử hành thánh lễ an táng trước khi kết thúc bằng lễ nghi chôn cất tại nghĩa trang Oak Hill, thành phố San Jose, trong buổi trưa cùng ngày.

Sự giản tiện đã được dự liệu ở cái mức tối thiểu này phản ảnh đúng cuộc đời âm thầm đến khuất lấp mà chú tôi đã muốn tự chọn cho mình. Như một nghệ sĩ giã từ ánh đèn hào nhoáng của sân khấu nơi đã tạo ra chút ít tên tuổi của mình với một vài tiểu phẩm và diễn xuất, để rồi chôn chặt phần đời còn lại trong bóng tối lặng thầm của một hậu trường hoang lạnh mênh mông, đàng sau bức màn nhung phủ xuống, khép lại những tấn tuồng chói chang ánh sáng và vang vọng những thanh âm.

Tôi thích hình ảnh sân khấu và nhà hát khi buổi nhạc hội đã tàn, bởi vì tôi hiểu và thông cảm sâu đậm sự chọn lựa của chú tôi. Trên bức màn ký ức, chú tôi lúc nào cũng xuất hiện trước mắt tôi như một người nghệ sĩ tài hoa. Bóng áo chùng thâm với chiếc tây ban cầm, và nhất là cây hạ uy cầm mà ông sử dụng thành thạo, vào cái thời vừa mới di cư từ Bắc vào Nam ấy, là một hình ảnh hết sức mới lạ, nếu không muốn nói là cách mạng. Chiếc áo chùng thâm ấy không những không thể che khuất được cái nét tài hoa, hoặc khỏa lấp được cái chất nghệ sĩ, mà dường như còn làm tăng thêm sức hấp dẫn, nhất là dưới con mắt vừa chất đầy yêu thương trìu mến, lại vừa chĩu nặng niềm tôn kính ngưỡng phục của những con người đã từ lâu chỉ sống trong khuôn khổ của một xóm đạo bé nhỏ, gò bó trong lối sống thắm đượm chất tôn giáo và truyền thống. Nhưng nếu cái chất nghệ sĩ và chút ít tài hoa ấy đã phần nào tạo ra tên tuổi, thì cũng chính nó đã tạo thành định mệnh nghiệt ngã cho chú tôi. Thật đúng là “Chữ tài liền với chữ tai một vần.”

Với tấm lòng bao dung, nhiều người cho rằng cuộc đời chú tôi đẹp như câu chuyện tiểu-thuyết-tóc-mây. Thế nhưng cũng không thiếu những người bàn ra tán vào. Xét cho cùng, chỉ một mình Chúa mới thấu tỏ nỗi niềm sâu kín của ông. Và điều chắc chắn là chỉ mình Ngài mới có quyền phán quyết tối hậu. Mỗi hiện hữu là một tặng phẩm của yêu thương. Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn đó, và còn mãi đó, những phán xét, những luận tội và kết án. Y như câu chuyện của người đàn bà hai ngàn năm trước. Miệng lưỡi thế gian mà! Tôi trộm nghĩ, sống mà chấp nhận những lời ong tiếng ve như thế không thôi biết đâu cũng đã đủ là một việc đền bù, thay cho lò lửa luyện tội, để ông có thể nhờ đó mà thẳng tiến về đến thiên đàng!

Bất giác hiện về trong tâm tưởng tôi hình ảnh của một Augustinô thời danh, người đã thốt lên từ ngữ để đời: “Ôi Tội Hồng Phúc”. Có lẽ chỉ một mình Augustinô--một vị đại thánh—người đã giúp thân mẫu mình (và có lẽ cả thân phụ mình nữa) cũng trở thành một bậc thánh nhân--mới có được ơn soi sáng đặc biệt để gắn liền hai từ ngữ đối chọi như lửa và nước ấy lại với nhau, làm thành một từ ngữ bất hủ. Chính Thiên Chúa là Đấng duy nhất dậy cho ta biết làm thế nào để rút lấy cái hay từ trong cái dở, biến đổi điều ác trở thành điều thiện, chuyển cái không trở thành cái có, và khiến cái bất khả trở thành khả hữu, bởi vì, mãi từ trong cõi hư vô mịt mù, chính Ngài đã kéo ta ra để đưa vào hiện hữu.

Tôi không có trong tay tất cả những tác phẩm thánh ca của Nguyễn Khắc Tuần, ngoại trừ một ít bài đã được phổ biến cả nửa thế kỷ nay. Nhưng dù ít ỏi, tôi vẫn qua đó nhìn thấy được những nét chấm phá của con người ông. Dường như ông viết thánh ca không hẳn là để cho phổ biến, họa chăng là do nhu cầu cần có một khởi động cho dòng nhạc thánh ca vào thời khai sáng tại miền Bắc Việt Nam thời đó. Ông viết thánh ca trên hết là để ghi lại những cảm xúc của chính mình đàng sau những chứng nghiệm tác động của ơn thánh trải qua từng dòng sống mỗi ngày. Ông viết thánh ca để đánh dấu một cảm nghiệm đã nhận được sau những giờ phút đọc và suy niệm Thánh Kinh. Như vậy, thánh ca ông viết là cho chính ông trước hết. Viết thánh ca, với ông, đó là do một thúc bách nội tâm, như là để giải tỏa những ước vọng của tâm linh, để trải rộng lòng mình trước mặt Đấng Thiêng Liêng, cũng như để tỏ lòng hàng phục Ngài sau khi cảm nhận mầu nhiệm thánh ân diệu vợi. Tỉ như để ghi lại một ước vọng trong đời, (ông ghi rõ như thế trong phần ghi chú, ngay dưới tên của mình), ông viết:

“Con ao ước một ngày, Bước lên bàn thánh Chúa, Nhắp chén máu lệ say, Mặc đời xuân tàn úa…” (“Con ao ước một ngày”)

Hay để lưu lại một thoáng suy tư về kiếp người phu du vắn vỏi, cùng với lối xử sự của thế nhân, ông nhẹ nhàng:

“Đời yêu con bấy lâu vì xuân sắc tươi…Là ghét con đó thôi!

Ngày mai xuân sắc phai, màng chi hỡi con, Nằm yên dưới cô thôn…” (“Đời yêu con”)

Tôi đến thăm ông vào một buổi sáng mùa xuân, khi ấy ông đang chiến đấu một cách tuyệt vọng với căn bệnh ung thư gan bất trị. Sau khi được hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, ông méo mó trả lời: “Bác sĩ chê rồi thì còn khỏe vào đâu được nữa!” Nhìn ông trên giường bệnh, tôi đoán chừng ông không thể qua nổi con trăng tháng tư buồn thảm ấy, dẫu rằng tiết trời lúc này vừa bước vào xuân. Không dưng ông chuyển sang đề tài về khu nghĩa trang Oak Hill trên đường Curtner, nơi an nghỉ của ông bà nội và nhạc phụ tôi, cùng một vài người thân thuộc khác. Ông có vẻ phấn khởi hẳn lên: “Cháu có biết ai nằm bên cạnh ông/bà… (gì đó) không?” Rồi ông kể ra vanh vách những ngôi mộ quen thuộc cùng những người đã nằm xuống theo một thứ tự nào đó có sẵn trong đầu. Thì ra từ bấy lâu nay, hàng tuần, trong những ngày ra cắm nhang và trưng hoa trên mộ phần của ông bà nội tôi, ông đã thuộc lòng từng ngôi mộ, từng người đã nằm xuống, ai nằm cạnh ai, ai nằm ở đâu. Cứ y như là ông đang ở trong giai đoạn dự định mua nhà, thành ra phải nghiên cứu quan sát điạ hình, địa thế, xóm giềng, khu vực…nơi mình muốn mua nhà để dọn đến ở, sao cho thuận tiện và đáp ứng đúng nhu cầu của mình. Rõ ràng, ông đang chuẩn bị dọn nhà lần cuối. Lần này, không đâu khác hơn là dọn vào ở luôn trong khu nghĩa trang Oak Hill. Chắc hẳn trong những ngày tháng cuối cùng vừa qua, ông đã thấm thía hơn bao giờ hết cái triết lý cuộc đời chỉ là tạm bợ, và trần gian chỉ là quán trọ qua đêm. Hình như một nhạc sĩ nào đó cũng có cùng tư tưởng này.

Gần đây, có một số những cuộc lên đường khá bất thình lình: mới hôm trước còn xuất hiện trước đông đảo quần chúng, mà hôm sau đã ra người thiên cổ…hoặc hôm trước còn sinh hoạt bình thường, tối đến đi ngủ rồi đi luôn vào…thiên thu. Các vị này may mắn hơn chú tôi nhiều, bởi lẽ, khác với các vị này, chú tôi đã buộc phải âm thầm đếm bước thời gian lặng lẽ trôi qua trước khi dừng hẳn lại trên dòng sống mỏi mòn. Là con người xác phàm, làm sao ông không khỏi sợ hãi đến hoảng hốt khi thấy đời mình mỗi khoảnh khắc một thu ngắn lại, mới đầu thì từng tháng, rồi xuống từng tuần, và cứ thế rút xuống, để rồi chỉ còn vài ngày vài giờ, rồi vài phút vài giây. Không phải ai cũng có được cái cảm nghiệm hãi hùng như ông trước lưỡi hái sắc bén, lạnh lùng đến tàn nhẫn của tử thần. Nhưng có điều chắc chắn là bất cứ ai đến với ông trong những ngày cuối đời, hẳn đã cảm nhận được niềm tin tưởng và lòng phó thác nơi ông như được dâng cao, dâng cao mãi, khiến cho ông thực sự thanh thản và sẵn sàng cho lên đường. Tôi đoan chắc điều ấy bởi tôi linh cảm những điều ông từng ao ước đã trở thành sự thật:

“Con ao ước một ngày, Chết trong tình nghĩa Chúa, Dù chết giữa đắng cay, Nhưng lệ hồn không ứa.” (“Con ao ước một ngày”)

Maya Angelou—nữ tiểu sử gia da đen thời danh của Hoa Kỳ--đã nhận xét chí lý: “Người ta sẽ quên lời bạn nói; người ta cũng sẽ quên điều bạn làm; nhưng người ta sẽ không bao giờ quên được cái phong cách của bạn, bởi vì chính nó đã gây cho họ một ấn tượng tốt.”

Phải, cái phong cách ấy là điều tôi sẽ nhớ mãi khi tưởng niệm về chú tôi, Nguyễn Khắc Tuần. Giờ phút này, tôi tin rằng ông không phải chỉ đã nhìn thấy bóng dáng thiên đàng thênh thang ở cuối trời. Ông đã thực sự đi vào đó rồi!

Vĩnh biệt chú Tuần! Chúc chú an giấc ngàn thu!

6/6/09