Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Hạnh phúc nghề nghiệp

Hạnh phúc nghề nghiệp PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt Online   
Thứ Tư, 26 Tháng 11 Năm 2008 02:48

(22-11-2008)

 Vào đầu tháng 11 năm nay, con số thất nghiệp của Mỹ tăng cao nhất kể từ 25 năm qua. Chỉ số trung bình trong bốn tuần ở thời điểm này là 491,000 người xin trợ cấp thất nghiệp. Ở Mỹ người ta sợ nhất là nạn thất nghiệp, vì mỗi người là một con nợ suốt đời, nợ nhà, nợ xe, nợ thẻ tín dụng, bao nhiêu là thứ bill. Tuy có đồng lương, nhưng tháng nào tiêu pha hết tháng đó, giờ không có tiền thu nhập đủ, có nghĩa nếu không có dành dụm, thì rồi đây nhà gởi lại cho ngân hàng, xe bị kéo, và hạnh phúc gia đình có cơ đổ vỡ. Ba thành phố có hơn 40% nhà bán ra là những ngôi nhà bị tịch thu: Bakefield, Fresno (Cali), Las Vegas (Nevada). Thất nghiệp đã trở thành một nỗi ám ảnh cho nhiều người.

 

Tuy mỗi ngày phải dậy sớm, lái xe đường dài căng thẳng, vào sở chịu nhiều sự bất như ý với đồng nghiệp hay phải làm những công việc nặng nhọc, mệt mỏi, nhưng được đi làm mỗi ngày vẫn là chuyện hạnh phúc của con người. Vì thế mà nhiều vị đã đến tuổi hưu vẫn không chịu về vườn, vẫn chăm chỉ ngày hai buổi đến sở làm. Và đương nhiên nếu không vì cuộc sống, cơm áo, nhà xe, thì rong chơi là điều thú vị nhất, nếu không thì quý vị vừa trúng số độc đắc, đã không tuyên bố việc đầu tiên phải làm là nghỉ việc và... không làm gì cả. Lúc phải làm việc, có tiền nhưng muốn đi chơi lại không có thời gian, lúc thất nghiệp hay nghỉ hưu có thời gian đi chơi lại phải dè sẻn tiêu pha, người ta thường ở trong cái vòng luẩn quẩn như vậy.

 

Có nghề nghiệp đã là hạnh phúc, thất nghiệp rõ ràng là bất hạnh. Tuy vậy không phải nghề nghiệp nào cũng đem lại vui thú cho con người, bằng chứng người ta đã gọi làm việc là “kéo cày trả nợ” hay đi làm vất vả là “kiếp trâu cày”. Nhiều cơ quan nghiên cứu lại đưa ra những tỷ lệ về “vui nghề” (Job Satisfaction) để xem ngành nghề nào đem lại hạnh phúc cho con người hơn những nghề nào, và ai là người yêu nghề hơn ai. Ngoài chuyện gặp được nghề dễ dàng, thong thả, lương cao, người ta lại phân tích là dân Mỹ đen không vui nghề bằng da trắng, dân Hispanics không yêu nghề bằng sắc dân khác, người đi làm “bán thời gian” không thích nghề hơn “toàn thời gian”, và tuổi trẻ dưới 30 không lạc quan với nghề bằng những cụ trên 65. Bản nghiên cứu cũng cho biết một loạt nghề mà người hành nghề làm cảm thấy... hạnh phúc như nghề giảng đạo, nghề cứu hỏa, nghề làm nhân viên hướng dẫn du lịch, nghề kiến trúc sư, nghề giáo viên cho học sinh đặc biệt, nghề làm tài tử, đạo diễn hay nghề của những nhà nghiên cứu hay phát minh. Lối nghiên cứu trên đây có vẻ quá lý tưởng để nói về cái sướng tinh thần mà quên mất cái sướng thỏa thuê của vật chất. Ngoài việc người hành nghề ở những lãnh vực chuyên môn, luôn luôn được khách hàng kính cẩn, thưa bẩm, bạn cứ thử tưởng tượng sau giờ đóng cửa, cửa hiệu hay văn phòng tổng kết con số thu khá cao, cô thư ký tín cẩn hay chủ nhân ngồi đếm những xấp tiền mặt và chi phiếu, chuẩn bị đi gởi ngân hàng thì còn nỗi vui nào bằng. Một ví dụ như ở Việt Nam ngày nay, sau một chuyến đi “tour” mà người hướng dẫn du lịch và tài xế lái xe không nhận được món tiền “tip” gần như bắt buộc cho họ thì những người này có cảm thấy “niềm vui nghề nghiệp” không? Hạnh phúc này hình như có mặt khắp mọi nơi, mà không nghe cơ quan nghiên cứu nào nói đó là... hạnh phúc nghề nghiệp.

 

Nếu “hạnh phúc nghề nghiệp” là sống theo lối sống “mình vì mọi người” như nghề dạy học, nghề làm lính cứu hỏa, thì đây là hạnh phúc của những người chỉ may ra đắp đổi đủ ăn. Những nghề mang lại hạnh phúc tinh thần cao quý không thể là một nghề đem lại giàu có. Cũng có nhiều nghề nghiệp mà chủ nhân lừa dối được khách hàng, bóc lột công nhân, “buôn gian bán lận”, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đạt được sở nguyện làm giàu.

 

Trên đời này thật ra có những nghề chẳng ra nghề, không cần một chút văn hóa chữ nghĩa nào, cũng chẳng cần tới bằng cấp chuyên môn, trong những bước khốn cùng, con người tự tìm ra con đường sống, cho nên xót xa thay, có những nghề chẳng ra nghề, nếu định nghĩa “nghề” là một công việc gì đó để nuôi sống bản thân. Nghề đi rừng, nghề làm biển là những nghề bám lấy thiên nhiên để tìm sự sống. Con người không thể làm hết mọi việc để có miếng ăn, có nhà ở, có đi lại, loài người cần trao đổi, nên mới có những nghề buôn bán, hay trao đổi, làm dịch vụ trung gian. Nhưng có ai nghĩ ra rằng đi “bươi đống rác” hay “lượm ve chai”cũng là một nghề, vì đây cũng là một công việc để sinh sống, nhưng khốn khổ thay với những đống rác, vốn đã thải ra từ một nhân quần đói khổ. Theo như một bài báo của Trần Tiến Dũng viết từ Việt Nam về một gia đình sống bằng thứ nghề hèn mọn này, thì phải chăng họ cũng có hạnh phúc nghề nghiệp, đó là những ngày có thêm một chút “rác” để kiếm thêm được vài nghìn đồng cho bữa ăn trong ngày.

 

Hôm qua tôi có đọc đâu ở trên “net” một bài thơ, không phải là một bài thơ nói về tình yêu hay quê hương mà là một bài thơ về rác, một bài thơ ca tụng những đống rác ở Mỹ và tác giả ao ước làm sao đem được những đống rác này về quê nhà cho các em thơ thêm được một niềm vui hay một chén cơm no. Thấy rác quê người mà nhớ đến bát cơm quê mình, người Việt ly hương vẫn còn những nỗi xót xa như thế.

 

Hạnh phúc nghề nghiệp là niềm vui thỏa mãn về tinh thần qua công việc hằng ngày của mình khi thấy những tác dụng từ nghề nghiệp của mình thực sự đã đem hạnh phúc lại cho tha nhân hay xã hội. Nhưng thứ hạnh phúc vật chất trong nghề nghiệp vì lợi nhuận mới là động lực đã thúc đẩy con người vất vả chạy theo có khi suốt cả cuộc đời của họ. Vậy mà các triết gia trên trái đất này luôn luôn cho hạnh phúc vật chất trên đời này là tầm thường, xấu xa để mỉa mai nói rằng “hạnh phúc nếu nằm trong cơ thể, thì một con bò cũng cảm thấy hạnh phúc khi gặp đám cỏ non”. Chúng ta có bao giờ gặp dịp để hỏi một người hành khất bần cùng hay một đứa trẻ đang đói rã “thế nào là hạnh phúc” chưa?

 

Chúng ta có thể chưa bao giờ biết đến những thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, lóe lên như tia sáng nhỏ trong cuộc đời tăm tối của con người, như cái lon nhôm bẹp rúm vừa được khều ra từ một mớ rác bầy nhầy dơ bẩn đã làm cho đôi mắt em bé tội nghiệp của chúng ta sáng lên. Chúng ta thường nghĩ đến hạnh phúc là cái gì to lớn, cao xa, trừu tượng, khó kiếm nhưng có khi chúng ta quên nghĩ đến thứ hạnh phúc tầm thường, nhỏ nhoi như thế. Nó cùng có một tên gọi, nhưng ở nơi này hay nơi khác, không hề giống nhau.