Những Điều Chủ Nhà Đất Nên Biết |
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn | |||
Thứ Hai, 13 Tháng 7 Năm 2009 03:42 | |||
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về luật bảo vệ tài sản, luật thương mại cho các công ty hoặc tiểu thương, cố vấn điều hành tài sản, bênh vực thân chủ trong những vụ rắc rối khi bị kiểm tra thuế, kế hoạch địa ốc, khai phá sản và luật gia đình. Luật Sư LyLy còn thay mặt cho thân chủ trong các vấn đề liên quan đến Thuế Lợi Tức Cá Nhân (Income Tax), Thuế Trả Nhân Công (Employment Tax), Thuế Mua Bán (Sale and Use Tax) và Thuế Tài Sản (Estate Tax), ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang, cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Ngoài ra LyLy Nguyễn còn rất giầu kinh nghiệm về luật gia đình với các vụ ly dị có con nhỏ và có tranh chấp tài sản; luật khánh tận với Chương 7 hay Chương 13. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.
Sống tha hương trên đất Mỹ mà mua được một ngôi nhà quả thật là điều đáng mừng vì người Việt chúng ta thường quan niệm ‘An Cư Lạc Nghiệp’ là nền tảng của hạnh phúc gia đình, có nhà cửa vững vàng rồi mới nói đến chuyện làm ăn phát đạt. Vì vậy làm chủ nhà cửa đất đai dĩ nhiên là điều ai cũng ước muốn, tuy nhiên là chủ không có nghĩa toàn quyền muốn làm gì cũng được trong địa phận của mình vì Luật Ðịa Ốc Hoa Kỳ ấn định nhiều điều luật hạn chế hoặc cấm kỵ mà quí vị gia chủ nên để ý đến để tránh bị thưa kiện hay phạt vạ vì vô tình không biết hay không phòng bị. Trước hết gia chủ phải tuân hành luật lệ qui định khu vực (zoning ordinances) theo đó chính quyền kiểm soát việc sử dụng đất đai của công chúng thí dụ như chia ra từng khu vực riêng biệt cho nhà ở, thương mại, kỹ nghệ, canh nông hay ấn định vùng dành riêng cho một mục đích đặc biệt nào khác. Ngoài ra luật qui định khu vực tùy từng địa phương còn ấn định hình thể hay kích thước của các lô đất xây cất, cho phép hay ngăn cấm nuôi súc vật, giành đất xây trường học, bệnh viện cũng như bảo vệ môi sinh hoặc di tích lịch sử cùng nhiều luật lệ với mục tiêu khác. Các nghiệp vụ trong khu thương mại phải có giấy phép (permits) hay môn bài (licenses) mới được hành nghề. Quyền hạn qui định khu vực do chính quyền địa phương (thành phố hay quận hạt) ấn định do đó luật ở mỗi nơi đều khác nhau; thí dụ có nơi tách riêng hẳn khu nhà ở và khu thương mại nhưng cũng có nơi cho phép hoạt động thương mại lẫn lộn trong khu nhà ở. Mỗi khu còn được chia ra làm nhiều nhóm khác nhau thí dụ như khu nhà ở có nhóm nhà một gia đình (single family homes), nhóm nhà đôi (duplexes) hay nhóm chung cư, cư xá (apartments). Tương tự khu thương mại có thể chia thành nhóm tiệm nhỏ (small stores), trung tâm mua bán (shopping centers), nhóm kho chứa hàng (warehouses). Khu kỹ nghệ chia thành khu nặng, nhẹ hay khu nghiên cứu (research). Khu được ấn định không hẳn vĩnh viễn trong tương lai có thể thay đổi thí dụ như một khu nhà ở sau này có thể đổi thành khu thương mại. Mỗi khu vực được đặt ký hiệu bằng một mẫu tự như R, C, I, M (R for Residential, C for Commercial, I for Industrial, M for Manufacturing) kèm theo một con số chỉ mức sử dụng như R1 là nhà một gia đình, R2 là nhà đôi, R3 là chung cư. Luật lệ qui định khu vực có ảnh hưởng rất quan trọng với cư dân trong vùng đó, thí dụ như muốn kiến thiết lại ngôi nhà, muốn đào hố chặt cây trong vườn đều cần phải có phép của chính quyền địa phương trước khi làm để khỏi bị phạt vạ tốn kém. Mục đích chính phủ ấn định khu vực để bảo vệ dân chúng trong vùng không bị phiền hà vì người chung quanh, để được sinh sống thoải mái thí dụ ở khu gia cư không đông người vào ra ồn ào như khu kỹ nghệ hay thương mại. Ðể tránh vi phạm trước khi mua nhà nên hỏi tòa thị chính thành phố hay trụ sở quận hạt để biết thuộc khu vực nào và có những cấm đoán trong vùng ra sao và trước khi định cải biến gì chủ nhà nên cẩn thận xem có phải xin phép hay không. Ðiều thứ hai mà các gia chủ cần biết là trách nhiệm về ô nhiễm trong địa phận nhà mình. Chính quyền kiểm soát rất nghiêm ngặt việc tồn trữ hoặc nhuốm trong đất đai các loại khoáng chất, sơn pha chì, dầu nhớt, phóng xạ hoặc tất cả mọi loại độc chất khác có thể gây hiểm họa cho môi trường chung quanh. Gia chủ nên liên lạc với các chức quyền y tế địa phương cùng các cơ quan bảo vệ môi sinh tiểu bang tìm hiểu cho rõ ràng về từng vấn đề môi sinh mà cơ quan đó phụ trách để chắc chắn đất đai nhà mình không bị phạm luật. Ngoài ra còn có thể mướn chuyên viên để tự kiểm soát phòng ngừa vi phạm các chất liệu bị cấm do chính phủ địa phương liệt kê vì vấn đề ô nhiễm rất rắc rối, trách nhiệm liên lụy không những buộc cho chủ nhà hiện tại mà còn truy nguyên buộc trên nhiều đời chủ trước cho dù nhà bán đã lâu. Trường hợp gia chủ lỡ mua nhà xây trên một lô đất sau mới phát hiện ô nhiễm thì nên tham khảo ngay với một luật sư chuyên môn giúp giải quyết vì đây là một vấn đề luật rất phức tạp. Dù rằng lúc mua chưa phát hiện nhưng sau này vẫn bị liên lụy theo điều luật CERLA mà cơ quan bảo vệ môi sinh EPA (Environment Protection Agency) có quyền khởi tố buộc gia chủ bồi thường rất nặng sở phí dọn dẹp và trừ khử ô nhiễm trong khu đất đó. Trách nhiệm thứ ba mà gia chủ nhà đất cần đề phòng tránh liên lụy nếu xảy ra tai nạn gây thương tích cho bất cứ ai trong phần đất của mình. Mặc dù Luật Bất Cẩn (Tort Law) của nhiều tiểu bang có nhiều điều luật khác biệt nhưng chính yếu chủ nhà vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bồi thường thương tích cho bất cứ nạn nhân nào bị thương trong ranh giới của mình bất kể lý do tại sao người ấy nhập vào nhà. Mức độ trách nhiệm nặng hay nhẹ tùy theo lý do sự có mặt của nạn nhân trong địa giới nhà, hoặc người ấy là một người khách được mời đến chơi - trách nhiệm kể như nặng nhất - hoặc một người bán hàng dạo đến quảng cáo mời mua đồ thì liên lụy nhẹ hơn một chút, hay giản dị là một kẻ xâm nhập đi qua vườn không có phép của gia chủ thì bớt trách nhiệm hoặc có thể vô can. Sự phân biệt mức độ trách nhiệm nói trên căn cứ vào lý do hiện diện của nạn nhân trong địa phận nhà dựa trên sự đồng ý hay không đồng ý của chủ nhân mặc nhiên ràng buộc gia chủ liên đới với hầu hết bất cứ ai bị thương tại nhà mình nên ở nhiều tiểu bang chủ nhà vẫn bị bồi thường ‘tai bay vạ gió’ thí dụ trường hợp cảnh sát viên rượt theo tên cướp lẩn vào vườn nhà bị vấp té gẫy chân tay. Ngoài ra gia chủ không được phép dùng biện pháp đề phòng kẻ gian xâm nhập bằng cách gài bẫy trong địa giới của mình. Luật này được áp dụng với mục đích tránh cho kẻ vô can vô tình bị sập bẫy thí dụ như nhân viên cứu hỏa vào chữa cháy trong nhà trong lúc chủ nhân đi vắng, nạn nhân vào nhà để cứu giúp chứ không phải gây hại nên xử gia chủ bồi thường là hợp lý. Nhiều thành phố và quận hạt còn có luật buộc trách nhiệm bảo trì và giữ vệ sinh lề đường hoặc lối đi công cộng cạnh nhà, phải giữ sạch sẽ và không để tắc nghẽn thí dụ như dọn rác hay cào băng tuyết đóng trên lối đi; nhiều khi còn phải sửa chữa những vết nứt hay lỗ hổng trên đó. Không thi hành như vậy lỡ có ai đi qua bị vấp té thành thương tật thì gia chủ hoàn toàn chịu trách nhiệm dù lối đi công cộng ở ngoài ranh giới nhà. Cũng còn trường hợp người bị thương do chính nhà đất gây ra như bị trượt té vì đất trơn hay nhà trên đồi lở đất xuống nhà phía dưới; nói chung liên đới trách nhiệm nhà cửa đất đai cũng như liên đới trách nhiệm hành vi của thân nhân. Tuy nhiên bổn phận quan trọng nhất với mọi gia chủ vay tiền mua nhà không thể lơ là được là thi hành giao kèo hàng tháng đóng tiền nhà đúng hạn đừng để nhà bị tịch biên và còn làm hủy hoại hồ sơ tín dụng. Giữ được như vậy năm tháng qua mau sẽ có ngày làm chủ hoàn toàn mái ấm gia đình. Hơn nữa so với hạnh phúc được làm chủ nhà hơn là ở thuê nên những ràng buộc luật pháp kể trên nếu hiểu biết để tuân hành đúng thì chẳng còn là điều đáng bận tâm. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
|