Luật Khánh tận |
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn | |||
Chúa Nhật, 15 Tháng 2 Năm 2009 15:47 | |||
Luật khánh tận: Những nợ không xóa được khi phá sản Theo luật khánh tận khi khai theo Chương 7 những nợ không thể xóa được (nondischargeable) là những món nợ không kê khai trong đơn xin khai phá sản. Ðể có thể xóa được một món nợ thì người cho vay (creditors) tức là chủ nợ phải biết rõ nội vụ, thông thường do tín viên Tòa Khánh Tận thông báo chiếu theo danh sách kê khai trong đơn xin. Nếu thư thông báo không đến tay được chủ nợ vì do nhầm lẫn của bưu điện không giao thư tới hay do chủ nợ thay đổi địa chỉ thì món nợ vẫn được kể như có thông báo và được xóa. Tuy nhiên nếu đương sự quên khai trong đơn xin hay khai nhầm tên và địa chỉ của chủ nợ nên tòa không thông báo cho chủ nợ thì dĩ nhiên món nợ này không xóa được trừ phi được người nợ thông báo bằng điện thoại hay viết thư. Nếu sau khi nộp đơn xin phá sản người nợ nhớ ra những món nợ quên khai thì cũng có thể xin tu chính (amend) hay xin tái xét nội vụ (reopen the case) sau khi vụ khai đã chấm dứt. Nợ sinh viên vay tiền học (student loan) là loại nợ không xóa được ngoại trừ tòa xét thấy nếu tiếp tục trả nợ này sẽ gây tình trạng khốn khổ khi đương sự chứng minh hoàn cảnh quá nghèo, lợi tức dưới tiêu chuẩn sinh sống tối thiểu hoặc nghèo kinh niên không có mảy may hy vọng khá hơn dù đã có thiện chí cố gắng trả nợ mà không cáng đáng nổi. Tuy nhiên tòa không chấp thuận cho những người vay tiền học vừa mới ra trường khai tình trạng khốn khổ mà không chịu đi xin việc làm. Hơn nữa nếu vay tiền ngân hàng hay thẻ tín dụng để trả nợ vay tiền học thì cũng không xóa được vì phạm cấm điều cố ý dùng nợ vay có thể rũ để trả loại nợ bắt buộc. Nợ thuế cũng là một loại nợ khác không xóa được. Theo luật chung tất cả các loại thuế liên bang, tiểu bang và thuế địa phương đều không giải tỏa được dù có khai phá sản thì cơ quan thuế vụ cũng tìm cách buộc trên tài sản của người khai. Những loại thuế khác như thuế lương bổng nhân viên, thuế tiêu thụ hay các loại thuế linh tinh khác cũng đều thuộc loại bắt buộc phải trả. Những mục nợ hay khoản tiền có tính cách bắt buộc khác gồm có tiền nuôi con (child support), tiền cấp dưỡng (alimony) hay các khoản tiền tương tự tòa bắt trả khi ly dị cùng những món tiền phạt do vi phạm luật pháp liên bang, tiểu bang hay địa phương cùng các khoản tiền bồi thường nạn nhân do phán quyết của tòa kể cả tiền đền thương tích hay tài sản bị hư hại do lái xe khi say rượu. Những khoản án phí khác hay phí khoản liên hệ đến tòa án đều không được miễn trừ. Ngoài ra chủ nợ có quyền phản đối xin vô hiệu hóa việc xóa các món nợ do hành động gian lận man trá (fraud) như viết chi phiếu trả nợ rồi đổi ý ngưng phát tiền, viết chi phiếu không tiền bảo chứng, thuê hoặc mượn một món đồ đắt tiền nhận làm của mình đi bịp thiên hạ để vay tiền. Những loại nợ này do người nợ có ý định quịt trước khi vay kể như hành động lừa lọc trong việc vay mượn kể cả những đơn man khai lương bổng hay tình trạng tài chánh viết trong các đơn vay tiền, đơn xin cấp thẻ tín dụng, đơn xin việc làm hay đơn xin thuê mướn theo đó đương sự che giấu bớt tổng số nợ rồi khai tăng lợi tức hay lương bổng. Ngoài ra những khoản nợ trên $1,150 khi mua một món hàng xa xỉ hay một dịch vụ sang trọng xa hoa trong vòng 60 ngày trước khi khai đều được kể như có ý định lừa đảo có tính cách lạm dụng luật khánh tận. Rút tiền mặt ứng trước (cash advance) tổng cộng hơn $1,150 từ mỗi thẻ trong vòng 60 ngày trước khi khai phá sản cũng kể như man trá lừa thẻ tín dụng. Tiền bồi thường thiệt hại thương tích hay hư hại tài sản do tòa xử phạt những kẻ có hành động cố ý hại người đều không xóa được. Những thiệt hại đền bù cho nạn nhân bao gồm những hành động kể cả bắt cóc, gây xúc động hay chấn động tâm thần người khác kể cả chuyện chủ nhà đuổi người ở thuê bằng áp lực khủng bố như tháo gỡ cửa hay thay ổ khóa. Tiền phải trả lại do biển thủ tiền bạc hay tài vật của người khác chiếm làm của riêng, tiền ăn cắp hay ăn trộm, tiền được tín nhiệm giao cho cất giữ như tiền chung vốn hùn hạp, tiền của vợ hay chồng, tiền của thân chủ giao cho luật sư, tiền giao cho giám hộ tài sản... nhưng đem xài riêng đều là những món không được kê khai xin xóa nợ. Khi khai phá sản với những món nợ có người ký phụ (cosigners) hay người bảo đảm (guarantors) những người này sẽ bị kẹt phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho dù người nộp đơn khai được giải nợ. Do đó nếu không muốn để những người làm ơn cho mình bị lụy tốt hơn hết nên trả cho xong những món nợ có người ký phụ hoặc dàn xếp với chủ nợ để tái xác nhận (reaffirm) nghĩa là tiếp tục trả món nợ đó sau khi vụ khai kết thúc. Nếu khai theo chương 13 mà trả không hết thì người nợ có thể được yên nhưng trong khi đó chủ nợ chuyển mục tiêu theo đuổi gắt gao đòi người ký chung hay người bảo đảm. Nếu khai phá sản theo Chương 7 mà có nợ do thân nhân, bạn bè hay bạn hùn hạp bảo đảm, chuyện khó tin mà có thật là nhiều khi những người này bị trách nhiệm phải trả một số tiền lớn hơn là số nợ. Thí dụ nếu người nợ đã trả cho chủ nợ trong năm trước khi khai phá sản bao nhiêu thì người ký chung bị tòa án đòi số tiền bằng trọn tiền đó đã trả năm trước. Lý do là khi nộp đơn khai thì tín viên tòa phá sản sẽ xét xem người nợ có trả cho ai trong vòng 90 ngày trước ngày khai cho tới một năm để tránh nợ cho người ký chung. Tiền trả này gọi là nợ cảm tình (preferences) và bị cấm chỉ vì có tính cách thiên vị, người nợ không có quyền dành ưu tiên trả cho những người mình thích. Vì lẽ đó tín viên sẽ yêu cầu chủ nợ kể cả người ký chung phải trả lại. Ðiều phi lý là tòa án tán thành nên cho lệnh thâu hồi tất cả số tiền đã trả để nộp cho tín viên phân phối đồng đều cho mọi chủ nợ. Ðây là một điều đáng để mọi người lưu tâm trước khi ký chung một món tiền vay hay bảo đảm một món nợ nào cho người quen hay người thân. Ðối với các cặp vợ chồng khi khai phá sản theo Chương 7 họ thường khai chung vì có nhiều nợ chung. Tuy nhiên những cặp mới cưới lâu chưa có nhiều tài sản thì nên khai riêng để xóa các nợ đứng tên một mình. Ngoài ra cũng nên khai riêng trường hợp người vợ đứng tên làm chủ căn nhà thứ hai hoặc có nhiều tài sản đáng giá hay đang ly thân. Lần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với trường hợp khai phá sản khi đang làm chủ một căn nhà và khi đang ở thuê. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
|