Home Đời Sống Gia Đình Xưa như trái đất

Xưa như trái đất PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn dự ghi chép   
Thứ Năm, 23 Tháng 7 Năm 2009 21:46

Thưa quý bạn, "ghen" là chuyện xưa như trái đất. Cách đây gần hai ngàn năm, trong thời Tam Quốc, khi Lưu Biểu vua đất Kinh Châu chết, Thái thị là vợ cả của Lưu Biểu ra lệnh thắt cổ chết hết các vị phu nhân vợ nhỏ của Lưu Biểu. Vợ Viên Thiệu cũng thế, giết hết các nàng hầu. Đến Lã Trĩ vợ cả của Hán Cao Tổ lại càng kinh khủng. Khi Cao Tổ chết, Lã thị bắt Triệu phu nhân là vị thứ phi yêu quý của Cao Tổ, khoét mắt, cắt mũi, cắt lưỡi, cắt tai, chặt hai tay chân, cho uống một thứ thuốc câm, đem thả vào trong chuồng heo, kêu là con "lợn người" (trư nhân), rồi cho mời Hán Văn Đế xuống xem. Văn Đế ngạc nhiên hỏi con gì vậy, Lã thị nói con mụ Triệu phi, mẹ thằng nhóc Triệu vương đấy.

Văn Đế kinh hoảng, khóc, nói đó không phải việc làm của con người, mẫu hậu cư xử như thế thì tôi không làm chủ thiên hạ được nữa. Từ đấy Đế buồn, hóa bệnh rồi chết. Lã thị cho một đứa nhỏ lên ngôi, nói dối là con của Hán Văn Đế, phong vương cho các con cháu họ Lã nhà mình, âm mưu chiếm đoạt ngôi vua nhà Hán do Hán Cao Tổ mười năm khởi nghĩa mới gây dựng được. Lã thị chết, nhờ các vị quan đại khai quốc công thần trung thành với nhà Hán như Tiêu Hà, Trần Bình, Trương Lương... lập mưu, tiêu diệt hết gia tộc họ Lã, mời người con dòng thứ của Hán Cao Tổ là Hán Võ Đế lên ngôi, giang sơn bền được hơn ba trăm năm. Ở Việt Nam, lúc ấy là thời Triệu Đà.

Tại Việt Nam, tôi chưa nghe nói một chuyện ghen nào ghê gớm đến mức được ghi vào sử sách, ngoại trừ chuyện ghen của Hoạn Thư được viết trong Truyện Kiều, nhưng đó là tiểu thuyết. Sự thực, theo tôi nghĩ, Hoạn Thư tuy ghen nhưng là con người đáng trọng chứ không phải ghen bậy ghen bạ như người ta tưởng. Khi Kiều xin ra ở Quan Âm Các, Hoạn Thư đồng ý. Ban đêm, anh chàng Thúc Sinh mê gái, sợ vợ lần ra than thở với Kiều. Hoạn Thư biết, đặng hắng, Kiều sợ, nhân ban đêm, leo qua tường bỏ trốn, lấy theo cả chuông vàng khánh bạc trong Quan Âm Các nhưng Hoạn Thư không cho người bắt lại, rõ ràng Hoạn Thư là người tốt chứ không phải người xấu. Cụ Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều sống cách đây khoảng hai trăm năm. Hai trăm năm đã qua rồi, con người ngày càng tiến bộ hơn, chuyện "ghen" chắc chắn cũng có khác hơn mặc dầu bản chất của nó thì "nguyễn như vân" và xưa như trái đất. Bây giờ xin mời quý bạn xem một vài chuyện ghen của thời đại chúng ta, kể ra cũng không lấy gì làm tàn nhẫn lắm và có những chuyện... hơi tức cười. Đây, mời quý bạn coi:

Một cuộc "thoát y"

Một buổi sáng, trong con hẻm rộng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ, Quận I, Sài Gòn), người ta chứng kiến một cuộc "thoát y vũ" vô cùng độc đáo trước cửa một căn nhà lớn đóng kín. Người thoát y cởi chiếc áo đang mặc, chỉ còn đồ lót trên ngực, vung lên, quay tít, vừa vung vừa gào thét gần như điên cuồng, vừa chửi bới vừa gọi tên một người đàn ông và một phụ nữ ra mà chửi. Thật ra, bà ta không còn đẹp nữa, thân hình đã bắt đầu đẫy đà và trên mặt có nhiều vết nhăn, mặc dầu gia đình bà có lẽ rất giàu, chiếc áo thêu thuộc loại đắt tiền và mặt bà có dấu vết của son phấn cũng như những lần đi mỹ viện.

Người ta đến coi rất đông. Bà vừa khóc vừa chửi. Những câu chửi đó cho thấy bà đang chửi một người đàn ông mang danh chồng bà và một cô gái đã cướp chồng bà, hiện đang ở trong nhà. Thì ra đây là căn nhà chồng bà đã mua hay đã thuê cho tình nhân ở, làm chỗ lui tới với tình nhân.

Đầu tiên bà được chồng cho biết là sẽ đi công tác Hà Nội một tuần. Nhưng một buổi sáng, bà được người bạn nói là gặp chồng bà ngồi ở quán cà phê Terrace trên đường Lê Lợi với cô nào đó rất trẻ và đẹp, chồng bà có vẻ âu yếm, săn sóc cô ta. Lúc đầu thì bà không tin, sau thấy người bạn mô tả rõ quá, bắt buộc bà phải tin và bắt đầu tìm cách theo dõi để bắt quả tang. Đêm trước, bà thuê taxi bám sát theo đôi tình nhân, đi tới mấy điểm ăn chơi, cứ ở ngoài cửa mà rình rập. Cho đến gần 2 giờ sáng thì cặp nhân tình đưa nhau về căn nhà này. Lúc đầu bà đã tính làm ầm lên trong đêm, nhưng nghĩ lại, giờ đó dân chúng đang ngủ, họ sẽ kêu công an đến can thiệp, hoặc sẽ bị con nhỏ kia thuê bọn giang hồ trong xóm đánh bà. Bà bèn mướn phòng trong ngôi nhà nghỉ ở đầu hẻm, có cửa nhìn ra đường. Và bà ngồi khóc trong căn phòng đó. Cho đến khi trời bắt đầu sáng, đường phố bắt đầu đông người qua lại, bà tới gõ cửa căn nhà đáng ghét, nhưng không ai mở, bên trong vẫn ngủ im lìm. Phải mà, chúng đi ăn uống, đú đởn, về khuya nên giờ này còn ôm nhau mà ngủ! Bà không kềm chế được cơn tức giận, bèn gào lên, cứ tên "thằng khốn nạn" và "con đĩ rạc" mà chửi. "Đồ đểu giả, sắp có cháu nội rồi mà còn học thói điếm đàng! Đồ đĩ thõa, ăn cướp chồng bà! Chúng mày mắc lo ôm nhau không mở cửa hả? Không mở thì bà đốt nhà, bà thuê người chém chết tụi mày rồi bà ra tòa!..." Bà chẳng có lửa để đốt mà cũng chẳng có bọn cao bồi du đãng nào để thuê chúng vào chém chết hai kẻ khốn nạn. Bà tiếp tục gào thét và dãy đành đạch. Chợt nhớ mình mặc chiếc áo thêu, bà cởi ra, khoa khoa tứ phía và vỗ vào ngực bành bạch: "Đây này, thân thể tao đây này, có thua gì con đĩ đó đâu mà mày rúc đầu vào ngực nó, thuê nhà cho nó ở mỗi tháng tốn hàng bao nhiêu tiền! Tao cởi cả quần nữa cho mày thấy nhục..." Bà định cởi quần nhưng nhiều người can ngăn và bọn thanh niên đứng coi thì cười hô hố, chúng mong bà cởi quần lắm mặc dầu thân thể bà phốp pháp, toàn mỡ là mỡ. Giữa lúc đó có hai chiếc taxi chạy tới, tìm chỗ đậu nối đuôi nhau bên lề đường chỗ bà đang "múa". Trong nhà có tiếng mở cửa, một người con gái thò đầu ra xem xe đã đến chưa thì bà nhào tới nắm tóc, đánh liền. Một người đàn ông đẩy cửa ra ôm chặt lấy bà, "đoạn hậu" để bảo vệ cho cô gái lên chiếc taxi thứ nhất đã mở cửa sẵn. Bà dãy dụa, khóc lóc, cứ mặt ông ta mà cào mà xé nhưng tay vẫn còn nhớ cầm chiếc áo thêu, đánh cả bằng chiếc áo thêu đó nữa. Mặc, ông vẫn cố gắng chịu đựng, tay trái ôm bà, tay phải kéo cánh cửa sắt, khóa lại, bỏ chìa vào túi rồi ôm bà vào chiếc taxi thứ hai cũng đã mở cửa. Thân thể bà chắc là nặng lắm nhưng ông vẫn làm chủ được tình hình. Chiếc xe đóng cửa rồi bắt đầu chạy.

Hai hôm sau, trên cánh cửa sắt đóng im ỉm của căn nhà người ta thấy treo tấm bảng "Nhà Cho Thuê" và 'mặt trận' trở lại yên tĩnh.

Đàn ông là như vậy, đôi khi họ lầm đường lạc lối nhưng cũng mau chóng trở về đường ngay nẻo chánh, miễn sao đàn bà biết tha thứ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang, 1895-1976) nói: "Người chồng là cái gì đó để người vợ tha thứ". Rất đúng!

"Romeo" chết, "Juliet" lãnh án 7 năm tù giam!

Đó là cái giá phải trả cho cơn ghen điên dại của Ninh Thị Huyền Linh, cô nữ sinh Đại học Y Dược Hà Nội. Từ năm 2008, Linh quen và sống như vợ chồng với một thanh niên quê ở Quảng Nam tên Nguyễn Văn Chương. Chương, với bản chất của một kẻ chuyên môn tán tỉnh, dụ dỗ phụ nữ, đã thuyết phục được Linh giải quyết cái thai trong bụng rồi hắn dọn đi nơi khác. Linh yêu gã thanh niên này đến mụ mẫm, không còn lý trí để thấy rõ sự tráo trở của hắn. Cô phá thai xong, thân thể trở lại thon thả như cũ. Chương một mặt theo đuổi Trang, một bạn gái mới, nhưng mặt khác vẫn qua lại, quan hệ tình dục với Linh tại nhà thuê của cô. Linh biết Chương gian díu với Trang nên ghen. Nghỉ hè, Chương khuyên Linh về Thái Nguyên (quê Linh) trong những tháng hè để anh ta... giải quyết dứt điểm với Trang, hễ giải quyết xong thì anh ta sẽ làm đám cưới với Linh!

Linh về Thái Nguyên nhưng vẫn giữ căn phòng thuê tại Hà Nội làm chỗ lui tới cho hai người. Cô trao chìa khóa cho Chương giữ. Chương ngang nhiên đem Trang về sống trong đó. Một lần Linh từ Thái Nguyên xuống, bắt gặp, đánh ghen với Trang. Chương bênh Trang, cứ Linh mà nện thâm tím mày mặt. Linh khóc lóc, rủa xả, làm bộ rút lui nhưng sự thực là ra chợ trời ở khu Kim Liên mua một bình a-xít đậm đặc.

Rất may cho Trang là khi câu chuyện xảy ra, biết Chương lừa dối cả hai người nên Trang bỏ về nhà, chỉ còn một mình Chương ở lại nằm ngủ, cửa bỏ ngỏ. Linh đổ a-xít vào đầy một chiếc ca nhựa, rón rén đi tới. Mọi căm thù, phẫn uất biến thành hành động. Cô tạt thẳng vào Chương từ mặt cho xuống tới ngực. Chương giật mình, ngồi nhỏm dậy, ôm mặt kêu gào, lăn lộn. A-xít đậm đặc, đến gỗ cũng cháy chứ đừng nói da thịt con người.

Chương được đem đến Viện Bỏng Hà Nội cứu cấp, một tuần sau thì chết. Sau khi gây án, Linh tự đến công an phường nộp mình. Cô khóc trong phiên tòa xét xử và bị tuyên án 7 năm tù.

"Romeo" chết, "Juliet" cũng sẽ chết!

Lê Thị Bích Tuyền bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Sài Gòn tuyên án tử hình. Một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Bích Tuyền, mới 27 tuổi, đã từng là một điều dưỡng viên tại Bệnh viện huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Đó là một cô gái không đẹp lắm nhưng có được nét thanh xuân. Cô cũng nuôi một ước mơ: cô muốn bỏ nghề, rời An Giang lên Sài Gòn, kiếm một công việc, vừa đi làm vừa học để có tương lai cao hơn cho mình.

Khi lên Sài Gòn, đúng là Tuyền đã thực hiện được được giấc mơ đó: cô xin được việc làm trong một bệnh viện tư nhân, thuê được một căn phòng nho nhỏ gần bệnh viện đó, mua được chiếc xe Wave Alpha, ban ngày đi làm, các buổi tối không có ca trực thì đi học. Mọi việc diễn ra được hơn một năm thì cô tình cờ gặp Khoáng, một sinh viên nghèo nhưng ăn mặc lúc nào cũng bảnh bao, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Khoáng học về Công nghệ Thông tin, thuê nhà ở chung với mấy người bạn trong một hẻm nhỏ ở đường Bạch Đằng, thuộc khu Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, cũng gần bệnh viện. Khoáng tự ý làm quen với cô, hai bên quen biết, hắn chiều ý cô hết mình, cô thấy Khoáng "rất được" và hai bên đi đến chỗ "sống thử", Khoáng dọn tới ở với cô như cặp vợ chồng

Những ngày đầu tiên sống chung là những ngày đẹp nhất. Nhưng dần dần Tuyền thấy Khoáng có nhiều tính xấu. Hắn lười biếng, không chịu học, ngay đến cơm nước, giặt dũ cũng để mặc cho cô lo, nhiều bữa cô về muộn không kịp nấu cơm, phải mua cơm ở ngoài quán. Đã vậy hắn lại có thói trăng hoa và thích ăn nhậu. Ngay các cô bạn của Tuyền đến chơi mắt hắn cũng hấp háy, cười cợt làm quen, nói lời ong bướm. Hễ thấy Tuyền được lãnh lương là hắn cười cười, nửa đùa nửa thật xin xỏ: "Cho anh mượn, bữa nào anh Sáu chủ tiệm tính công sửa máy vi tính tháng trước anh sẽ trả". Hắn học về Công nghệ Thông tin nên sửa máy vi tính khá giỏi. Giả sử nếu chịu khó hợp tác với anh Sáu tiệm Tô Châu ở ngoài mặt đường thì hắn cũng lo được tiền ăn học. Đằng này hắn lười, làm chưa xong đã bỏ đó, muốn đi là đi, nói "đi công chuyện". Hễ được lãnh tiền là hắn rủ bạn đi nhậu. Bữa nay nhậu, bữa mai nhậu, nhậu cho bằng hết, mọi việc chi tiêu của hai "vợ chồng" để mặc cho Tuyền lo. Mà đã nhậu say là về nhà thế nào hắn cũng lè nhè, gây chuyện, nhiều khi đánh cả Tuyền nữa. Tuyền ức về thói vô trách nhiệm và những tật xấu của hắn nhưng cô chịu đựng và ráng bỏ qua. Cô mong một ngày nào đó đi làm chính thức hắn sẽ sửa đổi. Rồi hai người sẽ có con cái, sẽ mua được nhà và có cuộc sống tốt đẹp hơn...

Cho đến một hôm, Tuyền bắt gặp Khoáng chở một cô gái bằng chiếc xe Wave Alpha của mình, cử chỉ rất thân mật thì cô không chịu nổi nữa. Cô đợi hắn về nhà bèn làm lớn chuyện, la lối, cãi cọ, đòi đốt cái xe đi. Hắn nói: "Muốn đốt thì đốt, tùy ý. Tánh nết thằng này như thế đó, ở được với nhau thì ở, không ở được thì chia tay, đường ai nấy đi, thằng này không cần". Và hắn nói thêm: "Nếu muốn thì chia tay đi, thằng này sẽ dọn đến ở với người khác ngay lập tức. Hừ, cái thứ y tá quèn, ở nhà quê lên Sài Gòn, gặp may mắn mới được như thế mà cũng làm phách, tưởng thằng này ham lắm...".

"Cô gái ở tỉnh" hết sức tức giận. Hắn chửi đau quá, phải ra tay thôi. Cô nghĩ thà mình hạ độc cho Khoáng chết rồi mình tự sát còn hơn chịu nhục, để Khoáng đến ở với người khác.

Nghĩ như thế, tối hôm ấy trước khi chuẩn bị đi học cô bí mật pha mấy muỗng cà phê thuốc ho Théralène, loại xi-rô có tính gây buồn ngủ rất mạnh vào hộp sữa tươi Vinamilk cô đang dùng dở, lắc kỹ rồi để vào chiếc tủ lạnh cá nhân dùng cho gia đình đơn người. Khoáng có thói quen hễ thấy sữa tươi để trong tủ lạnh là uống bằng hết, không cần biết nhiều hay ít và uống xong hắn lười đến độ cũng không thèm bỏ cái hộp vào giỏ rác nữa. Nhiều khi tối đi học về, mệt, Tuyền sờ tới hộp Vinamilk thì thấy nhẹ bẫng không còn một giọt, cô tức cành hông nhưng ráng nín nhịn.

Đêm ấy Khoáng ngủ say như chết. Tuyền thử lay dậy nhưng hắn vẫn ngủ. Cô lấy một chén nước lạnh, pha thật đặc muối ăn vào đấy, khuấy kỹ rồi dùng ống chích, chích vào tĩnh mạch cánh tay của hắn như người chích thuốc. Khi sắp chích, cô dựng ngược chiếc ống chích lên để không khí vào tới già nửa ống cho Khoáng mau bị nghẽn mạch, ngưng tim. Cô chích tới mấy ống liền nhưng Khoáng không chết, vẫn ngủ. Hắn mê sảng, miệng nhai chóp chép và tiếp tục ú ớ chửi rủa giống như hắn vẫn chửi Tuyền hằng ngày. Tuyền giận dữ tát bốp vào mặt hắn rồi vớ lấy con dao Thái Lan nhỏ vẫn dùng để bổ trái cây, đâm xối xả xuống cổ, xuống ngực hắn. Đâm chán, cô vơ lấy lọ xi-rô Théralène còn lại uống hết sạch, chiêu một ngụm nước lọc và mệt quá, gục xuống... ngủ!

Khoáng chết. Còn Tuyền, tất nhiên không chết, thuốc Théralène không thể làm chết người được bởi vì nó chỉ còn một ít trong lọ. Cô bị truy tố ra tòa về tội đã cố ý sát hại Khoáng. Khi phải mô tả lại hành động, Tuyền khai thêm việc mình cho tới ba muỗng cà phê Théralène vào hộp sữa tươi Vinamilk và việc mình chích nước muối vào tĩnh mạch Khoáng. Cộng ba tội đó, Tuyền nhận một cái chết khác về sự lầm lẫn của mình là đã "sống thử" với Khoáng: tử hình!

Yêu và ghen, nỗi đau gấp đôi

Theo các nhà tâm lý học, câu nói "có yêu mới ghen" là có thật trong một số trường hợp. Phải yêu thì mới ghen, nhưng "mức độ" ghen đối với phụ nữ thường thường khác nhau và cũng khác với đàn ông. Đôi khi nó dẫn đến cực đoan và gây nên nhiều tai hại bởi vì lúc ghen, người ta khó kiểm soát được mình. "Bi kịch tình cảm" thường bắt đầu bằng "cái sự ghen" ầm ỹ như thế. Sau đây chúng ta thử xem một chuyện ghen, hay đánh vợ, hay đe dọa vợ ở đàn ông - mà người vợ đó đâu phải tầm thường, đến "voi" bà ta còn chả sợ kia mà! Đây là chuyện thật, nhân vật "không sợ voi" này quý bạn có thể gặp ở Bản Đôn, Ban Mê Thuột...

Chồng ghen còn "mệt" hơn... voi

Ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau tàn cây trứng cá mát rượi trên con đường dẫn vào Khu Du lịch Bản Đôn ở tỉnh Đắc Lắc (Ban Mê Thuột là tên thị xã của tỉnh Đắc Lắc). Năm nay bà đã 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và đặc biệt là tính hài hước khi kể lại các chuyện xưa của mình.

Cô gái Lào đó tên Sao Thong Chăn, sinh năm 1923, tại Paksé, lớn lên trong một gia đình khá giả ở xã Tha Hay, thị xã Chăm Pa Sắc, tỉnh Chăm Pa Sắc bên Lào.

Năm 15 tuổi, cô Sao cùng người yêu trẻ tuổi trốn sang Việt Nam để tránh sự phản đối quyết liệt của dòng tộc, cả hai đều còn quá ít tuổi, "nàng" 15 tuổi, "chàng" 17 tuổi, lại thuộc tầng lớp bình dân, gia đình không chấp nhận việc tảo hôn.

Hai người băng rừng tìm đến Bản Đôn ở bên Việt Nam, nơi có người anh con ông bác ruột của cô tên Khun Ju Nôp, đang rất nổi tiếng về việc săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi ở khắp các nước Đông Dương.

Ông "vua voi" Khun Ju Nôp thương cô em gái không có nhà cửa, bèn tận tình chỉ bảo và tạo điều kiện cho vợ chồng cô định cư tại Bản Đôn. Thời bấy giờ nơi đây đang được coi là thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc, hơn hẳn Ban Mê Thuột với những phiên chợ mua bán voi tấp nập. Tập quán trong nghề săn voi không cho phép phụ nữ tham gia vào công việc săn bắt. Vốn sắc sảo và giàu nghị lực, tuy còn nhỏ tuổi song cô Sao đã sớm học hỏi, nắm bắt được những kinh nghiệm về "voi", và cô muốn trở thành một người buôn bán voi uy tín.

Ban đầu cô chỉ đầu tư lương thực, dụng cụ, chi phí cho cánh thợ săn để được chia phần trong số voi săn được. Sau, vốn liếng mỗi ngày một khá hơn, cô chủ động tổ chức luôn cả đoàn săn, thuê "gru" (thợ săn voi chuyên nghiệp), nuôi và trông nom gia đình cho họ để họ yên tâm đi nhiều ngày trong rừng thẳm.

Khi đoàn "gru" đem chiến lợi phẩm về, cứ mỗi con voi con săn được, cô trả công cho mỗi thợ săn số tiền tương đương một con trâu lớn. Rồi mỗi chú voi con đó, sau vài tháng thuê người chăm sóc, thuần dưỡng, cô bán sang tay với giá từ 30-50 con trâu, cô lời không biết bao nhiêu mà kể!

Không chỉ lo việc voi rừng, cô còn cỡi voi đi khắp khu vực, lùng mua voi nhà. Mỗi con voi mua đi bán lại như thế lại đẻ ra một khoản lãi tương đương với dăm ba con trâu hoặc năm, mười con bò. Mới ở độ tuổi ngoài hai mươi, cô Sao đã trở thành một người "lái voi" giàu có, nổi tiếng khắp vùng.

Chồng dữ hơn voi

Sống với nhau mãi không có con, cô Sao lần lượt xin 4 bé gái về nuôi. Nhan sắc cô ngày càng lộng lẫy mà cô lại hay đi đây đi đó lo công việc nên chồng cô ghen, nhiều khi hắn nổi đóa, nện cô những trận thừa sống thiếu chết. Lúc đã lớn tuổi, cô thường nói đùa: "Voi không sợ mà sợ thằng cha đó! Hắn dữ lắm, nhiều khi hắn cầm dao dọa giết tui". "Thế sao cô không chống lại?". "Tui là người Lào mà! Người Lào phục tòng chồng, không đánh lại chồng". "Thế cô có sợ bị hắn giết không?". "Không. Người Lào không giết vợ. Hắn chỉ đánh thôi. Mỗi lần hắn đánh dữ lắm, trói vào mà đánh đến nhừ tử. Nhưng tôi không sợ tại vì hắn luôn luôn chừa cái mặt tôi ra, không đánh sưng lên, để tôi còn lo buôn bán. Hắn biết tính tôi thích buôn bán, ham làm giàu...".

Buôn voi xuyên biên giới

Sau thời Pháp là đến thời Mỹ. Tuổi đời, tuổi nghề của bà Sao càng ngày càng dày dạn hơn, số voi vùng này vùng khác buôn bán qua tay bà cũng ngày càng nhiều hơn. Những người đồng hương trên đất nước "Triệu Voi" mua của bà một lúc tới 4 con voi, còn quốc trưởng Bảo Đại thì mua của bà 3 con. Nhờ nhan sắc xinh đẹp, lại giỏi tiếng Tây, giỏi nhảy đầm, kể cả uống rượu cũng không thua nam giới, bà được quốc trưởng Bảo Đại tiếp kiến và từng được tháp tùng theo thứ phi Mộng Điệp đi 'ngoạn cảnh' trên sông Sêrêpôk.

Để chủ động được nguồn voi cung cấp cho các đơn đặt hàng không ngừng tăng lên, bà lập riêng một đoàn "gru" có tới 12 con voi lão luyện để bắt voi con. Một nhà buôn rất có uy tín ở Sài Gòn lúc ấy là ông bà Phong Lợi đã lên tận Bản Đôn liên hệ, thương thuyết với bà để họ mở đường xuất cảng voi sang Nhật, Pháp và Singapore.

Vợ càng đẹp, càng giao thiệp rộng thì chồng càng ghen. Những trận đòn ghen chí chết đã đẩy vợ chồng bà ngày càng xa nhau, và họ chính thức ly dị vào năm 1968. Bảy năm sau, 1975, bà tái giá với một người Việt gốc Chăm cũng giỏi nghề nuôi voi tên là ông Đàng Nhảy rồi không ở Bản Đôn nữa, về sống tại Bản Aê A thuộc thị xã Ban Mê Thuột. Hiện nay, ông Đàng Nam Long là con trai của ông Đàng Nhảy vẫn còn nối nghiệp nuôi voi và là người sở hữu đàn voi lớn nhất Tây nguyên: 5 con.

Sau năm 1975 (1976-1977) bà ký hợp đồng bán cho Hà Nội tới 10 con voi để họ bán cho các nước khác. Năm 1984, bà bán cho lâm trường Nghệ An 4 con. Mười năm sau nữa, 1985, bà mua giùm cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn 3 con để họ đưa sang Đức. Sau đó, mua tiếp 3 con nữa giùm cho Công viên Hồ Kỳ Hòa và Sở thú Mỹ Tho.

Theo trí nhớ của bà và cô con gái út Pansa Ta Ly, con voi cuối cùng trong cuộc đời buôn bán voi của bà bán cho tỉnh Gia Lai - Kontum vào năm 1995. Nay bà đã 86 tuổi, nghỉ hưu, không buôn bán nữa nhưng là một trong những người giàu nhứt Ban Mê Thuột.

Năm 15 tuổi đã yêu một thanh niên đến nỗi phải bỏ nhà cửa, bỏ cả đất nước, sang Việt Nam làm một cái nghề độc đáo mà ngay đến đàn ông cũng gần như không ai làm nổi. Rồi năm 45 tuổi (1968), sợ người đó quá - sợ hơn sợ voi - bà phải ly dị. Đàn ông, thật, nhiều người còn đáng sợ hơn voi. ª

Đoàn dự ghi chép