Xưng Hô Trong Tiếng Việt |
Tác Giả: Hồng Huy | |||
Thứ Bảy, 13 Tháng 6 Năm 2009 04:56 | |||
Có người đã nhận định rằng tiếng Việt giàu về từ xưng hô, so với các thứ tiếng phổ thông trên thế giới. Nhận định này có căn cứ. Xin khai triển để làm rõ vấn đề, và xin lấy để so sánh với tiếng Việt, 3 thứ tiếng mà nhiều người biết là tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tàu. Về nhân xưng đại từ: Người Việt có chút ít học thức thì ai cũng nhận ra là tiếng Việt có nhiều nhân xưng đại từ hơn các thứ tiếng kia. Nhưng khi cần dịch các thứ tiếng kia sang tiếng Việt, hoặc ngược lại, sự hơn kém mới rõ rệt. Xin nêu vài thí dụ đơn giản: Xin kiểm ngôi thứ nhất số ít. Nói chuyện với mọi người, một người phụ nữ Việt sẽ tùy trường hợp, tương quan tuổi tác, liên hệ bà con, mức độ thân sơ, mà tự xưng bằng những nhân xưng đại từ khác nhau: -”Con”, với ông bà, cha mẹ, những người bà con ngang vai với ông bà cha mẹ; với thầy cô giáo (ngày xưa); với những người già. -”Cháu”, với ông bà, chú bác cô dì; với những người ngang tuổi với ông bà cha mẹ. -”Em”, với anh chị; với những người hơn tuổi, hơn chức phận; với chồng, hoặc người đàn ông nào mà đương nhân muốn dùng tiếng xưng hô này để biểu lộ tình cảm; với thầy cô giáo (ngày nay). -”Chị”, với các em; với những người mà đương sự coi là đáng em của mình. -”Cô”, “dì”, “bác”, “thím” … với các cháu theo tương quan họ hàng; với người nhỏ tuổi được đương sự coi như con cháu. “Mẹ”, “má”, “me” … với các con. -”Tôi”, với tất cả mọi người. -”Tao”, “ta”, với một số người, khi đương sự không cần giữ lễ, hoặc muốn biểu lộ uy quyền, hoặc sự tức giận. Nếu kể cho đủ, có lẽ cũng còn nữa. Nhưng đối lại từng ấy chữ, tiếng Pháp chỉ có chữ “Je”, tiếng Anh chỉ có chữ “I”, và tiếng Tàu chỉ có chữ “Ngộ” (ngã). Bây giờ, xin kiểm qua ngôi thứ hai số ít. Trong tương quan cha-con, mẹ-con, khi đối thoại, cha mẹ gọi con bằng “con” hoặc “mày”. Cũng có đôi trường hợp, đối với người con đã có gia đình, có chức phận, người Bắc ngày trước kiểu cách gọi bằng “anh”, bằng “chị”. Đối lại, con gọi cha mẹ bằng rất nhiều tiếng: Cha, bố, ba, thầy, cậu, tía; mẹ, má, mợ, me, măng, bu, bầm, u … Nói chuyện với một người trong vòng bà con, người ta sẽ gọi theo vai vế: Bác, chú, cậu, dượng, cô, dì, thím, bác gái; anh, chị, dượng nó, chú nó … Nói chuyện với người ngoài, người ta xưng theo tuổi: Cụ, ông, bà, anh, chị, chú, mày … Thật là nhiều, thật là đa dạng, không thể kể hết. Nhưng đối lại, trừ một số tương quan thật gần (như gọi cha, gọi mẹ), tiếng Pháp chỉ dùng chữ “Vous”, chữ “Tu”; tiếng Anh chỉ dùng chữ “You”; tiếng Tàu chỉ dùng chữ “Nị” (nễ). Căn cứ vào đây, nếu nói rằng tiếng của người là gọn, là đơn giản, thì cũng đúng. Nhưng nếu nói rằng tiếng của ta là phong phú, thì cũng không sai. Cái phong phú và cái đơn giản chỉ khác nhau rõ rệt khi đem ra so sánh. Bình thường, nếu cõi ai nấy đứng, phần ai nấy lo, thì chẳng có việc gì phiền phức. Nhưng trong thực tế, khi hai cái gặp nhau, thì thế nào cũng có va chạm. Tôi còn nhớ trong một cuốn tiểu thuyết của Khái-Hưng (hình như cuốn Đẹp), có mẩu chuyện này: Hai người đàn ông, vốn là bạn thân của nhau, rồi người lập gia đình sớm gả con gái cho người kia. Sau ngày cưới, ông bố vợ bảo chàng rể (chỉ nhỏ hơn mấy tuổi) cứ việc “tutoyer” với mình như trước. Nhưng bà mẹ vợ không chịu. Trong tiếng Pháp, gọi người đối thoại là “tu”, là “toi”, thì tự nhiên thân mật. Nhưng người Việt học tiếng Pháp vẫn quen dịch “tu” và “toi” ra “mày”, và “tutoyer” ra “mày tao mi tớ”, thì bà mẹ vợ quen kiểu cách kia làm sao vui lòng chịu để cho chàng rể xưng hô với mình như vậy? Lại còn chuyện này: Người Tàu quen gọi người đối thoại là “nị”. Người Việt học chữ Hán, đọc chữ này là “nễ” và dịch gọn sang tiếng Việt là “mày”. Một thanh niên người Tàu gọi cha đẻ của mình là “nị” thì không sao, nhưng gọi ông cha vợ người Việt cũng bằng tiếng ấy, thì không chắc ông này vui lòng. Còn nặng hơn nữa, nếu chàng ta lại nghĩ “nhập gia tùy tục”, đã làm rể gia đình người Việt thì cũng nên xưng hô bằng tiếng Việt, gọi cha vợ bằng “mày”, thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ. Người Việt đã quen chuyện đối với mỗi người có một tiếng xưng đúng vai vế, không bao giờ thuận tai với tiếng “nị”, tiếng “mày”, chung cho mọi người. Không có một bà mẹ vợ người Việt nào không thấy chối tai khi được một chú rể người Tàu chào hỏi kiểu này: Nị ăn cơm chưa? Tương quan gia đình: Danh từ tiếng Việt chỉ những tương quan trong gia đình, trong dòng họ, cũng phức tạp hơn tiếng Pháp, tiếng Anh. Bạn nào đã từng dịch những tác phẩm tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt, chắc đã gặp những khó khăn loại này. Trong tiếng Anh, những chữ “brother”, “sister”, “uncle”, “aunt”, có nghĩa không xác định tương quan. Trong tiếng Pháp, những chữ “frère”, “soeur”, “oncle”, “tante”, cũng giống như vậy. Nhưng trong tiếng Việt, những tương quan ấy lại được phân biệt rất rõ: Lớn hơn thì phải gọi là “anh”, là “chị”; nhỏ hơn thì gọi là “em”. Anh của cha thì gọi là “bác”; em của cha thì gọi là “chú”. Anh em trai của mẹ thì gọi là “cậu”. Chị và em gái của cha thì gọi là “cô”. Chị và em gái của mẹ thì gọi là “dì”. Người Bắc, gọi anh và chị của mẹ là “bác”. Chồng của cô, dì thì gọi là “dượng”; người Bắc gọi là “chú”. Vợ của bác thì gọi là “bác gái”; vợ của chú thì gọi là “thím”; vợ của cậu thì gọi là “mợ”. Vậy, gặp những trường hợp đó thì phải dịch thế nào cho thỏa đáng, nếu người dịch không biết tương quan cụ thể? Nguyên văn Anh, Pháp chỉ cần viết “uncle”, “oncle”, “aunt”, “tante” … là được độc giả chấp nhận, không đòi hỏi người viết phải nói rõ hơn. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt, mà người dịch không biết rõ mối tương quan gia đình kia cụ thể là như thế nào, thì không thể dịch được. Trong tiếng Việt, không có chữ nào có nghĩa bao gồm như những chữ Anh, chữ Pháp kia. Xin nêu một thí dụ cụ thể: Người sáng lập giải thưởng văn chương Goncourt của Pháp là nhà văn Edmond Huot de Goncourt. Ông này có một người em trai, nhỏ hơn 8 tuổi và qua đời trước 26 năm, cũng là nhà văn, tên là Jules Huot de Goncourt. Nếu viết bằng tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh, để nói về hai nhà văn anh em này, khi đề cập người này và nhắc đến người kia, người ta chỉ cần viết “son frère”, hoặc “his brother”, là đủ. Nhưng khi dịch ra tiếng Việt, ở những chỗ ấy, phải nói rõ là “anh ông ta”, hay “em ông ta”, chớ không thể nào nói theo kiểu không xác định lớn nhỏ, là “người anh em của ông ta” được. Vì thế, nếu không biết Edmond là anh, Jules là em, thì không thể nào viết chỗ này bằng tiếng Việt cho thỏa đáng. Những chữ “soeur”, “sister” cũng gây khó khăn cỡ đó. Với những chữ “oncle”, “uncle”, “tante”, “aunt”, sự khó khăn còn lớn hơn. Chẳng hạn, gặp chữ “his aunt”, cứ dịch bừa là “cô của anh ta”, trong khi người được đề cập là “dì”, hoặc “thím”, hoặc “mợ”, thì sao? Cái phong phú, cái rõ ràng của tiếng Việt, đôi khi cũng là cái phiền phức! Hạ mình tôn người: Về mặt này, tiếng Việt khác tiếnh Anh, tiếng Pháp, nhưng giống tiếng Tàu. Ngày xưa, trong khi nói chuyện, người Việt chúng ta thường hạ thấp mình xuống và tôn cao người lên, chính là bắt chước người Tàu. Người Tàu và người Việt nói đây là những người nhiều chữ nghĩa, đã cố tình đưa những cái kiểu cách vào đối thoại. Tất nhiên, khi đó, sự tự nhiên mất đi, mà chân tình cũng không còn lại bao nhiêu. Chỉ còn sự văn vẻ. Nhưng giới thượng lưu ngày trước chỉ cần văn vẻ. Sách vở xưa còn để lại đều do những người nhiều chữ nghĩa viết. Thế cho nên, chúng ta chỉ đọc được những lời xưng hô văn vẻ. Nhưng suy ra, chúng ta cũng có thể biết chắc bên cạnh những cái văn vẻ kiểu cách kia, từng lớp bình dân đông đảo vẫn dùng ngôn ngữ tự nhiên của họ để tự xưng và để gọi nhau. Vẫn là “cha tôi, cha anh”, vẫn là “vợ tôi, vợ anh”, không cần tiếng nào khác để thay thế. Và ngày nay, trừ một ít trường hợp rất hiếm trong giao tế của những người nệ thức, hầu hết người Việt đều dùng những tiếng xưng hô bình thường, cả trong đàm thoại và thư tín. Nhưng những ngôn từ kiểu cách kia đã một thời được ông cha chúng ta trân trọng, thiết tưởng cũng nên nhắc lại, phòng khi con em chúng ta cần tìm hiểu. Như đã nói, nguyên tắc của người xưa trong việc “tự xưng” (xưng)và “gọi người” (hô), là hạ mình xuống và tôn người lên. Nhưng trong thực tế, có những tiếng vừa phải, có những tiếng quá đáng. Sau đây, chúng ta sẽ phân ra từng lãnh vực để nhận xét: - Nói về chỗ ở, nơi làm việc, chức phận: Nói về chỗ ở của mình, thì dùng chữ “tệ xá” (ngôi nhà rách nát), hoặc “hàn xá” (ngôi nhà nghèo nàn). Nói về chỗ ở của người, thì dùng chữ “quí sở”, “quí cư”. Quan chức nói chuyện với nhau, cũng theo kiểu ấy. Nơi làm việc của mình thì gọi là “tệ sở”, nơi làm việc của người thì gọi là “quí sở”. Nhưng có một điều cần để ý, là một khi đã dùng những chữ để hạ mình và tôn người như thế, thì phía sau không cần phải thêm chữ để chỉ cái đó thuộc về ai nữa. Chẳng hạn, chỉ cần nói “tệ xá”, chớ không cần nói “tệ xá của tôi”; chỉ cần nói “quí sở”, chớ không cần nói “quí sở của ngài”. Trong quan trường, quan nhỏ nói chuyện với quan to, việc thủ lễ là điều tất nhiên. Thông dụng và đơn giản hơn cả là hai chữ “hạ quan” và “thượng quan”: Bẩm thượng quan, tuy tài hèn sức mọn, nhưng một khi được thượng quan tin cậy mà ủy thác, thì hạ quan xin hết lòng. Thông dụng hơn cả là chữ “đại nhân”. Chữ này rất dễ dùng, với người trên, với người bằng vai, với người dưới, đều được. Cũng giống như chữ “ông”, chữ “ngài” về sau này. Tới đây, xin nói qua về cách xưng hô giữa người dân với các quan ngày trước. Không biết do ai qui định, trước 1945, tôi nghe người dân ở quê tôi (Phú-Yên) xưng “con”, và gọi các ông bang tá, huấn đạo, tri huyện, tri phủ, là “quan lớn”, và gọi các ông án sát, tuần vũ, là “cụ lớn”. Tôi không hiểu bằng cách nào họ phân biệt được chức vị cao thấp của các ông quan kia, cũng không hiểu tại sao chữ “cụ” lại có thân phận cao hơn chữ “quan”. “Người dân” nói đây bao gồm cả các hương chức, tổng chức. ở nông thôn ngày trước, các ông tiên chỉ, lý trưởng, chánh phó tổng đôi khi cũng có nhiều uy quyền, nhưng một khi đứng trước một ông quan, tri phủ chẳng hạn, thì vẫn phải “xưng con” và “bẩm quan lớn”. Ngày còn nhỏ, đã có lần tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông chánh tổng tổng Hòa-Bình xưng con và bẩm quan lớn với ông bang tá thị xã Tuy-Hòa. Lúc bấy giờ (trước 1945), tổng Hoà-Bình gồm 24 làng (village), còn thị xã Tuy-Hoà chỉ gồm 4 phường (quartier). Và về diện tích và dân số, một phường cũng chỉ ngang với một làng. Tóm lại, ngày trước, chánh tổng cũng được coi là dân, trong tương quan đối với các ông quan. Theo thói quen, người xưa thường gọi chức tước của đối phương ra, có khi còn kèm theo họ. Chẳng hạn, “bẩm vương gia”, “bẩm thừa tướng”, “trình Trần tổng đốc”, “thưa Lưu học sĩ” … Tóm lại, rất đa dạng, tùy theo trường hợp. Nhưng tự xưng, thì không ai nêu chức tước của mình, chỉ dùng một chữ nào đó để biểu lộ thân phận thấp kém của mình mà thôi. Thông dụng nhất là những chữ “hạ quan”, “ti chức”, thiểm chức”, “mạt tướng”, “hạ thần”, “vi thần”. Hai chữ sau chỉ dùng với vua chúa. Có một điều cần nói ngay ở đây để khỏi có sự hiểu lầm rằng ngày xưa, người trên thì thích được xưng tụng, còn người dưới thì quen nịnh bợ. Sự thật không phải vậy. Gọi bằng chữ gì chẳng qua là một lề lối đã có từ lâu đời, không ai nghĩ tới chuyện sửa đổi. So ra, chúng ta thấy về sau có những vị chuẩn úy, chuẩn tướng, giám đốc, thích thuộc hạ gọi tôn lên là “thiếu úy”, “thiếu tướng”, “tổng giám đốc”. Nhưng ngày xưa, dù có muốn lấy lòng thượng cấp, một viên chủ sự tòng sự tại một bộ nào đó ở kinh, cũng không giám gọi tôn ông thị lang của mình là tham tri. Gọi không đúng chức tước, dù là tôn lên, cũng có thể bị khiển trách. Ngày xưa, tự xưng khiêm tốn là lề thói chung của mọi người, từ vua chúa đến thứ dân, từ người thường đến kẻ xuất gia. Vua chúa thì xưng “quả nhân”, “cô gia”. Người thường thì xưng “bỉ nhân”, “kẻ hèn”. Tăng nhân đạo sĩ thì xưng “bần tăng”, “bần đạo”. Nhưng cũng không phải lời của người thời xưa lúc nào cũng khiêm cung đối với lỗ tai của người thời nay. Có khi họ tự xưng và gọi người rất đơn giản. Tự xưng, thì là “bổn soái”, “bổn tướng”, là “ta”; gọi người thì là “ngươi”, là “mi”. Người xưa nói những chữ ấy rất tự nhiên, nhưng ngày nay chúng ta đọc sẽ cảm thấy họ kiêu căng, hách dịch. Cũng như trước kia, các toà án Việt-Nam đã theo công thức, dùng những chữ “bản tòa”, “bản chức”, “triệu dụng”, “ra lệnh”, “phán rằng”, “truyền”, “đòi”, “tên” (le nommé), “y”, “y thị”, đã bị một số người chỉ trích là quan liêu. - Nói về sở kiến: Qui luật hạ mình tôn người cũng được áp dụng trong khi đề cập tới ý nghĩ, kiến thức. Nói về người, thì dùng những chữ “tôn”, “cao”, “diệu”, “kỳ”. Nói về mình, thì dùng những chữ “ngu”, “thiển”, “dung”, “thiết” … Tôn cả về ý lẫn người, hoặc hạ cả về ý lẫn người, không biết tác dụng có gấp đôi hay không, nhưng ngày nay chúng ta đọc thường cảm thấy lời lẽ trở thành khách sáo. Thí dụ: -Ý nghĩ thiển cận của ngu đệ làm sao dám sánh với cao kiến của hiền huynh. Hoặc: -Nhụ tử của ti chức chỉ là hạng dung tài, mà tranh đua thi phú với lệnh công tử là bậc kỳ tài trong thiên hạ, không bõ cho người đời chê cười là loài gà mà muốn khoe sắc lông với chim phượng hoàng. Nói theo kiểu như trên, sự khiêm tốn không còn là vừa phải nữa, mà đã trở thành thái quá, khiến người nghe không tin là thành thực. Người nghiêm khắc sẽ nghĩ khiêm tốn chỉ là giả, mà tự phụ mới là thực. Đây là trường hợp “lộng xảo thành chuyết” (khéo quá hóa vụng) mà người xưa vẫn muốn tránh. Viết văn, dù là viết sách hay viết báo, không ai dám nói rằng ý mình đưa ra là hoàn toàn đúng. Vì thế, một lời khiêm tốn nào đó đôi khi cũng là cần thiết. Trong một bài báo ngắn, những lời rào đón không thích hợp, nên ý khiêm tốn thường được lồng vào những chữ có công dụng tự hạ giá, nằm rải rác trong bài. Một quan điểm, một nhận xét, nghĩ trong trí thì tác giả đã cho là vững vàng, là tinh xác, nhưng khi viết ra, tác giả sẽ không nói như thế, mà nói gần như ngược lại. Khi đó, những chữ “nông cạn”, “thô thiển”, “thiển cận”, “hẹp hòi” … sẽ được dùng tới. Chẳng hạn, mở đầu một đoạn “nhận định”, người viết nói: “Theo sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi …”. Hoặc, “Vì kiến văn còn hẹp, chúng tôi không dám tin rằng nhận định sau đây là …”. Nhưng cũng giống như những tiếng xưng hô, càng về sau, thì sự khách sáo trong lãnh vực viết văn càng giảm đi . Giảm đi chớ không mất hẳn. Thay vì viết những chữ “khiêm tốn” mà có lẽ chính họ cũng không tin, các tác giả thường nói giản dị hơn: “Chúng tôi thiển nghĩ …”. Cũng may là có cái công thức “vừa phải” này. Và có lẽ cũng vì vừa phải, nên cho đến ngày nay, trong sách, trong báo, trên diễn đàn, nhiều người vẫn còn dùng. Tuy nhiên, nói cho cùng, một khi nói “tôi nghĩ rằng”, hoặc “theo ý tôi”, thì chúng ta đã nhìn nhận trước sự chủ quan của chúng ta trong ý kiến sắp trình bày rồi. Nhận trước là mình chủ quan, cũng là một hình thức khiêm tốn. Đối với một cuốn sách, ngoài những lời lẽ khiêm cung rải rác bên trong, tác giả thường trình bày ngay ở những trang đầu sách, những lời rào đón có ý cáo lỗi về những sai lầm của cuốn sách. Cuối bài, tác giả xin “các bậc cao minh” chỉ vẽ giúp, để cuốn sách được “hoàn hảo hơn trong những lần tái bản”. Đây là những “lời nói đầu”, “lời dẫn nhập”, hoặc “lời tựa” do chính tác giả viết. Nếu bài tựa do người khác viết, thì những lời lẽ khiêm tốn sẽ không xuất hiện, mà có khi ngược lại. Khiêm tốn thì không có chuyện làm thay. Tôi nhờ anh viết tựa, tức là tôi muốn anh đề cao tôi. Còn việc tự hạ, thì chỉ mình tôi làm là đủ rồi. Viết tựa cho người khác mà “khiêm tốn” giùm, là bất cập nhân tình. Bây giờ, xin nói riêng về chữ “cao minh” vừa được nhắc tới. Mời người ta góp ý giúp mình, mà dùng chữ này, e rằng không ổn. Ai dám tự nhận mình là “cao minh” mà góp ý? Viết như thế, có khác gì không cho phép người khác khiêm tốn, có khác gì mời nhưng lại cấm thiên hạ góp ý? Quân tử tạo đoan: Cuối cùng, xin nhắc tới một phạm vi xưng hô đã có rất nhiều “cách tân”. Đó là vợ chồng. Trước hết, tôi có một thắc mắc, cho đến bây giờ vẫn chưa được giải đáp: Trong tiếng Việt, với tương quan nào, thì tiếng chỉ “người” cũng đồng thời là tiếng để gọi (hô). Chẳng hạn, đối với người cha, thì các con gọi là “cha”; đối với bà mẹ, thì các con gọi là “mẹ”; đối với ông bác, thì các cháu gọi là “bác”; đối với bà mợ, thì các cháu gọi là “mợ”. Thế tại sao, trong tương quan “chồng vợ”, xưa nay, người vợ không thể gọi chồng mình là “chồng”, và người chồng cũng không bao giờ gọi vợ mình là “vợ”? Mà phải thay vào đó không biết bao nhiêu là chữ, có khi rất lạ, không biết do đâu mà có. Xin nêu một thí dụ cụ thể để nhận ra sự tiện lợi của hai tiếng gọi nhau là “vợ” và “chồng” trong tương quan “chồng vợ”: Một đôi vợ chồng trẻ đang đãi tiệc. Trong lúc người chồng đang trò chuyện cùng các bạn ngoài phòng khách, người vợ chạy vào phòng ngủ thay áo, muốn gọi chồng vào giúp. Phải chi, đã quen với chữ “chồng”, thì người vợ gọi: Chồng ơi, vào đây giúp em một chút. Tiếng gọi nghe cũng êm, mà lại tránh được lầm lẫn! Vì từ xưa đã cố tình tránh hai chữ “chồng” và “vợ” trong lúc xưng hô, nên người ta đã nghĩ ra nhiều tiếng “thế vì”. Nào là “lão gia”, “tướng công”, “phu quân”; nào là “ông”, “mình”, “anh”, “cưng”… Nào là “nương tử”, “phu nhân”; nào là “bà”, “mình”, “em”, “bậu” … Đó là những tiếng gọi nhau xưa và nay, giữa vợ chồng. Nhưng không phải chỉ bao nhiêu đó. Ngày trước, ở những vùng thôn quê, và trong giới bình dân, chồng thường gọi vợ là “mày”, và xưng là “tao”. Vợ gọi chồng là “ông”, và xưng là “tôi”. Về già, chữ “mày” được đổi thành “mẹ mày”, hoặc “bà”. Họ gọi và xưng như vậy rất tự nhiên, và người ngoài nghe cũng không thấy chướng tai. Còn nói với người khác về vợ mình, chồng mình, thì tiếng xưng cũng rất đa dạng. Xưa nay thông dụng hơn hết, vẫn là chữ “nhà tôi”. Ngày xưa, khiêm tốn thì gọi vợ mình là “tiện nội” (người vợ hèn của tôi), là “chuyết kinh” (người vợ vụng về của tôi), là “ngu phụ” (người vợ ngu muội của tôi). Nhưng đối lại, người vợ ngày xưa không vì tự khiêm mà hạ thấp chồng mình theo kiểu như vậy. Tôi đọc sách xưa, chỉ đôi lần gặp chữ “chuyết phu” (người chồng vụng về của tôi). Mới hơn cả, là chữ “ông xã”, “bà xã”. Giới trẻ ngày nay dùng hai chữ này để nói với người khác, mà cũng để gọi nhau. Thí dụ: -Ông xã của tôi đang thất nghiệp; -Bà xã ơi, bữa nay có muốn đi coi phim không? Trên kia, tôi nói “không biết do đâu mà có”, là có ý đề cập đến chữ “ông xã”, “bà xã” này. Thời Pháp thuộc, ở Bắc-kỳ, “xã” là một chức vị thấp hơn các hương chức, nhưng cao hơn bạch đinh, có thể bỏ tiền ra mua, để được miễn một phần sưu dịch. ở Trung-kỳ, “xã” là lý trưởng, hương chức đứng đầu một làng (village). “Ông Xã Năm” là ông lý trưởng thứ năm (thứ trong gia đình). Vậy, chữ “ông xã”, “bà xã” trong tương quan chồng vợ ngày nay có liên hệ gì với chữ “xã” ngày trước không?
|