Bà cụ Việt Nam 72 tuổi tốt nghiệp đại học cộng đồng |
Tác Giả: Ngọc Lan | |||
Thứ Sáu, 12 Tháng 6 Năm 2009 22:35 | |||
“Câu chuyện của tôi không có gì đặc biệt đâu cô,” bà Nguyễn Thị Cơ mở đầu cuộc nói chuyện khi biết ý định của tôi muốn tìm hiểu về con đường học vấn cũng như một chút gì đó về cuộc đời riêng của bà. Có thể như bà Cơ đã nói, câu chuyện cuộc đời bà không là đặc biệt, là duy nhất, nó cũng có nét rất chung của những người phụ nữ Việt Nam. Thế nhưng chuyện một người vợ mà chồng mất khi bà chưa tới 40, một mình bươn chải nuôi mười người con ăn học thành tài, và quan trọng hơn, bà đã đeo đuổi chương trình học vấn trên vùng đất mới này suốt 10 năm ròng rã để cuối cùng tốt nghiệp đại học cộng đồng ở tuổi 72 thì không phải là câu chuyện dễ tìm trong số đông. Tôi biết đến bà Cơ qua một bài viết của trường Coastline Community College (CCC) giới thiệu về tiến trình học hành của bà ngay trước ngày trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho các sinh viên của mình. Vì lý do sức khỏe, bà Cơ đã không có mặt trong buổi lễ quan trọng ấy. Và như một sự may mắn, tôi lại có được lá thư bà viết bằng nét chữ học trò chân phương gửi cám ơn trường CCC, cám ơn thầy cô và những người đã giúp đỡ bà. Dò theo số điện thoại trên thư, tôi đã có cuộc chuyện trò cùng bà Cơ Nguyễn. “Chồng tôi qua đời năm 42 tuổi, khi đó tôi 36. Mười sáu ngày sau khi nhà tôi mất, tôi sanh đứa con út...” Giọng bà chùng xuống, thật buồn, khi nhắc lại những ngày tháng mà bà những tưởng là mình không thể nào sống nổi. Một nách mười con đã là chuyện không dễ dàng trong việc nuôi nấng dạy dỗ, lại thêm một mình nuôi đàn con thơ dại trong những năm tháng sau khi cuộc chiến kết thúc lại là chuyện không đơn giản chút nào. “Tôi nuôi con trong sự nghèo khó, cơ cực. Tôi vừa đi dạy ở trường, vừa đi dạy kèm để kiếm tiền nuôi con. Có những hôm dạy đến tận 10 giờ tối, trời mưa tầm tã, tôi lạc đường, lo lắng, lo sợ, đủ thứ hết...” Nhưng cái khổ dành về cho mình thì có sá gì với người mẹ. Ðiều làm bà cảm thấy đau đớn và xót xa hơn chính là nhìn những đứa con mình đói kém. Nỗi niềm đó giờ đây nhắc lại bà vẫn còn cảm thấy ray rứt, “Chúng học luyện thi đại học mà chỉ có trong bụng chén cháo đậu đỏ, cơm không đủ ăn. Tội lắm, cô ơi...” Chỉ một câu nói nghẹn ngào khi gợi nhớ tuổi thơ đói khổ của con mình đủ bộc lộ cái bao la của lòng mẹ thương con biết đến dường nào. Mà nào đâu chỉ nuôi con, bà còn tự tay chăm sóc cho mẹ già bị bệnh lẫn (mất trí nhớ) suốt bảy năm ròng rã. Ngày mẹ mất, bà lại chắt mót dành dụm để xây cho mẹ mình chiếc kim tĩnh như đúng ý nguyện của người quá cố. Sang Mỹ theo diện bảo lãnh từ năm 1998, khi bà đã ở tuổi về hưu, nhưng bản tính của một người mẹ đầy nghị lực và không muốn làm phiền con cái, khiến mỗi ngày bà đều tìm báo Người Việt đọc để kiếm việc làm thêm. Khi biết ý định đó của bà, các con đều chung suy nghĩ “Má đã làm việc cực khổ bao nhiêu lâu nay cho tụi con, giờ má hãy nghỉ ngơi, để tụi con đi làm.” Thế là bà bắt đầu việc quay trở lại trường học từ đó. Bà tâm niệm “One is never too old to learn - Một người không bao giờ quá lớn tuổi cho chuyện học hành,” và quãng đường học của bà là một minh chứng cho điều đó. Bà Cơ nói, “Tôi già rồi, đi học vì thấy vui với tuổi già, đi học chỉ là để mở mang thêm một chút kiến thức, để cho não mình hoạt động. Học để tự biết chăm sóc bản thân. Thêm nữa, vì tôi sợ nếu tôi bị bệnh lẫn (mất trí nhớ) như má tôi ngày xưa thì khổ cho các con tôi, cho nên tôi phải học. Vả lại, người ta học được, mình học được.” Nghe thì đơn giản nhưng những ai cắp sách đến trường khi đã có gia đình, bước qua tuổi 40, và với một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ thì mới hiểu hết cái cực của người đi học là như thế nào, huống chi khi ấy bà Cơ đã hơn 60. Bên cạnh suy nghĩ “đi học vì thấy vui với tuổi già,” bà Cơ nói một cách chân thành, “Ði học thực sự nhiều khi rất mệt và cực lắm. Mình già rồi, trí óc đâu còn minh mẫn như thời trẻ. Công sức, thời gian bỏ ra rất nhiều. Ðôi khi thấy rất miễn cưỡng với chuyện học hành.” Mệt mỏi và khó khăn như thế nhưng bà không hề xao lãng và bỏ cuộc. Thời gian đầu, khi gia đình còn ở Garden Grove, mỗi ngày bà đón 6 chuyến xe bus đến trường và về nhà. Sau đó, khi gia đình chuyển về Riverside sinh sống, tuổi đời càng chồng chất thì những chuyến xe đi về của bà cũng tăng lên. Năm chuyến đến trường, năm chuyến về nhà bất chấp nắng mưa gió rét, cho đến khi ra trường, tổng cộng 10 năm. Ðiều gì đã cho bà nghị lực đó? Bà tâm sự, “Ngày xưa tôi là một cô giáo dạy trẻ con. Tôi thương học trò tôi lắm. Thêm nữa, tôi là người luôn nhớ ơn những ai đã tốt với mình, giúp đỡ mình.” Chính vì suy nghĩ “cái gì cũng phải có trước có sau” theo quan niệm Á Ðông, mà sự tận tụy, nhiệt tình giúp đỡ của những người làm việc tại trường Coastline đã giữ chân bà. Bà đã gắn bó với ngôi trường đó trong suốt thời gian học hành của mình, không muốn chuyển đi đâu hết. Khi được hỏi “Cô có nhận xét gì về bà Cơ Nguyễn?” Michelle Ma, giám đốc Tiếp Thị và Giao Tế của trường Coastline, cho biết, “Bà ấy là một sinh viên tuyệt vời! Bà bắt đầu học từ những lớp ESL tại trường Coastline, sau đó chuyển lên chương trình bình thường và đã tốt nghiệp cao đẳng (A.A. degree in general studies) vào ngày 16 Tháng Năm.” Với cô Tina Xa, nhân viên chương trình EOPS (Extended Opportunities Programs and Services) thì “Bà Cơ Nguyễn là một sinh viên biết vượt lên những thách thức.” Cô Tina cũng cho rằng, “Bà là một sinh viên tuyệt vời, làm việc rất chăm chỉ và dành trọn cuộc đời mình cho mười người con. Niềm đam mê của bà là việc dạy học, nên bà có ý định chuyển tiếp lên trường Ðại Học Fullerton để lấy bằng cấp về giảng dạy. Với số điểm GPA cao và sự chăm chỉ vượt bậc, chúng tôi biết bà ấy sẽ thành công!” Cũng theo thông tin từ trường Coastline thì Tháng Năm 2008, bà Cơ đã được nhận học bổng The Leisure World Oasis, và Tháng Năm 2009 bà lại được nhận một học bổng khác mang tên The Foundation Scholarship Award. Sau đây là lá thư của bà Nguyễn Thị Cơ đã viết gửi cho trường CCC sau khi bà tốt nghiệp để hiểu thêm về tâm sự của bà. “Sẽ không bao giờ trong cuộc đời tôi quên được những năm đã học tại trường Coastline Community College. Tôi vô cùng tri ân sự giúp đỡ và lòng tốt mà trường đã dành cho tôi trong những năm tháng đó. Thoạt đầu, tôi đến trường CCC bởi trường nằm ngay trung tâm của cộng đồng Việt Nam. Năm 2004 gia đình tôi chuyển đến Riverside, nhưng tôi không muốn chuyển đến học tại những trường gần nhà. Thay vào đó, tôi dành thời gian đón những chuyến xe bus khác nhau từ Riverside đến Garden Grove, Westminster bởi sự quý mến ân cần của thầy cô giáo, những người tư vấn của trường đã níu chân tôi. Là một sinh viên lớn tuổi nên sự bén nhạy và mau mắn trong suy nghĩ của tôi đã giảm nhiều, vì thế tất cả thầy cô phải có thêm lòng kiên nhẫn và sự giúp đỡ dành cho tôi. Những người tư vấn, những nhân viên văn phòng ở phòng Tài Chính và EOPS đã luôn dành thời gian nhiều hơn để giúp đỡ tôi khi tôi can sự hướng dẫn. Tôi không thể nào diễn tả hết lòng biết ơn của tôi đối với trường CCC nói chung và nước Mỹ nói riêng. Tôi đến Mỹ khi đã ở tuổi về hưu. Ðất nước này đã cho tôi cơ hội để có được nền học vấn mà tôi đã không có được nơi quê nhà. Thầy cô và mọi người đã hỗ trợ tôi rất nhiều để giờ đây tôi có thể tốt nghiệp được. Thời gian tôi học tại trường CCC là một kinh nghiệm quí báu liên quan đến nhân cách và tri thức cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy biết ơn vô cùng khi được là sinh viên của trường. Tôi sẽ luôn giữ mãi những kỷ niệm ngọt ngào với trường. Xin chúc sức khỏe và thành công đến với tất cả mọi người. Trân trọng, Cơ Nguyễn, 25 Tháng Năm, 2009.” Nhìn lại cuộc đời mình, bà Cơ nói, “Tôi nghĩ mình chỉ như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông.” Tháng Năm vừa qua, câu chuyện của bà Cơ Nguyễn đã được nêu lên trong lễ tốt nghiệp của trường CCC. Câu chuyện của bà không chỉ làm xúc động những người Việt Nam có mặt trong buổi lễ ngày hôm đó, quan trọng hơn, nó còn khiến cho mỗi người Việt Nam cảm thấy tự hào khi nghe những tiếng trầm trồ ngưỡng mộ của những người thuộc sắc dân khác. Ðúng, “một con én không thể làm nên mùa Xuân” như bà Cơ đã nói, nhưng khi nó cất tiếng người ta biết rằng xuân đang ở quanh đây. Vâng, chúng ta có quyền tự hào lắm chứ! (N.L)
|