Home Đời Sống Dinh Dưỡng Tác hại của các lọai nước giải khát mới

Tác hại của các lọai nước giải khát mới PDF Print E-mail
Tác Giả: Oanh Thơ   
Thứ Năm, 01 Tháng 1 Năm 2009 02:16

Càng ngày, người ta càng tìm thấy hàng trăm loại nước giải khát mới xuất hiện trên thị trường dưới các tên hiệu như: Venom, Sobe Adrenaline Rush, Monster, Pimpjuice, Vamp, Huracan, Radioactive Energy, Killer Buzz v.v...

Các thứ nước uống nói trên được quảng cáo làm tăng cường sinh lực, đã gây sự hấp dẫn đối với giới trẻ vị thành niên và được bày bán hợp pháp tại các cửa tiệm. Chỉ trong năm 2007, đã có 2 tỉ lon nước ngọt như vậy được người tiêu thụ ở Mỹ đổ vào bụng của họ.

Theo tài liệu của Beverage Digest, các thứ nước giải khát chứa một lượng đường và caffeine rất cao này đã tạo nên một kỹ nghệ với số thu hàng năm lên đến 4.9 tỉ Mỹ kim.

M. Causey, 14 tuổi, học sinh lớp 8 của trường Martin Luther King ở Berkeley, California nói: “Mấy thứ nước uống này làm tôi cảm thấy lâng lâng”! Mỗi tuần, Martin phải uống ít nhất 3, 4 lon nước giải khát mà cô ưa thích như Rockstar hay Hyphy Juice; nhất là trước khi cô tham dự bất cứ trận đấu bóng rổ nào.

Các loại nước giải khát đó tạo nên cảm giác vừa kể vì đã được các nhà sản xuất tăng cường gấp đôi hay gấp ba số lượng chất caffeine chứa trong đó. Chúng là một tổng hợp của cà- phê được pha chế, trộn rất nhiều đường và chứa nhiều calories, giống như một thanh kẹo trong một cái lon.

Trong khi những đứa trẻ còn rất nhỏ ở lứa tuổi Trung học Ðệ Nhất Cấp bắt đầu cảm thấy phấn khởi vì lượng cà phê và đường do nước ngọt đem đến, chúng cũng bắt đầu bị ghiền. Ngoài ra, chất caffeine chứa trong nước ngọt đó có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm cho việc phát triển của xương.

Angela Sharkey, MD., một bác sĩ nhi khoa chuyên về tim đã chứng kiến cảnh tượng những đứa học trò nối đuôi nhau ở quán cà phê gần nơi bà làm việc để chờ mua những ly cà phê Mocha Frappucine hay Caramel Macchiatos. Trong vòng 5 năm qua, BS Sharkey cũng chữa trị càng ngày càng nhiều hơn những bệnh nhân trẻ tuổi bị bệnh chóng mặt và bị xỉu. Bà nói rằng các đứa trẻ đó bị lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng vì suốt cả ngày, chúng chỉ uống chất giải khát có chứa caffeine mà thôi.

BS Sharkey thường gởi những đứa học sinh nói trên trở lại trường học với chai nước lọc và viết giấy xin phép thầy giáo cho chúng được uống nước trong lớp.

Những loại nước uống chứa quá nhiều caffeine có thể đưa đến việc tim đập nhanh, hay động kinh. Chẳng hạn như “Amp”, trong một lon nước 8.4 ounces này có chứa tới 75 miligrams caffeine (gấp đôi lượng caffeine trong một lon nước ngọt thường). Thế mà khi những đứa trẻ vị thành niên nghe nói đến một loại nước khác có tên là “Cocaine Energy Drink”, chứa đến 250 miligrams caffeine, thì chúng rất muốn thử. Loại nước uống này rất thông dụng trong giới học sinh trung học vì bên cạnh việc chứa nhiều caffeine, cái tên của nó làm cho giới trẻ này có cảm tưởng mình đang dùng thuốc gây nghiện Cocaine!

Dan Mayer, 25 tuổi, chủ nhân của một “trạm thông tin” (blog) trên Internet tên là “Energy Reviews”, đã uống thử nhiều loại giải khát nói trên và cho biết nhiều người muốn tìm cách giúp mình tỉnh táo hơn, chẳng hạn như học sinh, sinh viên muốn thức đêm học bài, hay trẻ vị thành niên muốn thức khuya để chơi video games, do đó họ uống các loại nước uống đó.

Sau khi uống 3/4 lon nước “Cocaine Energy Drink”, Martin, một học sinh lớp 10 ở Georgia, đã được chở vào bệnh viện cấp cứu vì bị chóng mặt và ói mửa. Mới đầu, bác sĩ tưởng em bị phản ứng vì dùng thuốc phiện quá liều nhưng sau khi thử nghiệm máu và nước tiểu, họ tìm ra nguyên nhân là Matin bị trúng độc caffeine vì cơ thể em bị thiếu nước trầm trọng.

Mặc dù gần đây, nước giải khát “Cocaine” bị chính phủ cấm bán khi công ty chế tạo quảng cáo nó là một loại “cocaine lỏng” và là loại thuốc phiện hợp pháp. Thế nhưng sau đó, công ty chế tạo đã đổi tên nó là “Censored” và tung ra thị trường trở lại.

Những người sản xuất nước giải khát tranh luận là họ không nhắm bán các sản phẩn có chứa nhiều caffeine cho trẻ con. Tuy nhiên, sản phẩm của họ lại bày bán dầy dẫy ở những nơi mà trẻ con có mặt hay họ bảo trợ những cuộc thi đấu thể thao, trình diễn thời trang và đại nhạc hội.

Những loại nước giải khát này gây ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo một “niềm hãnh diện khá buồn cười” khi người ta tìm thấy một số thanh niên đăng lên trang mạng (website) My Space của mình hình chụp của họ bên cạnh những núi lon nước ngọt. Hay một vài đứa trẻ khác trình chiếu một đoạn phim chúng đang tranh nhau xem ai uống được nhiều lon nước ngọt loại “tăng cường sinh lực” ấy hơn!

Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy những bác sĩ làm việc tại phòng cấp cứu và những chuyên viên về chất độc trên toàn quốc đang bận rộn trong việc chữa trị cho những bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến chất caffeine.

Một bệnh nhân trẻ đã được chở đến phòng cấp cứu của nhà thương University of San Francisco sau khi nhịp tim đập lên đến 220 (trong khi nhịp đập bình thường từ 60 đến 100). Mỗi ngày, cậu thanh niên 18 tuổi này đã uống 8 lon nước ngọt Rock Star, mỗi lon chứa 16 ounces để có sức thức khuya làm việc ca đêm bên cạnh việc học vào ban ngày.

Nếu việc dùng caffeine tiếp tục gia tăng thì giấc ngủ của trẻ em cũng sẽ bị ngắn lại và việc này ảnh hưởng đến việc trẻ bị mệt mỏi vào ban ngày khi đến trường. Thống kê ghi nhận có đến 30% học sinh đã ngủ gục trong lớp học ít nhất là mỗi tuần một lần.

Phần lớn các loại nước giải khát “tăng cường sinh lực” còn bao gồm chất kích thích ảnh hưởng của caffeine trên cơ thể. Phụ huynh có thể nhận ra dấu hiệu cho biết trẻ dùng quá nhiều caffeine như: mất bình tĩnh, lo lắng thái quá, mất ngủ, run rẩy, ói mửa hay tiêu chảy.

Như vậy thì trẻ con có thể dùng một lượng caffeine là bao nhiêu? Bác sĩ nhi khoa chuyện về dinh dưỡng Margaret Savoca khuyên phụ huynh không nên để trẻ con dùng bất cứ loại nước uống gì có chứ caffeine là tốt nhất. Ngoài ra, nếu trẻ con uống nước giải khát có chứa khoảng 100 miligram thì chúng có nguy cơ bị chứng cao máu. Theo bà Savoca, nếu trẻ con muốn có nhiều sinh lực, chúng chỉ cần ăn uống bổ dưỡng và lành mạnh, cũng như ngủ đủ giấc. (P.T)