Home Đời Sống Dinh Dưỡng Mồng tơi - rau ăn, vị thuốc giải nhiệt

Mồng tơi - rau ăn, vị thuốc giải nhiệt PDF Print E-mail
Tác Giả: Van nghi   
Thứ Bảy, 20 Tháng 12 Năm 2008 10:54

Cây mồng tơi mà nhân dân ta quen gọi là cây mùng tơi thường dùng lá, ngọn để nấu canh, luộc, xào ăn rất ngon và cũng để chữa bệnh rất tốt.

Theo Đông y, mồng tơi có vị chua, tính hàn, không độc, có tác dụng làm thông đại tiểu tiện, hoạt thai dễ đẻ, chữa rôm sảy mụn nhọt rất hiệu nghiệm.

Sau đây xin giới thiệu một số công dụng chữa bệnh bằng cây mồng tơi.

Chữa chứng táo bón

Nếu bị táo bón, lấy 1 nắm lá mồng tơi rửa sách, giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội ngày uống 1 lần. Sau vài lần uống đại tiện sẽ dễ. Để hiệu nghiệm hơn thì sau khi uống thuốc 2 giờ ăn thêm vài củ khoai lang luộc. Trong thời gian này kiêng các thứ nóng, cay: rượu, ớt, hạt tiêu... Ngoài ra, người bị táo bón có thể dùng rau mồng tơi nấu canh ăn hàng ngày sẽ hết táo bón.

Chữa chứng đi tiểu nóng buốt

Khi tiểu tiện thấy nóng buốt và khó thì hái lá mồng tơi từ sáng sớm lau sạch cho vào cối giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước sôi để nguội cho vài hạt muối rồi uống. Bã dùng để đắp vào bụng dưới (chỗ bàng quang) chỉ sau vài lần là khỏi.

Chữa bệnh trĩ

Nếu trĩ bị sưng đau lấy lá mồng tơi rửa sách, giã nhuyễn đắp vào chỗ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi với cá diếc (ăn cả cái và nước) rất hiệu nghiệm.

Chữa khó chịu, hơi thở nóng

Khi người khó chịu, mũi thở ra hơi nóng thì nấu canh rau mồng tơi thái nhỏ với cua đồng giã nát ăn vào các buổi trưa, rất công hiệu.

Tác dụng của giá

Khi bị viêm họng, ho khan, tiểu ít, hãy sắc giá đậu tương với một ít trần bì (vỏ quýt lâu năm) để ngậm, uống.

 Giá đỗ thuộc nhóm rau mầm làm từ các loại đỗ: đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ vàng (đỗ tương), đỗ đen, đỗ nâu (đậu phộng). Giá của loại đỗ nào sẽ mang phần bản chất của loại đỗ sinh ra nó. Nói chung giá đỗ bổ hơn hạt đỗ về cả chất và lượng và đó là một trong những điều kỳ diệu của giá. Qua quy trình ngâm ủ, giá sẽ có hàm lượng protein, acid amin và vitamin C cao hơn.

Nếu giá được sản xuất theo quy trình cổ điển (dùng sọt đan, nồi thưng lỗ, thạp, thùng gỗ…) thì đó là loại rau sạch vì không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Phải cảnh giác với loại giá làm theo kiểu nước ngoài dùng ướp những chất kích sinh (có tính độc) để thu được những cọng giá to, mập.

Theo sách cổ, giá để làm thuốc nên chọn lấy loại giá mập, ngắn khoảng 3 cm. Do giá mọc nhanh, nhiều, tốt cho sức khỏe và rẻ nên được gọi là “thực phẩm của thế hệ mới”, là “thực phẩm của tương lai”.

Giá đậu xanh: Là loại giá đỗ được dùng nhiều nhất trong ẩm thực và làm thuốc. Theo cổ văn thì giá đỗ xanh dùng an toàn hơn cả, vì dễ tiêu và chữa được nhiều bệnh hơn, đặc biệt là tính chất giải độc đa năng nội ngoại sinh có nguồn gốc khác nhau, kể cả thạch tín là một khoáng vật rất độc.

Giá đỗ xanh có đủ các chất dinh dưỡng, nhiều vitamin C và E, lượng calo thấp. Giá thường được dùng cho người bị viêm thanh quản mất tiếng, vận động thể thao bị mỏi cơ, người béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, cholesterol máu cao, hiếm muộn, dễ xảy thai. Do có nhiều vitamin A, C, E nên giá đỗ xanh còn khử gốc tự do, chống lão hóa, chống ung thư (đặc biệt là ung thư vú, ung thư trực tràng) thoái hóa khớp, một số bệnh nan y như Parkinson, Alzheimer (sa sút trí tuệ người cao tuổi).

Chất men kích hoạt sẽ biến tinh bột thành loại đường đơn giản, dễ tiêu hóa. Một số tài liệu nước ngoài viết: các bạn gái quan tâm đến sắc đẹp hãy nhớ đến giá vì nó tập hợp các chất chống ôxy hóa. Ăn giá hằng ngày sẽ thấy da mặt tươi sáng hơn… Giá đỗ giàu protein (hạt chứa 40%, gần bằng thịt sữa) nên là món ăn chay tốt. Chất béo trong giá không gây đầy bụng, và cung cấp chủ yếu axít béo cần cho tế bào não nên là món ăn tốt cho người làm việc nhiều về trí óc. Axít béo thực vật này cộng hưởng với các chất khác trong giá sẽ giảm nhiều cholesterol trong máu nên được chỉ định cho các bệnh có liên quan đến cholesterol cao.

Người Nhật dùng giá đậu xanh hằng ngày như một món ăn truyền thống. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ vùng Kyodo có tỷ lệ oestrogen (nội tiết tố sinh dục nữ) cao hơn nhiều so với phụ nữ phương Đông khác, “chống” lại một cách có hiệu quả những rối loạn kinh nguyệt, làm chậm quá trình mãn kinh và kéo dài được tuổi thanh xuân của mình. Theo các chuyên gia dinh dưỡng Pháp, phụ nữ Nhật nhờ ăn giá đỗ nên họ ít có nguy cơ bị ung thư 5-8 lần so với phụ nữ phương Tây. Họ còn cho rằng, giá đỗ cho hiệu quả không kém thuốc Statin, hiện đang được sử dụng điều trị chứng thừa cholesterol. Phụ nữ châu Á nhờ ăn giá nên ít bị bệnh tim mạch, chế độ ăn kiêng với giá đỗ sẽ giảm được 4 kg so với ăn kiêng không có giá.

 Giá được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và rất quen thuộc đối với nhân dân ta và người phương Đông. Ở Việt Nam có bánh khoái Huế, bánh xèo Nam bộ và đặc biệt có món bánh giá Gò Công là những món ăn độc đáo dùng giá làm nhân bánh.

Lô hội, lạc tiên- thuốc quý quanh ta

Cỏ cây hoa lá không đơn thuần là hoa lá cỏ cây mà chúng còn là những món ăn ngon, bài thuốc quý được con người dùng từ rất xa xưa. Sự tiện nghi của những sản phẩm công nghiệp có lúc đã làm con người ta lãng quên những tặng phẩm vô giá của thiên nhiên...

Trái lạc tiên

Lạc tiên hay còn gọi là cây mắc mát (Đà Lạt), ở miền Nam cũng gọi là cây nhãn lồng. Cây lạc tiên có dạng dây mọc leo, thân cây có nhiều lông mềm, có tên khoa học là passiflora sp. Trước đây mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta nhưng hiện nay đang được trồng nhiều ở Đà Lạt, Quảng Ngãi,… dùng để chế biến nước giải khát. Nhiều nước nhiệt đới đang trồng rất nhiều loại cây này như Brazil và các nước Nam Mỹ, Úc… Có rất nhiều giống lạc tiên khác nhau cho trái từ màu vàng đến xanh lục, nâu sẫm và tía có kích thước bằng quả chanh cỡ lớn hay trái banh tennis.

Trái lạc tiên là một nguồn cung cấp quý các vitamin A, C, kali, sắt, calci và nhiều hoạt chất khác như: Alkaloids, beta-carotene, carotenoids, flavonoids, xanthophylls. Hạt lạc liên ăn được và là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Ở nhiều nước, nó được dùng làm chất tạo hương vị, làm nước sốt và ăn để giải khát. Cùi trái lạc tiên có mùi thơm mạnh, mềm và nhiều nước. Nước giải khát chế biến từ trái lạc tiên có vị chua nhẹ rất dễ uống. Nước ép trái lạc tiên không những bổ dưỡng mà còn có nhiều tác dụng như: an thần, chữa chứng hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ và tính quá hiếu động ở trẻ, chống viêm nhiễm đường tiểu và có tác dụng lợi tiểu nhẹ.

Ở một số nước trên thế giới đang rất quan tâm đến việc sản xuất và kinh doanh loại nước trái cây mới đầy triển vọng này.

Có thể bạn chưa biết

Thạch và nước uống lô hội giúp làm ẩm và mềm da, làm mau lành vết thương trên da, chữa các chứng táo bón, tiêu chảy, giảm ngứa và sưng tấy vết thương trên da, diệt nấm và khuẩn, tăng hiệu quả của các sản phẩm chống nắng.

Cây lô hội (Aloe vera)

Cây lô hội (lô là đen, hội là tụ lại, vì nhựa cây này cô đặc có màu đen) còn có tên là cây lưỡi hổ, hổ thiệt, long tu,… tên khoa học là Aloe sp. Lô hội có khoảng 200 loài khác nhau, được sử dụng nhiều nơi trên thế giới từ hơn 3.500 năm. Là một loại thực vật có lá dài và nhiều mấu, có lớp vỏ dày và trong lá chứa một chất giống thạch trong suốt. Aloe vera (theo tiếng La-tinh có nghĩa là "lô hội thật") là một trong số những loài ấy, và được sử dụng phổ biến nhất. Nó được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm mỹ phẩm, kem dưỡng và giữ ẩm cho da, kem chữa phỏng và cả kem chống nắng.

Thành phần hoạt tính của lô hội là các chất anthraquinone glycosides, chất này được các vi khuẩn đường ruột chuyển thành aglycones giúp nhuận tràng. Hoạt chất giúp lô hội có tác dụng chữa lành vết thương có thể là tổ hợp của một vài loại saccharide. Trong lá cây lô hội có nhiều chất xơ hoà tan nên nó còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch do giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ như cholesterol, triglyceride trong máu. Ngoài ra, lô hội còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, các enzyme, amino acid và các tác nhân kháng viêm, kháng khuẩn

Nước ép lô hội được lấy từ lá, có vị hơi đắng, được chế biến thành các loại nước giải khát có hương, được sử dụng để chữa trị các vấn đề về tiêu hóa như táo bón… Thạch và nước uống lô hội giúp làm ẩm và mềm da, làm mau lành vết thương trên da, chữa các chứng táo bón, tiêu chảy, giảm ngứa và sưng tấy vết thương trên da, diệt nấm và khuẩn, tăng hiệu quả của các sản phẩm chống nắng. Ngày nay lô hội tiếp tục được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Lô hội không dùng được cho phụ nữ có thai, trẻ em lòi dom.

Gừng và những công dụng

Gừng là loại rau gia vị đặc biệt góp phần vào đặc điểm truyền thống ăn uống Việt Nam, làm món ăn đậm đà hơn, ngon hơn. Bên cạnh đó còn có tác dụng chữa bệnh rất hữu hiệu...

Tác dụng thực tế của gừng là gì?

- Lá gừng: lá non, ăn sống rất tốt có mùi thơm thoảng của gừng, rất dòn. Đáng tiếc lá già thì rất dai, nên dễ gì có lá gừng ăn sống? Nhưng lại nhờ cái thơm và cái dai đó mà lá gừng không thể thiếu trong món ốc nhồi.

- Củ gừng: là một gia vị rất phổ thông trong các món ăn Việt Nam: cá trê nướng chấm mắm gừng, thịt vịt - mắm gừng...

Không chỉ là 1 gia vị, gừng còn là một vị thuốc quý:

Gừng sống gọi là vị sinh khương, gừng khô đã chế biến gọi là can khương. Là vị thuốc tính ấm, không độc chữa được các bệnh: hư nhiệt, phong hàn, đau bụng, thất huyết, trừ tà khí… (đã có văn bản ghi trong nam dược thần hiệu). Ngày nay, khoa học đã chỉ rõ chất cay của gừng là GINGEROL - một chất có tác dụng chủ yếu để chữa các bệnh như đông y đã ghi nhận.

Ngoài ra, Gừng còn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như: vitamin B1, B2, PP, C… đặc biệt còn có nhiều chất khoáng mà đáng chú ý là Kali cao (340Mg%) trong khi đó Natri thì thấp (4mg%)

Gừng đã tham gia chữa trị nhiều loại bệnh theo kinh nghiệm dân gian như sau:

Với bệnh trúng phong: Lập tức cho uống nước gừng sống (giã gừng sống lấy nước pha với gừng cho uống). Hiệu quả sẽ tốt hơn nếu có cả nước măng tre sống hoặc vitamin C.

Có thể bạn chưa biết

Bệnh hen là bệnh khó chữa, tuy nhiên để giảm cơn hen, nhất là mùa lạnh, bạn hãy dùng: Hẹ 1 phần, tỏi 0,5 phần; gừng 1 phần sắc lấy nước uống. Pha với mật ong càng tốt.

Cảm cúm: (có nơi còn gọi là “thương hàn”): Cho xông: nấu nồi xông gồm lá gừng, tía tô, lá sả, lá chanh… xông cho ra mồ hôi, lau khô và uống nước gừng. Nước sắc gừng chữa cảm cúm gồm: Gừng củ, thái lát, cam thảo lá, dây, vỏ cam quít… Có thể dùng cách đơn giản hơn: đập nát 1 củ gừng cùng với hành, cho vào cốc nước sôi, rót cho bệnh nhân uống ngay. Phần còn lại cho thêm rễ tranh, đọt tre non, sắc với nước có thể trộn với bột sắn dây (cát căn) cho uống sẽ hạ sốt.

Bệnh ho: Ho là triệu chứng của nhiều bệnh, cần khám chu đáo để chữa nhất là ho lâu ngày, lại kèm sốt về chiều, có thể là lao, cần kiểm tra y tế. Tuy nhiên theo kinh nghiệm dân gian có thể dùng Gừng qua các chứng sau đây:

• Ho vì nhiễm lạnh: có thể dùng nước sắc gừng với 2 vị thuốc vỏ cam quýt và ít vỏ quế để uống.

• Ho lâu không khỏi có thể dùng nước sắc gừng pha với mật ong; pha với nước mía hoặc có thể pha với nước sâm, nước đinh lăng…

• Ho khúc khắc, thỉnh thoảng ra máu có thể dùng bài thuốc: gừng 1 phần, tinh tre 2 phần, ngải cứu 2 phần sắc uống lâu dài cùng với bồi dưỡng cơ thể.

Bệnh đường ruột: đây có thể là một vị thuốc rất quen thuộc với nhân dân ta ở nhiều nơi và rất có tác dụng ở nông thôn, vùng hẻo lánh xa y tế. Chủ yếu là dùng nước sắc gừng tươi. Các chứng thường dùng

• Nôn, người lạnh: dùng nước sắc gừng, có thể thêm vỏ cam, chanh, chống nôn và làm ấm người.

• Nôn lâu ngày: dùng nước sắc gừng, nếu có điều kiện cho thêm ít bột tiêu, uống với nước cơm.

• Nôn lại có ợ chua: uống nước sắc gừng với than hoạt tính. Đó là than lõi ngô: đốt cháy lõi ngô thành than hồng cho vào nồi đất lấy vung ụp kín, lõi ngô sẽ thành than đen, đem nghiền, đó là than hoạt tính.

Quá nhiều đậu nành có thể gây sỏi thận

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Washington ở Spokane (Mỹ), đậu nành và các sản phẩn làm từ đậu nành có chứa rất nhiều chất oxalat, một hợp chất có khả năng khiến canxi kết dính thành khối trong thận, gây ra bệnh sỏi thận.

Tuy đậu nành có tác dụng tốt trong việc giảm cholesterol, giảm nguy cơ loãng xương và ngăn ngừa ung thư, nhưng không nên quá lạm dụng đậu nành và các sản phẩm từ nó. Những người đã từng bị sỏi thận càng phải thận trọng vì nguy cơ tái phát bệnh ở họ sẽ rất cao. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Hoá thực phẩm và Nông nghiệp của Hội Hoá học Mỹ.