Home Đời Sống Tôn Giáo Thư ngỏ của ông Đinh Lâm Thanh gửi ĐHY Phạm Minh Mẫn

Thư ngỏ của ông Đinh Lâm Thanh gửi ĐHY Phạm Minh Mẫn PDF Print E-mail
Tác Giả: Đinh Lâm Thanh   
Chúa Nhật, 14 Tháng 3 Năm 2010 16:54

Trọng kính Đức Hồng Y,

{jcomments on}Sau Thánh Lễ ngày Chúa Nhật 15 tháng 6 năm 2008, giáo dân các cộng đoàn được phân phối báo Hiệp Thông số 276, cơ quan ngôn luận của cộng đồng công giáo Việt Nam tại Orange, California (USA). Trong phần tin tức, nổi bật nhất là thư ngỏ đề ngày 04.6.2008 của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gởi cho đức cha chủ tịch UBGM đặc trách mục vụ giới trẻ, đức cha đặc trách Giáo Lý Đức Tin và đức cha giám mục Lạng Sơn. Nội dung bức thư đã gây nên nhiều phản ứng trong cộng đồng giáo dân, nhất là đối với những con chiên thường quan tâm đến vấn đề Việt Nam.
 
Con là một người Công Giáo thuộc thành phần cầm bút và cũng là một phần tử nhỏ bé hoạt động tranh đấu cho dân quyền dân chủ của cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại. Đọc xong bài báo con thấy ấm ức, đành mạo muội xin phép trình bày với Đức Hồng Y hai điểm quan trọng mà Ngài đã nhấn mạnh: Lá cờ biểu tượng và nền văn hóa dân tộc.
 
1. Lá cờ biểu tượng.
 
Vấn đề thứ nhất, trong thư ngỏ Ngài đã đặt câu hỏi "Một lá cờ biểu tượng cho điều gì?", rồi chính Ngài trả lời: "Có lúc lá cờ được coi là một biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu tượng cho một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư sản, chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Quốc Gia…có lúc chỉ biểu trưng cho thói đời mang tính đối kháng".
 
Theo thiển ý của con, lá cờ nào cũng mang những màu sắc cũng như hình ảnh cá biệt bao gồm ý nghĩa địa phương, sắc tộc, bản chất, văn hóa, đường lối hoạt động, khuynh hướng chính trị của từng tổ chức, đoàn thể, đảng phái cũng như mỗi một quốc gia riêng biệt. Nếu Ngài cho rằng lá cờ có lúc chỉ biểu tượng cho thói đời mang tính đối kháng để ám chỉ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thì hình như đây chính là lời lẽ tuyên truyền mà chế độ Cộng Sản đã xử dụng để nhục mạ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Qua thư ngỏ, nếu Đức Hồng Y lặp lại nguyên văn câu nầy để miệt thị lá cờ thân yêu của nhân dân Việt Nam thì con thiết nghĩ rằng những hàng chữ trên không thể viết bởi một vị Hồng Y đáng kính. Trong phần mở đầu thư ngỏ, Ngài đã cho rằng lá cờ được coi là một biểu tượng cho một đất nước, một chủ nghĩa thì con cũng xin thưa với Ngài về hai lá cờ Đỏ Sao Vàng của đảng Cộng Sản và Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa:
 
- Đỏ Sao Vàng là cờ của đảng Cộng Sản Việt Nam, rập theo khuôn mẫu màu đỏ, búa liềm và sao vàng của hai quan thầy Cộng Sản Nga và Tàu, hoàn toàn không mang một biểu tượng đất nước cũng như tinh thần, bản chất, nòi giống của dân tộc Việt Nam. Màu đỏ tượng trưng cho đấu tranh giai cấp, cho hận thù sắt máu và một sao vàng chính là biểu tượng cho đảng Cộng Sản duy nhất của Việt Nam. Cờ Đỏ Sao Vàng xuất hiện ở đâu thì nghèo đói, khổ đau và tang thương chết chóc sẽ theo đến đó. Người dân Việt Nam không chấp nhận chế độ Cộng Sản, năm 1954 một triệu người đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn xuôi Nam tìm Tự Do và từ 30 tháng 4 năm 1975, hàng triệu dân quân miền Nam đã liều lĩnh đánh đổi mạng sống với biển cả để trốn chạy nanh vuốt Cộng Sản. Người Việt Quốc Gia hải ngoại không thể sống dưới chế độ mới thì dĩ nhiên không bao giờ chấp nhận cờ Đỏ Sao Vàng, vì đây chính là biểu tượng của đảng Cộng Sản, khi chúng đem búa liềm từ chủ nghĩa Mác-Lê về siết cổ bóp họng dân tộc Việt Nam. Con mạo muội xin hỏi Đức Hồng Y: Cờ Đỏ Sao Vàng biểu tượng cho ai? Cho độc đảng Cộng Sản sắt máu hay cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta?
 
- Người Việt Quốc Gia không chấp nhận chế độ Cộng Sản nhưng Tổ Quốc Quê Hương và đồng bào ruột thịt vẫn là nỗi trăn trở đêm ngày đối với những người đã bỏ xứ ra đi. Cờ Quốc Gia Vàng Ba Sọc Đỏ là tinh thần dân tộc, là tình người yêu thương, là kết hợp sức mạnh, là điểm tựa tranh đấu và là ước vọng ngày về… chứ không phải là biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng như lời vàng ngọc của một vị Hồng Y giáo chủ. Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại bảo vệ, nâng niu và tôn trọng lá cờ Quốc Gia vì đây chính là biểu tượng của một quốc gia Độc Lập Tự Do và của một dân tộc anh hùng đã được toàn thế giới tôn vinh. Màu Vàng là màu da của con Rồng cháu Tiên với một lịch sử oai hùng ngàn năm anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm. Ba Sọc Đỏ là ba miền, ba giòng sông, ba giọng nói nhưng cùng chung một nguồn gốc, một giòng máu thì cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng chính thức của một sự kết hợp tuyệt diệu giữa lịch sử, giòng giống, đất nước, tình cảm và lý tưởng của dân tộc Việt Nam.
  
2. Nền văn hoá dân tộc.
 
Trong thư ngỏ, Đức Hồng Y kêu gọi tình huynh đệ giữa đồng bào để phát huy trên cơ sở một sắc tộc và một nền văn hóa dân tộc. Con xin hỏi, Ngài kêu gọi chế độ Cộng Sản hay cộng đồng Người Việt Quốc Gia?
 
- Nếu lời kêu gọi nhắm vào chế độ Cộng Sản thì, theo thiển ý của con, có thể đúng một nửa. Nửa đúng, nếu kêu gọi nhắm vào nhà cầm quyền Hà Nội phải chấm dứt các thủ đoạn tráo trở, lập lờ hòa giải hòa hợp dân tộc và ngưng ngay các chương trình đánh phá cộng đồng người Việt hải ngoại, đồng thời phải sám hối ăn năn phần lỗi của mình để tiến tới giai đoạn có thể đối thoại với nhau. Nửa sai, là chế động Cộng Sản làm gì có nền văn hoá dân tộc cần để phát huy! Nhà cầm quyền Hà Nội đã đạp đổ, hủy diệt tận gốc nền văn hoá nhân bản để thay vào đó một nền văn hóa vô sản nhằm phục vụ riêng tư cho đảng Cộng Sản và chế độ hiện tại. Con nghĩ rằng chính Đức Hồng Y được đào tạo bởi nền văn hóa nhân bản tự do cũng như đã chứng kiến và hiểu được thế nào là một nền văn hóa vô sản sau khi Hà Nội xua quân vào chiếm miền Nam, thì xin Ngài đừng vô tình khuyên bảo con chiên theo chiều hướng tuyên truyền của Cộng Sản. Trên lãnh vực tôn giáo và bảo tồn văn hóa cổ truyền, con xin nhắc lại để Ngài nhớ, mới đây, Hà Nội đã ép buộc dân chúng quốc nội cũng như lừa bịp thế giới bằng cách đưa tượng Hồ Chí Minh vào chùa đặt ngồi ngang hàng với Đức Phật, tổ chức giỗ tổ Vua Hùng bằng hoa quả giả và thịt bánh thiu thối! Những hành động nầy có phải là thành tâm tôn trọng tín ngưỡng hay bôi bác truyền thống dân tộc? Nếu tình hình nầy vẫn tiếp tục, con xin hỏi Đức Hồng Y, với một giáo hội công giáo quốc doanh do Cộng Sản giật dây hiện nay, thì khi nào Hà Nội sẽ đem Hồ Chí Minh vào nhà thờ để cho con chiên đến quỳ lạy? Liệu Đức Hồng Y có đủ nghị lực, can đảm và sẵn sàng từ chối quyền lợi riêng tư để ngăn chận những việc làm đi ngược với tinh thần văn hóa nhân bản? Nếu bảo vệ văn hóa cổ truyền theo chiều hướng vô thần, đi theo con đường Cộng Sản vạch ra thì chính là hành động giết chết nền văn hóa dân tộc, thưa Đức Hồng Y đáng kính !
 
- Nếu lời kêu gọi tình huynh đệ nhắm vào cộng đồng người Việt hải ngoại, thì, kính thưa Đức Hồng Y, có lẽ Ngài đã sai vì người Quốc Gia không chống Tổ Quốc Quê Hương, không chống đồng bào ruột thịt mà luôn hướng về đất tổ, nghĩ đến anh em ở bên nhà đang khao khát nhân quyền, mong được dân chủ và ước mơ no ấm. Tình huynh đệ lúc nào cũng mặn nồng và người Việt nước ngoài sẵn sàng trở về đóng góp công sức với đồng bào quốc nội để xây dựng quê hương sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ. Ngoài ra nếu Đức Hồng Y lên tiếng kêu gọi người Việt Quốc Gia nước ngoài chú tâm đến việc bảo tồn văn hóa cổ truyền thì con nghĩ rằng Ngài không thấy hay cố ý không tìm hiểu những hoạt động của những người Việt nước ngoài. Kính thưa Đức Hồng Y, từ trên 33 năm nay, người Tị Nạn dù đã hội nhập vào xã hội mới nhưng lúc nào cũng ra sức bảo vệ và phát triển nền văn hóa cổ truyền Việt Nam mà Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ chính là động lực, là mục đích, là điểm tựa để người Việt Quốc Gia dù ở phương trời góc biển nào cũng hướng về một phía. 
 
Kính thưa Đức Hồng Y, con là người phàm ít học, ngu si đần độn nhưng xin được phép hỏi Ngài: Thánh giá mà Thiên Chúa đặt lên vai Đức Hồng Y với trách nhiệm giáo chủ giáo hội Công Giáo dưới một chế độ Cộng Sản vô thần, Ngài để thánh giá ở đâu khi dùng lời tuyên truyền của Cộng Sản để răn dạy con chiên của Ngài tại hải ngoại, là một tập thể người Việt đang tranh đấu cho tự do nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại quê nhà? Có lẽ thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa đã quyến rũ hết tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo trong nước? Nếu vậy, người Công Giáo Việt Nam ngày nay không còn hy vọng tìm được những vị chủ chăn can đảm bảo vệ đức tin, sẵn sàng tử vì đạo như các bậc Thánh dưới triều nhà Nguyễn trước kia. Con nghĩ rằng, trong tình thế khó xử của một nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Hồng Y, bị chế độ Cộng Sản kềm kẹp ngày đêm, thì xin Ngài hãy giữ im lặng. Người Công Giáo hải ngoại sẽ hiểu và kính phục sức chịu đựng cũng như sự chống đối ngầm của Đức Hồng Y giáo chủ. Nhưng buồn thay, qua bức thư ngỏ, những lời vàng ngọc của Ngài chính là nguyên nhân tạo một cái hố ngăn cách giữa giáo hội trong nước với cộng đoàn người Công Giáo hải ngoại. Con nghĩ rằng có thể rồi đây con chiên chân chính sẽ tìm cách xa dần Giáo Hội. Ngoài ra các hành động cũng như những lời tuyên bố của các vị chủ chăn từ Việt Nam trong các dịp vừa qua làm con lo sợ một ngày nào đó, niềm tin của người Công Giáo sẽ hướng thẳng về với Thiên Chúa và không còn thông qua trung gian của các vị chủ chăn nữa !   
 
Con kính mong Đức Hồng Y lấy lòng độ lượng tha thứ những lời phạm thượng của con như một hành động phi thường của Đức Thánh Cha Jean Paul II trước đây, Ngài đã vào tận khám đường để tha tội và chúc lành cho kẻ đã dùng súng ám sát Ngài. 
 
Đinh Lâm Thanh
California USA, ngày 20 tháng 6 năm 2008