Đến thăm các trường đại học Mỹ |
Tác Giả: Hoàng Ngọc Hiến | |||
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 04:39 | |||
Trong một chuyến đi thăm Hoa Kỳ tôi đã nhận lời đến thăm trường của Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Berkcley và đã có dịp tiếp xúc với một số bạn đồng nghiệp ở Đại học Columbia, Đại học San Francisco, Đại học Irvin…Trong thời gian sống ở Mỹ tôi tiếp xúc với giới đại học nhiều hơn cả. Một phóng viên Mỹ hỏi tôi và những cảm tưởng sâu sắc nhất sau hai tháng sống ở Mỹ và tôi đã trả lời: "Nước Mỹ là một siêu cường về đại học, nền đại học Mỹ là một cống hiến to lớn cho sự phát triển của văn minh nhân loại". Dân số Mỹ hơn 250 triệu người trong đó có khoảng 13.5 triệu sinh viên. Nước Mỹ có hơn 3.500 trường đại học, phần lớn là đại học cộng đồng (Community College), đây là loại trường "đại trà", phổ cập, học phí không cao, chỉ dạy chương trình đại học năm thứ nhất và năm thứ hai, chất lượng không đồng đều (thượng vàng hạ cám), Đại học tổng hợp (University) là một loại trường đại học khác, đào tạo đại học đủ bốn năm (cử nhân) và có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ). Sinh viên học đại học cộng đồng có thể chuyển học tiếp ở đại học tổng hợp, chất lượng trường đại học tổng hợp cũng có những chênh lệch rất lớn. Nước Mỹ có khoảng một trăm trường đại học tổng hợp lớn tiên tiến, hùng hậu, trong đó nổi lên những trường đầu bảng có uy tín quốc tế: Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Cornell, Đại học Columbia, Đại học Berkeley… Đây là đầu não của nước Mỹ. Như Đại học Harvard có đến vài mươi giải thưởng Nobel. Các vấn đề quốc tế dân sinh cùng những đối nội, đối ngoại quan trọng đều được nghiên cứu ở đây. ở những trường này cơ sở vật chất rất đẩy đủ, hiện đại, đặc biệt là cơ sở và trang thiết bị thuể dục thể thao. Chẳng hạn ở đại học Harvard có 8 sân quần vợt có mái che, ngoài bể bơi thông thường còn có bể bơi cho người tàn tật. Còn thư viện đại học thì toàn bộ như mục được đưa vào máy vi tính nên việc tra cứu tiện lợi, nhanh chóng. Biết tôi đang muốn tìm tài liệu về đề tài "Tính hiện đại trong văn học" một bạn đồng nghiệp ở Đại học Columbia dẫn tôi đến một thiết bị trông giống như máy vi tính và ông ta bấm nút từ "modernity" (tính hiện đại), thế là trên màn hình lần lượt hiện lên tất cả 639 đề mục những cuốn sách liên quan đến đề tài này với sự miêu tả chính xác, phân loại rành mạch. Bấm một nút nữa thì tôi nhận được bản in đầy đủ danh sách 639 cuốn sách đó. cái máy ấy tên gọi là On line Catalog, ở Mỹ khá phổ biến. Như vậy, mối quan hệ giữa đào tạo đặc tuyển và đào tạo đại trà, một vấn đề cơ bản của chiến lược giáo dục, ở Mỹ được giải quyết bằng việc tập trung xây dựng những trường đại học tổng hợp “hùng hậu” (nơi dào tạo đặc tuyển, coi trọng chất lượng) và phát triển rộng rãi hệ thống đại học cộng đồng (nơi đào tạo đại trà, giải quyết số lượng), tỷ lệ là 1/30, chỉ cần có một trường đại học “hùng hậu”, thì có thể xây dựng hơn ba chục trường đại học cộng đồng. Ở ta, nếu như có được mươi trường đại học tổng hợp hẳn hoi thì cấp huyện cũng có thể mở được đại học cộng đồng. Tại các đại học lớn của mỹ sinh viên được học với một đội ngũ giáo viên và giáo sư chất lượng cao. ở một số trường các giảng viên trong trường chỉ đảm nhiệm 1/3 số giờ dạy, 1/3 nữa mời các giảng viên xuất sắc ở các trường trong nước, còn 1/3 còn lại mời các giáo sư nước ngoài. Tôi được biết Edgar Morin, Alain Touraine, Derridas, cố giáo sư Michel Foucault, bốn nhà bác học cự phách của Pháp thường xuyên đến giảng ở các đại học California. Một chính sách chung đối với các giảng viên đại học là giảng dạy 4 hoặc 5 năm thì được nghỉ một năm để tu nghiệp (có thể đến bất cứ trường hoặc viện nào, hoàn toàn do mình chọn, không kể trong nước hay ngoài nước).Chế độ nghỉ dạy để nghiên cứu này được gọi là chế độ sabbatical. Tôi đề nghị Bộ nghiên cứu để thực hiện càng sớm càng tốt chế độ này trong giáo dục đại học ở ta,có một bộ phận không nhỏ cán bộ giảng dạy bị mòn mỏi, cạn kiệt vì hàng chục năm phải lên lớp giảng dạy vượt số giờ tối đa quá nhiều, một phần vì sinh kế, một phần vì bị lạm dụng. So sánh đại học cộng đồng và đại học tổng hợp, sự chênh lệch và học phí có thể rất cao. Đại học cộng đồng học phí khoảng 200 đô la một năm. Học phí ở một trường đại học tổng hợp lớn có thể lên tới 18.000 đô la một năm tính cả tiền nội trú và sinh hoạt thì một năm có thể tốn khoảng 30 ngàn đô la. Phải chăng những trường đại học có thanh thế (thường là chất lượng và học phí rất cao) là độc quyền của con em nhà giàu? Không hẳn như vậy: Nước Mỹ có một thể chế tuyệt vời khá phổ cập và điều kiện tương đối dễ dãi: đó là thể chế cho sinh viên vay để ăn học. Bất kỳ ai có đủ học lực, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Bản thân mỗi sinh viên (không kể giầu hay nghèo) sẽ tự quyết định: năng lực và nghị lực của mình có đáng để vay những món tiền lớn cho phép theo học ở những trường đại học lớn. Và chăng "tiền nào, của nấy", tốt nghiệp ở một trường đại học có thanh thế dễ tìm việc hơn, dễ chọn nơi làm việc tốt (công việc hay, lương cao), do đó việc trả nợ không phải là khó. Phần lớn sinh viên Mỹ vay nợ để học đại học. Bob, một người Mỹ trẻ tuổi khá sõi tiếng Nga nói với tôi: "Thời gian nước Nga bắt đầu cải tổ tôi có nhu cầu biết tiếng Nga và tôi đã vay ngân hàng để sang Nga học tiếng Nga, đến nay vẫn chưa trả xong nợ". Một khi người sinh viên vay nợ để đi học thường học tập một cách nghiêm túc. ở Mỹ không không phải gia đình triệu phú nào cũng "bao cấp " hoàn toàn cho con em học đại học, có gia đình con em vẫn phải đứng tên vay ngân hàng để trả học phí. Ở Mỹ, học đại học y hết sức tốn kém. Muốn thi vào trường y phải có bằng tốt nghiệp đại học, ngành nào cũng được (dĩ nhiên, phải có một số học phần liên quan trực tiếp đến ngành y). Như vậy, tốt nghiệp đại học mất 4 năm, học y mất 4 năm, cộng thêm một năm thực tập, thêm tất cả là 9 năm. Học chuyên khoa mổ tim mất 4 năm, học chuyên khoa mổ óc mất 7 năm nữa (tất cả là 16 năm). Bác sĩ y khoa ở Mỹ dễ tìm việc làm, thu nhập cao. Tôi thấy ở nhiều gia đình Việt kiều tiếp theo đợt một lo cho con tốt nghiệp ngành đại học nào đó là đợt hai lo cho con học bác sĩ y khoa. Có một điều tôi không sao hiểu nổi là tại sao ở Mỹ cứ nhất thiết phải tốt nghiệp đại học thì mới được thi vào trường y. Một giáo sư đại học Mỹ giải thích cho tôi: "Học y thì ngay từ đầu người sinh viên phải có một sự chín chắn nào đó và phương pháp học tập, nghiên cứu. Tốt nghiệp đại học là một bằng chứng cho sự chín chắn và trình độ phương pháp luận…" Đại học Berkeley ở một thành phố nhỏ, yên tĩnh, ngoài khu trường sở của đại học rộng bát ngát là những dãy phố yên ả, sạch tươm, toàn là biệt thự một, hai tầng, có vườn rộng, trước nhà nào cũng có thảm cỏ và những luống hoa, cứ dăm bảy nhà lại có một cột bóng rổ cho trẻ em tập ném bóng. Ra khỏi thành phố qua một chiếc cầu lớn là địa phận của San Francisco, một thành phố sầm uất cứ phát triển, nguy nga, tráng lệ bất chấp những trận động đất. Tôi thích đại học Berkeley không chỉ vì ở đây có hai người bạn thân của tôi là N.C và P.Z đã từng quen biết ở Hà Nội, không chỉ vì ở đây người phụ trách nghiên cứu Đông Nam á là tiến sĩ Erec. Crystal, một con người rất mực hoà nhã và hiến khách, không chỉ vì ở đây đã từng có phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam rất lớn… Tôi rất thích không khí "đại học" ở đây: sự trẻ trung, sự phóng khoáng, sự hồn nhiên nghiêm túc và sự nghiêm túc hồn nhiên, tinh thần dân chủ và những đam mê trong mọi lĩnh vực hoạt động: Thể thao, nghệ thuật, tri thức… Một lần đi thăm trường tôi thấy một đội nhạc kèn lớn rầm rộ kéo đến quảng trường trung tâm của trường. Công chúng khắp nơi ùn đến. Họ cổ vũ cho đội bóng của trường trong trận đấu ngày mai với đội bóng trường bạn là Đại học Stanford. Có những diễn giả nói như gào thét. Công chúng xung quanh reo hò. Sau một đợt cổ vũ, là những tiết mục nhảy múa tưng bừng của gàn một trăm nữ sinh viên thân hình đẹp và khoẻ mạnh. ở một lối đi cây cối um tùm gần trung tâm tôi thấy có hai dãy bàn, ở mỗi bàn có người ngồi trực, xung quanh bàn chăng khẩu hiệu biểu ngữ, trên bàn là những chồng sách báo và truyền đơn. Mỗi tổ chức của sinh viên có một chiếc bàn ở đây. Những hội đồng hương. Những tổ chức tôn giáo. Những đại diện các phong trào văn hoá - xã hội. Có hai bà đã lớn tuổi trực ở một chiếc bàn xin chúng tôi chữ ký. Họ giải thích: "chúng tôi lấy chữ ký đòi hỏi chính phủ ra luật cấm không cho ứng cử viên nhận những món tiền ủng hộ vận động bầu cử quá 100 đô la. Sự bầu cử sẽ không công bằng nếu như có những ứng cử viên được sử dụng những món tiền quá lớn để vận động bầu cử. ở một chiếc bàn khác tôi thấy căng khẩu hiện: "Phản đối lệnh của Hiệu trưởng bãi bỏ chính sách chiếu cố những sinh viên sắc tộc ít người. "Người ngồi trực giải thích: "Bãi bỏ chính sách chiếu cố là một bước lùi về dân chủ. Chúng tôi thành lập tổ chức đấu tranh chống lại sự bãi bỏ này…" ở một lối đi khác cũng có một dãy bàn nhưng những người ngồi trực ở đây là những giáo sư, giảng viên. Họ là những người tư vấn giúp đỡ cho sinh viên trong việc lựa chọn những bộ môn, đề tài để chuyển sâu, những giáo trình chuyên đề cần nghe…Trên thực tế họ làm công việc quảng cáo, rao hàng. ỏ ta, bộ môn nào đã có trong chương trình, mọi sinh viên của một chuyên ngành muốn hay không muốn đều phải theo học, dù cho các thày dạy bộ môn đó rất kém; ở Mỹ, sinh viên được chọn bộ môn. Nếu như có một bộ môn chán quá, không sinh viên nào đăng ký học, thế là các thầy thất nghiệp, không có lý do gì ở lại trường. Hoặc là nhà trường giải tán bộ môn hoặc tìm một giáo sư giỏi giao cho việc xây dựng lại tổ bộ môn. Một biện pháp cơ bản để nâng cao chất lượng những giáo trình và giảng viên là tạo điều kiện và chế độ sinh viên được quyền chọn bộ môn để học, để thi. Chọn bộ môn là một cách bỏ phiếu dân chủ và công bằng chọn lọc những người thầy. Thương mại trong nhà trường là một vấn đề phải bàn, nhưng tại sao không được xem sinh viên là một khách hàng có quyền chọn những mặt hàng theo nhu cầu và sở thích của mình Trường có nhà Bảo tàng mỹ thuật riêng, dịp tôi đến đương triển lãm chuyên đề những tranh phong cảnh Anh T.k. XVIII. Tôi mê những quán và phê sinh viên ở đây. Có bàn cười nói huyên thuyên. Có bàn tranh cãi nhau om sòm. Có những nhóm tụm lại ca hát. Có những sinh viên đến đây để ngồi đọc sách, làm bài hoặc làm thơ. ở một góc có người gục xuống bàn ngủ một cách ngon lành. Thỉnh thoảng lại có tiếng micrô nhắc khéo: "Nhiều khách hàng đương chờ chỗ trống. Quý khách nào đã ngồi quá lâu xin vui lòng nhường chỗ cho người khác". Chẳng ai để ý đến lời nhắc khéo này. những người ngồi đọc vẫn cứ đọc. Những người viết cặm cụi viết. Và dĩ nhiên những người đương ngủ tiếp tục những giấc mơ của mình. Đến các quán ăn sinh viên không thể không để ý đến một loại khách hàng đặc biệt. Trông họ đã lớn tuổi, ngoài 50… chẳng phải là sinh viên, cũng chẳng phải là giảng viên. Họ ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, thường mang theo một chiếc cặp rách chứa đầy sách, tay cầm một cuốn báo… Họ ngồi đàm đạo với nhau hoặc tranh luận với những sinh viên trẻ. Có người ngồi trầm ngâm hút thuốc, có người mải mê đọc báo. Một người bạn Mỹ giới thiệu với tôi: "Đây là những sinh viên "vĩnh cửu". Họ bắt tay làm luận án tiến sĩ cách đây vài chục năm. Họ không hoàn thành luận án và sẽ không bao giờ hoàn thành. Cuộc đời họ gắn với cuộc sống đại học quá lâu rồi nên họ không thể sống khác được. Họ sống quanh quẩn đây. Hàng ngày đến các giảng đường nghe những giáo trình mới và hay. Những tiệm cà phê, những quán ăn sinh viên là nhà của họ…" Đối với nhiều gia đình người Việt ở Mỹ, nuôi dạy con cái học đại học đã trở thành một mục tiêu thiêng liêng, gần như một tôn giáo. Đây là cả một quá trình vật lộn, phấn đấu rất gian khổ của các bậc phụ huynh. Tôi hết sức xúc động và cảm phục khi được biết có những bà mẹ 5 năm liền làm việc một ngày 16 tiếng để có tiền nuôi con ăn học. ở quận Cam, có hai vợ chồng suốt 10 năm trời làm một ngày hai suất việc và đã nuôi được 5 người con thành bác sĩ y khoa. Một người bạn cho hay là khoảng 60 phần trăm con em người Việt tại Mỹ được học đại học. Tỷ lệ này một phần nhờ sự nỗ lực của các bậc phụ huynh, nhờ sự cố gắng của các em học sinh, và cũng nhờ chính sách đại học của Mỹ có tính chất dân chủ và phổ cập. Điều đáng mừng là sinh viên người Việt tại các trường đại học Mỹ nói chung học tốt. Một người bạn Mỹ bảo tôi: nhìn vào đội ngũ sinh viên đó thì thấy tương lai Việt Nam sẽ phát triển nhanh.
|