main billboard

...quan tâm đến rủi ro tài chánh, trong đó có vấn đề nợ xấu.

ECONOMY-SOUTHEASTASIA-INFLATION

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Hà Nội
REUTERS

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày hôm qua, 28/01/2018 cho biết : Công ty thẩm định tài chánh Moody’s vừa cảnh báo Việt Nam là không nên nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Theo Moody’s, một chính sách dễ dãi hơn có nguy cơ tác hại đến ổn định kinh tế vĩ mô, trong lúc tăng trưởng tín dụng nhanh có thể đe dọa các ngân hàng.

Trong một bức thư đề ngày 26/01/2018 trả lời câu hỏi của Bloomberg, bà Anushka Shah, chuyên gia phân tích bộ phận đầu tư Moody's Investors Service tại Singapore ghi nhận:
 «Khi trọng tâm của chính phủ Việt Nam là tăng trưởng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi lập trường trung lập hoặc thiên về nới lỏng tiền tệ… Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cũng có thể tác hại đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhanh chóng».

Đối với chuyên gia của Moody’s: «Đà tăng trưởng nhanh chóng của tín dụng cũng có thể gây ra một số rủi ro cho ngành ngân hàng bằng cách làm suy giảm vốn đệm của các ngân hàng».

Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2018 sau khi bất ngờ giảm lãi suất vào năm ngoái, một chủ trương ngược lại với một số nước trong khu vực như Malaysia vào tuần trước, đã có động thái siết chặt tiền tệ.

Bloomberg ghi nhận là chính quyền Việt Nam muốn duy trì mức tăng trưởng kinh tế vốn đã thuộc vào hàng nhanh nhất thế giới, nhưng đồng thời vẫn quan tâm đến rủi ro tài chánh, trong đó có vấn đề nợ xấu.

Khối tín dụng tại Việt Nam đã tăng 18,2% vào năm ngoái 2017, và được dự báo sẽ tăng 17% trong năm nay.
Tháng 12 vừa qua, văn phòng Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam đã cảnh báo về nguy cơ tín dụng phình lên nhanh chóng.

Theo phó thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ vào tuần trước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể vẫn đạt tốc độ 6,8% của năm 2017, cao hơn một chút so với chỉ tiêu 6,7% do chính phủ Việt Nam đề ra.
Một trở ngại muôn thuở đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam là tệ nạn tham nhũng cũng được Moody’s quan tâm.

Theo chuyên gia Anushka Shah, Moody’s luôn quan tâm tới vấn đề tham nhũng khi  đánh giá về sức mạnh thể chế ở Việt Nam.
Dù vẫn xếp sức mạnh thể chế ở Việt Nam ở 4 nấc dưới mức đầu tư, Moody's đã đưa ra triển vọng tích cực đối với Việt Nam.

Đối với bà Shah: «Cải thiện cách quản trị và kềm chế tham nhũng sẽ góp phần duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam trong tư cách một nền kinh tế thị trường, và giúp duy trì sự quan tâm của giới đầu tư ngoại quốc ngay cả khi nhu cầu toàn cầu bị sốc».

Chuyên gia này đánh giá rằng các cải cách mà Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tính cạnh tranh sẽ có tác động tích cực đến tín dụng, và cho rằng tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước sẽ diễn ra dần dần do kích thước to lớn của các thực thể đó.