Trải qua gần 100 năm lưu lạc trời Tây, nay trở về Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, không hề hư mục, bức khảm không chỉ có giá trị về thời gian, mà còn về lịch sử và văn hóa của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thế kỷ 20.


khamsonmai 1
Bức khảm trai sơn mài. (Hình: Công Giáo và Dân Tộc)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Sau gần 100 năm lưu lạc tại Pháp, bức khảm trai sơn mài của đoàn linh mục địa phận Phát Diệm kính tặng giám mục Việt Nam tiên khởi, Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, nhân dịp ngài được tấn phong làm giám mục tông tòa địa phận Phát Diệm năm 1933 đã trở về Việt Nam.”

Báo Công Giáo và Dân Tộc cho hay như vậy nhân sự kiện “kỷ niệm 50 năm nhập trường Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 1968-2018, vào sáng ngày 1 Tháng Năm 2018.”

Tin cho hay, tấm khảm được “gia đình Ex Luro 68 trao tặng cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giám quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn.”

Báo Công Giáo và Dân Tộc kể lại hành trình trở về của tấm khảm xà cừ qua lời ông Nguyễn Toàn Thắng, cựu chủng sinh của lớp 68.

“Cuối năm 2015 tại Pháp, khi tìm mua tranh sơn mài trên mạng Internet, ông thấy tin rao bán một tấm khảm xà cừ có tính chất tôn giáo Việt Nam nhưng không kèm hình. Sau nhiều lần liên lạc hỏi mua mà không được. Đến giữa năm 2016, điều kỳ lạ đã xảy ra, trong một chuyến đi công tác, lúc trở về, ông phải đi đường làng về Paris vì đường cao tốc đã bị đóng do xảy ra tai nạn. Khi ghé vào dùng cơm trưa, ông chợt nhận ra mình đang ở trong thị xã của người chủ tấm khảm nên lập tức gọi điện thoại. Thật bất ngờ, người chủ chỉ ở cách đó 2 căn nhà, thế nên ông vội ghé vào xem. Chủ nhân tấm khảm là đôi vợ chồng trên 70 tuổi, vì thấy ông Thắng có họ Nguyễn trùng với một chữ Nguyễn trên tấm khảm nên mới liên lạc.”

“Chủ nhân của tấm khảm này cho hay được ông mua cách đây trên 30 năm từ một cụ ông làng bên cạnh khi cụ qua đời. Lúc mua về, đôi vợ chồng già gắn bức khảm vào chân bàn salon cũ bị hư, rồi đặt một tấm kiếng làm thành chiếc bàn. Vừa qua, đứa cháu làm bể kiếng, chủ nhân đem bỏ cái bàn nhưng thấy tấm khảm còn tốt và đẹp nên giữ lại đăng bán.”

khamsonmai 2
Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng bên bức khảm trai sơn mài. (Hình: Công Giáo và Dân Tộc)

Vẫn theo mô tả của báo Công Giáo và Dân Tộc: “Tấm khảm kích thước 62×80 cm, được làm hoàn toàn từ nguyên vật liệu quý và vỏ trai biển tự nhiên, trên đó có dòng chữ ‘Việt Nam Giám mục khởi thủy JB. Nguyễn Bá Tòng’, ‘Linh mục địa phận Phát Diệm đồng bái’; nổi bật ở giữa là hình ảnh huy hiệu và câu khẩu hiệu giám mục ‘Hãy châm rễ sâu trong lòng dân ta chọn’. Tổng thể bức tranh trông tinh tế, hài hòa và ánh lên màu sắc tự nhiên rất đẹp.”

Ông Nguyễn Toàn Thắng đã chuộc lại tấm khảm và đem về Việt Nam. Trong buổi lễ tạ ơn kỷ niệm 50 năm gia nhập Tiểu Chủng viện của khóa 68, ông quyết định trao tặng Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, nguyên quán địa phận Phát Diệm.

Đón nhận bức tranh, Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, vui mừng nói: “Đây là tấm khảm trai sơn mài cực quý, của đoàn linh mục Phát Diệm kính tặng giám mục tiên khởi Việt Nam – Đức cha GB. Nguyễn Bá Tòng – từ năm 1933 nên rất có giá trị với địa phận Phát Diệm. Trước toàn thể anh chị em lớp 68, tôi vui mừng đón nhận và xin kính dâng lại cho giáo phận Phát Diệm qua Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, là đàn anh và là cựu chủng sinh Ex Luro 62, hiện là giám mục giáo phận Phát Diệm.”

Trải qua gần 100 năm lưu lạc trời Tây, nay trở về Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, không hề hư mục, bức khảm không chỉ có giá trị về thời gian, mà còn về lịch sử và văn hóa của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thế kỷ 20.

Báo Công Giáo và Dân Tộc cho biết: Ðức cố Giám Mục GB. Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) xuất thân từ Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Trước khi được tấn phong giám mục Phát Diệm, ngài làm quản lý Tòa Giám Mục Sài Gòn, sau đó quản xứ Bà Rịa và Tân Ðịnh. Trước 1975, Sài Gòn từng có trường trung học mang tên ngài và hiện nay, ở phường Tân Thành, quận Tân Phú, cũng có đường Nguyễn Bá Tòng. (KN)