Tôi đi từ chủ nhật đến thứ 7 mới tới Thái Lan, khoảng 6-7 ngày. Trên chặng đi bị nhịn đói, không được ăn, chỉ uống nước thôi. Đi xe, đi bộ rất mệt nhưng cũng phải cố chứ ở Việt Nam họ sẽ xét xử bỏ tù mình.


nguoithuong thailan
Một người Thượng Việt Nam ở Thái Lan. RFA

Chạy trốn vì bị đàn áp tôn giáo

Ngày 31/08/2017, tin từ bà Grace Bùi - Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng cho hay thêm 9 người Montanard tị nạn ở Campuchia bị rớt phỏng vấn và sẽ bị trục xuất về Việt Nam trong 15 ngày nữa nâng tổng số người Thượng bị đưa về Việt Nam từ đầu năm đến nay lên con số hơn 50 người.

Đây là những đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên bị lấy mất đất đai hoặc bị đàn áp về tự do tôn giáo phải chạy trốn qua các nước lân cận để tìm kiếm quy chế tị nạn. Tuy nhiên, những người Thượng ở Thái Lan khi gặp chúng tôi đều nói rằng: Nếu Việt Nam có tự do tôn giáo họ sẽ trở về!

Người Thượng tị nạn ở xứ chùa Vàng sống quây quần tại một làng nhỏ nằm ở ngoại ô Bangkok, bao quanh là những kênh rạch chằng chịt. Kể từ khi qua đây, nơi mà Phật giáo chiếm đến 95% dân số, những người này vẫn được tự do đi nhà thờ, nhóm họp các nhóm tôn giáo Tin Lành.

    Tôi đi từ chủ nhật đến thứ 7 mới tới Thái Lan, khoảng 6-7 ngày. Trên chặng đi bị nhịn đói, không được ăn, chỉ uống nước thôi. Đi xe, đi bộ rất mệt nhưng cũng phải cố chứ ở Việt Nam họ sẽ xét xử bỏ tù mình.
    - Ông Siu Thul

Ông Siu Thul, người dân tộc Gia Rai ở xã Ea H’leo, tỉnh Gia Lai đi lưu vong từ tháng 12/2016. Lúc còn ở Việt Nam, ông chỉ dạy hát cho các thanh thiếu niên ở nhà thờ nhưng nhiều lần bị bắt và đàn áp vì chính quyền địa phương cho rằng đó là hành vi ‘tụ tập phản động’:

“Chính quyền đàn áp tôi 3 lần lúc tôi ở Việt Nam. Năm 2014, họ xông vào nhà thờ lúc chúng tôi đang cầu nguyện. Họ nói tôi là phản động, họ nói nhiều thứ khác lắm. Lần cuối bị bắt vào xã, bị cột vào cột cờ, họ thông báo bằng loa phóng thanh cho mọi người biết để trừng trị tội ác của tôi. Đến 12 giờ thì tôi nói với chị gái qua mở dây thừng cho em. Tôi đi từ chủ nhật đến thứ 7 mới tới Thái Lan, khoảng 6-7 ngày. Trên chặng đi bị nhịn đói, không được ăn, chỉ uống nước thôi. Đi xe, đi bộ rất mệt nhưng cũng phải cố chứ ở Việt Nam họ sẽ xét xử bỏ tù mình.”

Tuy vậy, khi được hỏi liệu một ngày nào đó chính quyền Việt Nam thay đổi theo hướng tự do, dân chủ thì họ có trở về hay không thì ông Siu Thul khẳng định:

“Nếu Việt Nam không đàn áp nữa, để mình tự do tôn giáo thì tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam!”

nguoithuong thailan2
Người Thượng Việt Nam tị nạn tại Thái Lan. RFA PHOTO

Bà Siu Hler, chị gái của ông Siu Thul cũng đồng tình với quan điểm sẽ trở về quê hương khi có sự thay đổi về tự do tôn giáo, mặc dù trước đó bà nói mình bị một viên công an tỉnh Gia Lai nhiều lần cưỡng hiếp khi chồng đang xin tị nạn ở Thái Lan. Bà Siu Hler chia sẻ:

“Công an nhiều lần đi vào nhà tôi lúc nửa đêm vắng vẻ, bao nhiêu lần cưỡng hiếp tôi nhưng có lần cưỡng hiếp được. Họ không cho tôi kể về những gì họ đã làm nếu không sẽ giết gia đình tôi. Lần khác họ cũng cưỡng hiếp tôi thì bị thằng em tôi phát hiện, em tôi xông vào nhà đánh nó xong thì nó lấy súng chĩa vào đầu em tôi đe dọa nếu kể chuyện này thì sẽ giết. Từ đó em tôi không dám về nhà nữa. Mình cũng mong muốn được về Việt Nam nhưng hiện tại không dám về, chỉ mong UN cấp giấy. Nếu chính quyền VN cho tự do hội nhóm, tự do đi nhà thờ thì cũng muốn về Việt Nam”.

Hiện không có giấy tờ hợp pháp


Bà Jessica trước đây làm phục vụ nhà hàng ở tỉnh Pattaya, nhưng bị nghỉ việc từ khi Thái Lan có luật lao động mới. Hiện nay, bà theo làm các dự án giúp đỡ cho cộng đồng người Thượng.

Mặc dù rất lo sợ sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt vì không có giấy tờ hợp pháp, tuy nhiên bà rất vui vì được tự do thờ phượng Thiên Chúa mà không bị đàn áp:

“Một tuần đi nhóm 3 lần, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Hồi năm 1999, Công an không cho mình đi nhóm thì chặn đường mọi người, thậm chí còn thu kinh thánh và đốt đi. Họ nói không cho theo đạo. Sinh hoạt tôn giáo ở đây rất bình thường, mình đi chung nhà thờ với người Thái cũng không có vấn đề gì.”

Người ra đi vì không chịu nổi sự đàn áp, đã thế những người thân của họ ở quê nhà sống cũng không yên với những sự sách nhiễu. Bà Jessica cho hay:

    Có nhiều người bị công an quấy nhiễu, họ nói đừng nên đi tị nạn, đùng nghe lời kẻ xấu xúi giục chống đối lại cộng sản. Có những người cũng bị bắt vào tù.
    - Bà Jessica

“Có nhiều người bị công an quấy nhiễu, họ nói đừng nên đi tị nạn, đùng nghe lời kẻ xấu xúi giục chống đối lại cộng sản. Có những người cũng bị bắt vào tù. Tôi vượt biên ngày 5/2/2015. Hồi chị gái tôi ở VN bị công an đánh đập mấy lần. Chị gái tôi phải vượt biên qua Thái Lan. Tôi ở lại bị họ nói là người dẫn đường cho người vượt biên. Tình hình lúc đó rất là căng nên mẹ tôi nói tôi tìm cách đi vượt biên, nếu ở lại VN sẽ bị bắt, bị đánh.”

Bị đánh, bị đàn áp, bị bỏ tù… người Thượng phải lưu vong ở một đất nước xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa, con người chịu biết bao tủi hổ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu rằng họ có ghét người Kinh hay không thì câu trả lời là “không”. Họ chỉ ghét những con người cụ thể làm việc cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đàn áp đồng bào.

Trong 1 bài viết trên Website của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam của tác giả Nguyễn Trung cho rằng ở Việt Nam không có chuyện người dân đòi tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai đúng pháp luật mà bị đàn áp nghiêm trọng: (http://bit.ly/2euo9jL)

“Thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu đúng pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục mà làm những việc sai trái, chính quyền luôn kiên trì giải thích, nhắc nhở để họ không tái phạm, chứ không hề có chuyện bắt bớ, tù đày, "đàn áp nghiêm trọng" như HRW vu cáo. Chỉ những kẻ chủ mưu phá rối trật tự, an toàn xã hội, bất chấp những lời khuyên răn, cảnh cáo, cố tình phạm pháp đến mức nghiêm trọng mới bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.”