main billboard

“Sau Mậu Thân, chứng kiến cảnh người chết quá nhiều, đi đâu cũng gặp chết, làm cái nhà mà cũng lo lắng, phải bốc đất đi đến thầy địa lý coi thử dưới nền nhà mình có xác người hay không. Oan hồn uẩn tử nhiều lắm...”


Đại lễ cúng Cô Hồn Trận Vong diễn ra từ ngày 23 đến ngày 30 Tháng Sáu âm lịch ở khắp thành phố Huế hằng năm, không năm nào thiếu.

cungcohon hue 1Lễ cúng cô hồn trận vong của một người dân bên bờ sông Hương.
(Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Bắt đầu từ 23 tháng Sáu âm lịch, người dân thành phố Huế cùng nhau lễ cúng, dâng hương hoa, thức ăn, củi, vàng mã cho người đã khuất trong cuộc đại biến năm 1885, kinh đô thất thủ, rơi vào tay Pháp và binh biến Mậu Thân 1968. Phải gọi đây là một đại lễ dân gian, bởi điều này không bắt nguồn từ một chính sách hay sự chỉ đạo nào của nhà nước.

Huế 1885 và Huế 1968

Ngược dòng lịch sử, có thể nói rằng không có trận chiến nào đặc biệt như trận chiến năm 1885 ở kinh đô Huế, khi mà giềng mối giữa nhân dân và vua quan triều đình hầu như không có và dân trí thấp đến độ ngay cả những vị quan tổng đốc, chuyên về binh lược đã nghĩ ra kế mở cổng nhử quân Pháp vào thành và đổ trái mù u ra đường để đối phương trượt ngã (do quân pháp đi thẳng, suy ra chắc chắn không có đầu gối!) mà đánh úp.

Chính cái chiến thuật hết sức ngô nghê này đã đẩy kinh đô Huế đến chỗ máu chảy thành sông và hàng vạn dân oan bị ngã xuống do chạy loạn, phần bị bắn, phần bị đạn lạc. Và cũng từ đó, câu chuyện về những oan hồn lang thang rày đây mai đó kiếm ăn, đói lạnh, cô đơn, không chốn nương náu ngày càng ám ảnh đời sống cư dân kinh thành.

Nhưng câu chuyện đó trở nên nặng nề âm khí kể từ sau Tết Mậu Thân 1968. Trước đây, ở các điện thờ, lăng tẩm, chùa chiền, kể từ năm 1885 về sau, không căn cứ vào bất cứ sắc phong hay chỉ dụ nào của nhà vua, người dân Huế, các sư sãi ở các chùa cứ nhằm ngày 23 Tháng Sáu âm lịch, ngày kinh thành Huế thất thủ cho đến ngày 30 Tháng Sáu âm lịch, các buổi lễ cầu siêu bạt độ, cúng kính dâng thức ăn, vàng mã lại diễn ra.

Thời đó, câu chuyện cúng kính chỉ giới hạn ở chùa chiền, đền đài, miếu, lăng tẩm chứ không diễn ra khắp dân gian. Chỉ những nhà có điều kiện kinh tế khá giả mới tổ chức cúng ở tư gia. Nhưng chuyện đó hiếm, các điểm cúng tư gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau Tết Mậu Thân 1968 thì mọi chuyện lại khác.

Như lời của anh Hiền, một cư dân Huế, thuộc dòng họ Tôn Thất, chia sẻ, “Sau Mậu Thân, chứng kiến cảnh người chết quá nhiều, đi đâu cũng gặp chết, làm cái nhà mà cũng lo lắng, phải bốc đất đi đến thầy địa lý coi thử dưới nền nhà mình có xác người hay không. Oan hồn uẩn tử nhiều lắm...”

cungcohon hue 2Nhà nào cũng có miếu thờ cô hồn trận vong 1968 như thế này, có nhiều nhà có
tới 8 miếu trước sân. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


“Thế nên sau Mậu Thân, nhà nào cũng lập miếu thờ và lấy ngày 23 Tháng Sáu làm ngày giỗ chung cho đất Huế. Đến Tháng Chạp, Tháng Giêng lại cúng một lần nữa nhưng lễ chính vẫn là 23 đến 30 Tháng Sáu hằng năm. Đến Tháng Chạp và Tháng Giêng là mình cúng ông bà tổ tiên của mình rồi khấn luôn vậy thôi!”

“Lý do để lấy ngày 23 Tháng Sáu cúng giỗ luôn những vong hồn Mậu Thân mà lẽ ra là tháng Chạp, tháng Giêng mới cúng giỗ là vì thời bao cấp, đền đài, chùa chiền, lăng tẩm chi cũng bị nhà nước đập tuốt hết. Nếu mình cúng vào Tháng Chạp, Tháng Giêng mà trưng bàn ra trước sân thì bị bắt, khó lắm. Mình phải dựa vào ngày 23 đến 30 Tháng Sáu vì ngày đó ít nhạy cảm hơn, có tính cách mạng hơn...”

“Vậy đó, việc cúng kính bắt nguồn từ năm 1885 nhưng lại nở rộ, trở thành lễ hội dân gian mà ai làm ăn giàu nghèo chi cũng cúng là phải kể đến những năm từ Tết Mậu Thân trở về sau. Bắt đầu từ đó, nhà nào cũng cúng, mỗi nhà mỗi kiểu, lễ vật cũng khác nhau nhiều lắm, có mấy thứ lễ chung thôi chứ còn lại thì khác nhau khá nhiều.”

Đại lễ dân gian và những bó củi tình thương

Người ta nói sống sao thác vậy, tâm thức này rất hợp với người dân xứ Huế, có thể nói rằng hiếm có nơi nào trên đất nước này lại xem trọng phần âm hơn phần dương như xứ Huế. Chỉ cần nhìn cách người ta xây lăng tẩm, lăng mộ cho ông bà tổ tiền thì cũng đủ thấy mức độ coi trọng phần âm đến đâu.

Một người dân Huế có thể nghèo khổ, thiếu thốn, ở nhà trọ hoặc nhà cấp bốn nhưng lễ cúng ông bà tổ tiên và phần mộ của ông bà họ thì không chê vào đâu được.

cungcohon hue 3Bó củi được đặt gần bàn thờ và đốt trong lễ cúng cô hồn bên sông
Hương. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Chỉ có Huế mới có những thành phố lăng mộ, kinh đô lăng mộ từ Phú Vang cho đến giáp giới Quảng Trị. Đi bất kì nghĩa trang nào, người ta cũng có thể bắt gặp những ngôi mộ khang trang, nhiều ngôi to hơn biệt thự, bên trong có cả hệ thống điện đài, thậm chí tủ lạnh, tivi đang hoạt động để phục vụ cho người đã khuất và người giữ lăng mộ.

Trong khi đó, những con cháu đứng ra xây lăng mộ lại không mấy giàu có. Xây lăng mộ và chăm sóc phần hồn cho ông bà tổ tiên là một triết lý sống của người dân Huế, họ xem đó là một hành động tri ân, báo hiếu. Cũng chính bởi tâm thức này mà câu chuyện cúng kính những người chết oan trong chiến tranh ở Huế lại trở nên quan trọng và ly kì.

Có thể nói rằng việc cúng kính, thậm chí tri ân những người đã chết oan trong binh biến (vì họ đã giúp đỡ, che chở cho người sống yên tâm làm ăn) là một đại lễ tâm linh dân gian Huế hàm chứa lòng lân mẫn giữa người với người, giữa cõi sống và cõi chết.

Chỉ cần nhìn qua những bó củi (được đốt trong lễ cúng cùng với khoai lang, phao vàng mã, áo quần, tiền bạc các loại bằng vàng mã và những món ăn dành cho người vừa bị ngã xuống nước, còn yếu sức) của các cư dân dọc bờ sông Hương, hay những cuộn băng, tivi, sách vở bằng vàng mã trong lễ cúng của người dân gần các trường học, hoặc các chìa khóa bằng vàng mã cho những người bị xích chân trong hố tập thể của những nhà dân gần các hố chôn ở cồn Hến, Đập Đá hay thông Vỹ Dạ... Cũng đủ hiểu được đôi điều về tâm thức người Huế.

Như lời của bà Lạc, người dân sống bên bờ một nhánh rẽ của sông Hương về phía Quảng Điền, trên đường Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ, “Ở hai bên bờ sông Hương, trong lễ cúng ai cũng có một bó củi hết. Mình phải đốt lên để ‘họ’ về sưởi, chứ chết nước lạnh, mình không đốt cho họ sưởi thì run lập cập làm sao mà họ hưởng thức cúng được!”

“Sống cũng như thác thôi, tội nghiệp lắm! Trước đây o (cô) không cúng, từ Mậu Thân đến giờ, năm nào o cũng cúng, có ít thì cúng ít, có nhiều thì cúng nhiều, thì cũng một mâm chè xôi, thức mặn có gì cúng nấy, trong đó thì hai bó củi để đốt suốt lễ cúng và áo giấy vàng mã nhiều nhất...”

Mùa cúng cô hồn ở Huế diễn ra nhiều lần trong năm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mùa Tháng Sáu âm lịch. Như lời bà Lạc chia sẻ, “Đôi khi o tự hỏi tại sao cô hồn ở Huế nhiều quá thể vậy. Nhưng o nghĩ lại, thấy nơi nào cũng nhiều, mình chỉ cúng được cho cô hồn chết chứ cô hồn sống cũng nhiều lắm nhưng đâu phải ai cũng có thể cúng được!”

Câu kết của bà Lạc làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều! (LT)