main billboard

“Ước mơ của tôi là muốn mang những kiến thức của các thầy cô giáo trước hay sau 1975 để truyền đạt lại cho các thầy cô giáo trẻ lớn lên hoặc sinh trưởng tại nước Mỹ này, mà hôm nay họ muốn dạy tiếng Việt, thì tôi xin được làm người nối kết giữa hai thế hệ đó.


giaochuc hoithao 1
Ban tổ chức, thầy cô và thân hữu trong buổi hội thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Vào chiều Chúa Nhật, 13 Tháng Tám, tại hội trường đài truyền hình SBTN, Garden Grove, Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California tổ chức hội thảo phương pháp dạy tiếng Việt, với sự tham dự của các thầy cô giáo và các đại diện trung tâm Việt Ngữ trong vùng và thân hữu.

Cô Diệu Quyên, hội trưởng, cho biết: “Là một cô giáo của Học Khu Garden Grove, tôi được dạy tiếng Việt ở trường khoảng vài năm nay. Tôi thấy mùa Hè là mùa để các thầy cô cần trau dồi lại kiến thức của mình, cho nên Hè năm nay, tôi có mời được hai vị giáo sư, Trần Huy Bích và Trần Chấn Trí, đến làm diễn giả trong đề tài hội thảo hôm nay.”

Cô nói thêm: “Ước mơ của tôi là muốn mang những kiến thức của các thầy cô giáo trước hay sau 1975 để truyền đạt lại cho các thầy cô giáo trẻ lớn lên hoặc sinh trưởng tại nước Mỹ này, mà hôm nay họ muốn dạy tiếng Việt, thì tôi xin được làm người nối kết giữa hai thế hệ đó. Vì thế mới có buổi họp mặt Hè năm nay.”

Giáo Sư Nguyễn Ðình Cường, thư ký của hội, điều hợp chương trình hội thảo.

Giáo Sư Trần Huy Bích, một trong hai diễn giả nói về đề tài “Những vần thơ có thể dùng trong việc dạy tiếng Việt.”

Theo giáo sư: “Khi chúng ta ở ngoại quốc, tài liệu văn chương ngày xưa có rất nhiều, nhưng không phù hợp hoàn cảnh sống ở đây. Chúng ta phải dùng những thay đổi mới và cũng phải dùng những ngôn ngữ trong sáng Việt Nam. Trong những tài liệu đó, có thể dùng thơ văn để giáo dục.”

“Cũng phải đào tạo cho các em trở thành những người yêu thiên nhiên và cuộc đời, yêu gia đình, yêu cha mẹ, rộng hơn nữa là yêu cả súc vật, yêu cả đồng loại. Dạy cho các em có tâm hồn, lòng bác ái, biết nghĩ đến mọi người và hiền lương. Những người trẻ đó phải có một số kiến thức căn bản về quê hương đất nước Việt Nam, về lịch sử văn học của Việt Nam,… Vì thế, đề tài chúng tôi chia ra làm nhiều loại,” Giáo Sư Bích nói thêm.

giaochuc hoithao 2
Giáo Sư Trần Huy Bích (trái) và Giáo Sư Trần Chấn Trí, hai diễn giả chính của hội thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong tài liệu để dạy tiếng Việt, Giáo Sư Bích có cho mọi người biết một số những bài ca dao; những dòng thơ trong sáng để dạy cho thiếu nhi, có một số thơ yêu nước, và cũng có một số thơ văn trong văn học,… được kết thành một dàn bài để dạy cho các em như ca dao, những vần thơ tuổi thơ, những vần thơ lịch sử, những vần thơ về đất nước, dân tộc Việt Nam, những vần thơ có ý nghĩa luân lý, những vần thơ có giá trị văn học, và một số thơ hiện đại đáng chú ý.

Diễn giả Trần Chấn Trí nói với đề tài “Sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt để dạy tiếng Việt.”

Ông nói: “Chúng tôi muốn giới thiệu cách giảng dạy tiếng Việt bằng cách sử dụng sách giáo khoa ở bậc đại học. Còn những người tham dự hôm nay là các thầy cô của bậc trung học, thành ra, cũng có thể gọi là chúng tôi cùng tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau.”

“Chúng tôi giới thiệu phương pháp dùng sách để dạy như thế nào, rồi các thầy cô sẽ góp ý là nên dùng những phương pháp nào để hợp với bậc trung học, và những phương pháp nào không thích hợp ở bậc trung học mà chỉ thích hợp với bậc đại học. Theo tôi, buổi hội thảo này cũng để trao đổi về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy,” giáo sư nói thêm.

Trong đề tài do Giáo Sư Trần Chấn Trí đưa ra để thảo luận, ông có nêu lên một số đặc điểm chung của sách giáo khoa như nội dung giảng dạy và kết cấu của từng chương sách đã được sắp xếp sẵn sàng và chi tiết, sách giáo khoa cung cấp các bài học một cách có tổ chức, giúp giáo viên soạn bài dễ dàng, sách giáo khoa trình bày các bước giảng dạy theo thứ tự, nên thực hiện điều gì vào lúc nào,…

Ðể sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu qua, theo ông, giáo viên nên dùng sách giáo khoa như một nguồn tham khảo cho học sinh, nhưng không phải là nguồn duy nhất. Ngoài ra, dùng sách giáo khoa như kim chỉ nam cho giáo viên, nhưng không phải là một tài liệu bắt buộc. Giáo viên có quyền sửa đổi, loại bỏ hay bổ túc tài liệu đối với sách giáo khoa. Tham khảo thêm các sách giáo khoa khác và trao đổi, chia sẻ tài liệu giảng dạy với đồng nghiệp. Dùng thêm những tài liệu khác như sách báo, phim ảnh và truyền thông xã hội ngoài sách giáo khoa.

Ông cũng có giới thiệu Hệ Thống Ngữ Âm Tiếng Việt (The Vietnamese Sound System).

giaochuc hoithao 3
Cô Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Văn Tường, thành viên của hội, nói: “Nhiều năm nay, chúng tôi đã soạn nhiều bộ sách để cho các trung tâm Việt Ngữ sử dụng. Chúng tôi nhận xét như thế này: Các em nhỏ từ lớp mẫu giáo cho đến các lớp 3, 4 thì có những văn thơ đơn giản thôi để dạy cho các em, như thơ lục bát hoặc song thất lục bát cũng như ca dao và tục ngữ. Khá hơn một chút nữa, kể từ lớp 5 trở lên, thì chúng tôi đem những đoạn thơ, thí dụ như Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu hay Truyện Kiều của Nguyễn Du. Rồi cao hơn nữa thì chúng tôi đem những đoạn thơ được trích trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Ðoàn Thị Ðiểm. Còn những bài thơ của các tác giả như Bà Huyện Thanh Quan hay Nguyễn Khuyến, thì chúng tôi lấy những bài thơ hay và nổi tiếng, nhưng đơn giản để dạy cho các học sinh.”

Cô giáo Loan Anh Phạm, người có kinh nghiệm dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt Ngữ ở Little Saigon trên 10 năm, chia sẻ: “Ngoài việc dạy tiếng Việt, tôi còn dạy cho các em múa và hát những bài nhạc Việt Nam. Theo tôi, vấn đề múa hát cũng là để các em học thêm tiếng Việt và nguồn cội của mình.”

“Ðối với các em sinh ra ở Mỹ, muốn dạy tiếng Việt cho các em thì rất là khó, tại vì khi các em được học tiếng Việt cũng là do sự thúc đẩy của cha mẹ, vì có rất ít các em thích đi học tiếng Việt. Vì thế, muốn cho các em thích thú khi đến những trường Việt Ngữ cũng là nhờ các phụ huynh hết lòng khuyên bảo các em. Ðồng thời các thầy cô giáo cũng phải hết lòng dạy dỗ các em và cần nói cho các em biết là, các em phải học tiếng Việt tại vì nguồn gốc của các em là người Việt Nam, để khi về nhà các em nói chuyện với ông bà, cha mẹ bằng tiếng Việt thì những người thân trong gia đình của mình vui và hãnh diện lắm,” cô nói thêm.

Ðược biết, Giáo Sư Trần Huy Bích đậu cử nhân văn chương Việt Hán tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, cao học và tiến sĩ về giáo dục và chính trị đối chiếu tại University of Texas, Austin. Ông dạy học từ năm 1957, nhiệm sở cuối cùng là phân khoa Nhân Văn thuộc Văn Hóa Vụ, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Ðà Lạt.

Tại Mỹ, ông từng là phó giám đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasadena City College, Pasadena, California, rồi làm quản thủ thư viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California, làm phụ tá quản thủ thư viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện đại học UCLA (1989-2001) và đại học USC (2002 cho đến khi về hưu năm 2007).

Từ khi về hưu, ông tích cực hỗ trợ Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California và Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California trong cương vị cố vấn. Mỗi tháng ông thường dành một buổi chiều cuối tuần tiếp những sinh viên trẻ với những câu hỏi về văn học, văn hóa Việt Nam.

Giáo Sư Trần Chấn Trí có bằng cử nhân ngôn ngữ học Tây Ban Nha của đại học UCI, bằng cao học và tiến sĩ ngôn ngữ học các thứ tiếng gốc La Tinh của đại học UCLA. Ông giảng dạy ngôn ngữ học và Việt Ngữ tại đại học UCI và dạy tiếng Tây Ban Nha tại Fullerton College. Ông từng xuất bản một số sách nghiên cứu về ngôn ngữ học Tây Ban Nha, sách giáo khoa tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha.