Kỷ niệm với những vị tiền bối của Trường Bưởi Print
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm   
Thứ Tư, 02 Tháng 2 Năm 2011 09:02

Là kẻ hậu sinh, tôi xin được bày tỏ lòng mến phục và biết ơn đối với cả hai vị tiền bối là Luật sư Trần Văn Tuyên và Nhà văn Nguyễn Hiến Lê

Tôi có cái may mắn được gần gũi thân thiết với một số trong các vị tiền bối huynh trưởng xuất thân từ trường Bưởi, vốn là tiền thân của trường Chu Văn An, là nơi tôi theo học hai lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất từ năm 1952 đến 1954 ở Hanoi. Nay nhân dịp sắp sửa bước qua năm Tân Mão, tôi xin lần lượt viết về những kỷ niệm thân thương với hai nhân vật nổi danh và được rất nhiều người quý mến. Đó là Luật sư Trần Văn Tuyên, và Nhà văn Nguyễn Hiến Lê.

1/ Luật sư Trần Văn Tuyên (1913 – 1976)

Luật sư Tuyên học ở trường Bưởi bắt đầu vào cuối thập niên 1920, cùng lớp với nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Thời còn là sinh viên trường Luật, ông còn đi dậy tại trường Thăng Long, cùng thời với ông Võ Nguyên Giáp. Ông lại rất nhiệt thành sinh hoạt với Phong trào Hướng Đạo Việt nam, ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ông còn hoạt động chính trị với Quốc Dân Đảng, nên hay bị người Pháp bắt giữ. Vào năm 1946, ông tham gia cộng tác với Bộ Ngoại giao với chức vụ Đổng lý văn phòng cho Bộ trưởng Nguyễn Tường Tam trong một thời gian ngắn.

Sau đó, ông vượt thoát sang Hongkong và sát cánh với Cựu hoàng Bảo Đại trong việc tranh thủ cho giải pháp của chánh phủ quốc gia vào hồi đầu thập niên 1950. Ông hành nghề luật sư nhiều năm ở miền Nam và đầu năm 1975 được bầu làm Thủ lãnh Luật sư Đòan Tòa Thượng thẩm Saigon. Ông còn tham gia với chánh quyền Việt nam từ thời trước năm 1954 với chức vụ Bộ trưởng, và thời Đệ nhị Cộng hòa với chức vụ Phó Thủ tướng trong Nội các của Bác sĩ Phan Huy Quát, rồi sau này làm Dân biểu Hạ Nghị Viện cho đến năm 1975. Sau khi chế độ miền Nam sụp đổ, ông đã bị bắt đi “học tập” và đã chết ở trại tù Hà Tây gần ga xe lửa Văn Điển vào tháng 10 năm 1976.

Tôi bắt đầu gặp gỡ và trở thành người thân thiết với Luật sư Tuyên từ năm 1965, qua một số anh em bạn rủ nhau đến sinh hoạt hàng tuần tại nhà của ông trên đường Hồng Thập Tự, khoảng đối diện với vườn Tao Đàn. Chúng tôi là những chuyên viên trẻ, cỡ tuổi trên dưới 30 thuộc nhiều ngành nghề, tất cả đều có chung một mối ưu tư trước tình hình khó khăn của đất nước với cuộc chiến tranh mỗi ngày một leo thang tới mức độ tàn khốc kinh hoàng. Chúng tôi đều coi Luật sư Tuyên là một bậc đàn anh đã từng có kinh nghiệm hoạt động nhiều năm về chính trị xã hội, nên muốn được học hỏi kinh nghiệm quý báu của vị huynh trưởng này. Dù nhiều anh em trong nhóm chỉ vào lứa tuổi của người con trai lớn của ông, nhưng tất cả đều xưng với ông bằng anh em, như trong lối gọi của tổ chức Hướng Đạo. Luật sư Tuyên rất tế nhị, ông không bao giờ tỏ ý rủ rê anh em chúng tôi tham gia vào bất kỳ một tổ chức chính trị đảng phái nào. Vì thế, các buổi sinh hoạt gặp gỡ hàng tuần trong căn phòng khách khá rộng rãi thoáng mát tại tư gia của ông, thì đều có được cái bàu không khí thân mật ấm cúng và thoải mái dễ chịu, tương tự như loại “salon litteraire” rất thịnh hành ở nước Pháp thời xưa.

Nói chung, thì chúng tôi thường trao đổi về những vấn đề thời sự nổi cộm lúc đó, và Luật sư Tuyên là người hướng dẫn cho chúng tôi hiểu biết rõ ràng hơn về sự phức tạp của sự việc, cả về mặt đối nội và đối ngoại, qua những phân tích rất sâu sắc thiết thực của một người vừa có kinh nghiệm hoạt động lâu năm, mà vừa có cái tầm nhìn bao quát, thông thoáng của một nhà trí thức đã từng dấn thân hết mình với sự nghiệp xây dựng của đất nước.

Ông còn kể rất nhiều chuyện về ngoại giao, điển hình như trong dịp tham dự đàm phán ở Geneva năm 1954, thì ông chứng kiến cái cảnh Chu Ân Lai cho vệ sĩ đến gọi Phạm Văn Đồng đến nói chuyện gì đó giữa lúc Hội nghị đang nghỉ giải lao tại đại sảnh đường của tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Ông thấy ông Đồng có thái độ cung kính đến độ khúm núm trước mặt đàn anh Chu Ân Lai, thì thật tội nghiệp cho cái thân phận nhược tiểu của cộng sản Bắc Việt đối với Trung cộng.

Riêng đối với tôi, thì ông luôn khuyến khích, yểm trợ tinh thần cho tôi trong loại công tác xã hội mà tôi tham gia với các bạn ở chương trình phát triển cộng đồng tại các Quận 6,7 và 8 Saigon hồi đó. Và cả tại văn phòng Luật sư đoàn cũng vậy, Luật sư Tuyên luôn biểu lộ thái độ ân cần dễ mến của một bậc đàn anh đối với lớp luật sư trẻ tuổi chúng tôi. Ông chuyên phụ trách các vụ việc về dân sự, thương mại, chứ rất ít khi tham gia tranh tụng trước Tòa án hình sự; nên hầu như không bao giờ tôi lại ở phía đối nghịch với ông trong một vụ án hình sự nào.
Nhà của ông phía trước có một cái vườn khá lớn, được trồng nhiều loại hoa và một số cây ăn trái. Nên tôi thường chở mấy đứa con nhỏ tuổi đến chơi tại đây với nhiều thứ dụng cụ đồ chơi, cho lũ trẻ được vui đùa thỏa thích. Vào buổi sáng sớm, trước khi đi làm mà tôi ghé đến chơi, thì được mời lên lầu trên để vừa uống cà phê, vừa chuyện trò với ông. Lúc đó ông vẫn còn mặc bộ bà ba bằng lụa trắng, và thường chỉ dẫn bài vở cho cô gái còn đang theo học ở cấp trung học. Phòng làm việc của ông la liệt là sách, được xếp trên các kệ thật cao. Ông cho biết là có nhiều cuốn sách rất quý do các Tòa Đại sứ và các bạn hữu ngoại quốc biếu tặng, hoặc do chính ông mua mỗi khi đi công du ở nước ngoài.

Sau khi ông mất ít lâu, thì vào năm 1981-82, gia đình phải thanh toán cái số sách khổng lồ này, và chị Phạm Thị Côn là phu nhân cho tôi được quyền chọn bất kể loại sách nào tôi thích. Chị nói với tôi: “Anh là người anh em thân thiết với anh Tuyên, nên tôi xin anh cứ việc giữ một số sách để làm kỷ niệm của nhà tôi đấy nhé…” Và tôi đã chọn được đến 30-40 cuốn sách mà tôi say mê đọc, điển hình là bộ sách trên 10 cuốn của nhà bác học về khảo cổ Teilhard de Chardin được xuất bản vào năm 1965-66, sau khi tác giả mất vào năm 1955 cùng lúc với Albert Einstein.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với gia đình Luật sư Tuyên là câu chuyện như sau: Vào năm 1969, Tòa Đại sứ Nhật có biếu Luật sư Tuyên mấy kilô thịt bò Kobe. Nên ông bà mới cho mời một số anh em tụi tôi đến nhà ăn bữa cơm gia đình. Tôi nhớ có đến 15-17 người chúng tôi đến dự bữa tiệc hy hữu đó. Tôi đã đi nước ngoài nhiều lần, nhưng chưa bao giờ dám vào một tiệm ăn nào để mà thưởng thức cái món thịt bò vừa danh tiếng, mà lại vừa đắt giá này. Cho nên đây là lần duy nhất, mà nhờ có lộc của Luật sư Tuyên, nên tôi đã được nếm cái món thịt bò Kobe vậy đó.

Về cái chết của Luật sư Tuyên, thì tôi được Bác sĩ Nguyễn Văn Ái cho biết là ông bị chết vì bệnh “hypertension” (cao máu) vào cuối tháng 10 năm 1976, chỉ hai tháng sau ngày từ miền Nam chuyển ra trại Hà Tây ở gần Hanoi. Ấy thế mà mãi đến hai năm sau, vào năm 1978, sau nhiều tháng khiếu nại với các giới chức ở Hanoi, trong đó có cả các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vốn xưa kia trước năm 1945 đều là những người bạn thân thiết với Luật sư Tuyên, thì gia đình mới được thông báo chi tiết về cái chết của ông, với đày đủ cả biên bản của Ban Giám thị trại giam và hình ảnh tang lễ của người “tù nhân bất khuất” này.

2/ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984)

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng học ở trường Bưởi vào hồi cuối thập niên 1920. Sau khi đậu bằng Thành chung (diplôme), thì ông thi vào lớp cán sự công chánh (agent technique). Và khi ra trường thì ông được bổ nhiệm vào làm việc tại miền Nam từ năm 1934. Nhưng sau này ông lại làm việc toàn thời gian như một nhà văn, chuyên về dịch thuật và biên khảo. Có thể nói ông là người có nhiều tác phẩm nhất trong số các người viết văn ở miền Nam Việt nam trước năm 1975. Chỉ trong vòng 25 năm, tính từ năm 1950, thì ông đã cho xuất bản được đến cả một trăm cuốn sách. Đó là chưa kể những bài báo rất có giá trị, mà thường được đăng trên tạp chí Bách khoa. Sách của ông nhiều cuốn bán rất chạy và đã được tái bản nhiều lần, kể cả sau năm 1975.

Từ năm 1976 trở đi cho đến ngày ông qua đời vào cuối năm 1984, thì tôi thường có dịp đến thăm viếng và chuyện trò trao đổi với bậc đàn anh rất mực khả ái này tại nhà riêng của ông trên đường Kỳ Đồng thuộc Quận Ba thành phố Saigon. Lâu lâu ông bà lại về nghỉ tại Long xuyên trong căn nhà xưa kia là của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Liệp, phu nhân của ông (bà thứ thất). Vì sống cả ở thành phố, cả ở thôn quê, nên ông phải chứng kiến nhiều chuyện ngược đời, chướng tai gai mắt vào mấy năm xáo trộn sau năm 1975. Ông cụ kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện tai nghe mắt thấy tại hai địa phương Saigon và Long xuyên. Và cả những chuyện do bà con và các bạn của ông từ ngòai Bắc vào thuật lại với ông nữa. Các chuyện này ông đã ghi lại khá chi tiết trong tập Hồi ký ba cuốn do nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành tại hải ngoại hồi giữa thập niên 1980, sau khi ông qua đời.

Nói chung, thì qua thực tế mà chính bản thân ông đang thấy trước mắt, thì ông càng thêm bất mãn, thất vọng đối với cái chế độ của người cộng sản, mà trước đây ông vẫn lầm tưởng là nó có phần lý tưởng, tốt đẹp hơn cái chế độ thối nát ở miền Nam.

Vào năm 1979, trong một dịp đến thăm ông, thì tôi lại gặp cả cụ Đào Duy Anh từ Hanoi vào và cũng đang ở nhà chung với ông. Qua câu chuyện trao đổi với cụ Đào bữa đó, tôi vẫn còn ghi nhớ được nhiều chuyện thú vị như sau. Cụ Đào nói với tôi, đại khái như: “Chúng tôi ở ngoài Bắc bao nhiêu năm mà như sống trong cái “vase close” (bình bị bịt kín), đâu có được đọc sách báo, coi phim ảnh tự do thoải mái như quý vị ở miền Nam. Chúng tôi còn bị bọn “cường hào học thuật” nó làm tình làm tội bọn tôi, thật là điêu đứng khốn khổ mọi bề…” Nghe vậy, tôi mới hỏi ngay cụ Đào rằng: “Đây là lần đầu tiên cháu được nghe đến mấy tiếng “cường hào học thuật”. Vậy xin cụ cho biết cụ thể đó là những nhân vật nào vậy?” Ông cụ nói ngay: “Đó là mấy ông Văn Tân, Văn Tạo vẫn làm Viện trưởng Viện Sử học và Viện Văn học ấy…” Cụ Đào còn nói: “Phải có nhiều cuộc cách mạng, thì cuộc sống con người mới lần hồi được cải thiện như lòng mong ước của đa số quần chúng nhân dân được…”

Cụ Đào chuyện trò tâm sự với tôi cởi mở thân tình như thế, vì cụ được cụ Lê giới thiệu rất ân cần về tôi như là một người luật sư trẻ mà cụ thật là tín cẩn. Trong nhiều năm được tiếp súc gần gũi với cụ Lê, tôi thật cảm mến cái đức tính bao dung khoan hòa của một người đã có những đóng góp lớn lao về văn hóa cho nước nhà. Thấy tôi ham đọc sách, cụ đem tặng cho tôi rất nhiều cuốn có giá trị, điển hình như cuốn “Cổ văn Trung quốc” do cụ biên soạn hồi giữa thập niên 1960, và cuốn “Les desillusions du progres” của vị đại sư Raymond Aron viết cho bộ tự điển bách khoa Encyclopedia Britannica và bản tiếng Pháp xuất bản năm 1969. Trong cuốn này, cụ còn viết lời đề tặng như sau: “Xin tặng ông Đoàn Thanh Liêm. Xin ông giữ làm kỷ niệm. NHL”. Vào năm 1980, cụ được người cháu làm việc cho Liên Hiệp Quốc ở Geneva về thăm và đem cho cụ một số sách mới xuất bản ở Pháp, thì cụ đều cho tôi mượn để đọc nữa.

Quả thật, cũng như đối với Luật sư Tuyên, tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích nơi cụ Lê, cả về mặt kiến thức, cũng như về phong cách sống thanh đạm, khiêm tốn mà khoáng đạt của người quân tử.

Sau này, cụ còn cho thêm nhiều cuốn sách khác dành riêng cho lũ con của tôi. Cụ nói: “Tôi đã dành nhiều sách riêng cho mấy cháu nội của tôi ở bên Pháp rồi. Còn lại bao nhiêu, tôi chia bớt cho bà con bạn bè. Vì tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho “mon grand depart” cũng sắp phải tới nữa rồi…” Và cuối cùng, cụ Nguyễn Hiến Lê đã ra đi lặng lẽ vào ngày cuối năm 1984, ở tuổi 73.

Nhân tiện, tôi cũng xin ghi lại mối liên hệ của cụ Lê với Luật sư Tuyên. Nhà cụ Lê ở lại gần với nhà của Luật sư Nguyễn Văn Huệ là người cùng chung văn phòng với Luật sư Tuyên, nên hai ông cụ thường hay trao đổi tin tức trong trại tù của Luật sư Tuyên. Cụ Lê nói với tôi: “Hồi anh Tuyên học chung lớp với tôi ở trường Bưởi, tôi thấy anh ấy rất giỏi về nhiều môn học, nhất là môn Toán. Anh ấy mà học về khoa học, thì anh vẫn có thể thành công lắm. Trước đây, tôi cũng không gần gũi nhiều với anh, vì chúng tôi ở hai lãnh vực hoạt động khác nhau. Nhưng gần đây, tôi được biết đến cái thái độ cang cường bất khuất của anh lúc ở trong nhà tù cộng sản, thì tôi càng mến phục anh. Nay anh qua đi, nhưng cái bản lãnh, cái chí khí của một con người như anh Tuyên thì là một tấm gương sáng cho các thế hệ sau này vậy…”

Chứng từ của một người bạn đồng song tại trường Bưởi ở Hanoi vào cái thời cả hai người còn ở tuổi niên thiếu về Luật sư Tuyên như vậy rõ ràng là rất có giá trị. Và riêng tôi là người có cái duyên được gần gũi thân quen với cả hai vị tiền bối này, thì tôi rất cảm kích trước cái tấm lòng chân thật của cụ Lê đối với người bạn học năm xưa của mình.

Là kẻ hậu sinh, tôi xin được bày tỏ lòng mến phục và biết ơn đối với cả hai vị tiền bối là Luật sư Trần Văn Tuyên và Nhà văn Nguyễn Hiến Lê về những sự việc đã được tường thuật chi tiết trong bài viết này.

Các vị thật xứng đáng với danh hiệu là những “bậc Sĩ phu Bắc hà”. Và hai cụ rõ ràng là niềm tự hào cho tất cả các môn sinh của
Trường Bưởi – Chu Văn An chúng ta vậy.

LS Đoàn Thanh Liêm
(Xuân Tân Mão 2011)