Vài Nét Chấm Phá Chân Dung Một Nghệ Sĩ, Lam Phương Print
Tác Giả: Ly Châu   
Thứ Ba, 14 Tháng 12 Năm 2010 18:48

Thầm lặng là khoảnh khắc thời gian tiếng nói con tim vang vọng nhiều nhất.

Hay nói một cách triết lý hơn như triết gia Heidegger, “kỷ niệm thường làm ta đau khổ vì sự gần gũi những gì đã xa cách”. Nếu hai nhận xét trên phản ảnh đúng phần nào tâm thức và cuộc đời con người thì có lẽ không sai lắm với nhạc sĩ Lam Phương. Đối với người nghệ sĩ này dường như trên phân nửa thời gian của một ngày ở trên đời là sống với thầm lặng. Trời đã sinh ra anh như vậy và người đời cũng may có một người như anh vậy, dành cả một đời người viết nhạc để ru đời.

Lam Phương, tên thật Lâm Đình Phụng, sinh năm 1937 tai Rạch Giá, thường cũng được biết qua tên tỉnh Tỉnh Kiên Giang. Một địa phương kinh tế trù phú, ruộng lúa mênh mông, biển khơi lồng lộng và sông rạch giao lưu chằng chịt. Dân tình đôn hậu, hiếu khách nhưng đôi khi cũng biết lãng mạn đến sức mùi mẫn, mềm lòng. Lịch sử nam tiến dân Việt những ngày khẩn hoang, khai kinh, xẻ rạch tại vùng đất phèn đầy lau sậy phía cực Nam nước Việt này cũng đã diễn tả lại nỗi lòng người khách viễn phương lìa xa tổ ấm thơ nhi để mưu tìm đời sống tươi đẹp hơn, khai phóng hơn qua thơ văn ca dao Nam bộ:

Đường đi Rạch Giá, thị quá sơn trường,
Gió lay bông sậy dạ buồn tái tê.

Sự chất phát có sao nói vậy, không bóng gió không đẩy đưa và đôi khi bị gán cho là khù khờ vì tự tròng vào cổ tấm bảng “Chàng họ Sở” nếu chúng ta nghe những lời giã biệt và trần tình của một chàng trai quê Rạch Giá tả oán với một cô thiếu nữ chợ Sài Gòn.

Chợ Sài Gòn cẩn đá, Chợ Rạch Giá tráng xi-mon, Giã em ở lại vuông tròn, Anh về xứ sở…hết còn ra vô

Nói thêm một chút về Rạch Giá. Trung tâm thành phố này thời Pháp thuộc được gọi là “Rạch Giá Ville” và thời Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm cũng được gọi là Châu Thành Rạch Giá. Về sau, qua đợt caỉ tổ hành chánh được sửa là Thị Xã Rạch Giá. Nơi đây có ngôi chợ do người Pháp cất lên là “Le Marché Central”, còn dân bổn địa lại quen gọi là Chợ Nhà Lồng – không hiểu tại hình dáng ngôi chợ giống “chiếc lồng” hay kích thước ngôi chợ có “bề dài” nên kết hợp “nửa Ta, nửa Tây”, thay vì “Chợ Nhà Dài” lại gọi là “Chợ Nhà Lồng” (nói trại từ chữ Pháp “long” có nghĩa là “dài”)? Đặc biệt Chợ Nhà Lồng Rạch Giá đã có một thời kỳ được coi như quán ghé bên đường , cơm hàng cháo chợ của thi sĩ nổi tiếng miền Bắc là Nguyễn Bính trong những ngày dân tộc kháng Pháp vào thập niên 1940 và lưu lạc về miền cực Tây của phương Nam. Bối cảnh và tâm tình của người thi nhân đất Bắc cảm ngộ quê Nam viết lên những dòng thơ tuyệt tác:

Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rươụ này

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say rồi gọi thế nhân ơi!

Nguyễn Bính đã ngồi giữa chợ để nhâm nhi, huống tình rồi tuôn thơ nhả chữ ào ào còn gì nữa! Giai thoại kể lại có một lần nọ nhà thơ thích rượu này đã cập kè một môn sinh học nghề thi sĩ (sau thành danh là thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà nổi tiếng với bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Aó Tím” ) đi uống rượu với ông trong “Chợ Nhà Lòng” tới khi cả hai đều say khướt. Đêm đó trời mưa lất phất, hứng chí làm sao không biết mà cả hai thầy trò thi sĩ dắt díu nhau tới ngủ qua đêm dưới mái hiên của một ngôi đền thờ ông Nguyễn Trung Trực, một vị anh hùng dân tộc đã bị giặc Pháp chặt đầu tại chợ Rạch Giá vào năm 1868.

Và người nhạc sĩ trầm lặng và tài hoa, Lam Phương, sinh ra và lớn lên trên đất Rạch Giá hẳn cũng qua những năm tháng tiêu dao, la cà quà bánh tại ngôi Nhà Lồng Chợ như người thi sĩ viễn phương Nguyễn Bính?

Đời sống trong âm nhạc của Lam Phương rất là sôi nổi nồng nàn và ướt át. Tuy nhiên, đời sống gia đình và hôn nhân của anh-giống như tâm tính và phong thái của anh-rất ư là trầm mặc, biển yên sống lặng. Nhưng có “sóng ngầm”hay không thì lại không được rõ? Nếu có thì chắc anh cũng hứng hết và dưới ánh đèn kia anh thăng hoa thành lời ca và nốt nhạc! Được biết anh “chính thức” kết hôn chỉ có một lần. Người bạn đời đó là nữ kịch sĩ Túy Hồng, rất nổi bật trong những vai bi lụy, thương cảm trong nhiều vở thoại kịch trước năm 1975 tại quốc nội cũng như sau này nơi hải ngoại. Những người Việt hải ngoại mê “phim bộ” Đài Loan, Hồng Kông tin ý một chút chắc cũng nhận ra tài chuyển âm lồng tiếng của người kịch sĩ này trong vai những cô bé nhí nhảnh, người thiếu nữ bị tình phụ hoặc bà mẹ chồng rắc rối. Đôi uyên ương nghệ sĩ sinh được hai cháu gái Ánh Hồng và Ánh Loan. Vì một lý do thầm kín nào đó, nay nhạc sĩ Lam Phương tạm giã biệt người bạn đời, “bỏ đất hứa” Hoa Kỳ sáng soi ánh đèn neon trắng toát để về lại “chiếc nôi” Pháp quốc, nơi có những nghệ sĩ sống cô liêu trên căn gác rung rinh, hắt hiu ánh đèn vàng qua song cửa, có sân ga xập xình những đoàn tàu lui tới, và có những Parisiens quanh năm ngủ gà ngủ gật, chỉ choàng tỉnh dậy sau hồi còi tàu xé tan không gian mờ đục sương khói. Anh Lam Phương, mấy chục năm trước, khi anh viết bài “Ngày Tạm Biệt” anh đã làm xao xuyến bao con tim học trò mộng mộng, mơ mơ, vào những dip liên hoan bãi trường, anh có nghĩ rằng mấy chục năm sau, anh sẽ hát bài nhạc đó cho chính anh trong buổi phu thê chia tay?. Tương lai đã thấy trước, hay định mệnh được an bài?

Ầu Ơ…GIAI ĐIỆU VỌNG CỔ NGŨ CUNG

Người nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ sáng tác như văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ…là những con người đặc biệt có những tâm hồn phong phú và nhạy cảm hơn người thường. Chỉ một “duyên cố” hay “duyên ngộ” bắt trúng “tần số tâm hồn” của người nghệ sĩ đó xem như khởi phát – hay nói theo triết lý đạo phật là khai tâm hay khai ngộ-một sự nghiệp văn chương hay nghệ thuật của đời người nghệ sĩ đó. Văn hào Pháp Marcel Proust chỉ vì “miếng bánh bông lan bên tách trà” mà viết nên cả danh tác đồ sộ “Đi Tìm Thời Gian Đã Mất” (A la Recherche du Temps Perdu); và mỗi khi cắn khẽ miếng bánh, nâng tách hớp nhẹ ngụm nước trà là cõi lòng xúc cảm rạt rào… Nhạc sĩ Lam Phương cũng không đi ra ngoài thông lệ tương tự đó. Chất liệu nguyên sơ-theo sự thố lộ của anh gần đây – là hình ảnh “ruộng lúa bao la, cò bay thẳng cánh” trong khung cảnh ấm cúng, tuơi vui của mùa gặt lúa tại miền Nam. Hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng rực trong những ngày anh theo mẹ chạy loạn tại Rạch Giá thời kỳ toàn quốc chống Pháp đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn của một cậu bé đa sầu đa cảm. Những rung cảm chân thành đó là chất liệu nghệ thuật giúp cậu bé được trời thương phú cho thiên khiếu âm nhạc mấy năm sau viết thành bài nhạc “Khúc Ca Ngày Mùa”. Hoạt cảnh sinh động giã gạo, xay lúa, vừa lao động, vùa vui chơi hát hò rộn rã dưới ánh trăng, đã được Lam Phương ghi lại bằng một tiết tấu vui nhộn, lời ca lành mạnh:

Kìa thôn quê dưới ánh trăng vàng bát ngát. Aùnh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiêu hồn quê bao khúc ca yêu đời. Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát. Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát. Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời… Hò là hò hơ, hó lơ hò lơ. Này anh em ơi! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh. Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi. Khoan hò khoan, tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài…

Với Lam Phương, Rạch Giá là nơi chôn nhau cắt rún, vui chơi, học hành và khôn lớn. Bao kỷ niệm thân yêu đã bàn bạc trong những bài ca, ý nhạc mà anh sáng tác suốt trên lộ trình dài nghệ thuật. Những ngày chưa ly hương trước năm 1975, bỏ Rạch Giá lên sống tại Sài Gòn mà tim anh đã thổn thức nỗi sầu trong nhạc phẩm “Kiếp Tha Hương”:

Chiều đi lặng lẽ màn đêm dần trôi. Bâng khuân vì gió đông đến tim côi. Ngã mình nghe lá khô nhẹ rơi. Thấy lòng anh bớt cô đơn giữa ánh đèn kinh đô sáng soi…Giờ đây đàn khóc, sầu chi đàn ơi! Lên vai cùng lê đôi gót tha hương…

Chỉ mới từ giã miền quê lên sống chốn thị thành không bao lâu, anh cũng đã “Xin Thời Gian Qua Mau” rồi, và trong bài nhạc này, anh cũng đã trách cứ mình sao vì chút lợi danh hư ảo của chốn phồn hoa đô hội và vội giã lìa mái nhà xưa yêu dấu:

Cuộc đời là hư ảo
Bôn ba chi xứ người
Khi mình còn đôi tay?

Nỗi sầu xa quê hương của anh đã cao ngút như thế đó. Nói chi niềm đau mất nước trong trái tim nhạy cảm của nghệ nhân Lam Phương, nơi nỗi lòng âm thầm của người Lâm Đình Phụng. Sau hơn một chục năm lê đôi gót tha hương nơi xứ người, anh đã thống thiết viết nên những dòng nhạc trên “Đường Về Quê Hương” để nói lên tâm tư khắc khoải của một con người lưu vong biệt xứ, ước mong một ngày về trên quê hương thanh bình.

Đến bao giờ trở về Việt Nam? Thăm đồng lúa vàng thăm con đò chiều xưa. Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, nghe gió chiều nhẹ đưa…quê hương ơi Việt Nam nước tôi. Tôi mong ngày về từng phút người ơi. Quê Hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi chào đời. Bây giờ mình đã đôi nơi. Bây giờ buồn lắm người ơi!…

Nhớ lại một ngày họp mặt tất niên năm 1985 tại trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân. Để đóng góp cho buổi “liên hoan đạm bạc” của người lưu dân trên đường tị nạn, chỉ có kẹo bánh trà nước, hai cô em gái quê Vĩnh Long của sông Tiền, sông Hậu đã cất lên tiếng hát với khúc ca đó. Nghe chưa hết bản nhạc tự nhiên nước mắt tôi tuôn rơi lã chã không cầm lòng được. Thú thực trong giây phút tuôn rơi nước mắt đó, tôi cảm thấy hơi mắc cở vì tự dưng “nam nhi chi chí” sao lại để mềm lòng, mau nước mắt như quần thoa thương nữ! Quả thực lúc ấy tôi không biết bài nhạc đó tác giả là ai. Đến khi qua sống trên xứ người mới biết đó là “con đẻ tin thần” của thần tượng âm nhạc mình vốn ái mộ từ thuở thích nghêu ngao vài dòng giọng cổ, năm bảy bài tân nhạc. Không dè bài nhạc “tức tưởi” vì nỗi sầu vong quốc đó lại là của anh Lam Phương.

Tâm thức bén nhậy và ký ức sắc bén của một cậu bé cách đây gần bốn mươi năm vẫn còn in đậm trong trí nhớ giờ đây đã khác xưa – chuyện cũ nhớ, chuyện mới quên – hình ảnh mồn một của một thanh niên có dáng dấp dong dỏng và điển trai, đến chơi nhà một người bạn lối xóm sát vách. Dãy phố 18 căn Xóm Chùa Bà Rạch Giá. Tôi nhớ không được rõ lắm là dường như bà kế mẫu (người Nam thường gọi là “má ghẻ”) của thân mẫu người bạn tôi cũng là bà kế mẫu của anh Lam Phương, nhưng cả hai người có cùng chung một bà kế mẫu lại không liên hệ huyết thống gì với nhau. Và bà mẹ ghẻ này, khác với thói thường, rất hiền từ và thương yêu con chồng. Trí nhớ như in của cậu bé 10 tuổi, 11 tuổi còn nhớ hôm đến chơi nhà người bạn sát vách đó, anh Lam Phương mặc chiếc áo chim cò rằn ri cộc tay, đầu chải tém có nhấn “bánh lái” hơi đưa ra phía trước trán bằng “bờ-ri dăn-tin” láng cóng theo “mốt” thời trang thanh niên miền Nam những năm 1950. Bà mẹ người bạn lối xóm từ thuở ba bốn tuổi của tôi tên là Trần Thị Hoa, mà tôi gọi là Bác Ba từ tấm bé. Nhắc lại chắc anh Lam Phương còn nhớ. Cũng qua một người cậu (bên vợ) – Châu Đồng Hoài, một cưụ sĩ quan cảnh sát của miền Nam trước năm 1975-là bạn quen biết nhiều với Lam Phương, tiết lộ thêm vài “bí mật quốc phòng” về lý lịch của “yến nhân” Lam Phương. Những năm sinh sống tại chợ Rạch Giá, anh Lam Phương được một ông dượng là nhà giáo Phan Văn Mỹ, người đã đào tạo nhiều lớp môn sinh tại trường tiểu học Vĩnh Lạc, bảo bọc cho ăn học. Thầy giáo Mỹ cũng là thầy học của cậu Châu Đồng Hoài, nhờ qua mối liên hệ này nên đôi bên mới quen biết và chơi thân với nhau. Theo người cậu này bản tính anh Lam Phương rất ôn nhu, trầm lặng. Tuy không bù lu bù loa như một số thanh niên miền lục tỉnh đôi khi “ham nói” ào ào tới mức phiền bà con xung quanh, nhưng khi “tâm tình” anh rất chân thành hòa nhã. Tôi còn nhớ lời kể của một người thầy giáo tiểu học – thầy Ong Hưũ Thành, một người bạn học cũ của anh Lam Phương tại Rạch Giá cho biết “bạn” Lam Phương là người bạn học hiền lành, ít nói nhất lớp, ưa ngồi trong lớp “một mình một chợ” trầm mặt như ông thầy tu nhập tịnh. Gần đây, tình cờ tôi cũng được dịp tiếp anh chị Mai Thanh Xuân ghé nhà chơi-anh Mai Thanh Xuân là trưởng nam của cụ Mai Thọ Truyền, một nhân sĩ khả kính của miền Nam-và anh chị kể lại qua cậu chuyện “bàn tronụ”ụ chè chén là những năm hai anh chị chưa tái định cư tại California, thường gặp anh Lam Phương viếng quán ăn “Đào Viên” tại Paris lúc nào cũng thấy anh ấy đi “solo” tìm ngồi ở quán gốc thanh vắng, âm thầm đến, âm thầm ngồi bên ly cà phê đắng, rồi cũng âm thầm đi… Nói về âm nhạc và đường hướng sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương dường như ít được ai nói tới, ngoài một hai bài viết ngắn của nhà văn Duyên Anh. Điểm hay nhất chất lọc được từ những dòng chữ nghĩa của nhà văn kỳ tài Duyên Anh khi ông viết về con người và âm nhạc Lam Phương là sự so sánh với nhân vật Kiều Nguyệt Nga và nội dung tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, thường được dân Nam gọi tắt là cụ Đồ Chiểu. Đạo nghĩa cao đẹp nhất mà cụ Đồ Chiểu muốn nêu lên và ký thác trong Lục Vân Tiên là:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.

“Hơi thơ” trong Lục Vân Tiên phản phất âm hưởng u trầm, thống thiết như tiếng đàn bầu độc huyền cầm. Thơ Cụ Đồ Chiểu được ngâm hay đọc lên với đệm đàn bầu là sự phối hợp lý tưởng, như sự tương hợp của chim loan sánh cùng chim phượng. “Hơi thơ” của tuồng thơ Lục Vân Tiên được coi như “chủ âm” hình thành giai điệu “vọng cổ” độc đáo của nhạc miền Nam, nói rõ hơn, của ca nhạc miền Lục Tỉnh. Sinh ra và lớn lên trong điệu ru con bằng thơ “Vân Tiên” của mẹ hiền, qua “sáu câu vọng cổ” ru em của người chị, do đó “hơi nhạc” của Lam Phương có phảng phất giai điệu vọng cổ ngũ cung cũng là lẽ đương nhiên.

Không ít người nghe một số bài nhạc của anh Lam Phương đã buột miệng thốt lên, “sao nghe giống cải lương quá!.” Không sai chút nào giống như chữ “cải lương” không hiểu theo nghĩa “rẻ tiền” trong nghĩa bóng. Thử nghe qua cái bài nhạc của anh, như Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Tình Cố Đô, Chiều Hoang Vắng, Đèn Khuya, Rừng Xưa, Duyên Kiếp…sẽ thẩm định được ngay “hơi” vọng cổ trong âm nhạc Lam Phương.

Theo nhạc sĩ lão thành Phạm Duy, qua cuốn sách biên khảo mang tựa đề “Đặc Khảo Về Dân Nhạc ở Miền Nam” thì tại Vĩnh Long, vào khoảng những năm 1920, đã hình thành một loại nhạc gọi là “nhạc tài tử” mà người đã dành nhiều thì giờ, tiền của để xây dựng và phát triển là ông Trần Quang Quờn, một công chức đã sáng tác một số bài nhạc tài tử có tên rất hấp dẫn như, Hiệp Điệp Xuyên Hoa (Đàn Bướm Hút Nhụy Hoa), Kim Oanh Trịch Liễu ( Chim Oanh)